Nội các Dương Văn Minh và việc kết thúc Chiến tranh Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Thị Hòa

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc 40 năm. Trong khoảng thời gian dài sau chiến tranh, đã có nhiều nhà nghiên cứu với nhiều cách đánh giá khác nhau về bản thân Dương Văn Minh và nội các của ông trong việc kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, thông tin đa chiều, với nhiều nguồn tư liệu khác nhau đã được công bố, giúp cho người nghiên cứu có cái nhìn khách quan về vai trò của nội các Dương Văn Minh trong việc kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả xin hệ thống hóa những đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau của những nhà nghiên cứu trong, ngoài nước về Dương Văn Minh và nhóm của ông, góp phần làm sáng tỏ thêm một khía cạnh về vai trò của nội các Dương Văn Minh với việc kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

1. TỔNG THỐNG DƯƠNG VĂN MINH VÀ CHÍNH PHỦ CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

Dương Văn Minh sinh năm 1916 ở tỉnh Mỹ Tho. Ông xuất thân trong “một gia đình yêu nước, có người thân tham gia kháng chiến, bản thân ông có ý thức dân tộc, lại được tác động của các nhân sĩ, trí thức tiến bộ nội thành Sài Gòn” [7; tr112]. Gia đình ông có bảy anh em: bốn trai, ba gái. Ông Minh là con  trai trưởng. Dương Văn Nhật là em trai kế, có tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám và suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Dương Thanh Sơn, em trai thứ năm, là sĩ quan chế độ cũ. Bản thân ông Minh và Gia đình ông theo đạo Phật, lễ giáo, nề nếp. “Ông là một Phật tử có tâm, ăn nói điềm đạm, ôn tồn và chất phát” [8].

Năm 1940, Dương Văn Minh học trường đào tạo hạ sĩ quan và sĩ quan dự bị của Pháp. Năm 1942 vào quân đội Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Dương Văn Minh tham gia lực lượng vũ trang cách mạng chống Pháp xâm lược. Khi Pháp quay trở lại nước ta lần thứ hai, “gia đình ông Minh tản cư về Chợ Đệm (Tân An). Lần đó, ông về thăm nhà, đơn vị rút đi, ông bị kẹt lại chưa tìm được đơn vị thì bị Tây bắt, buộc ông trở lại làm việc cho quân đội Pháp” [5]. Năm 1946, Dương Văn Minh là thiếu úy, đại đội phó quân đội Pháp. Lần lượt lên đến cấp tá, rồi qua Pháp học trường võ bị, là một trong những sĩ quan đầu tiên của quân đội Việt Nam Cộng Hoà.

Trong những năm 1955-1963, ở miền Nam, bất bình trước chế độ cai trị độc tài, toàn trị, đàn áp Phật giáo dã man của Chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 01/11/1963, Trung tướng Dương Văn Minh, nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng phát lệnh đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm và lên làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa lần thứ nhất. Trong thời gian này, Dương Văn Minh đã quyết định giải tán ấp chiến lược, không đồng ý cho Mỹ ném bom miền Bắc, mở các hoạt động gián điệp, biệt kích chống phá miền Bắc. Ông tỏ ý muốn thương lượng để tuyển cử tự do, thực hiện một chế độ trung lập, lập chính phủ liên hiệp theo chủ trương cuả MTDTGPMN. Mỹ  thấy được chủ trương của Dương Văn Minh  không theo ý đồ của Mỹ. Vì vậy, đầu năm 1964, Trung tướng Nguyễn Khánh từ Quân đoàn II ở Tây Nguyên bay về hợp cùng nhóm Đại Việt thân Mỹ làm cuộc đảo chính, bắt giữ hầu hết những người chung quanh tướng Minh. Họ tố cáo nhóm ông thân Pháp và âm mưu đưa miền Nam Việt Nam vào con đường trung lập do Tổng thống De Gaulle chủ xướng. Tuy vậy, nhưng họ vẫn phải giữ ông lại ngôi vị bù nhìn Chủ tịch Hội đồng Quân nhân (tương đương vai trò Quốc trường) do uy tín ông còn quá lớn trong nhân dân và quân đội.

