Lịch sử phát triển tư duy chiến lược của Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

american-symbols-dale-jackson

Tác giả: Lưu Minh Phúc (Trung Quốc) | Biên dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành

Trong số tất cả các nước lớn trỗi dậy, kinh nghiệm của Mỹ có ý nghĩa nhất đối với Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Mỹ có đặc điểm nhanh, thuận lợi, trả giá nhỏ, hiệu ích cao, là sự trỗi dậy thông minh nhất, trí tuệ nhất, nghệ thuật nhất, ly kỳ nhất. Sự trỗi dậy của nước Mỹ đứng trước tình trạng các đối thủ cạnh tranh vừa nhiều lại vừa hùng mạnh. Đức, Nhật, Liên Xô lần lượt tiến hành cạnh tranh chiến lược và đua tài với Mỹ, nhưng cuối cùng Mỹ thắng.

Kinh nghiệm trỗi dậy của Mỹ chủ yếu thể hiện trên ba mặt: một là Mỹ có kinh nghiệm vượt qua sự ngăn chặn, trỗi dậy thành công; hai là Mỹ có kinh nghiệm ngăn chặn kẻ khác, bảo vệ bá quyền; ba là Mỹ có kinh nghiệm ngăn chặn chia rẽ, giữ gìn sự thống nhất quốc gia. Con đường nước Mỹ đi qua trên ba phương diện này đều là tài sản chiến lược quý giá Trung Quốc có thể tham khảo.

Trung Quốc nghiên cứu kinh nghiệm của Mỹ về mặt ngăn chặn kẻ khác và bảo vệ bá quyền là nhằm thông qua tìm hiểu các thủ đoạn của Mỹ ngăn chặn kẻ khác để xem xét việc ứng phó hữu hiệu với sự ngăn chặn của Mỹ. Trên thế giới ngày nay Mỹ là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. Bởi vậy, Trung Quốc muốn trỗi dậy thành công thì phải học tập Mỹ, nghiên cứu Mỹ, đối phó với Mỹ. Trên vấn đề nước lớn trỗi dậy, Mỹ là người thầy tốt nhất của Trung Quốc.

Mỹ là nước lớn về chiến lược

Có người tiến hành so sánh đối chiếu người Mỹ với người Nhật và cho rằng trên các kế sách mưu tính nhỏ có thể người Mỹ không bằng người Nhật, nhưng trên chiến lược lớn thì sự cao minh của người Mỹ vượt xa người Nhật; Mỹ là “nước nhỏ về toan tính, nước lớn về chiến lược”.

Nước lớn trỗi dậy là lớn về chiến lược. Nước lớn trỗi dậy thành công là thành công của chiến lược lớn. Trong thời gian hơn 200 năm, nước Mỹ từng mắc không ít sai lầm, nhưng rất ít xuất hiện, có thể nói là chưa từng xuất hiện những sai sót về quyết sách chiến lược dẫn đất nước tới chỗ xảy ra sự tụt lùi lớn. Lịch sử trỗi dậy của nước Mỹ chứng tỏ họ là một nước lớn chiến lược thành công, trên chiến lược lớn họ là một tay đại sừng sỏ.

Washington đầu tiên đề xướng “chủ nghĩa biệt lập”:  sự ra đời đại chiến lược “chủ nghĩa độc lập” Mỹ

Có thể nói chủ nghĩa biệt lập là đại chiến lược thứ nhất của nước Mỹ sau ngày lập quốc, là giai đoạn lịch sử thứ nhất và hình thái đầu tiên của đại chiến lược Mỹ

Chủ nghĩa biệt lập có căn nguyên sâu xa ở nước Mỹ, là truyền thống hình thành từ thời đại Washington. Chủ nghĩa này cho rằng “Tân thế giới” (Tây bán cầu) ưu việt hơn thế giới cũ, nó không muốn gắn kết với châu Âu thối nát và lạc hậu, lại càng không muốn cuốn vào cuộc tranh chấp của châu Âu. Hàm nghĩa cơ bản của chủ nghĩa biệt lập là: nước Mỹ không cuốn vào công việc của châu Âu, nước Mỹ thi hành chính sách ngoại giao độc lập không chịu sự kiềm chế của châu Âu. Về thực chất, chủ nghĩa biệt lập thích ứng với nền độc lập quốc gia Mỹ, kiên trì sự độc lập của Mỹ về ngoại giao; cũng là một kiểu chiến lược thủ thành trong tình hình nước Mỹ mới thành lập, lực còn chưa đủ mạnh.

