Tại sao cướp biển Somalia đang quay trở lại?

Nguồn:Why Somali piracy is staging a comeback”, The Economist, 18/4/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Sau 5 năm gián đoạn, cướp biển đã bắt năm tàu ​​trong tháng vừa qua.

Từ 2008 đến 2011, vùng biển ngoài khơi Somalia là những con đường vận chuyển đường biển nguy hiểm nhất trên thế giới. Hơn 700 cuộc tấn công vào các con tàu diễn ra trong giai đoạn này. Vào đầu năm 2011, 758 thuyền viên đã bị cướp biển bắt giữ. Cướp biển đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp vận tải biển và các chính phủ tới 7 tỷ USD vào năm 2012. Tuy nhiên, đột nhiên, việc cướp bóc bỗng dừng lại. Vụ cướp cuối cùng xảy ra đối với một tàu buôn là vào tháng 5/2012 và tình hình đó kéo dài cho đến bây giờ. Trong tháng vừa qua, đã có 5 vụ bị cướp biển được xác nhận trên Vịnh Aden, bắt đầu từ vụ bắt cóc một thủy thủ đoàn Sri Lanka của tàu chở dầu Aris 13 vào ngày 13/3 (sau đó họ đã được thả ra mà không bị đòi tiền chuộc). Sau 5 năm gián đoạn, nạn cướp biển dường như đã quay trở lại với vùng Sừng Châu Phi. Tại sao lại như vậy?

Các cuộc tấn công đã giảm mạnh nhờ các biện pháp an ninh được tăng cường. Phí bảo hiểm tăng vọt có nghĩa là các công ty vận tải buộc phải đầu tư vào bảo vệ vũ trang, và phải đi theo các tuyến đường dài hơn, an toàn hơn cách xa bờ biển Somalia. Kể từ khi bảo vệ vũ trang bắt đầu gia nhập thủy thủ đoàn của các tàu như một biện pháp bảo vệ chống lại cướp biển Somalia, chưa có tàu nào của họ bị bắt cóc thành công. Tuy nhiên, số lượng các tàu nhỏ hơn muốn cắt giảm chi phí đã tăng lên trong những tháng gần đây. Tàu Aris 13 gắn cờ Comoros đang di chuyển gần bờ, và đủ chậm để thu hút sự chú ý. Không có bảo vệ vũ trang trên tàu. Cũng có ít đội tuần tra của hải quân quốc tế hơn trong khu vực so với trước đây.

Nhưng như khi làn sóng đầu tiên của nạn cướp biển xảy ra ở vùng biển này vào đầu những năm 2000, điều kiện trên bờ biển mới là vấn đề. Somalia vẫn bị thiếu quản lý và đang sa lầy trong xung đột. Puntland và Galmudug, hai tiểu bang gần những vụ cướp biển gần đây nhất, đang đặc biệt gặp rắc rối, thậm chí theo tiêu chuẩn Somalia.

Galmudug hiện không có thống đốc và chính quyền khu vực đang bị mắc kẹt trong một trận chiến sinh tồn chống lại Ahlu Sunna Waljama’a, một dân quân Hồi giáo địa phương. Chính phủ Puntland có khả năng hơn nhưng lại đang gặp vấn đề trong việc trả tiền cho các lực lượng an ninh. Nhà nước Hồi giáo thì đang tiến hành các cuộc xâm nhập. Và cả hai, giống như phần còn lại của Somalia, đều đang chịu một đợt hạn hán khốc liệt. Những thanh niên trẻ tuổi là những con mồi dễ dàng cho các băng đảng có tổ chức thực hiện các hoạt động cướp biển, đặc biệt là những người ở các thị trấn ven biển, những người lâu nay đã than phiền về nạn đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển Somalia nhưng cộng đồng quốc tế đã nhắm mắt làm ngơ.

Các nhà quan sát nên thận trọng khi nói rằng cướp biển đang quay trở lại, Timothy Walker của Viện Nghiên cứu An ninh cảnh báo – vì vấn đề này chưa bao giờ thực sự biến mất. Các băng nhóm đó vẫn hoạt động, giống như các nhóm dân quân theo phe phái đang quấy rầy người Somalia trên đất liền. Nhiều băng nhóm vẫn đang tham gia vào các hình thức hoạt động tội phạm khác, chẳng hạn như buôn lậu ma túy.

Trong khi Aris 13 là tàu buôn lớn đầu tiên bị bắt cóc trong vòng bốn năm trở lại đây, những chiếc tàu nhỏ hơn, thường là những chiếc tàu đánh cá địa phương, vẫn luôn là mục tiêu bị nhắm đến. Người ta ngờ rằng có nhiều vụ tấn công khác đã không được báo cáo. Việc thiếu các nạn nhân quốc tế đã khiến cho sự chú ý của thế giới hướng sang nơi khác. Nhưng cho đến khi nạn cướp biển không còn là một cơ hội kinh doanh hấp dẫn, nó vẫn sẽ còn là một đại dịch.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]