Hệ quả từ các đập thủy điện ở Lào và Thái Lan đến ĐBSCL

Print Friendly, PDF & Email

 

mekong_dams

Tác giả: GS Chung Hoàng Chương (phỏng vấn)

Ngày 16/8 vừa qua, Lào đã chính thức khởi công đập thủy điện Don Sahong. Theo GS, đập thủy điện trên mang ý nghĩa như thế nào đối với Lào?

Quan ngại này cũng đã kéo dài được nhiều năm, kể từ khi đập Xayaburi được khởi công. Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào – Viraphon Viravong, từ giờ, Lào phải đặt mạnh vấn đề triển khai thủy điện. Tôi đã đi tới Don Sahong và những làng dọc theo 17 nhánh của dòng sông này.  17 nhánh này chằng chịt và tạo nên mô hình có đến ngàn đảo. Đây là một khu sinh thái rất đặc biệt và có một tầm lịch sử rất quan trọng.

Từ năm 1800, nhiều đoàn thám hiểm đi dọc theo sông Mê Kông để triển khai “đường trà”. Xuất phát từ phía đồng bằng, các đoàn này đi lên ngang qua những nhánh sông thuộc tỉnh lỵ Mondulkiri nhưng lại bị ngăn cản khi đến Pakse bởi thác Khone. Thác Khone hùng vĩ và có thể xem là linh hồn của vùng Đông Nam Á. Nhưng, đập thủy điện Don Sahong lại được xây dựng ngay trong khu vực này.

Mặc dù chính phủ Lào nói rằng đó không phải là nhánh chính nên sẽ không gây ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu quốc tế thì nhánh này lại rất được chuộng bởi các loài cá, bao gồm: giống cá da đen và da trắng. Trong đó, các loại cá da trắng là cái loài bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi lẽ, đập này sẽ ngăn cản các loài cá này tiếp cận nguồn protein thuộc vùng Pakse và các khu vực xung quanh khác.

Vì vậy, khi tôi ở Don Det và Don Khon, tôi đã đi quan sát. Lúc đó, họ mới làm mặt bằng, các thiết bị máy móc lớn vẫn chưa được triển khai. Ngay lúc đó, những phản ứng không chỉ của Việt Nam, mà còn của Campuchia nhận định rằng điều này [việc xây đập] ảnh hưởng rất nhiều về nguồn cá, nguồn nước, đến Ramsar (hay còn gọi là công viên nước ngập) ở tỉnh lỵ Stung Treng của Campuchia.

Những quan ngại trên đã được nêu lên bởi các tổ chức quốc tế, từ các chuyên gia quốc tế như giáo sư Newton Osborne ở tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers – IR). Ở Việt Nam, Mekong River Network (Mạng lưới sông Mê Kông) cũng lên tiếng rằng đập thủy điện này có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cũng như sinh kế của hàng triệu người dân ở đồng bằng Sông Cửu Long.

Lào đã tiến hành xây dựng đập thủy điện bất chấp phản đối từ các quốc gia ASEAN. Như vậy, GS có cho rằng hành động này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao ở bán đảo Đông Dương nói riêng và ASEAN nói chung?

Tôi nghĩ hành động này có ảnh hưởng rất tiêu cực tới quan hệ ngoại giao khu vực. Chẳng hạn, từ trước tới nay, trong ASEAN có một điều khoản là làm thế nào để giữ được một môi trường bền vững. Nhưng những năm gần đây, các thành viên ASEAN lại thay đổi thái độ.

Vì vậy, tôi nghĩ các điều khoản đã được thỏa thuận trước lại bị các thành viên này thay đổi rất nhiều. Nếu như bây giờ không có một sự đồng thuận, một thỏa ước đặt trên một bộ nguyên tắc ứng xử chung của toàn khối với các công cụ pháp lý mang tính ràng buộc hơn, thì các quốc gia sẽ tùy tiện tranh giành đất đai, nguồn nước.

Khi tôi tới tỉnh Chiang Rai, tôi có gặp một người Thái. Anh nổi tiếng vì luôn muốn giữ môi trường xanh đẹp cũng như làm sao cho con sông của anh ta không bị những đập nước ảnh hưởng. Anh Nirat Waikeo đã thành lập tổ chức vận động dân chúng trong vùng lên tiếng. Họ đang kiện một tổ chức mà đằng sau tổ chức đó là một công ty lớn của Trung Quốc nhằm ngăn cản việc xây dựng một dự án đập nước.

Như vậy, phía sau sự kiên quyết của Lào phải chăng có yếu tố Trung Quốc?