Nhận thấy Dương Văn Minh là người “hoạt động cho hòa giải, hòa hợp dân tộc” [4;   tr410], nên “Trung ương Cục tranh thủ lôi kéo” [7; tr112]. Theo chỉ đạo của Ban binh vận Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Trung Ương Cục miền Nam), đồng chí Võ Văn Thời, Cục trưởng Cục địch vận – Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đề nghị và được cấp trên đồng ý điều động đồng chí Dương Văn Nhật (bí danh Mười Ty – em ruột của Dương Văn Minh) đang tập kết ở miền Bắc được giao nhiệm vụ về miền Nam để cùng mẹ và em gái vốn được ta móc nối từ trước, tìm cách tác động, cảm hóa  Dương Văn Minh. Những cuộc vận động như vậy “đã có tác động nhất định đến tư tưởng và hành động chính trị của Dương Văn Minh” [7; tr113].

Sau hiệp định Paris, các thế lực hiếu chiến vẫn tìm mọi cách để ngăn chăn và phá hoại việc thi hành hiệp định, tình hình miền Nam vẫn không yên tiếng súng. Ngày 16/1/1974, trước thềm năm mới năm Giáp Dần (1974), nhân dịp kỷ niệm một năm ký Hệp định Paris, tướng Dương Văn Minh thể hiện lập trường của mình rằng: “Không thể giải quyết vấn đề Việt Nam bằng biện pháp quân sự thuần túy” và “con  đường hòa giải là con đường duy nhất đưa tới hòa bình” [9; tr 264]. Ông cũng bày tỏ mong muốn “Năm Giáp Dần sẽ là năm hòa giải, đưa tới hòa bình dân tộc” [9; tr 265].

Ngày 8.10.1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã ra tuyên bố về tình hình miền Nam Việt Nam: đòi Mỹ chấm dứt dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đòi lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, lập ra ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc, thi hành Hiệp định Paris.

Đầu năm 1975, đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trưởng Ban An ninh T4, chỉ đạo A10 tìm cách thâm nhập vào lực lượng thứ ba và nhóm Dương Văn Minh để vận động lực lượng này chống đối, cô lập, chia rẽ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Thời gian này, Cụm điệp báo A10 là họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) được giao nhiệm vụ tiếp cận, bám sát “nhóm Dương Văn Minh”, có lúc họa sĩ Ớt ở luôn trong nhà Dương Văn Minh; tham gia viết và in tuyên truyền đơn “chống Chính phủ Thiệu” …Trên thực tế, lúc này Lực lượng thứ ba phát triển mạnh. Ngoài “Lực lượng quốc gia tiến bộ”, “Lực lượng hoà giải dân tộc”, tháng 02/1974, nhóm luật sư Trần Ngọc Liễng lập “Tổ chức nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris”, xác định mình là lực lượng thứ ba, mục tiêu chính là đòi thi hành hiệp định Paris, Mỹ rút quân,Thiệu từ chức, thành lập Chính phủ hoà giải dân tộc…

Sau khi mất Phước Long, đặc biệt là thất thủ ở Tây Nguyên, chế độ Việt Nam Cộng Hòa đứng trước sự suy yếu về mọi mặt và khả năng sụp đổ hoàn toàn. Đầu tháng 4/1975, nhóm tham mưu của Dương Văn Minh đã họp thống nhất với nhau tại Dinh Hoa Lan, sau đó, tại Đường Sơn Quán, một nhà hàng đặc sản của cựu trung tướng Mai Hữu Xuân, nằm giữa đồn điền cao su trên Xa lộ Đại Hàn. Cuộc họp có mặt các nhà báo nước ngoài, phía nhóm Dương Văn Minh có luật sư Trần Ngọc Liễng, bác sĩ Hồ Văn Minh, trung tướng Mai Hữu Xuân, giáo sư Tôn Thất Thiện, luật sư Bùi Chánh Thời, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn ba, Lý Quí Chung, đã công bố quyết định “thay thế tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” [4; tr 339], thành lập nội các hòa bình, thương lượng với Chính phủ Cách mạng Lâm thời để chấm dứt chiến tranh. Họ khẳng định rằng “sẵn sàng thay Thiệu dù chỉ để cầm cờ đầu hàng” [4; tr339] để chấm dứt chiến tranh, vì họ cũng không có hy vọng cho một giải pháp chính trị nào khác ở miền Nam.