Tư tưởng chiến lược của chủ nghĩa biệt lập Mỹ được thể hiện sâu sắc nhất trong bài diễn thuyết từ biệt của khai quốc công thần Washington ngày 17/9/1796. Nhà chính luận Pháp Tocqueville[1] có viết một đoạn bình luận đặc sắc trong danh tác “Nền dân chủ Mỹ” xuất bản năm 1835 như sau:

“Có hai người cho tới nay vẫn có ảnh hưởng đối với việc chỉ đạo chính sách ngoại giao Mỹ, người thứ nhất là Washington, người thứ hai là Jefferson. Washington có một bức thư đáng ca ngợi gửi đồng bào mình, chúng ta có thể coi đó là di chúc chính trị của bậc vĩ nhân này. Bức thư viết:

‘Về mặt chính sách đối ngoại, quy tắc hành xử chủ yếu của chúng ta là: mở rộng thông thương buôn bán với nước ngoài, hết sức cố gắng ít có quan hệ chính trị với nước ngoài. Nói về các hiệp ước chúng ta đã ký kết, chúng ta phải hết sức tôn trọng. Nhưng chúng ta cũng chỉ làm thế mà thôi.’

‘Các nước châu Âu có một bộ lợi ích căn bản liên quan lẫn nhau, những lợi ích ấy nếu không phải là căn bản không có liên quan tới chúng ta thì cũng chỉ có quan hệ cực kỳ xa xôi với chúng ta. Bởi vậy, tất nhiên họ sẽ rơi vào tình trạng thường xuyên không ngừng tranh chấp, nhưng nguồn gốc sự tranh chấp ấy về bản chất là không liên quan tới chúng ta. Cho nên từ nay về sau muốn dùng sợi dây nhân tạo gắn kết chúng ta với các biến động chính trị hàng ngày của châu Âu, hoặc gắn kết chúng ta với sự chia rẽ và hợp nhất của các nước châu Âu lúc thì đối địch nhau, lúc thì làm bạn với nhau – đó là việc rất không khôn ngoan.”

‘Vị trí địa lý của chúng ta một mình một cõi, xa cách các nước khác, đã thúc đẩy và cho phép chúng ta có thể áp dụng đường lối khác mọi người. Giả thử dưới sự quản trị của một chính phủ có hiệu suất, chúng ta tiếp tục tồn tại như một dân tộc, thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ có thể không phải chịu các thiệt hại vật chất do sự xâm lược của nước ngoài, có thể áp dụng lập trường giúp chúng ta bất kỳ lúc nào cũng có thể giữ nền trung lập được tôn trọng, có thể làm cho các nước giao chiến vì không kiếm được chút lợi lộc nào từ chúng ta mà không dám nhắm mắt làm bừa khiêu khích chúng ta, có thể căn cứ theo nguyên tắc lợi ích và chính nghĩa của chúng ta mà lựa chọn hoà bình hoặc chiến tranh.’

‘Vì sao lại từ bỏ lợi ích do vị trí địa lý độc đáo đem lại? Vì sao lại rời bỏ căn cứ của mình mà chạy đến căn cứ ở nước ngoài? Vì sao phải gắn liền vận mệnh của chúng ta với vận mệnh của một bộ phận nào đó ở châu Âu, qua đó làm cho nền hoà bình và phồn vinh của chúng ta dính dáng với dã tâm, sự đối kháng, lợi hại, tuỳ tiện của người châu Âu?’

‘Chính sách đúng đắn của chúng ta là tránh mãi mãi liên kết đồng minh với bất cứ nước ngoài nào. Ý tôi muốn nói chúng ta cần hành động không chịu sự ràng buộc như hiện nay; xin chớ hiểu lời tôi là tôi chủ trương không tôn trọng các hiệp ước hiện có. Xưa nay thành thực bao giờ cũng là phương sách tốt nhất; trong công việc nhà nước tôi tuân theo châm ngôn này không kém gì trong việc riêng. Bởi vậy, tôi nhắc lại lần nữa, chúng ta phải tuân thủ các hiệp ước căn cứ theo bản nghĩa của hiệp ước. Nhưng tôi cho rằng việc mở rộng hiệp ước hoặc ký kết hiệp ước mới đều là không cần thiết và không khôn ngoan.’