Dự án Pak Beng sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Don Sahong thì chưa chắc chắn. Mega First – công ty tài trợ dự án này có trụ sở ở Malaysia. Như đã trình bày, công nghệ thủy điện của Trung Quốc đã triển khai rất lâu và dù họ vận hành nhưng tôi nghĩ rằng đằng sau lưng nó là một tổ chức của Trung Quốc, sử dụng rất nhiều công nhân. Nếu Mỹ là quốc gia từng thực hiện phân nửa các dự án đập nước trên thế giới thì một nửa phần còn lại là do các nhà thầu Trung Quốc tiến hành.

Do đó, Trung Quốc cần rất nhiều dự án để nuôi dưỡng một khối lượng công nhân và kỹ sư, chuyên gia khổng lồ. Nguyên nhân là do trong những năm dưới thời Thủ tướng Ôn Gia Bảo – một kỹ sư về địa chất – ông lo ngại về tác động của việc xây dựng các đập nước nên các tập đoàn lớn chuyên xây dựng các dự án thủy điện bị ngưng hoạt động.

Vị Thủ tướng này cho rằng cần phải ngừng lại để tái nghiên cứu. Chính vì vậy, đến dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, khi được hoạt động trở lại, các tập đoàn này cần rất nhiều nguồn tài chính đến từ các dự án thủy điện. Đặc biệt là sau khi giới hạn về lượng khí nhà kính được tăng thêm 2 độ, Trung Quốc đã lợi dụng khoảng hở này để tăng cường triển khai các dự án thủy điện. Trung Quốc biết rõ họ không thể tiếp tục triển khai các dự án thủy điện trên các con sông lớn ở Vân Nam như Lan Thương, Trường Giang và Nộ Giang,… Nhưng trong ngắn hạn, các dự án này sẽ có thể giải quyết vấn đề việc làm và tài chính cho người dân và doanh nghiệp Trung Quốc.

Báo chí đưa tin vào giữa tháng 8, chính phủ Lào vừa chính thức tổ chức khởi công dự án thủy điện Don Sahong và chuẩn bị khởi công tiếp dự án Pak Beng vào năm sau, Thái Lan cũng chuẩn bị một “siêu” dự án chuyển nước 4 tỉ m3 khỏi dòng Mê Kông. Như GS đã nhắc đến sự ảnh hưởng của dự án này đến dòng Mê Kông, ông có thể cung cấp chi tiết hơn về những ảnh hưởng mà các nước tiểu vùng sông Mê Kông có thể gặp phải, đặc biệt là Việt Nam?

Nếu như Lào triển khai toàn bộ 12 đập nước như đã lên kế hoạch, tôi nghĩ rằng khả năng ảnh hưởng là rất nhiều. Nó sẽ chặn nguồn nước, nguồn phù sa và sinh kế của hàng triệu người chẳng những ở lưu vực của sông Mê Kông bên phía Lào mà cho cả Campuchia và Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, Lào nói đập Pak Beng và đập Don Sahong sẽ bán một phần năng lượng điện cho Thái Lan, Việt Nam cũng như một phần cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, phần lớn những đập được xây lúc này đều sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Những công nghệ này đã có tuổi đời rất lâu rồi. Từ 1990, họ đã triển khai đập Tam Hiệp. Hiện tại, với tình hình biến đổi môi trường và khí thải nhà kính, thì những cái đập khổng lồ của Trung Quốc và giờ là của Lào sẽ gây nên ảnh hưởng rất là nghiêm trọng. Mặc dù đập Don Sahong của Lào chỉ có công suất 260MW nhưng nó sẽ chặn rất nhiều nguồn cá và các nhánh sông. Hiện tại, chính phủ Lào tuyên bố sẽ làm những bậc thang cho cá đi ngược trở lên, tương tự như mô hình châu Âu. Vấn đề là loài cá ở đây khác với loài cá ở châu Âu.

Bên cạnh đó, những thẩm định này cũng đã quá cũ rồi. Chúng ta cần những mô hình mới. Chẳng hạn, họ nói là có thể có 20% – 30% cá vượt bậc thang để lên trở lại. Nhưng liệu sau khi vượt bao nhiêu bậc thang đó, con cá có còn đủ khả năng sinh sản hay không? Có những câu hỏi mà khoa học chưa có câu trả lời. Cho nên khi đập này vận hành sẽ có những lo ngại về hậu quả sẽ như thế nào. Theo nguyên tắc, khi diễn ra các cuộc gặp gỡ giữa các nước trong tiểu vùng, Lào phải thông báo họ sẽ làm như thế nào, cũng như cung cấp những nghiên cứu về tác động môi trường, văn hóa, xã hội ra sao. Lào chưa bao giờ nghiêm túc tuân thủ những điều khoản đã được đồng thuận này.

Như vậy, liệu đồng bằng sông Cửu Long có biến mất trong thời gian không xa?