Sau khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa mất tuyến phòng thủ cuối cùng ở Xuân lộc, ngày 21.4.1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chính thức từ chức. Căn cứ theo Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, người thay thế ông Thiệu là phó tổng thống Trần Văn Hương. Khi Trần Văn Hương nhậm chức đã tuyên bố: cương quyết tử thủ dù phải hi sinh đến nắm xương tàn. Phong trào đấu tranh đòi Trần Văn Hương từ chức nổ ra khắp Sà Gòn. Trần Văn Hương vẫn trì hoãn việc giao quyền cho Dương Văn Minh. Lúc đó chủ trương của ta là “Phải bằng mọi cách để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu, rồi giao chính quyền cho cách mạng” [5]. Đến tối ngày 26/4/1975, lưỡng viện Sài Gòn đã bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với 147/151 phiếu.

Ngày 27.4.1975, tại Dinh Hoa Lan “Ông Minh triệu tập những người thân cận, cùng các nhóm Phật giáo, Công giáo từng tán đồng lập trường hòa bình với ông dự phiên họp để thành lập chính phủ” [4; tr368-369]. Tại cuộc họp này Tướng Dương Văn Minh đã chọn luật sư Nguyễn Văn Huyền, từng là chủ tịch Thượng viện – một trí thức Công giáo có uy tín ở miền Nam làm phó tổng thống. Theo Lý Qúi Chung thì “Ông Huyền được cả hai phía đối lập và thân chính kính trọng” [4; tr 369] và “về nhân cách, luật sư Huyền hơn hẳn các nhân sĩ nổi tiếng khác có mặt trên chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ” [4; tr 369].

Luật sư Vũ Văn Mẫu, người đã cạo trọc đầu và tuyên bố từ chức để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963 (khi đó ông làm Ngoại trưởng của chính thể VNCH). Ông là đương kim Chủ tịch Phong trào Hòa giải Hòa hợp của Phật giáo Ấn Quang đã được ông Minh cử làm Thủ tướng. Luật sư Vũ Văn Mẫu “một con người có uy tín lớn về nhiều mặt, từ nghề nghiệp riêng trong giới luật sư cho đến các hoạt động chính trị qua cả hai thời kỳ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu” [4; tr370].

Giáo sư Nguyễn Văn Trường được mời phụ trách Bộ Giáo dục (ông đã từng làm Bộ trưởng Giáo dục thời Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ và Trần Văn Hương). Lý Quí Chung làm tổng trưởng Bộ thông tin (quyết định bổ nhiệm Lý Quí Chung do Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ký ngày 28.4.1975). Đặc biệt Tổng thống Dương Văn Minh đã mời giáo sư Bùi Tường Huân – trường Đại học Huế, một nhân vật trong Lực lượng hòa giải dân tộc thuộc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Quang, chẳng dính dáng gì đến quân đội làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Về sự lựa chọn này Dương Văn Minh khẳng định: “Một Bộ trưởng dân sự và là một giáo sư đại học làm bộ trưởng quốc phòng thể hiện ý muốn hòa bình” [4; tr371], và vì chính phủ của ông không chủ trương tiếp tục chiến tranh.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chuẩn tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa, một cơ sở nòng cốt đắc lực của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, được ông Minh phong quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Khi cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn của quân ta đang thần tốc triển khai, luật sư Triệu Quốc Mạnh, một đảng viên Cộng sản nằm vùng được ông Minh giao chức Tổng chỉ huy Cảnh sát đô thành có nhiệm vụ phải nhanh chóng thả tù chính trị và làm tan rã lực lượng cảnh sát của chính quyền cũ… Ngoài ra Dương Văn Minh đã giao nhệm vụ cho Phó tổng thống Nguyễn văn Huyền và luật sư Trần Ngọc Liễng đàm phán với MTDTGPMNVN…

