Tác giả: Phạm Phú Khải
Năm 1943 nhà báo Mỹ và tác giả Walter Lippmann viết:
Nếu không có nguyên tắc bao trùm rằng quốc gia phải duy trì các mục tiêu và quyền lực của mình trong trạng thái cân bằng, giữ mục đích trong phạm vi phương tiện, và phương tiện bằng với mục đích, giữ các cam kết phù hợp với các nguồn lực và các nguồn lực phù hợp với cam kết, thì sẽ bất khả để nghĩ về các vấn đề ngoại giao.
Quan điểm của Lippmann đã ảnh hưởng sâu rộng lên nền ngoại giao của Mỹ gần một thế kỷ qua.
Trong cuộc tranh luận hầu góp ý với Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc (DFAT) để góp phần hình thành Sách Trắng Chính Sách Ngoại Giao (FPWP), tiến sĩ Michael Fullilove, giám đốc điều hành viện nghiên cứu chính sách Lowy Institute, cho rằng nước Úc không phải lúc nào cũng đạt được vị thế cân bằng về các vấn đề ngoại giao. Ông phê bình rằng có những lúc chính sách ngoại giao Úc quá nhiều tham vọng nhưng thiếu nhất quán; có nhiều ý tưởng lớn nhưng không có khả năng thi hành; nhanh thúc dục các nước khác làm những điều mà Úc chưa sẵn sàng làm, v.v… Tóm lại là các cam kết của Úc vượt quá nguồn lực của mình.
Như đã đề cập trong bài trước, kể từ tháng Tám năm ngoái sau khi Trump chính thức đại diện Đảng Cộng Hoà làm ứng cử viên tổng thống, nước Úc thấu hiểu sự chuyển động trong tư tưởng của người Mỹ, đặc biệt trong địa hạt ngoại giao và thương mại, nên đã nắm bắt cơ hội này huy động trí tuệ toàn dân hầu tìm ra giải pháp tốt nhất cho mình.
Tại Mỹ, cũng vào thời điểm này, 50 viên chức an ninh quốc gia kỳ cựu của Đảng Cộng Hòa, trong đó có nhiều chuyên gia nổi tiếng, đã thảo một lá thư chung phản đối cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của Trump, vì nếu thắng cử, Trump “sẽ làm nguy hại đến nền an ninh và thịnh vượng của quốc gia chúng ta”. Lá thư đó nhanh chóng chìm sâu không vết tích. Phải chăng người Mỹ đã thật sự mất niềm tin vào giới chuyên gia?!
Về sự khủng hoảng niềm tin của người Mỹ đối với giới chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao, Daniel Bessner và Stephen Wertheim thuộc trường Đại học Washington trình bày hai nguyên nhân chính trong bài “Dân chủ hóa nền ngoại giao Mỹ” trên tạp chí Foreign Affairs. Thứ nhất, vì nhiều chuyên gia trong số này ủng hộ chiến tranh Iraq, trong đó hàng chục ngàn dân Mỹ tử vong hoặc thương tích, và hàng ngàn tỷ đô la bị tiêu tốn để theo đuổi những mục tiêu hiếu chiến và không thể thành công. Thứ hai, từ bấy lâu nay, giới chuyên gia về chính sách ngoại giao đã quá cô lập đối với dân chúng Mỹ. Tệ hơn, giới chuyên gia thường bảo dân chúng cần phải làm gì thay vì trình bày nhiều giải pháp để dân chúng có thể lựa chọn. Làm như thế họ đã phủ nhận vai trò của người dân trong quyết định cuối cùng của nền dân chủ. Cho nên chẳng gì ngạc nhiên khi dân chúng không thèm lắng nghe và từ chối nhìn nhận giới chuyên gia một cách nghiêm túc.
Khi nghiên cứu lịch sử Mỹ, Bessner và Wertheim đã tìm ra được những nguyên nhân và đề nghị các giải pháp thích đáng, hầu mang chuyên gia và dân chúng xích lại gần nhau, như trình bày sau đây.
