Về văn bản pháp lý ngoại giao đầu tiên của Việt Nam DCCH

Tác giả: Đỗ Hoàng Linh

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) ra đời, tình hình ngày càng nguy cấp không chỉ vì nạn đói, nạn dốt hoành hành mà chúng ta còn bị các nước đế quốc đưa lực lượng quân sự hỗn hợp vào dưới danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp phát xít Nhật. Ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng kéo vào đóng quân từ biên giới Việt-Trung đến vĩ tuyến 16. Ở miền Nam, quân Anh kéo vào giúp quân Pháp và trang bị cả vũ khí cho quân Nhật để tiếp sức cho Pháp.

Các thế lực của Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc lăm le dùng sức mạnh của vũ khí hiện đại để tạo điều kiện cho Pháp quay lại thống trị Đông Dương. Chính phủ Anh kêu gọi Chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch “tạo mọi dễ dàng cho lực lượng Pháp và các quan chức cai trị của Pháp trở lại Đông Dương càng sớm càng tốt”. Ủy ban Đối ngoại của Mỹ cũng cho biết “không muốn áp đặt một sự kiểm soát nào nhưng sẵn sàng giúp đỡ Pháp nếu họ cần”.

Chính quyền Tưởng đang lo đối phó với nội chiến nên cũng tuyên bố “không hề có tham vọng về lãnh thổ đối với Việt Nam”, vì thế Pháp ra sức ve vãn, thương thuyết với Tưởng để gấp rút thâu tóm Đông Dương. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rất rõ mưu đồ tái xâm lược của Pháp nhưng vẫn kiên trì thực hiện chính sách “hòa để tiến” vì: Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta buộc lòng nhân nhượng để giữ hòa bình.

Bắt đầu từ ngày 15/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp J.Sainteny (Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam, nhân vật đối thoại chính) và Caput (đảng viên đảng Xã hội Pháp, người trung gian) để bắt đầu tiến trình đàm phán hòa bình Việt – Pháp. Nhiều lần, cuộc đàm phán bị bế tắc, ngừng lại thì hai bên lại nhờ trung gian chắp nối gặp gỡ.

Quá trình đàm phán diễn ra rất căng thẳng, như thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong hồi ký: “Sainteny tuyên bố quyết không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để lập lại quyền lợi chính đáng của nước Pháp trên mảnh đất này nên khăng khăng giữ vững lập trường thực dân. Bác cũng tranh luận từng câu, từng chữ nhưng rất kiên quyết trong tinh thần bảo vệ nguyện vọng thiêng liêng của nhân dân Việt Nam.

Trong các cuộc hội đàm, Bác hút thuốc liên tục, có khi hút cả loại Gauloises nặng của Pháp để trên bàn họp. Pignon cũng rít thuốc liên miên, còn Sainteny thì không lúc nào ngừng phì phèo cái tẩu. Khói quẩn quanh mù mịt trong phòng. Những hôm họp căng thẳng quá, Bác hút nhiều, buổi tối về ho suốt. Tôi khuyên Bác bớt hút thuốc thì Bác nói: Mình phải hút nhiều để họ tưởng mình suy nghĩ lung lắm. Kỳ thực, quanh quẩn vẫn là lập trường ban đầu, họ cũng vậy mà mình cũng vậy, nhưng mình chủ động, còn họ bị động”.

Cuối tháng 1/1946, quân đội Anh rút khỏi Đông Dương và coi như giao lại miền Nam Việt Nam cho quân Pháp. Ngay sau đó, cao ủy Pháp D’Argenlieur phái tướng Salan sang thương lượng với chính quyền Tưởng ở Trùng Khánh để đổ quân vào miền Bắc Việt Nam.

Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc gặp với J.Sainteny thảo luận về những vấn đề chính trị mấu chốt để đi tới một bản hiệp định chính thức. Hai bên đã đồng ý dùng từ “Chính phủ tự quyết” thay cho “tự do của Chính phủ” và “tự do trong Liên hiệp Pháp”.

