George Marshall: Nhà quân sự – chính trị lỗi lạc

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

George Catlett Marshall (1880-1959) là một người rất đặc biệt, vừa là quân nhân lại vừa là chính khách. Ông đã phục vụ ngót 50 năm trong quân đội và chính quyền qua 8 đời Tổng thống Mỹ. Năm 1951, ông về hưu ở tuổi 71 sau một năm làm Bộ trưởng Quốc phòng, mặc dù với quân hàm Đại tướng 5 sao, ông được hưởng quyền không phải nghỉ hưu.

George C. Marshall ra đời tại bang Pennsylvania, khi cuộc nội chiến Nam Bắc chấm dứt được 15 năm. Gia tộc này có một nhân vật nổi tiếng là Chánh án Toà án Tối cao Liên bang John Marshall (1755-1835), người đặt nền móng cho ngành tư pháp Mỹ; nhưng đến đời G. Marshall thì lại chỉ là một gia tộc bình thường. Marshall quyết theo đường binh nghiệp, ban đầu định học trường quân sự Seattle nhưng sau lại xin vào Học viện quân sự Virginia (Virgina Military Institute, VMT). Anh ruột ông từng tốt nghiệp trường này, có nói với mẹ là sợ rằng Marshall không thể theo học nổi ở đây. Nghe thế, Marshall tức chí, quyết phấn đấu để ông anh thấy mình sẽ giỏi như thế nào.

Năm 1901, Marshall tốt nghiệp với thành tích xuất sắc nhất trường, trở thành sĩ quan chỉ huy học sinh quân. Hồi ấy, Tây Ban Nha thua Mỹ trong cuộc chiến tranh giữa hai nước, phải bán thuộc địa của mình là Philippines cho Mỹ với giá 20 triệu USD. Vì vậy nước Mỹ có nhu cầu tăng cường quân đội và đưa quân ra nước ngoài. Năm 1902, Marshall tạm biệt vợ mới cưới, sang đóng quân ở Philippines.

Năm 1903, Marshall về nước. Về sau ông tốt nghiệp với thành tích ưu tú trường Bộ-kỵ binh và trường Sĩ quan. Trong thời gian Thế chiến I, ông làm Tham mưu trưởng cho tướng Pershing trên chiến trường Pháp.

Tháng 9 năm 1939, khi nước Đức của Hitler tấn công Ba Lan, tướng Marshall được cử làm Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, một chức vụ rất quan trọng trong chiến tranh.

Mọi người thường nghĩ rằng nước Mỹ xưa nay bao giờ cũng là một cường quốc quân sự. Thực tế không phải thế. Sau Thế chiến I, Quốc hội Mỹ ép Chính phủ theo chủ trương lâu dài không can dự vào các cuộc xung đột hoặc chiến tranh ở châu Âu, do đó lực lượng quân thường trực của Mỹ rất nhỏ. Năm 1939, nước Mỹ chỉ có 174 nghìn lính, trang bị rất kém. Lực lượng quân đội Mỹ hồi ấy xếp thứ 17 trên thế giới, sau cả những nước nhỏ như Bulgaria và Bồ Đào Nha. Trước tình hình thế giới ngày một căng thẳng, tướng Marshall khẩn trương tăng cường lực lượng vũ trang Mỹ. Cuối Thế chiến II, quân đội Mỹ đã phát triển tới 8 triệu người, trang bị tối tân, có thể thích ứng với chiến trường toàn cầu. Không có một quân đội như vậy, lực lượng Đồng minh không thể nào thắng nổi phát xít Đức và Nhật có chuẩn bị chiến tranh rất tốt.

Marshall được gọi là “Napoleon trong văn phòng”, ông không phải là loại chiến tướng xông pha ngoài mặt trận như Paton. Nhưng chiến tranh hiện đại rất cần những vị tướng như Marshall. Trong Thế chiến II, ông từng vạch kế hoạch và chỉ huy một công việc hầu như bất khả thi: di chuyển 600 nghìn lính và 900 nghìn tấn vũ khí vượt một chặng đường dài trên đất Pháp mà quân Đức không thể phát hiện. Khi Đồng minh chuẩn bị giải phóng Tây Âu, Tổng thống Roosevelt muốn cử Marshall sang châu Âu làm tư lệnh quân Đồng minh nhưng cuối cùng lại thôi vì không thấy ai thay được vai trò Tham mưu trưởng của Marshall điều khiển toàn bộ cuộc chiến tranh trên cả hai mặt trận Âu và Á.