Một giới tinh hoa dân chủ
Vào đầu thế kỷ 20, các chuyên gia Mỹ đã hình thành những tổ chức chuyên môn nhằm cải thiện chính sách ngoại giao của Mỹ. Ngay từ đầu, vào thập niên 1920, đã có hai khuynh hướng đối trọng nhau: một bên thuộc tinh hoa và một bên thuộc dân chủ. Đại diện của bên tinh hoa là nhà báo Water Lippmann, cho rằng người dân bình thường trong thời hiện đại không đủ tri thức để đi đến các quyết định chính trị sáng suốt. Trong tác phẩm nổi tiếng của ông năm 1922, “Công Luận” (Public Opinions), Lippmann biện luận rằng các quyết định cần phải được hướng dẫn bởi giới tinh hoa, những tổ chức chuyên gia độc lập tách biệt với quần chúng. Trong khi đó, bên dân chủ, đại diện là triết gia John Dewey, trong tác phẩm “Công Chúng và Các Vấn Đề Của Họ” (The Public and its Problems) xuất bản năm 1927, biện luận rằng nền dân chủ mà không có dân thì hoàn toàn không dân chủ. Mặc dầu ông công nhận tầm quan trọng của giới chuyên gia, Dewey cho rằng vai trò của họ là giúp dân, không phải thay thế dân; qua sự hướng dẫn chuyên môn và các cuộc thảo luận cộng đồng, công dân sẽ trở nên giác ngộ và được trao quyền hành động về mặt chính trị.
Khi Thế chiến I bùng nổ, ba viện nghiên cứu chính sách ảnh hưởng lớn nhất được hình thành là Hội Chính Sách Đối Ngoại (Foreign Policy Association, FPA), Viện Quan Hệ Thái Bình Dương (Institute of Pacific Relations, IPR), và Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (the Council on Foreign Relations, CFR).
Vào năm 1943, FPA đặt mục tiêu đưa thông tin và thảo luận đến quảng đại quần chúng. IPR đi xa hơn, cấm các viên chức chính quyền tham dự các cuộc họp của mình mãi cho đến Thế chiến II. Frank Atherton, một thương gia từ Hawaii và cũng là một trong những sáng lập viên, cho rằng thúc đẩy “quan hệ giữa con người với nhau và giữa các quốc gia với nhau” là con đường dẫn đến hòa bình. Ngay cả CFR, tổ chức nhằm ảnh hưởng lên các viên chức ngoại giao của chính phủ, cũng đã dành các nguồn lực đáng kể để giáo dục dân chúng, điển hình là qua việc xuất bản tạp chí Foreign Affairs.
Không hề tự mãn giam mình ở các thành phố Boston, New York hay Washington, các chuyên gia ngoại giao Mỹ đã hình thành các chi nhánh địa phương ở khắp nước Mỹ để tổ chức các cuộc thảo luận mang tính địa chính trị hệ trọng vào thời điểm đó. Vào thời điểm Thế chiến II, FPA ước đoán có khoảng 726.138 người đã tham dự các cuộc họp công cộng trên 19 chi nhánh hoạt động của họ. Các lần họp thường có hai diễn giả tranh luận với nhau. Các chi nhánh của IPR nằm khắp ven bờ biển phía Đông nối kết người dân Mỹ với các chuyên gia ở bờ Tây. CFR cũng hình thành các hội đồng vùng tại Des Moines, Houston và Louisville, cung cấp cho trụ sở trung ương tại New York những tai mắt cảm nhận tâm trạng của đất nước, một nguồn thông tin quan trọng cho giới nghiên cứu và phân tích chính sách đối ngoại.
Bessner và Wertheim cho rằng mặc dầu hai khuynh hướng dân chủ và tinh hoa luôn tranh giành ảnh hưởng, chỉ đến Chiến tranh Lạnh thì giới tinh hoa theo chủ trương của Lippmann mới thật sự thắng thế. Điều đáng nói là các chuyên gia làm việc cho các tổ chức nói trên giữa năm 1920 và 1940 thường tiếp cận với người dân với sự kính trọng và sẵn sàng giúp họ tự suy nghĩ lấy. Ngoài ra, năm 1944, Bộ Ngoại giao Mỹ hình thành Phòng Liên lạc Công cộng (Division of Public Liaison) với mục đích tạo trao đổi hai chiều giữa nhân viên chính phủ và người dân, giúp họ cân nhắc nhiều sự chọn lựa mâu thuẫn nhau.