J.Sainteny viết trong hồi ký: “Hồ Chí Minh và các cố vấn của ông tranh luận với tôi từng câu từng chữ để đi tới bản Hiệp định Pháp-Việt. Đã bao lần chúng tôi có cảm tưởng không thể nào đạt được thỏa thuận, cảm giác thất vọng vì chúng tôi không bao giờ có được tiếng nói chung. Hồ Chí Minh yêu cầu phải được suy nghĩ cẩn thận, phải tham khảo ý kiến các cộng sự, các cố vấn. Về phía tôi, tôi cũng phải thường xuyên hỏi ý kiến Phủ Cao ủy đặt tại Sài Gòn trước khi chấp nhận một câu, một chữ trong đàm phán. Chỉ riêng việc định nghĩa nội dung từ Độc Lập đã làm những cuộc đối thoại giữa chúng tôi vấp váp nhiều nhất và nhiều lần đứt đoạn. Những cuộc đối thoại đứt đoạn này kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần cho tới khi một người trung gian có nhiều thiện chí đã tìm cách để những người đối thoại Pháp-Việt giáp mặt nhau, đó là Louis Caput. Mãi tới ngày 16/2, sau một cuộc họp kéo dài vừa mới được nối lại, lần đầu tiên chúng tôi mới có cảm giác là có khả năng đạt được thỏa thuận”.

Sau nhiều lần mặc cả về quyền lợi, ngày 28/2/1946, Hiệp ước Hoa-Pháp được ký tại Trùng Khánh, chấp nhận cho Pháp đem quân vào thay thế quân Tưởng ở Bắc Đông Dương và để đổi lại, Pháp trả cho Tưởng các tô giới Pháp ở Trung Quốc cùng tuyến đường xe lửa Vân Nam và hàng hóa của Tưởng qua cảng Hải Phòng sẽ được miễn thuế.

Trên thực tế, sau khi đã có Hiệp ước này, quân Tưởng vẫn ép ta cải tổ Chính phủ để đưa thêm tay chân của chúng vào và thực chất vẫn nấn ná ở lại Đông Dương để vừa bảo vệ cho sườn phía nam Trung Hoa dân quốc, vừa tạo cớ đưa ra thêm yêu sách mới cho Pháp. Trong khi người Pháp hối thúc việc thi hành thỏa ước 28/2 và sốt ruột đưa quân vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng từ 1/3 và hoàn tất chuyển giao ngày 31/3/1946 thì cá nhân Tổng Tư lệnh quân đội Tưởng ở Bắc Việt Nam Lư Hán rất bất bình với Hiệp định Hoa-Pháp, mặc dù quân Tưởng vẫn được nhiều lợi ích.

Với ảo mộng bành trướng, Lư Hán cho rằng với tổ chức Việt Nam quốc dân đảng, ông ta sẽ dựng lên một chính quyền thân dân quốc tại Việt Nam nên cứ lờ đi yêu cầu của phía Pháp cho họ đổ quân vào Hải Phòng ngày 9/3. Do vậy, quan hệ giữa Pháp và Tưởng nhanh chóng trở nên căng thẳng.

Trước tình hình đó, chúng ta chỉ có mấy lựa chọn: Dựa vào lực lượng quốc tế nào đó để ngăn Pháp quay lại chiếm Việt Nam, một quốc gia có chủ quyền, độc lập (điều này gần như là không thể trong bối cảnh quốc tế rối ren sau thế chiến lúc đó); Phát động ngay cuộc chiến tranh chống Pháp trong khi còn quân Tưởng và quân Nhật (điều này chắc chắn không thành công vì tiềm lực kinh tế, quân sự của ta hầu như chưa chuẩn bị được gì); Thỏa hiệp với Tưởng để kiềm chế Pháp (nhưng cuộc nội chiến Quốc – Cộng ở trong nước không thể tạo điều kiện cho quân Tưởng ủng hộ ta); Và cuối cùng là thỏa hiệp với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng về nước (vấn đề này sẽ tạo cơ hội cho bọn phản động thân Tưởng tuyên truyền, vu cáo Chính phủ phản quốc và cũng tạo cớ cho Pháp đưa quân vào Việt Nam).

Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã xác định rõ lập trường: “Giảng hòa của ta đối với Pháp là độc lập nhưng liên minh với Pháp. Pháp thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của dân ta và sự thống nhất quốc gia. Ta có thể cho Pháp quyền đóng quân trên đất nước ta nhưng chỉ tạm thời và có hạn”.

Sáng ngày 4/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp đầu tiên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến bàn về các vấn đề hệ trọng và các nguyên tắc đàm phán với Pháp trên cơ sở Việt Nam độc lập và Chính phủ cử ra một tiểu ban nghiên cứu những điều kiện của ta trong đàm phán. Chiều cùng ngày, Người họp với các phóng viên Việt Nam để bác bỏ những tin bịa đặt đồn đại về cuộc đàm phán Việt-Pháp đang gây hoang mang và kích động quần chúng. Người vẫn nhắc nhân dân phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và kháng chiến đến cùng.

Trong ngày, Người cũng trao đổi với Sainteny về vấn đề Nam Bộ. Sáng ngày 5/3, báo Cứu Quốc đăng tuyên bố ba điểm trong chính sách đối ngoại của Chính phủ ta: “Đối với các nước Đồng minh, nước Việt Nam bao giờ cũng chủ trương thân thiện, nhất là đối với Trung Hoa; Đối với các quốc gia nhược tiểu đang chiến đấu giành độc lập thì dân tộc Việt Nam rất đồng tình; Đối với dân Pháp, dân Việt Nam không thù hằn gì nhưng cực lực phản đối chế độ thực dân và cương quyết giữ quyền độc lập. Chính phủ Việt Nam chỉ nhận điều đình với Chính phủ Pháp theo nguyên tắc “dân tộc tự quyết” của Hiến chương Đại Tây Dương”.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh về làng Hậu Ái, Hoài Đức, Hà Tây dự hội nghị bất thường của BCH TƯ Đảng bàn về chủ trương thương lượng với Pháp. Buổi tối, Người làm việc rất khuya với J. Sainteny, ông này nhớ lại: “Theo dự kiến, Hiệp định sẽ được ký kết chậm nhất là vào đêm ngày 5 rạng ngày 6/3 nhưng mãi tới nửa đêm, các nhà thương lượng đôi bên vẫn còn sa lầy trong bế tắc. Pignon và tôi rút về nhà riêng sau khi đề nghị Hồ Chí Minh suy nghĩ thêm. Tôi cũng nói rất rõ với Hồ Chí Minh là để đến hôm sau nữa thì chắc chắn sẽ quá chậm vì các tàu chiến của Pháp chở Leclerc và đội quân viễn chinh tăng viện đã đến sát bờ biển Bắc kỳ. Trong khi đó chập tối 5/3, Leclerc đã cho người mang đến tôi một lá thư riêng, đề nghị tôi bằng bất cứ giá nào cũng phải đi đến ký kết vì Leclerc đã được mật báo về những ý đồ từ chỉ huy quân đội của Lư Hán chiếm giữ Bắc kỳ đang muốn chống lại quân Pháp đổ bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và J. Sainteny nghe đọc nội dung bản Hiệp định sơ bộ trước khi ký kết chính thức, ngày 6/3/1946.

Sáng sớm ngày 6/3, quân Pháp đổ bộ vào Hải Phòng đã bị quân Tưởng ngăn cản và hai bên nổ súng bắn nhau đến tận đầu giờ chiều. 8 giờ 30 sáng cùng ngày tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về công tác ngoại giao và Dự thảo nội dung Hiệp định sơ bộ sẽ ký với Pháp. Hội đồng Chính phủ đã ký một biên bản đặc biệt tán thành ký Hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp với điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam DCCH là một quốc gia tự do và Chính phủ Việt Nam bằng lòng để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa.