‘Trước sau như một phải chú ý áp dụng các biện pháp thích đáng nhằm để mình giữ được thế phòng ngự được người khác tôn trọng, trong trường hợp gặp nguy hiếm bất trắc cũng có thể lợi dụng một cách an toàn liên minh tạm thời.’”

“Trước đoạn nói trên, Washington có nói một danh ngôn chí lý đáng khâm phục: ‘Một quốc gia bao giờ cũng quen căm ghét hoặc ưa thích một quốc gia khác, thì quốc gia đó giống như một kẻ nô lệ, tức trở thành kẻ nô lệ của lòng yêu và ghét của mình.’ Hoạt động chính trị của Washington bao giờ cũng tuân theo những châm ngôn đó. Trong khi tất cả các nước khác trên thế giới đều cuốn vào chiến tranh thì ông lại làm cho đất nước mình giữ được hoà bình. Ông cho rằng lợi ích căn bản của người Mỹ là quyết không dính dáng tới sự tranh chấp nội bộ châu Âu, và ông coi điểm này là chuẩn tắc hành động của ông.”

“Jefferson còn đi xa hơn, châm ngôn ông tuân theo về chính sách đối ngoại là: ‘Người Mỹ quyết không đòi hỏi nước ngoài cho mình đặc quyền nào, nhằm tránh để mình bị ép phải nhường đặc quyền cho nước ngoài.’”

“Chính sách đối ngoại của Mỹ là một kiểu chính sách chờ xem mà họ thi hành rất tốt. Chính sách đó yêu cầu không làm điều mình không muốn làm, chứ không phải là việc gì cũng làm.”

Diễn thuyết từ biệt có tính di chúc chính trị của Washington là bản tuyên ngôn của chiến lược Mỹ, được gọi là cương lĩnh nguyên tắc đối ngoại của chủ nghĩa biệt lập Mỹ, giá trị chiến lược của nó không kém gì “Sức mạnh biển” của Mahan.[2] Di chúc chính trị của Washington là kết tinh trí tuệ chiến lược của các bậc khai quốc công thần Mỹ, là sự sáng tạo của trí tuệ chiến lược Mỹ thời đại đó, là tư tưởng chỉ đạo thực tiễn chiến lược Mỹ 100 năm sau đó…. Di chúc này có thể sánh ngang bất kỳ trước tác tư tưởng chiến lược kinh điển nào trên thế giới.

Sự ra đời “chủ nghĩa Monroe”:  sự hình thành đại chiến lược “chủ nghĩa bá quyền khu vực” của Mỹ

Nếu nói rằng trong diễn văn từ biệt của mình, Washington đã ấn định đại chiến lược chủ nghĩa biệt lập cho nước Mỹ và đại chiến lược đó là giai đoạn thứ nhất và hình thái đầu tiên của đại chiến lược Mỹ, thì chủ nghĩa Monroe là giai đoạn hai và hình thái thứ hai của đại chiến lược Mỹ. “Chủ nghĩa biệt lập” trên thực tế là “chủ nghĩa độc lập” của chiến lược ngoại giao Mỹ, tức là sau khi giành được độc lập quốc gia từ sự thống trị thuộc địa của Anh, nước Mỹ về chính sách ngoại giao nhà nước cũng phải độc lập thoát ra khỏi hệ thống châu Âu và sự ràng buộc của châu Âu, không thể rơi vào sự tranh chấp của hệ thống châu Âu, không thể trở thành một quân cờ trên bàn cờ lớn châu Âu. Còn chủ nghĩa Monroe thì lại dựa trên cơ sở độc lập về ngoại giao, nước Mỹ từ chủ nghĩa độc lập quốc gia đi tới chủ nghĩa bá quyền khu vực trong phạm vi châu Mỹ. […] Đây là một giai đoạn chuyển tiếp của Mỹ đi lên bá quyền thế giới, là một giai đoạn trung gian.