Trong thời điểm hiện tại giới chuyên gia thường có xu hướng áp đặt các quan điểm hay các chương trình nghị sự nào đó lên công chúng. Chẳng hạn bản tường trình của Viện Brookings vào năm 2017 với tựa đề “Xây dựng ‘tình huống có sức mạnh’: Một Chiến lược An ninh Quốc gia cho Hoa Kỳ”, gồm 10 chuyên gia thuộc lưỡng đảng, cho vị Tổng Thống thứ 45 của Mỹ.
Trong khi đó, vào năm 1942 Viện Brookings có quan điểm khác. Bản tường trình “Kế hoạch Hòa bình và Những Chọn lựa của Mỹ” (Peace Plans and American Choices) năm đó trình bày cả tá lập trường đối ngoại khác nhau với những ưu và khuyết điểm của mỗi lựa chọn, từ sự nắm vững thế giới đơn phương đến hợp tác đa phương để liên minh với Khối Thịnh Vượng Anh. Ông Harold Moulton, Chủ tịch viện Brookings thời đó, khẳng định rằng “Mỗi chúng ta có trách nhiệm, trong tư cách là công dân, để kết luận đề xuất nào trong này, đơn lẻ hay kết hợp nhau, mà mình tin là tốt nhất”. Ngay cả khi Mỹ đã quyết định tham chiến và đối diện với một tương lai bất định, giới chuyên gia vẫn một mực đối xử với người dân Mỹ như là trọng tài của các chính sách đối ngoại của quốc gia mình. Ngoài ra, các chuyên gia trong thời gian này sở hữu những hình thức kiến thức mà công dân có thể hiểu được, làm cho sự tham gia của công chúng trở nên khả thi. Chưa biệt lập trong tháp ngà của họ, hoặc say mê các công thức toán học, họ cung cấp những hiểu biết sâu sắc từ lịch sử, địa lý, và nhân học vốn có thể hiểu được đối với độc giả nói chung. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, những điều kiện này dần dần biến mất.
Giới tinh hoa trở thành qúy tộc
Khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu leo thang, với hiểm nguy của chiến tranh hạt nhân từ hai siêu cường Mỹ và Liên Xô, chuyên gia từ các cơ sở kỹ nghệ quân sự đang nổi lên đã xác định rằng các hiểm hoạ chính trị quốc tế đã quá khó khăn để có thể trao lại vào tay thường dân. Thêm vào đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và sau đó là chủ nghĩa chuyên chế toàn trị Xô-viết cho thấy quần chúng dễ bị thao túng và đưa đến hành xử hung hăng. Ông Hans Speier, người chỉ đạo bộ phận nghiên cứu khoa học xã hội cho viện nghiên cứu về quân sự RAND Corporation mới hình thành lúc đó, đã bác bỏ sự lạc quan của xu hướng dân chủ theo Dewey vì cho là đạo đức ngây thơ. Ông viết tường trình năm 1954 cho cấp trên của mình rằng các quyết định chính trị phải tùy thuộc vào “những người mang trách nhiệm chính trị”. Các chuyên gia phải tìm cách để “nhìn thẳng vào tương lai không chắc chắn và bảo vệ tốt nhất có thể cho những người khác không có trách nhiệm như vậy”. Kể từ đó công chúng ngày càng trở thành vật thể, hơn là chủ thể, của chính sách đối ngoại Mỹ.