Khó có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Tuy vậy, về đồng bằng sông Cửu Long, tôi rất lo ngại trước tình trạng ngập mặn. Hiện tại, ngập mặn đã rất nghiêm trọng. Chẳng hạn như diện tích ngập mặn ở Bến Tre, Sóc Trăng đã lên tới 30 – 50km. Vì vậy, chúng ta cần lũ để chống mặn.

Nhưng năm nay lại không có mùa nước nổi. Thường là vào tháng tám, mùa nước nổi sẽ diễn ra và cùng cấp lượng phù sa giúp cho đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, năm nay, dù có mưa nhưng chỉ phần nào chống hạn mặn chứ  không đủ để dâng lên thành mùa nước nổi. Nước nổi là vận mạng của chúng ta khi mà nó bồi đắp thêm phù sa, những chất tốt giúp đất đai màu mỡ hơn.

Việt Nam phải có những động thái như thế nào để bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long?

Việt Nam hiện tại cần có hai lối hành xử :

Lối thứ nhất là phải có những phương pháp thích ứng với tình hình hiện tại, để đương đầu với hiện tượng đó. Lối thừ hai là mình phải có một cái mặt trận mới để làm việc với những thành viên ASEAN. Mình cần có một chiến lược ngoại giao để đánh động tất cả. Chẳng hạn, chúng ta có thể làm việc với Campuchia. Bởi lẽ, Campuchia là nước chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Don Sahong. Cùng lúc đó mình cần những người đồng minh, như Myanmar. Vì hiện tại Trung Quốc cũng muốn đổi dòng một con sông khác gần nước này thành “cục pin”. Thêm vào đó, Việt Nam và Lào từ trước tới giờ vẫn giữ sự hòa hiếu.

Tuy nhiên, sự hòa hiếu này cũng phải có một điều lệ là chúng tôi rất muốn làm bạn với anh nhưng những gì anh làm bây giờ có tác hại tới chúng tôi thế này. Những chuyên gia của Việt Nam và Lào phải ngồi lại, ông Viravong cũng phải ngồi lại nghe xem nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới an ninh sinh kế, an ninh lương thực của chúng tôi thì chúng tôi lo sợ rằng sẽ có những diễn biến mà chúng tôi không muốn. Nghĩa là mình vẫn phải giữ cái hòa hiếu đồng thời mong muốn họ phải tìm cách nào để có những cái mô hình khác ngoài việc họ chỉ nghĩ rằng đây là cách duy nhất đưa Lào ra khỏi cảnh nghèo. Sẽ có rất nhiều thiệt hại khi đập Pak Beng triển khai. Sẽ có 6700 người di dời, 25 làng xung quanh đập này bị ảnh hường. Bên kia sông thì có hai làng của Thái Lan. Chuyện di dời này cũng ảnh hưởng rất nhều. Các nước lân cận cũng lo lắng.

Thứ hai, tôi thấy ASEAN đang phải đương đầu với những thách thức mới và cần những chuyển hướng mới. Ví như ASEAN muốn có thông cáo chung nhưng lại bị một thành viên phản đối hoài thì bây giờ mình phải im lặng hay sao? Mặc dù là thiểu số nhưng trong hợp tác ngoại giao thì 2 người hay 3 người vẫn phải có tiếng nói, để cho những người kia nghe mà tìm cách sống trong cái mô hình ASEAN. Không thể nào nói là tôi sống ở vùng này còn chuyện bên anh, chuyện bên vùng biển bên anh kệ anh thì đó là một tầm nhìn rất hạn hẹp.

Xét trường hợp Campuchia, nếu nước này nói là chuyện này không phải chuyện của tôi thì một khi con đường biển bị chặn lại hay không có con đường lưu thông hàng hóa thì Campuchia cũng bị ảnh hưởng. Sihanouk Ville cũng nằm không xa lắm về biển Đông. Nhìn lại vấn đề địa chính trị thì anh nghĩ như vậy là có những cái hạn hẹp của anh và anh chỉ nhìn một tấm hình rất nhỏ chứ anh không nhìn được cái gì quan trọng hơn.

GS Chung Hoàng Chương, nguyên giáo sư đại học tại Tiểu bang California (Mỹ), hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế (SCIS), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). GS. Chương dành nhiều thời gian nghiên cứu về dòng sông Mê Kông. Ông đã có nhiều chuyến đi thực địa tại các địa phương khác nhau dọc dòng sông bắt đầu từ thượng nguồn Trung Quốc, cũng như khảo sát các vùng miền dọc tại các tỉnh các nước Đông Nam Á mà dòng sông đi qua. Một phiên bản của bài phỏng vấn đã được đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.

Xây đập thủy điện và trách nhiệm pháp lý của Lào

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]