Sau khi dựng nước, chính sách ngoại giao của Mỹ tuân theo nguyên tắc chủ nghĩa biệt lập do Washington ấn định, không liên minh với bất kỳ quốc gia nào, không cuốn vào công việc của châu Âu. Nhưng ngay từ đầu thế kỷ 19 Mỹ đã coi châu Mỹ La Tinh là sân sau của mình, không cho người khác xà xẻo. Năm 1823, chính phủ Mỹ đưa ra “chủ nghĩa Monroe” nổi tiếng, không cho phép châu Âu lập thuộc địa tại châu Mỹ. Tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa này là “Châu Mỹ là của người châu Mỹ”, trên thực tế là muốn biến châu Mỹ thành châu Mỹ của người Mỹ. Sự đề xuất chủ nghĩa Monroe là một bước nhảy vọt quan trọng của đại chiến lược Mỹ, từ chủ nghĩa độc lập quốc gia tới chủ nghĩa bá quyền khu vực.

Ngày 2/12/1823, Tổng thống Mỹ Monroe đưa ra Thông điệp do Adams thảo, nội dung chủ yếu về mặt ngoại giao trong Thông điệp này được gọi là “Chủ nghĩa Monroe”, nội dung chính gồm ba nguyên tắc cơ bản: – nguyên tắc “Phản đối các quốc gia châu Âu cướp thuộc địa ở châu Mỹ”; – nguyên tắc “không can thiệp”; – nguyên tắc “hệ thống châu Mỹ”.

Về cái gọi là nguyên tắc “Phản đối các quốc gia châu Âu lại cướp thuộc địa ở châu Mỹ”, trong bản Thông điệp có nói: Đại lục châu Mỹ do đã giành được và giữ được trạng thái tự do và độc lập, từ nay không thể lại bị coi là nơi bất cứ quốc gia châu Âu nào sẽ dùng làm thuộc địa.”

Nguyên tắc này do Mỹ đề ra tuy có bao gồm nguyên tắc chống chủ nghĩa thực dân nhưng ý đồ thực sự là nhằm bảo đảm quyền lợi bành trướng lãnh thổ của Mỹ, hạn chế và ràng buộc các nước châu Âu tiến hành bành trướng mới tại châu Mỹ, chống lại việc bất kỳ quốc gia châu Âu nào lập thuộc địa mới và tiến hành chuyển nhượng thuộc địa tại châu Mỹ. Đây là nguyên tắc ngoại giao dùng để bảo đảm nước Mỹ có thể mở rộng lãnh thổ của mình trong điều kiện sức chưa đủ mạnh,

Cái gọi là “Nguyên tắc không can thiệp” gồm hai tầng nghĩa: một là không cho phép các nước châu Âu can thiệp công việc của châu Mỹ. Bản Thông điệp chỉ rõ: “Các chính phủ đã tuyên bố độc lập và đang duy trì độc lập (qua xem xét thận trọng và căn cứ theo nguyên tắc chính nghĩa, chúng ta đã thừa nhận nền độc lập của họ) nếu bị bất kỳ quốc gia châu Âu nào tiến hành can thiệp nhằm áp bức họ hoặc dùng các phương thức khác khống chế vận mệnh họ thì chúng ta chỉ có thể cho rằng đó là biểu hiện của ý đồ không hữu hảo đối với nước Mỹ.” Hai là nước Mỹ không can thiệp vào châu Âu. Thông điệp vạch ra: “Chúng tôi chưa từng và trong tương lai sẽ không can thiệp vào các thuộc địa hoặc nhượng địa của bất kỳ quốc gia châu Âu nào”. Nguyên tắc không can thiệp ấy gồm hai nguyên tắc “can thiệp” và “không can thiệp”. Nghĩa là Mỹ phản đối bất kỳ quốc gia nào của châu Âu can thiệp vào công việc của châu Mỹ, nhưng Mỹ lại có quyền can thiệp công việc của châu Mỹ; can thiệp công việc châu Mỹ trở thành quyền lợi chỉ nước Mỹ mới có.