Tín nhiệm giới tinh hoa được nhanh chóng định chế hóa. Năm 1947 Quốc Hội Mỹ hình thành hai cơ quan quyền lực ít chịu sự giám sát của công chúng: Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council) và Cơ quan Tình báo Trung ương CIA (Central Intelligence Agency). Các chuyên gia hoặc tham gia vào các tổ chức đang phát triển như thế hoặc hình thành các viện khác để phục vụ nó. Những ai tham gia vào các viện nghiên cứu về quân sự như RAND hay viện Phân tích Quốc phòng (Institute for Defense Analyses) thì thăng hoa, trong khi những ai theo xu hướng dân chủ thì suy yếu. IPR trở thành nạn nhân của chủ nghĩa McCarthy vào thập niên 1950. FPA thì mất ảnh hưởng và tài trợ vào thập niên 1960. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ các viên chức cao cấp mất hứng thú gặp gỡ công dân trên mọi miền đất nước. Trong thời Tổng thống Eisenhower, Bộ Ngoại Giao bỏ cả sự giả bộ trông mong ý kiến của công chúng trước đây mà chủ yếu sử dụng truyền thông đại chúng để truyền đạt chính sách của mình. Cộng đồng giới chuyên gia về chính sách đối ngoại ngày càng tách biệt, chủ yếu quan tâm đến tầm ảnh hưởng của mình tại Washington hơn là giúp xây dựng tầng lớp công chúng tham gia rộng rãi.
Hệ thống này hoạt động tốt trong thời Chiến tranh Lạnh, và giới chuyên gia được công chúng tin cậy cao, được giao nhiệm vụ hoạch định và thi hành chính sách thay mình. Ngay cả trong thời chiến tranh Việt Nam khi bị công chúng chỉ trích vì các chính sách thất bại của mình, giới chuyên gia vẫn lấy lại được uy tín xưa sau một số cải tổ. Các ý tưởng dân chủ theo Dewey vẫn chưa thắng thế vào thập niên 1980.
Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, giới chuyên gia và công chúng không còn chung lý luận về chính sách đối ngoại. Một hố ngăn cách sâu đã xuất hiện giữa các các mối đe dọa an ninh tương đối nhỏ trong khi các cam kết quân sự và chính trị của Mỹ mang tầm khổng lồ ở ngoài nước. Sự mất cân bằng này đã tạo ra các áp lực liên tục khiến những người như Tổng thống George W Bush hay bây giờ là Donald Trump phải hoặc thổi phồng các mối đe dọa, hoặc phải cắt giảm vai trò của Mỹ trên thế giới. Khi chưa có sự thay thế hệ thống cũ trong thời Chiến tranh Lạnh này, dân chúng Mỹ cảm thấy phải bắt đầu chống lại uy quyền của giới chuyên gia.
Mang công chúng trở lại
Ngày nay các viện nghiên cứu chính sách cố gắng phối hợp nỗ lực để tiếp cận dân chúng. Họ xuất bản các tường trình, tiến trình và bài phát biểu trực tuyến và kết nối các nhà phân tích của họ với sinh viên và học giả trong các trường đại học. Mặc dầu có nhiều tiến triển tích cực như thế, thành trì chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn mang cấu trúc phi dân chủ. Các chuyên gia tán dương giá trị của ngoại giao quốc tế mặt đối mặt nhưng hầu như không tiếp cận với công dân Mỹ ngoài vùng Đông Bắc, thay vào đó chỉ dựa vào truyền thông điện tử. Họ tự giới hạn vai trò của họ, trước hết và trên hết, là đưa ra những khuyến nghị tốt nhất cho các nhà hoạch định chính sách. Nếu công dân bình thường lắng nghe thì càng tốt, nhưng tiếp cận họ là việc ngẫu nhiên chứ không dự định. Trên thực tế, công chúng được yêu cầu nhận và đồng ý, không có quyền lựa chọn và chỉ đạo.
Là một ứng viên Tổng thống trong kỳ bầu cử vừa qua, Trump nhận diện thực tế này trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao, vào tháng Tư năm 2016. Ông tuyên bố: “Đã đến lúc mời những tiếng nói mới và tầm nhìn mới trở lại”. Trump hầu như không bác bỏ việc sử dụng giới chuyên môn. Ngược lại, ông cam kết sẽ tìm ra “các chuyên gia có tài năng với những cách tiếp cận và ý tưởng thực tiễn, chứ không phải bọc xung quanh tôi với những người có lý lịch nghề nghiệp tốt nhưng rất ít thứ để khoe ngoại trừ trách nhiệm về một chính sách thất bại kéo dài và tiếp tục thua thiệt trong chiến tranh”. Trump kêu gọi phải có chuyên gia mới và tốt hơn và đòi hỏi trách nhiệm đối với những người đã thất bại.