Lúc 12 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Hoàng Minh Giám gặp Sainteny và Pignon tiếp tục tranh luận về những điều khoản của bản Hiệp định và hai bên thống nhất buổi chiều sẽ ký kết chính thức. Lúc 16 giờ 30 tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam DCCH và J. Sainteny đại diện Chính phủ Pháp đã ký vào bản Hiệp định sơ bộ. Hiệp định này khẳng định nước Việt Nam DCCH là quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội, tài chính của mình; việc hợp nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam trực tiếp giải quyết.

Kèm theo Hiệp định là một điều khoản phụ về các vấn đề quân sự gồm bốn điều quy định lực lượng tiếp phòng thay thế quân Trung Hoa gồm 15.000 quân Pháp và 10.000 quân Việt Nam. Số quân Pháp sẽ được quân Việt Nam thay thế theo tỷ lệ 1/5 mỗi năm và hoàn thành trong 5 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ ký Hiệp định: “Chúng tôi không thỏa mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn”.

J Sainteny kể lại: “Quan sát viên các nước Đồng minh: Anh, Mỹ, Hoa và cả Pháp nữa vì Hồ Chí Minh muốn, Caput cũng được mời tới dự. Tôi được cử thay mặt Cao ủy Pháp ở Đông Dương, cùng đi với tôi có tướng Salan, Pignon và vài cộng sự viên cơ quan Cao ủy Pháp tại Hà Nội. Bản Hiệp định được đọc to  trước mặt cử tọa đứng trong phòng. Hồ Chí Minh ký đầu tiên, liền sau đó Vũ Hồng Khanh cũng đặt bút ký. Hồ Chí Minh đã buộc một người khét tiếng chống Pháp, cầm đầu một lực lượng đối lập hiếu chiến phải ký tên dưới chữ ký của ông để coi đó như một đảm bảo chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc là ông phản bội sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam” rồi đến lượt tôi ký thay mặt nước Pháp”.

Lúc 18 giờ tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với đại diện các báo hằng ngày về bản Hiệp định vừa ký. Và hồi 10 giờ ngày 7/3, tại cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân Thủ đô trước Nhà hát lớn thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về Hiệp định sơ bộ 6/3: “Nước ta đã độc lập thật sự từ tháng 8/1945 nhưng tới nay chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị… Đồng bào nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật…”.

Người im lặng giây lát rồi tuyên bố: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”.

Cuộc đàm phán Việt-Pháp diễn ra từ cuối 1945 đến đầu 1946 và dẫn đến Hiệp định sơ bộ 6/3 là một quyết sách chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cứu vãn tình thế nguy cấp, tránh được nguy cơ đất nước phải chống chọi với nhiều kẻ thù cùng một lúc, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được. Với bản Hiệp định sơ bộ này, chúng ta đã biến thỏa hiệp áp đặt Pháp-Hoa thành bản thỏa thuận tay ba, làm thất bại cuộc mặc cả bá quyền của hai nước lớn, khiến cuộc đổ bộ của quân Pháp xâm chiếm nước ta thành một cuộc hành quân được sự dồng ý của Chính phủ Việt Nam.

Hiệp định này đã cho chúng ta thêm một khoảng thời gian hòa hoãn với Pháp để củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng và đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng cùng bè lũ tay sai ra khỏi đất nước. Hiệp định 6/3 là văn bản pháp lý đầu tiên mà nước Việt Nam DCCH ký với nước ngoài với tư cách là một nhà nước có chủ quyền, mở ra phương thức giao tiếp, thương lượng bình đẳng giữa Việt Nam với Pháp về sau và thực tế chỉ hai tháng sau, lá cờ đỏ sao vàng của ta đã tung bay tại Paris, thủ đô nước Pháp.

Tác giả Đỗ Hoàng Linh là Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Hình: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại diện quốc tế tham dự lễ ký Hiệp định sơ bộ chụp ảnh lưu niệm trước nhà 38 Lý Thái Tổ sau lễ ký.

Nguồn: ANTG

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]