Về cái gọi là “nguyên tắc hệ thống châu Mỹ”, bản thông điệp chỉ rõ: “Về mặt này, chế độ chính trị của các nước thuộc Liên minh (chỉ Liên minh thần thánh) rất khác với chế độ chính trị của châu Mỹ. …… Chúng tôi sẽ cho rằng ý đồ muốn khai triển chế độ của họ sang bất kỳ bộ phận nào trên bán cầu chúng tôi đều sẽ gây nguy hại đối với hoà bình và an toàn của chúng tôi.” Thông điệp viết tiếp: “Bởi vậy,  chúng tôi cũng không thể ngồi yên mà nhìn sự can thiệp ấy dưới bất kỳ phương thức nào.” Thông điệp ca ngợi chủ nghĩa cộng hoà của châu Mỹ, dứt khoát chia tách châu Mỹ coi như một hệ thống hoàn toàn khác với châu Âu của chủ nghĩa quân chủ chuyên chế. Đây là nguyên tắc “hệ thống châu Mỹ” tách rời châu Mỹ với châu Âu. Hàm nghĩa của “hệ thống châu Mỹ” là ngăn chặn và tiến một bước tới việc bài xích ảnh hưởng chính trị của các cường quốc châu Âu tại Tây bán cầu, làm cho châu Mỹ và châu Âu “thoát ly tiếp xúc”, dọn đường cho Mỹ bành trướng tại Tây bán cầu.

Bản thông điệp nói trên đại diện cho chính sách của chính phủ Mỹ đối với châu Mỹ La Tinh; trước đó Mỹ chưa hề bàn bạc gì với các nước Mỹ La Tinh mà đã phát đi bản thông điệp này với tư cách người bảo hộ của các nước đó. Chủ nghĩa Monroe là sản phẩm nhằm bảo vệ lợi ích bành trướng hiện có và trong tương lai sẽ có của giai cấp tư sản Mỹ trong tình hình quốc tế phức tạp: tồn tại thực tế ý đồ của Liên minh thần thánh các thế lực phản động quốc tế muốn can thiệp vũ trang vào châu Mỹ La Tinh, giai cấp tư sản Anh và Mỹ tranh giành gay gắt châu Mỹ La Tinh, hai nước Nga và Mỹ đang có xung đột sâu sắc.

Chủ nghĩa Monroe trở thành một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nó tuyên truyền tư tưởng dân chủ cộng hoà của giai cấp tư sản chống lại chế độ chuyên chế quân chủ phong kiến của châu Âu; về khách quan, nó ủng hộ sự độc lập của các nước Mỹ La Tinh, ngăn cản dã tâm của các cường quốc Anh, Pháp, Nga muốn bành trướng thế lực chính trị, kinh tế và lập thuộc địa mới tại châu Mỹ, tuyên ngôn này có ý nghĩa tiến bộ nhất định. Thế nhưng Tuyên ngôn Monroe dùng chiêu bài “châu Mỹ là của người châu Mỹ”, trên thực tế nó là tuyên ngôn của nước Mỹ muốn lập sự thống trị của mình tại khu vực châu Mỹ và tranh bá với các cường quốc châu Âu. Cùng với sự phát triển của lịch sử nước Mỹ, Tuyên ngôn Monro từng có tác dụng tiến bộ đã trở thành công cụ để Mỹ tiến hành xâm lược bành trướng, phục vụ việc thực hiện “châu Mỹ là của người Mỹ”.

Dưới ngọn cờ chủ nghĩa Monroe, nước Mỹ tiến hành bành trướng lãnh thổ điên cuồng tại đại lục châu Mỹ. Những năm 30 – 40 thế kỷ 19, nước Mỹ cướp được Texas từ Mexico; thời gian 1842 – 1844 Mỹ đẩy Anh ra khỏi Oregon; những năm 1846 – 1848, Tổng thống Mỹ Polk phát động chiến tranh xâm lược Mexico, cướp đoạt hơn một nửa toàn bộ lãnh thổ Mexico. Thời gian 1819-1853, qua những phương thức cướp đoạt, thôn tính, mua rẻ tiến hành trên đại lục Bắc Mỹ, nước Mỹ đã mở rộng lãnh thổ thêm 1,3 triệu dặm vuông Anh, tương đương khoảng 80% tổng diện tích lãnh thổ nước Mỹ trước năm 1819, bao gồm vùng đất rộng lớn của 6 bang California, Nevada, Utah, Colorado, Arizona, New Mexico. Tới trước giữa thế kỷ 19, lãnh thổ Mỹ đã từ dải đất hẹp và dài của 13 bang dọc bờ biển Đại Tây Dương mở rộng đến tận bờ biển Thái Bình Dương.