Nhưng khi trở thành tổng thống, Trump lại chọn những nhân vật như Stephen Bannon, chiến lược gia chính của Nhà Trắng, giữ vai trò trụ cột trong Hội đồng An ninh Quốc gia (Các tổng thống Mỹ trước đây, thuộc Dân Chủ hay Cộng Hòa, đều hiểu rất rõ sự nguy hiểm trong việc pha trộn chính trị và an ninh quốc phòng, chưa bàn đến vấn đề năng lực ở đây. Tuy nhiên mới đây Trump đã rút Bannon ra khỏi cơ quan này). Để ngăn ngừa các chuyên gia kiểu này lên đỉnh cao quyền lực trong tương lai, các chuyên gia chính thống cần phải phục hồi niềm tin của dân Mỹ vào khả năng chuyên môn trong chính sách đối ngoại. Bessner và Wertheim đưa ra năm đề nghị khó khăn nhưng cần thiết như sau.
Một, các viện nghiên cứu và mạng lưới chuyên môn nên hướng dẫn tổ chức các cuộc tranh luận dân chủ. Các chuyên gia chính sách đối ngoại nên tiếp xúc với mọi thành phần công dân khi đưa ra các khuyến nghị lớn. Thay vì vận động một chương trình hành động duy nhất, họ nên trình bày các chi phí và lợi ích của các chính sách thay thế hợp lý hoặc huy động được sự yểm trợ rộng lớn. Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện nên tiếp tục thực hiện cung cách thời Chiến tranh Lạnh của mình để tổ chức các buổi điều trần công khai bên ngoài Washington.
Hai, các viện nghiên cứu chính sách nên tạo ra các chi nhánh địa phương vươn ra ngoài các thành phố phía Đông Bắc. Điều này sẽ làm cho thường dân Mỹ thấy rằng chuyên gia chính sách đối ngoại tôn trọng và mong muốn họ tham dự các vấn đề này. Qua các sự kiện công cộng này, giới chuyên gia sẽ học hỏi cách ghi nhận các chính sách đối ngoại ảnh hưởng như thế nào lên các thành phần dân số khác nhau.
Ba, giới chuyên gia nên có tiếng nói thường xuyên trên các kênh truyền thông phi truyền thống mà trong đó một phần lớn cộng đồng Mỹ thảo luận về chính trị. Hiện tại những chuyên gia nào xuất hiện trên truyền hình CNN hay báo New York Times… thường được công nhận mang tính chuyên nghiệp hơn là xuất hiện trên các đài phát thanh, trang mạng hay podcasts. Nhưng Bessner và Wertheim biện luận rằng các phương tiện này quan trọng vì nó với tới nhiều thành phần cử tri đáng kể trong thời đại quá phân cực ngày nay. Giới chuyên gia không nên loại bỏ vị thế này vì tính giáo điều.
Bốn, vì quyền lợi chung nên cả chuyên gia lẫn công chúng cần ủng hộ Quốc hội đóng một vai trò lớn mạnh hơn trong việc hình thành chính sách đối ngoại. Kể từ thập niên 1990, Quốc hội đã trao quyền và sáng kiến cho hành pháp. Nó đã mất quyền quyết định chiến tranh và cho phép các cơ quan điều tra và điều trần trở nên mất tác dụng. Nếu tình thế này tiếp tục, dân chúng sẽ mất luôn cách tốt nhất để ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại.
Năm, chuyên gia chính sách đối ngoại cần xây dựng một văn hóa có trách nhiệm giải trình. Công dân xứng đáng được biết những cá nhân nào đã góp phần hình thành các chính sách đối ngoại tệ hại sẽ không còn được hoan nghênh trong các viện nghiên cứu hoặc các cơ quan tương tự. Mặc dầu chuyên gia có toàn quyền để bảo vệ luận điểm và lý lịch của mình, họ phải chịu cái giá nghề nghiệp đáng kể nếu ủng hộ các chính sách tệ hại. Một văn hoá trách nhiệm giải trình sẽ xây dựng lại niềm tin của người dân về chuyên gia, qua đó khuyến khích các chuyên gia đưa ra lời khuyên thận trọng trong tương lai.