16 giờ 45 ngày 28.4.1975, buổi lễ bàn giao giữa quyền Tổng thống Trần Văn Hương và tân Tổng thống Dương Văn Minh dễn ra tại Dinh Độc Lập. Sau lễ nhậm chức, Dương Văn Minh vừa về đến Dinh Hoa Lan, phi đội 5 chiếc A37 của phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 29/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bàn và ra lệnh cho Giám đốc Nha cảnh sát đô thành Triệu Quốc Mạnh thả tù binh chính trị; gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ để giải quyết hòa bình ở Việt Nam.

16 giờ chiều ngày 29/4, đã thực hiện xong việc trả tù binh chính trị (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm). Chỉ huy các ban và cảnh sát 18 quận, huyện đã tan rã (trừ bộ phận biệt phái). Tổng thống Dương Văn Minh chỉ thị không được di chuyển quân, không được phá cầu. Dựa vào chỉ thị trên, chiều ngày 29/4/1975, phụ tá Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh đã ra lệnh cho các đơn vị không được phá cầu. Đơn vị nào muốn phá cầu phải có lệnh của Bộ Tổng tham mưu.

Sau đó, phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu có Linh mục Chân Tín, Giáo sư Châu Tâm Luân vào Trại David, được đồng chí Võ Đông Giang, Phó trưởng phái đoàn ta tiếp. Luật sư Trần Ngọc Liễng đã thông báo với phái đoàn ta về chủ trương “không chống cự” của Tổng thống Dương Văn Minh vào giờ chót của cuộc chiến tranh. Như vậy, theo Luật sư Trần Ngọc Liễng: “Tổng thống Dương Văn Minh đã chấp nhận đầu hàng từ buổi trưa ngày 29/4/1975” [5].

Từ chiều và tối ngày 28 đến 29/4, cục tham mưu Miền cũng có chỉ đạo vận động nội các Dương Văn Minh đầu hàng thông qua kỹ sư Tô Văn Cang; cũng có một số người tác động Tổng thống Dương Văn Minh hướng “Thành phố để ngỏ”, đầu hàng, như ông Lý Qúi Chung, họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành). Thông qua ông Phan Xuân Huy và ông Đoàn Mai, thượng tọa Thích Trí Quang nói điện thoại trực tiếp thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng .

Sáng ngày 30/4/1975, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng tham mưu trưởng (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng đã trốn đi nước ngoài) và tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo với Tổng thống Dương Văn Minh về toàn bộ tình hình quân sự. Sau đó, ông Minh (cùng các ông Hạnh và Có) đến Phủ Thủ tướng (số 7 Thống nhất, nay là đường Lê Duẩn). Tổng thống Dương Văn Minh họp với Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một số người trong nội các “nhóm Dương Văn Minh”, bàn và quyết định “không nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam” [5]. Ông Minh đã nói với các thành viên tân nội các: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho chính phủ Cách mạng lâm thời” [4; tr 400]

Lúc 9h ngày 30.4.1975, Dương Văn Minh cho gọi nhân viên đài phát thanh đến thu âm bản tuyên bố ngừng bắn. Vào lúc 9h30, bản thu âm này đã được phát đi phát lại trên đài phát thanh Sài Gòn. Nội dung của nó như sau: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ CMLTCHMNVN ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào” [7; tr 283].

Cùng với tuyên bố của Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng thay mặt Tổng tham mưu trưởng thảo một nhật lệnh yêu cầu tướng tá và binh sĩ chế độ Sài Gòn thi hành lệnh của Tổng thống ngay tức khắc.