Mahan sáng lập “Thuyết sức mạnh biển”: đại chiến lược Mỹ đi ra ngoài nước

Giai đoạn thứ ba và hình thái thứ ba của đại chiến lược Mỹ được đánh dấu bằng việc Mahan sáng lập “Thuyết sức mạnh biển”; thuyết này làm cho đại chiến lược Mỹ từ chiến lược bá quyền châu Mỹ mở rộng thành chiến lược biển nhằm xây dựng “đế quốc Thái Bình Dương” vừa vặn đúng vào lúc lãnh thổ nước Mỹ mở rộng về phía Tây đến bờ biển Thái Bình Dương. Do đất đai miền Tây đã khai thác hết, thị trường trong nước phân chia đã xong, mâu thuẫn giai cấp ngày một gay gắt, các nhà tư bản độc quyền Mỹ bèn chĩa mũi nhọn xâm lược ra ngoài biển. Nhưng vào lúc ấy lãnh thổ thế giới đã bị các đế quốc già xâu xé xong xuôi, còn lại ba nước nửa độc lập là Trung Quốc, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ. Ba nước này ngày ấy thuộc diện ba bệnh nhân ốm yếu của thế giới, là đối tượng để các cường quốc đấu đá kịch liệt. Nước Mỹ yêu cầu phân chia lại thế giới.

Vào thời đó nước Mỹ xuất hiện một lớp người theo chủ nghĩa bành trướng như Mahan, Theodore Roosevelt, Henry Cabot Lodge, và hình thành một thế lực chính trị xã hội. Tuy số người này không nhiều song họ có địa vị cao, năng lực hoạt động mạnh. Theodore Roosevelt mới đầu là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Hải quân, sau làm phó Tổng thống rồi Tổng thống Mỹ. Henry Cabot Lodge từng nhiều năm làm Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện. Họ cổ suý cho cái gọi là “Thuyết đế quốc Thái Bình Dương”, tập trung phản ánh tham vọng mạnh mẽ của tập đoàn tài chính phố Wall muốn bành trướng ra ngoài. Những người này đã có ảnh hưởng lớn đối với việc ấn định và thực thi chính sách ngoại giao Mỹ. Họ tự cho mình là kẻ thành tâm tin phục thuyết sức mạnh biển và “Thuyết đế quốc Thái Bình Dương” do Mahan tuyên truyền; họ là những người làm ra “chính sách lớn”. Bọn họ cực lực chủ trương tăng cường hải quân, cướp đoạt các căn cứ địa, xưng bá trên biển. Cái gọi là “chính sách lớn” chủ yếu là nói chiếm Cuba, các căn cứ trên biển Ca-ri-bê, đào kênh Panama, chiếm các đảo Hawaii, Philippines giữa Thái Bình Dương, xây dựng đế quốc Thái Bình Dương. Cuối thế kỷ 19, để quán triệt chính sách này, Mỹ đã tiến hành một loạt hoạt động xâm lược. Việc phát động chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, đẩy mạnh chính sách mở cửa các nước là những thách thức mà Mỹ dành cho các đế quốc thực dân châu Âu già cỗi, nhằm giành lấy và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của mình.

Bản thiết kế “chủ nghĩa thế giới” của Roosevelt: đỉnh cao của đại chiến lược Mỹ

Lý tưởng và bản thiết kế “chủ nghĩa thế giới” của Roosevelt[3] trước ngày kết thúc Thế chiến II là giai đoạn 4 và hình thái thứ tư của đại chiến lược Mỹ.

