22/02/1946: Kennan gửi ‘Bức điện Dài’ về Bộ Ngoại giao Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: George Kennan sends “long telegram” to State Department, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1946, George Kennan, Đại biện lâm thời của Mỹ tại Moskva, đã gửi một bức điện dài 8.000 từ đến Bộ Ngoại giao, trong đó nêu lên quan điểm của ông về Liên Xô và chính sách của Mỹ đối với nước này. Phân tích của Kennan trở thành một trong những nền tảng có ảnh hưởng nhất đối với chính sách ngăn chặn của Mỹ trong thời chiến tranh Lạnh.

Kennan là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên làm việc tại Đại sứ quán của Mỹ ở Liên Xô vào năm 1933. Dù thường thể hiện sự tôn trọng đối với nhân dân Nga, nhưng các đánh giá của ông về chế độ cộng sản của Liên Xô lại rất tiêu cực và khắc nghiệt. Suốt Thế chiến II, Kennan vẫn luôn tin rằng sự thân thiện và hợp tác với lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin của Tổng thống Franklin D. Roosevelt là hoàn toàn không đúng. Chưa đầy một năm sau cái chết của Roosevelt, Kennan, khi đó đang là Đại biện lâm thời của Mỹ tại Moskva, đã trình bày quan điểm của mình trong bài viết được gọi là Bức điện Dài (The Long Telegram)

Bức điện Dài bắt đầu bằng lời khẳng định rằng Liên Xô sẽ không chịu “chung sống hòa bình vĩnh viễn” với phương Tây. “Quan điểm điên loạn về thế giới” này là một biểu hiện của “ý thức về sự mất an ninh trong bản năng của người Nga.” Kết quả là, Liên Xô luôn nghi ngờ tất cả các nước khác và tin rằng an ninh của họ chỉ có thể đạt được bằng “những cuộc đấu tranh kiên cường nhưng chết người để phá hủy hoàn toàn sức mạnh của đối thủ.” Kennan đã tin rằng Liên Xô sẽ cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ, và chỉ ra Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những vùng có khả năng xảy ra xung đột cao nhất.

Kennan cũng tin rằng Liên Xô bằng mọi giá “làm suy yếu quyền lực và ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây đối với các nước thuộc địa hoặc trung lập.” May mắn thay, dù người Liên Xô “không đi theo logic của lý trí”, nhưng họ lại “cực kỳ nhạy cảm trước logic của sức mạnh.” Do đó, họ sẽ xuống nước nếu gặp phải “phản kháng mạnh mẽ.” Kennan kết luận rằng Mỹ và các đồng minh của mình phải là người tạo ra sự phản kháng đó.

Bức điện của Kennan đã gây ra tranh luận sôi nổi tại Washington. Những phát biểu hung hăng và hành vi đe dọa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ của Stalin trong giai đoạn 1945 – 1946 khiến chính quyền Truman quyết định có một lập trường cứng rắn hơn: dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế, chứ không phải là ngoại giao, trong việc đối phó với Liên Xô. Những yếu tố này đồng thời là sự tiếp nhận nồng nhiệt phân tích của Kennan. Ý kiến của ông rằng sự bành trướng của Liên Xô cần phải được ngăn chặn bằng “phản kháng mạnh mẽ” đã trở thành nền tảng chính sách đối ngoại Chiến tranh Lạnh của Mỹ suốt hai thập niên tiếp theo. Sự nghiệp ngoại giao của Kennan cũng ngày càng thăng tiến, ông trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên Xô vào năm 1952.

Sau khi ngừng làm việc cho chính phủ, Kennan trở thành giảng viên của Viện Nghiên cứu Cấp cao cho đến khi ông qua đời vào năm 2005, ở tuổi 101.

Xem thêm: Nguồn gốc hành vi của Liên Xô

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]