Tại sao việc làm ngành chế tạo kiểu cũ sẽ không quay lại phương Tây?

Nguồn:Why old-fashioned manufacturing jobs won’t return to the West“, The Economist, 20/01/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Ngành chế tạo có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách tại các nước giàu. Trong số những người đó, Donald Trump muốn mang các việc làm ngành chế tạo từ các quốc gia có chi phí thấp trở về Mỹ. Ngành chế tạo xứng đáng nhận được sự chú ý về mặt chính trị. Các doanh nghiệp ngành chế tạo nhiều khả năng cũng là các nhà xuất khẩu hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, và các doanh nghiệp này có xu hướng đạt hiệu suất cao hơn so với các doanh nghiệp không xuất khẩu. Nhưng khi các chính trị gia nói về ngành chế tạo, họ có xu hướng nói về các dây chuyền sản xuất: lắp ráp các bộ phận vào ô tô, máy giặt hay máy bay, hoạt động vốn tạo ra ít giá trị gia tăng hơn trước đây. Ngày nay, chính các quá trình đi cùng việc lắp ráp – như thiết kế, quản lý chuỗi cung ứng, và dịch vụ – mới mang lại giá trị gia tăng. Chế tạo, và các công việc trong ngành chế tạo, đã thay đổi theo những cách mà theo đó các công việc cũ sẽ không bao giờ quay trở lại các nước giàu.

Do những thay đổi này, việc tính toán xem có bao nhiêu người đang làm việc trong ngành chế tạo trở nên khó khăn. Từ những năm 1840 đến những năm 1960 ở Anh, tỷ lệ công việc trong ngành chế tạo dao động ở khoảng 1/3; hiện nay số liệu chính thức cho thấy khoảng 1/10 số công nhân tham gia vào ngành chế tạo. Vào cuối những năm 1940 tại Mỹ, công việc ngành chế tạo chiếm 1/3 công việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Con số hiện nay chỉ là 1/11.

Nhưng cách mà các số liệu chính thức được tính toán hàm nghĩa rằng sự sụt giảm của ngành chế tạo đã bị phóng đại. Một số quy trình từng được gắn chặt với nhau thì bây giờ được dàn trải ra trên khắp thế giới. Các công ty chế tạo ngày càng sử dụng nhiều các công ty khác để thực hiện những công việc như tiếp thị hay kế toán. Bởi vì các nhà thống kê thường phân loại các công ty theo nhóm nhân viên lớn nhất của công ty đó, điều này có thể làm cho sự biến mất của các công việc trong ngành chế tạo trở nên lớn hơn so với thực tế.

Những xu hướng này dường như sẽ vẫn tiếp diễn. Nhiều khía cạnh của nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế sản phẩm và thử nghiệm kỹ thuật hiện nay được thực hiện bởi các công ty riêng biệt, cùng với rất nhiều các dịch vụ kế toán, hậu cần, vệ sinh, quản lý nhân sự và công nghệ thông tin. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 bởi Viện Brookings, một tổ chức tư vấn Mỹ, tính toán rằng 11,5 triệu việc làm tại Mỹ được tính là công việc trong ngành chế tạo vào năm 2010 đã bị áp đảo về số lượng theo tỷ lệ 2:1 so với các việc làm trong ngành dịch vụ liên quan đến chế tạo: tổng cộng số việc làm trong hai lĩnh vực là 32,9 triệu.

Trong tương lai, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ thâm nhập thậm chí sâu hơn nữa vào lãnh địa của các nhà chế tạo, thậm chí là các nhà chế tạo sẽ xem bản thân mình ngày càng giống như các nhà bán hàng dịch vụ. Máy móc công nghiệp và hàng hóa mà họ tạo ra đang ngày càng được đóng gói với các bộ cảm biến kết nối internet. Do đó, các nhà chế tạo có thể thu thập dữ liệu về việc máy móc của họ hoạt động như thế nào trên thế giới. Sự am hiểu về các sản phẩm và các dữ liệu mà chúng tạo ra giúp họ biến hàng hóa trở thành dịch vụ.

Đây nên là điều đáng mừng đối với các chính trị gia bảo vệ cho công việc trong ngành chế tạo. Những việc làm được trả lương hậu hĩnh sẽ gia tăng khi các dịch vụ liên quan đến ngành chế tạo tăng lên. Trong một số lĩnh vực, đổi mới và sản xuất đang ngày càng đan xen. Sản xuất công nghệ cao thâm dụng vốn thường được thực hiện tốt hơn bằng cách làm việc với các nhà thiết kế và kỹ sư đã nghĩ ra các sản phẩm.

Mặc dù điều đó ngụ ý như vậy, tiềm năng đối với các công việc mới trong ngành chế tạo không hoàn toàn là điều mà các chính trị gia mong muốn. Sản xuất tiên tiến mang lại những việc làm tốt, nhưng chúng đòi hỏi kỹ năng và khả năng thích ứng. Cải tiến giáo dục để đảm bảo cung ứng đầy đủ các kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật là cần thiết, cũng như là đào tạo nghề, tương tự cách mà Đức sử dụng để hỗ trợ các chương trình nhằm đổi mới các kỹ năng của người lao động hiện tại và trước đây.

Đơn thuần đe dọa các công ty đang tìm cách chuyển việc làm ra nước ngoài, như ông Trump đã thực hiện, sẽ không hữu ích. Sử dụng thuế quan để phá vỡ chuỗi cung ứng xuyên biên giới phức tạp mà các nhà sản xuất phải trông cậy vào, như ông đã đề nghị làm, sẽ gây thiệt hại cho các khu vực ông muốn hỗ trợ. Kiểm soát chặt chẽ người di cư có những kỹ năng mà các nhà sản xuất không thể tìm thấy trong nước sẽ gây thiệt hại lớn hơn. Và các chính sách ưu tiên cho công nhân lắp ráp hơn so với đầu tư vào tự động hóa sẽ khiến cho ngành công nghiệp trong nước trở nên kém cạnh tranh. Điều này chứng minh tầm quan trọng của việc hiểu rõ về công việc trong ngành chế tạo ngày nay.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]