Sau Thế chiến I, chiến lược đi ra thế giới của Wilson gặp trắc trở. Nhưng nỗ lực của Wilson rốt cuộc là một thử nghiệm của nước Mỹ. Tiến trình Thế chiến II đem lại cơ hội rất tốt cho việc Mỹ xây dựng bá quyền thế giới. Sau năm 1943, Roosevelt tỏ ý rõ ràng là “quyền lực mà nước Mỹ đã giành được – quyền lực đạo nghĩa, chính trị, kinh tế và quân sự” “đem lại cho nước Mỹ trách nhiệm lãnh đạo cộng đồng quốc tế và theo đó cơ hội cũng đến”. Trước khi Thế chiến II kết thúc, tập đoàn lãnh đạo Mỹ với đại diện là Roosevelt và Hull[4] từng đưa ra một số ý tưởng và biện pháp sau này được sử gia Arthur Meier Schlesinger Jr. gọi là “chủ nghĩa thế giới”. Họ cho rằng chiến tranh đã làm cho cơ cấu thế quân bình truyền thống của châu Âu bị phá hoại nặng, cần phải dựa vào Mỹ, Liên Xô và Anh Quốc để duy trì trật tự thế giới. Mỹ nên và có thể ở trong thế giới này, thông qua tổ chức Liên Hợp Quốc để giữ gìn kết cục an ninh tập thể thay cho thế quân bình và pham vi thế lực của các nước lớn, bảo đảm địa vị lãnh đạo thế giới của Mỹ. Thời kỳ đầu sau chiến tranh, hoài bão “chủ nghĩa thế giới” của Roosevelt và sắc thái mê hồn của “chủ nghĩa lý tưởng” của ông vẫn là nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao Mỹ. Tới đầu năm 1946, ý kiến về tính chất thế giới sau chiến tranh và phương châm của Mỹ đối với Liên Xô đã dần dần hình thành. Luồng ý kiến chủ yếu ở Mỹ cho rằng Liên Xô đã từ bạn đồng minh trong chiến tranh trở thành đối thủ tranh giành bá quyền thế giới, Liên Xô đã không còn là bạn hợp tác mà là đối tượng cần ngăn chặn.

Quỹ đạo phát triển đại chiến lược của Mỹ sau ngày lập quốc là một quá trình tiến theo thời gian. Đây là một quá trình đi từ chiến lược độc lập ngoại giao nhà nước đến chiến lược bá quyền khu vực châu Mỹ của chủ nghĩa Monroe, rồi đến chiến lược đế quốc biển xông ra khỏi châu Mỹ tiến ra ngoài nước, cuối cùng vào sau Thế chiến II đạt tới đỉnh cao của mình trong chiến lược “chủ nghĩa thế giới” lấy xưng bá toàn cầu làm mục tiêu. Trong quá trình đó đại chiến lược Mỹ thích ứng với nhu cầu nước Mỹ trỗi dậy, dẫn dắt thực hiện sự trỗi dậy của nước Mỹ. Thành công  trỗi dậy của nước Mỹ cũng là thành công của tư tưởng chiến lược Mỹ.

Văn hoá Mỹ không phải là văn hoá “phi chiến lược

Ông Nữu Tiên Chung chuyên gia chiến lược học nổi tiếng Trung Quốc viết trong cuốn “Nghiên cứu chiến lược” như sau: Người Mỹ coi trọng kỹ thuật mà không coi trọng tư tưởng, coi trọng quản lý mà không coi trọng chiến lược. Bởi vậy, văn hoá chiến lược Mỹ là một loại văn hoá “phi chiến lược”. Ông còn nêu lên bối cảnh độc đáo của sự hình thành văn hoá chiến lược Mỹ: Một, từ ngày dựng nước tới nay nước Mỹ về địa lý luôn cách ly với thế giới bên ngoài, đây cũng là căn nguyên của chủ nghĩa biệt lập. Hai, trong quá trình khai sơn phá thạch, các vấn đề người Mỹ phải đối mặt đều là vấn đề đời sống hiện thực bức thiết, hình thành tâm trạng ăn xổi ở thì, chỉ cầu lợi trước mắt. Ba, Mỹ là nước không có truyền thống lịch sử lâu đời, cho nên trên dưới cả nước đều phổ biến thiếu ý thức lịch sử. Bốn, xã hội Mỹ là xã hội công nghiệp hoá cao độ, hầu như người Mỹ đều là kỹ sư cả, vì thế đối với bất kỳ vấn đề nào họ đều muốn tìm kiếm giải đáp có tính kỹ thuật. Kiểu nhận thức như vậy không đúng với thực tế quá trình chiến lược Mỹ