Vì không ra chiến trường nên sau chiến tranh Marshall không nổi danh như tướng Eisenhower (được bầu làm Tổng thống Mỹ 8 năm) hoặc tướng MacArthur (được cử làm Tư lệnh quân Đồng minh chiếm đóng Nhật). Cuối đời ông cũng không viết hồi ký, vì ông nói: nếu viết thì sẽ viết 100% sự thật, như vậy sẽ làm tổn thương một số đồng nghiệp của mình.

Sau Thế chiến II, tháng 12/1945 Marshall được cử làm Đại sứ đặc biệt của Mỹ tại Trung Quốc lúc ấy đang ở vào thời kỳ đặc biệt phức tạp.

Các sự kiện xảy ra cho thấy thế giới sau chiến tranh lại trở nên nguy hiểm hơn do xuất hiện tình trạng đối đầu ngày càng quyết liệt giữa hai lực lượng vĩ đại từng là đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít. “Bức màn sắt” ở Đông Âu chia cắt châu Âu, chia cắt nước Đức và thủ đô Berlin, báo hiệu nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và các nước cùng hệ tư tưởng cộng sản với một bên là Mỹ và các nước phương Tây.

Ngày 5/6/1947, trường Đại học Harvard làm lễ trao tặng tướng Marshall bằng Tiến sĩ danh dự luật học. Trong diễn từ chúc mừng, Hiệu trưởng Harvard ca ngợi George C. Marshall không chỉ là một người lính mà còn là một nhà chính trị, tài năng và phẩm chất của ông có thể sánh với một danh nhân trong lịch sử nước Mỹ – đó là George Washington, người sáng lập nước này. Cả hai nhân vật này đều là chiến tướng, đều có khả năng tự kiềm chế và vượt qua chính mình để hoà nhập hoàn toàn cuộc đời họ vào sự nghiệp của nền dân chủ Mỹ.

Có điều, tầm mắt của Marshall còn bao quát tới nền dân chủ và hoà bình ở châu Âu và thế giới. Hai năm sau khi Thế chiến II kết thúc, châu Âu vẫn là một bãi hoang tàn khổng lồ, không sản xuất đủ sản phẩm để đổi lấy tiền bạc đầu tư phát triển kinh tế, nền dân chủ mọi người mong đợi có nguy cơ bị tiêu vong vì các lực lượng phản động lợi dụng tình trạng đói khổ để kêu gọi thực hiện nền thống trị độc tài; mầm mống chiến tranh cũng rậm rịch nổi lên. Nếu không thay đổi tình hình này thì châu Âu và thế giới sẽ mất yên ổn.

Đúng vào lúc ấy, tháng 1/1947, Tổng thống Truman mời tướng Marshall ra làm Bộ trưởng Ngoại giao thay cho James F. Byrnes. Cho rằng mình kém khả năng hùng biện, Marshall nghĩ là Truman đã mời nhầm, song ông không thể từ chối vì thấy tình hình thế giới đang vô cùng nguy hiểm.

Trong đáp từ khi nhận bằng tiến sĩ danh dự ở ĐH Harvard, Marshall đưa ra ý tưởng về Chương trình khôi phục kinh tế châu Âu (European Recovery Program).

Đó là Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) nổi tiếng thế giới, với nội dung Mỹ cung cấp viện trợ quy mô lớn giúp các nước châu Âu nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Mọi người đều biết, ở nước Mỹ dù lấy một đô la ngân quỹ quốc gia đem cho nước ngoài cũng phải được dân chúng đồng ý mà dân Mỹ bao năm qua đã quen với ý nghĩ chớ nên can dự vào công việc ở châu Âu, nơi luôn xảy ra các vụ tranh chấp và chiến tranh. Trong hai cuộc Thế chiến, Mỹ tham chiến chỉ để cứu hoà bình ở châu Âu chứ nước Mỹ không hề có nguy cơ chiến tranh. Vì châu Âu, dân Mỹ đã hy sinh hàng trăm nghìn con em trong Thế chiến II, nay lại yêu cầu họ bỏ tiền ra giúp châu Âu – điều này họ thật khó chấp nhận.

Bởi vậy, không những phải thuyết phục Quốc hội mà Marshall còn phải làm một cuộc du thuyết vất vả khắp nước, chẳng khác các ứng cử viên Tổng thống đi tranh cử. Nhờ các cố gắng không mệt mỏi ấy, cuối cùng dân Mỹ chấp nhận Kế hoạch Marshall.

Mới đầu Marshall dự định ngân sách viện trợ bằng 22 tỷ USD, nhưng về sau bị Tổng thống Truman và Quốc Hội Mỹ cắt giảm xuống còn 12,4 tỷ USD (tương đương 124 tỷ USD theo thời giá tháng 6/2016). Chính phủ Mỹ cũng mời Liên Xô tham gia kế hoạch tái thiết châu Âu này, nhưng bị từ chối.