Sau khi đọc tuyên bố “đầu hàng” xong, tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến Dinh Độc Lập để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng.

11 giờ 30, xe tăng quân giải phóng vào Đinh Độc Lập. Xe quân giải phóng đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sài Gòn được giải phóng còn nguyên vẹn.

Trong buổi lễ trả tự do cho nội các Dương Văn Minh ngày 2/5/1975, Chủ tịch Ủy ban Quân quản tướng Trần Văn Trà đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại. Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại”. Tướng Dương Văn Minh đã đáp lại rất thành thật: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước … Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập” [8].

2. VAI TRÒ CỦA NỘI CÁC DƯƠNG VĂN MINH VỚI VIỆC KẾT THÚC CUỘC CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

Với những nguồn tư liệu đáng tin cậy như đã trình bày ở trên đã cho thấy nhận thức,  hành động của Tướng Dương Văn Minh và nhóm của ông trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam là mong muốn vãn hồi hòa bình cho đất nước. Đặc biêt, sự ra đời và hoạt động của nội các Dương Văn Minh vào những ngày cuối cùng tháng 4/1975 đã góp phần giải phóng Sài Gòn, tránh được những đổ máu vô ích. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác giả khi nghiên cứu về Bản thân tướng Dương Văn Minh và nội các của ông cũng có những cách đánh giá khác nhau: như Vũ Ngự Chiêu trong cuốn “Tướng Dương Văn Minh: Cái chết của một hàng tướng” cho rằng “Đứng ra nhận lĩnh trách nhiệm cầm đầu miền Nam trong hoàn cảnh ấy, ông Minh hẳn có thể bày tỏ lòng trung trinh của mình với đất nước và dân tộc bằng cái chết tự nguyện sau khi cho lệnh buông súng đầu hàng, hơn kéo dài cuộc sống thừa thãi trong vùng bóng tối lạnh lẽo bên lề lịch sử” nhưng “Ông Minh không có được cái đại dũng của một vị Tổng Tư lệnh” [3; tr 100]. Vũ Ngự Chiêu cũng khẳng định “Những trang lịch sử quốc dân rồi sẽ tái dựng lại đầy đủ sự thực trong một tương lai gần. Hậu thế sẽ có dịp thẩm giá Tướng Minh một cách trung thực hơn” [3; tr102].

Còn theo Lý Quí Chung trong “Hồi ký không tên” thì cho rằng: Dương Văn Minh nhận ghế tổng thống ở thời điểm đó “Nó không còn là quyền lực và địa vị” [4; tr 339], nhưng quyết định đó “còn có tác dụng nhất định để góp phần đưa miền Nam đi đến một kết thúc bớt được những đổ máu vô ích” [4; tr 339]. Cũng theo ông Lý Quí Chung và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thì: tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông Minh chủ trương hoà bình, chấm dứt chiến tranh. Điều này thể hiện rõ ở Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định hai cơ sở của ta (chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và luật sư Triệu Quốc Mạnh) nắm hai lực lượng vũ trang: quân đội và cảnh sát; cử một người dân sự (giáo sư Bùi Tường Huân) làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chưa đầy một ngày sau khi nhậm chức thì ngày 29/4/1975, đã ra lệnh thả tù chính trị, đuổi phái đoàn DAO của Mỹ; không di chuyển quân, không phá cầu …

Nguyễn Hữu Thái trong “30/4/1975 – Dương Văn Minh và tôi” cho rằng “Việc Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đầu hàng ở cái “nút” ấy, một người trong cương vị ông Minh có thể có nhiều quyết định. Nếu quyết định khác đi, sẽ là máu đổ, sẽ là nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn. Sài Gòn sẽ tan tành…” [8]. Chủ tịch Tổng hội sinh vên Sài Gòn cũng khẳng định: hành động của Tổng thống Dương Văn Minh “đã hy sinh danh dự của một tướng lãnh (dù là một tướng bại trận) để thực sự cứu thành phố này khỏi cảnh tàn phá và đổ nát” và “Đó cũng là một hành động can đảm và đáng ca ngợi của một Phật tử vào cuối đời” [8].