Văn hoá chiến lược của một quốc gia trước hết thể hiện trên sự theo đuổi chiến lược của quốc gia đó. Mục tiêu của người Mỹ có tính chiến lược rất mạnh. Những người thực dân Mỹ đầu tiên đến Tân đại lục đều có lý tưởng muốn xây dựng trên mảnh đất mới này một quốc gia mới khác với cựu đại lục truyền thống, mong muốn có thể theo ý chỉ của Thượng Đế xây dựng một thành phố trên đỉnh đồi, trở thành hình mẫu của thế gian. Tri thức mà người Mỹ ban đầu cần tìm kiếm gồm hai mặt: một là hướng lên Thượng Đế theo đuổi tín ngưỡng siêu việt tinh thần; hai là hướng về đời sống thế tục theo đuổi việc tìm kiếm kinh nghiệm và các tri thức lý trí về sự huyền diệu của thế giới vật chất. Một quần thể chiến lược và mục tiêu chiến lược như vậy đã quyết định việc họ tất nhiên phải tôn sùng và sáng tạo nền văn hoá chiến lược.

Văn hoá chiến lược Mỹ sau ngày dựng nước đã có nhiều sáng tạo ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới. Thí dụ sáng tạo chiến lược trong cuộc cách mạng độc lập Mỹ, sáng tạo chiến lược trong cuộc chiến tranh thống nhất nước Mỹ, sáng tạo chiến lược “Chính sách Mới” của Roosevelt, thiết kế thế giới sau Thế chiến II của người Mỹ, dù trên mặt nội chính hoặc ngoại giao đều có rất nhiều sáng tạo đi đầu lịch sử, xuất sắc trên thế giới. Dấu vết chiến lược và quỹ đạo đại chiến lược Mỹ đều nói lên Mỹ là một nước lớn chiến lược, cường quốc chiến lược. Văn hoá chiến lược của một quốc gia, tính chiến lược của văn hoá quốc gia chủ yếu thể hiện trên sự thực hiện chiến lược, tư duy chiến lược và việc giải quyết các vấn đề chiến lược lớn của quốc gia đó. Quốc gia nào không xuất sắc về chiến lược thì không thể trỗi dậy thành công. Tuy là nước có lịch sử ngắn nhất trong số các nước lớn trỗi dậy, nhưng quá trình thực hiện chiến lược hưng quốc của Mỹ rất đặc sắc. Tuy tôn sùng kỹ thuật, chú trọng thực dụng nhưng Mỹ cũng là một quốc gia chiến lược phát triển tốt. Cho dù có khuyết điểm chỉ cầu lợi trước mắt nhưng Mỹ cũng có ưu điểm biết suy tính trước sau. Bởi vậy, văn hoá Mỹ không phải là văn hoá “phi chiến lược”.

Lưu Minh Phúc là Đại tá, Giáo sư trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Nguồn:  Trích dịch từ 《中国梦》, 作者: 刘明, 出版社: 中国友谊出版公司

—————

[1] Alexis de Tocqueville, 1805-1859, người Pháp, nhà chính trị học và sử gia, nghị sĩ nền Cộng hoà thứ II , uỷ viên ban soạn thảo Hiến pháp, tác giả 2 cuốn sách Nền dân chủ Mỹ , Chế độ cũ và Đại cách mạng. 

[2] Alfred Thayer Mahan, 1840-1914, người Mỹ, nhà chiến lược biển và sử gia biển, sáng lập thuyết Sức mạnh biển (Sea Power Theory), sĩ quan chỉ huy trong cuộc chiến Mỹ- Tây Ban Nha năm 1898. Tổng thống F. Roosevelt ca ngợi ông là một trong những nhân vật vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất ở nước Mỹ.

[3] Ở đây là Franklin Roosevelt, 1882-1945, Tổng thống Mỹ thứ 32, làm TT 4 nhiệm kỳ liền (1933-1945), được coi là TT tốt nhất nước Mỹ.

[4] Corrdell Hull, 1871-1955, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ 1933-1943, ủng hộ New Deal của Roosevelt.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]