Các nước châu Âu có phản ứng tích cực với Kế hoạch Marshall. Tháng 7/1947, 16 nước Tây Âu dự Hội nghị Paris nhất trí đồng ý thực thi Kế hoạch này.

Thực hiện Kế hoạch Marshall, từ năm 1948 đến năm 1952 nước Mỹ đã viện trợ tổng cộng 13,325 tỷ USD cho 15 nước châu Âu phục hồi kinh tế. Sự viện trợ này thu được kết quả khả quan, đặt nền móng vững chắc cho châu Âu đứng lên được và phát triển tiếp nền kinh tế của mình. Kế hoạch Marshall không những chỉ là một thí dụ viện trợ kinh tế thành công mà còn nêu ra cho cộng đồng quốc tế một phương thức tư duy mới: nước thắng trận lại giúp nước bại trận.

Cụ thể số tiền đã viện trợ cho một số nước trong thời gian từ 3/4/1948 đến 30/6/1952  như sau (tỷ USD) : Hà Lan – 1,083; CHLB Đức – 1,390; Italy – 1,508; Pháp – 2,713; Anh – 3,189 (theo Statistics and Reports division of the Agency for International Development as of November 17, 1975).

Lịch sử cho thấy: sau Thế chiến I, nước Pháp thắng trận bắt nước Đức thua trận phải bồi thường quá nhiều khiến cho dân Đức sống dở chết dở không còn đường thoát, tên đầu sỏ phát xít Hitler thừa cơ lôi kéo dân Đức đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây ra hậu quả vô cùng tai hại cho cả thế giới, trước hết là nước Pháp láng giềng.

Tướng Marshall đã dùng sáng kiến sáng suốt của ông tuyên truyền khắp thế giới một ý tưởng mới: Nghèo khổ không những sinh ra tội ác mà còn tiếp tay giúp các chế độ độc tài phát triển, do đó đe doạ hoà bình dân chủ; cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ tiêu diệt đói nghèo, ủng hộ chế độ dân chủ ở các nước. Ông còn gửi cho thế giới một thông điệp: Kẻ thắng trong chiến tranh có thể không phải là kẻ chinh phục và áp bức kẻ thua, mà nên là bạn bè và người giúp đỡ nhân dân nước thua trận.

Kế hoạch Marshall đã giúp CHLB Đức nhanh chóng phục hồi kinh tế và trở thành một nước dân chủ và nước công nghiệp lớn nhất châu Âu. Tại châu Á, nước Nhật từ đống tro tàn sau chiến tranh cũng nhờ nhận được sự giúp đỡ của Mỹ mà nhanh chóng phục hồi, dần dần trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Sự viện trợ khảng khái và có hiệu quả của Mỹ cho các nước bại trận đã nâng cao uy tín quốc tế của Mỹ, thắt chặt quan hệ Mỹ với Tây Âu và Nhật trên tất cả các mặt, giúp Mỹ có một đồng minh vững chắc trong cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài với Liên Xô.

Năm 1953 George C. Marshall được tặng giải thưởng Nobel Hoà bình. Đây là phần thưởng xứng đáng cho nhà chính trị xuất thân quân nhân này, một trong số không nhiều nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử thế giới hiện đại.

Tướng Marshall được dựng tượng tại Viện Bảo tàng của Học viện quân sự Virginia – trường đại học quân sự đầu tiên của nước Mỹ thành lập năm 1839 tại thành phố Lexington bang Virginia. Trường này có nhiều danh nhân, như tướng Jackson nổi tiếng về tài lấy ít thắng nhiều trong cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865) từng dạy ở đây, ba thế hệ tướng Paton lừng danh trong Thế chiến II đều học dưới mái trường này v.v.. Vì thế nhà trường lập riêng một viện bảo tàng để ghi danh những nhân vật đã đem lại vinh quang cho trường và để giáo dục truyền thống cho học sinh quân.

Ai từng đến thăm nơi này có thể thấy vị trí trang trọng nhất trong Viện Bảo tàng được dành cho hai pho tượng Jackson và Marshall. Tượng Jackson oai vệ uy nghi, rõ là một chiến tướng với vẻ mặt đầy tự tin pha chút hoang dã. Marshall trong tượng nghiêm nghị, tuy mặc quân phục nhưng vẻ mặt hiện lên dáng dấp của một con người lỗi lạc cả về quân sự lẫn chính trị. Tác giả bức tượng đã thể hiện được phẩm chất của Marshall.

Xem thêm: George Kennan: Người bày mưu đánh bại Liên Xô

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]