Sự cần thiết của chuyên gia
Bessner và Wertheim cho rằng đây chỉ là những bước khởi đầu để phục hồi niềm tin công chúng vào giới chuyên gia. Các chuyên gia khả kính là không thể thiếu đối với hoạt động của một xã hội hậu công nghiệp theo định hướng tri thức.
Nhưng giới chuyên gia cần ghi nhận điều ngược lại cũng đúng. Các chuyên gia về chính sách đối ngoại phải liên kết lại với công chúng và khuyến khích sự tham gia của thường dân vào các vấn đề thế giới.
Bessner và Wertheim kết luận rằng nhiều thập niên qua, những nhà làm chính sách đối ngoại của Mỹ tranh luận về cách làm sao dùng chính sách đối ngoại để cổ vũ dân chủ khắp thế giới. Công việc cấp bách bây giờ là dân chủ hóa chính sách đối ngoại ngay trên quê hương mình.
Vài lời kết
Cả năm đề nghị của Bessner và Wertheim đều thiết thực để khôi phục lại nền dân chủ và sức mạnh của Mỹ, trong đó chính sách đối ngoại sẽ luôn đóng một vai trò then chốt. Riêng đề nghị số năm thì hơi phức tạp, bởi rằng một chính sách sẽ thành công hay thất bại còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, và một khi được thực hiện là đã đi qua biết bao nhiêu con người và chặng đường. Nhưng mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ ai là người có quyền tối cao để quyết định một chính sách lớn sẽ được thi hành hay không, ngoài lãnh đạo tối cao của quốc gia.
Trong lúc vận động tranh cử, Trump cũng chủ trương phá vỡ thành trì quyền lực bấy lâu nay. Đúng là một số thành trì quyền lực cần phải được cải tổ thì nước Mỹ mới có cơ hội vĩ đại trở lại, nhưng những điều khác biệt lại chính là sức mạnh thật sự của nước Mỹ. Biết được sức mạnh và nhược điểm của từng cái là bước một. Còn giật sập hay cải tổ được hay không mới quan trọng. Trump có biết và có áp dụng nguyên tắc điều khiển quốc gia bằng cách duy trì các mục tiêu và quyền lực của mình trong trạng thái cân bằng không thì chưa rõ! Bốn năm tới không biết Trump sẽ làm được bao nhiêu điều mình hứa hẹn, nhưng nếu chỉ đánh giá trong thời kỳ trăng mật thôi thì Trump thất bại nhiều hơn thành công, từ chính sách đối nội đến đối ngoại. Thật sự cho đến nay những chuyên gia hàng đầu về ngoại giao cũng không rõ chính sách ngoại giao của chính phủ Trump về Trung Quốc, Nga, Âu Châu, Bắc Hàn hay Syria như thế nào.
Dù sao Trump vẫn còn nhiều thời gian để học hỏi và sửa đổi. Dù Trump có thất bại hoàn toàn đi nữa thì Trump vẫn là cơ hội tốt để toàn nước Mỹ rút ra những bài học quan trọng hầu tìm được những sáng kiến và công thức mới đưa nước Mỹ thật sự vĩ đại trở lại, nhưng không phải theo kiểu của Trump. Dân chủ hóa nền ngoại giao Mỹ, như Bessner và Wertheim biện luận, có thể là một trong các giải pháp quan trọng đó.
Tài liệu tham khảo:
- Daniel Bessner and Stephen Wertheim, “Democratizing U.S. Foreign Policy”, Foreign Affairs, 05/04/2017. Vì bài viết rất giá trị nên tôi lược dịch phần lớn bài này và cố giữ nguyên ý và nội dung của tác giả.
- Julie Smith và Loren Dejonge Schulman, “Bannon’s Demotion Means the Trump Team Is Learning — Even if Trump Isn’t”, Foreign Policy, 06/04/2016.
- Michael Fullilove, “Seeking clarity in Australian foreign policy”, Lowy Institute, 15/02/2017.
- Tom Nichols, “How America Lost Faith in Expertise”, Foreign Affairs, Volume 63, Number 2, trang 60 đến 73, Tháng Ba/Tư 2017.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]