Nguồn: “What is China’s plenum and why does it matter?“, The Economist, 23/10/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hơn 200 đảng viên cao cấp nhất của Đảng Cộng sản của Trung Quốc (ĐCSTQ) nằm trong Ủy ban Trung ương Đảng thông thường chỉ họp mỗi năm một lần. Cuộc họp kín này được gọi là Hội nghị Trung ương Đảng. Hội nghị năm nay bắt đầu vào ngày 24/10, tại Bắc Kinh và sẽ tiếp tục cho đến ngày 27/10. Chương trình nghị sự dường như không quá quan trọng. Nó sẽ thảo luận, theo ngôn ngữ không mấy cuốn hút trong thông báo chính thức, về “các quy chuẩn của đời sống chính trị trong đảng… và sửa đổi quy chế giám sát nội bộ đảng.” Vậy tại sao Hội nghị này lại quan trọng đến vậy?
Các hội nghị trung ương có ý nghĩa rất quan trọng. Hội nghị năm ngoái đã bãi bỏ chính sách một con. Hội nghị năm nay đánh dấu sự bắt đầu giai đoạn chính trị bận rộn nhất của Trung Quốc để chuẩn bị cho đại hội đảng – cuộc họp 5 năm một lần của khoảng 2.000 đảng viên – dự kiến bắt đầu vào tháng 10/2017 và sẽ quyết định cơ cấu bộ máy lãnh đạo đất nước trong năm năm tiếp theo. Phiên họp lần này sẽ không thảo luận về bộ máy, cũng sẽ không nói về người kế nhiệm Tập Cận Bình với vai trò lãnh tụ đảng. Nhưng những câu hỏi đó đã phủ bóng lên phiên họp. Những lời quan liêu tẻ nhạt được trích dẫn ở trên trong thực tế mô tả chiến trường của cuộc đấu đá chính trị khốc liệt giữa ông Tập và các đối thủ của mình.
Trong nhiều năm qua, ông Tập đã sử dụng một chiến dịch chống tham nhũng để làm trong sạch đảng và loại bỏ các đối thủ của mình. Tại hội nghị lần này, ông Tập có thể tiến thêm một bước đi nữa, ví dụ bằng cách yêu cầu các đảng viên của ủy ban trung ương khai báo tất cả các tài sản tài chính của họ và gia đình. Đây là điều mà “giám sát trong nội bộ đảng” đề cập đến. Ông Tập cũng đã bắt đầu viết các quy tắc nội bộ đảng và sử dụng chúng chống lại các đối thủ. Ví dụ, ông ta đã đặt ra quy tắc rằng các đảng viên không được đưa ra các chỉ trích “vô căn cứ” đối với lãnh đạo – và sau đó buộc tội trợ lý cấp cao của người tiền nhiệm của mình vì đã phá vỡ quy tắc này. Tại hội nghị lần này ông có thể yêu cầu các cuộc kiểm tra lòng trung thành mới, hay “quy chuẩn của đời sống chính trị”. Ông cũng có thể thay đổi quy tắc của đảng trong đó yêu cầu các nhà lãnh đạo phải nghỉ hưu khi họ bước sang tuổi 68. Điều đó sẽ cho phép một số đồng minh thân cận nhất của ông, chẳng hạn như Vương Kỳ Sơn, 68 tuổi, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng, tiếp tục tại vị.
Nhưng vấn đề lớn hơn mà Hội nghị lần này phải đối mặt liên quan đến tham vọng của ông Tập. Ông Tập đã tích lũy được quyền lực to lớn ở trên đỉnh của kim tự tháp nhưng ở phía dưới thì ông lại có ít quyền lực hơn. Ông ta sẽ muốn đại hội đảng bố trí những người ủng hộ mình vào các vị trí quyền lực. Đồng thời ông cũng cần bắt đầu chuẩn bị nền tảng cho một người kế nhiệm theo lựa chọn của ông ta sau khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2022. Vị chủ tịch tiếp theo được cho là sẽ phải đến từ tầng lớp được gọi là những nhà lãnh đạo “thế hệ thứ sáu”, tức những người sinh vào những năm 1960.
Vấn đề là không có thành viên nào thuộc thế hệ thứ sáu gắn bó với ông Tập lại có được những thành tích cần thiết để nắm giữ vị trí hàng đầu này. Các nhà lãnh đạo tiềm năng thường trải qua 5 năm tại một vị trí cao cấp, chẳng hạn như bí thư của một tỉnh lớn, và sau đó thêm 5 năm nữa tại thường vụ Bộ chính trị của đảng. Có thể mất mười năm để họ được chuẩn bị sẵn sàng. Điều đó có nghĩa là người được ông Tập lựa chọn sẽ không thể tiếp quản chức vụ cho đến năm 2027 – và bản thân ông có lẽ sẽ muốn phục vụ thêm 5 năm nữa ngoài 10 năm được cho phép đối với vai trò lãnh đạo nhà nước theo các quy định hiện hành.
Động thái này là chưa từng có tiền lệ và gây tranh cãi, và có thể tạo thành một cuộc khủng hoảng chính trị. Hội nghị lần này sẽ là cuộc họp đầu tiên để giải quyết câu hỏi liệu nguy cơ đó là có thể chấp nhận được đối với toàn đảng nói chung hay không.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]