Đối với luật sư Vũ Văn Mẫu, ông nhận chức Thủ tướng trong nội các Dương Văn Minh vì “ông không có ước mong gì khác hơn là đem lại hòa bình, hòa hợp hòa giải thật sự cho dân tộc” [8].

Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN cũng đánh giá: Mặc dù ông Dương Văn Minh chưa đáp ứng được yêu cầu của ta, nhưng tuyên bố của ông và nhật lệnh của ông Nguyễn Hữu Hạnh đã “có tác dụng nhất định, làm suy giảm sự chống cự có tổ chức của chúng, góp phần tạo đều kện thuận lợi để lực lượng quân sự của ta và quần chúng nhân dân nhanh chóng đè bẹp các ổ đề kháng của địch, nổi dậy làm chủ giải phóng Sài Gòn” [7; tr 181].

Về đánh giá trên của ĐCSVN, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng Hòa XHCNVN Nguyễn Thị Bình khẳng định “Tôi nghĩ rằng đánh giá như thế là thỏa đáng, nhưng nếu nghiên cứu thêm lý lịch của ông Dương Văn Minh và nghe thêm một số câu chuyện về ông qua lời kể của những người tiến bộ xung quanh ông thì hành động của ông Dương Văn Minh là thức thời và thể hiện ông là người có lòng yêu nước”[2; tr 15]. Khẳng định về vai trò của Dương Văn Minh và Nội các của ông, bà Bình đã nêu rõ: “Tôi cho rằng không nên tách ông Dương Văn Minh và nội các của ông ra khỏi nhóm Dương Văn Minh mà 80% là những người có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp, thậm chí là cơ sở của cách mạng trong thành phố Sài Gòn”[2; tr 15].

Qua đó, Bà còn nêu lên quan điểm của mình là: “Cần có sự đánh giá công khai và chính thức về sự đóng góp của mỗi người trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc vừa qua, kể cả những người tham gia trong các lực lượng đối lập với chính quyền tay sai của Mỹ ở Sài Gòn, và xét việc khen thưởng đối với người có công” [2; tr 15].

Nhân dịp 30 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2005), nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế về sự kiện 30/4 và vai trò của nội các Dương Văn Minh đối với việc kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ – Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ” [1]. Nguyên Thủ tướng cũng cho rằng: “Tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông “tử thủ”, chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30/4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này” [1].

Những ngày cuối tháng 4/1975,khi cuộc tổng tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực kết hợp với cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang và nổi dậy của quần chúng ở thành phố Sài Gòn – Gia Định đã tạo sức ép quân sự lớn; công tác vận động, binh địch vận của nhiều lực lượng ta với Tướng Dương Văn Minh; được sự đồng tình, tác động tích cực của những người chủ yếu trong nội các, lực lượng thứ ba và “nhóm Dương Văn Minh”; Tổng thống Dương Văn Minh đã quyết định “không chống cự”, tuyên bố “ngưng nổ súng vào 9g30 (sau đó tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” vào 11g30) ngày 30/4/1975. “Đây là hành động thức thời, làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân đội Sài Gòn vào những giờ chót của cuộc chiến tranh, tạo thuận lợi cho quân giải phóng tiến nhanh vào giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn và không đổ máu. Nhiều thành phố và thị xã khác cũng được giải phóng nguyên vẹn, ít tổn thất” [5]. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi rõ rằng để giành được thắng lợi to lớn này, những cuộc tổng tiến công quân sự của các binh đoàn lớn có tính chất quyết đinh kết hợp với các cuộc tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và quần chúng địa phương đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, “công bằng mà nói, hành động thức thời của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông đã góp phần làm cuộc chiến kết thúc sớm, tránh đổ nhiều xương máu của binh sĩ và nhân dân, thành phố Sài Gòn và nhiều đô thị còn nguyên vẹn”[5]. Hành động đó của tướng Dương Văn Minh thể hiện lòng yêu nước, phản ánh nguyện vọng tha thiết của ông được kết thúc chến tranh bằng con đường hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Lịch sử luôn khẳng định một sự thật không thể chối cãi: việc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng đãlàm giảm ý chí chiến đấu của đại bộ phận quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào những giờ phút cuối của cuộc chiến tranh, tạo thuận lợi cho quân giải phóng tiến nhanh vào giải phóng hoàn toàn mền Nam, thành phố Sài Gòn và nhiều thị xã khác cũng được giải phóng còn nguyên vẹn và ít đổ máu.

Lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã chứng minh rằng: không có cuộc chiến tranh nào là không tàn khốc, đổ máu và nước mắt, nhưng bất cứ quyết định nhân đạo nào mà hạn chế được sự đổ máu của nhân dân, làm nên thắng lợi của dân tộc, cũng là quyết định của một người yêu nước và có tinh thần dân dân tộc. Quyết định đó là đáng trân trọng và được lịch sử ghi nhận.

Như vậy, có thể khẳng định chưa nơi nào trên thế gian này chiến tranh chống giặc ngoại xâm kéo dài hàng thế kỷ và thảm khốc như ở đất nước ta. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam (1954-1975) đã lùi xa vào quá khứ 40 năm. Với chuỗi thời gian đó, đất nước Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Bằng nhiều nguồn tài liệu đã được giải mật từ nhiều phía và những nhân chứng sống trong cuộc chiến tranh, nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá khách quan hơn và ghi nhận vai trò của Tướng Dương Văn Minh và nội các của ông đối với việc kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vai trò của nội các Dương Văn Minh đã góp phần cho Sài Gòn – miền Nam được giải phóng còn nguyên vẹn, bớt đổ máu. Trong thời kỳ đổ mới, nhiều tác giả nguyên là lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tướng Trần Văn Trà … đã cho rằng, cần đánh giá khách quan, công khai và khen thưởng, động viên kịp thời cho người có những đóng góp vào thắng lợi to lớn của dân tộc, cho dù, người đó là ở lực lượng nào. Có như vậy mới hàn gắn được vết thương chiến tranh, mới thực hiện được hòa hợp, hòa giải dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thạch Anh: “Phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân dịp 30 năm giải phóng miền Nam”, ngày 30.4.2005, vietbao.vn

2. Nguyễn Thị Bình: “Đánh giá về nội các Dương Văn Minh” – Báo Thanh niên, ngày 1/6/2012, tr 15.

3. Vũ Ngự Chiêu: “Tướng Dương Văn Minh – Cái chết của một hàng tướng”, Houston, 2001, www.vietnamvanhien.net.pdf

4. Lý Quí Chung: Hồi ký không tên, Nxb Thời Đại, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012.

5.Phạm Văn Hùng: “Hồ sơ tướng Dương Văn Minh”, Tạp chí Hồn Việt, số 11, tháng 5/2008,  www.honviet.com

6.Khánh Nam: Bí mật trong nội các Dương Văn Minh ngày 30.4. kienthuc.net.vn

7. Quân Đội Nhân dân Việt Nam – Tổng Cục Chính trị: Tổng kết công tác binh địch vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2002.

8. Nguyễn Hữu Thái: “30/4/1975, Dương Văn Minh và tôi”, Tạp chíXưa và nay,số tháng 3/2008,  http://sachhiem.net/liichsu/N/NguyenHuuThai.php

9. “Tuyên bố của Tướng Dương Văn Minh nhân dịp kỷ niệm một năm ký Hiệp định Paris”- dẫn theo Lê Thị Hòa: “Đảng lãnh đạo xây dựng khối đạ đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội 2010,  Phụ lục 9 (tr 263-265).

Nguồn: Văn hóa Nghệ An

Hình: Tổng thống VNCH Dương Văn Minh trên đường đến đài PT Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Nguồn: CNN.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]