Quyền có quốc tịch theo nơi sinh là gì?

Nguồn: What is birthright citizenship?, The Economist, 02/11/2018

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Nhập cư là một chủ đề sống động đối với Tổng thống Donald Trump, và là một chủ đề giúp mở rộng vốn từ vựng cho hầu hết người Mỹ. Các cụm từ như di trú chuỗi (chain migration), em bé mỏ neo (anchor baby) và đoàn lữ hành di trú (migrant caravan) đã trở thành cách nói phổ biến dưới thời của ông. Tuần này ông đã thêm vào cụm từ “quyền công dân theo nơi sinh” (birthright citizenship). Ông Trump nói với Axios, một hãng tin Mỹ, rằng ông đang tìm cách chấm dứt quyền này – hiện đã tồn tại 150 năm – bằng một sắc lệnh hành pháp. Đề xuất của ông sẽ từ chối quyền công dân đối với những em bé sinh ra tại Mỹ của những người nhập cư trái phép, và có thể là của cả những người nước ngoài sống tại Mỹ theo thị thực có thời hạn.

Đề xuất này của Trump đã khiến các hãng thông tấn và phương tiện truyền thông xã hội xôn xao, đồng thời thu hút sự phản ứng tức thì từ các chuyên gia pháp lý. Việc ông đưa ra đề xuất như vậy không quá bất ngờ. Ông Trump đã trình bày ý tưởng này khi vận động tranh cử hồi năm 2015. Gần đây hơn, Michael Anton, một người ủng hộ Trump và cựu quan chức Nhà Trắng, đã đưa ra những lý lẽ ủng hộ Trump trên tờ Washington Post. Những người khác cũng đang dần ủng hộ đề xuất này. Lindsey Graham, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, nói rằng ông sẽ dự thảo một luật để “xử lý” vấn đề quyền công dân theo nơi sinh, gọi đó là một thỏi nam châm thu hút nhập cư bất hợp pháp. Vậy quyền công dân theo nơi sinh là gì?

Khái niệm quyền công dân theo nơi sinh rất đơn giản: những người sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ, ngay cả khi cha mẹ họ không phải công dân Mỹ. Nguyên tắc này, gọi là jus soli, hay nguyên tắc nơi sinh, xuất phát từ thông luật Anh. Nó được hình thành ở Anh vào đầu thế kỷ 17 và sau đó được phổ biến sang các thuộc địa. Nó không còn được duy trì ở Vương quốc Anh, nơi luật định phải có ít nhất một người là cha hoặc mẹ là công dân Anh thì đứa trẻ mới được hưởng quyền công dân Anh. Nhưng nó vẫn tồn tại ở một số quốc gia Khối thịnh vượng chung – bao gồm cả Canada, Jamaica và Pakistan – cũng như ở hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latinh. (Đây là kiến thức mới với ông Trump, người đã nói nhầm rằng Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất duy trì quyền quốc tịch theo nơi sinh.)

Tại Mỹ, lịch sử của quyền này gắn liền với vấn đề chủng tộc và nô lệ. Hiến pháp không quy định bất kỳ tiêu chí nào cho quyền công dân, do đó, một bản tu chính án đã xác lập nguyên tắc này vào năm 1868, củng cố địa vị pháp lý cho những người trước đây vốn là nô lệ, những người vẫn bị từ chối quyền công dân cho đến lúc đó. Các nhà lập pháp đã hiểu rõ tác động rộng khắp của luật tại thời điểm đó. Một thượng nghị sĩ đã hỏi vào năm 1866 rằng liệu nó “có giúp nhập tịch cho các trẻ em Trung Quốc và Di-gan sinh ra ở đất nước này không?” Một thượng nghị sĩ khác đã trả lời “Chắc chắn là như vậy.”

Bản tu chính án thứ 14 đã đưa ra một vài ngoại lệ. Quyền công dân theo nơi sinh sẽ không được áp dụng cho những trẻ em sinh ra ở Mỹ mà là con của các nhà ngoại giao nước ngoài, thành viên của một đội quân chiếm đóng, hoặc người thổ dân châu Mỹ thuộc các chính quyền bộ lạc, vì các nhóm này “không thuộc quyền tài phán” của Hoa Kỳ. Một vài học giả pháp lý đã dựa vào điều khoản này; họ coi con cái của những người nhập cư trái phép cũng là một ngoại lệ khác. Họ lập luận rằng cha mẹ của những trẻ em này không thể hiện lòng trung thành chính trị với Mỹ, và sự hiện diện của họ ở Mỹ cũng không được thừa nhận bởi các công dân khác. Tòa án Tối cao đã xác nhận lại nguyên tắc quốc tịch theo nơi sinh vào năm 1898. Nhưng nó không đề cập vấn đề địa vị pháp lý của con cái những người nhập cư trái phép: cha mẹ mang quốc tịch Trung Quốc của bị cáo trong vụ án  đó, một đầu bếp tên là Wong Kim Ark, đã cư trú tại Hoa Kỳ một cách hợp pháp. Đám đông chống lại quyền công dân theo nơi sinh đã tìm thấy một cơ hội.

Có vẻ như cơ hội này sẽ khép lại. Hạn chế quyền công dân theo nơi sinh sẽ làm suy yếu sự đồng thuận pháp lý kéo dài trong cả một thế kỷ. Ngay cả James Ho, được coi là một trong những thẩm phán liên bang bảo thủ nhất mà ông Trump đã bổ nhiệm, cũng không đồng ý với đề xuất của Trump. Ngoài ra, tòa án cũng đã từng phán quyết rằng những người nhập cư trái phép cũng chịu quyền tài phán của Hoa Kỳ vì họ phải tuân thủ theo luật pháp của đất nước này. Lòng trung thành với đất nước không phải là vấn đề quan trọng về mặt pháp lý khi xác định quyền tài phán.

Liệu ông Trump có thể ban hành một sắc lệnh hành pháp để luật hóa đề xuất của mình hay không lại là một câu hỏi khác. Một lần nữa, câu trả lời có lẽ là không, vì sự thay đổi này sẽ đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp. Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra, nhiều người nhìn thấy ở đây một pha quảng cáo chính trị của tổng thống  Trump – một nỗ lực nhằm củng cố khối cử tri ủng hộ ông và nhen nhóm ngọn lửa chống người nhập cư. Đó là sự hoài nghi về quyền công dân theo nơi sinh.