Nguồn: “What is pluralism?”, The Economist, 24/5/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Một trung tâm nghiên cứu mới đang vật lộn với một ý tưởng lâu đời, nếu không muốn nói là một ý tưởng luôn luôn thời thượng.
Vào ngày 16/5/2017, Aga Khan (trong hình, bên trái), nhà lãnh đạo tinh thần của 15 triệu người Hồi giáo Shia Ismaili, đã khai trương một Trung tâm Đa nguyên Toàn cầu ở Canada. Trung tâm này, mang trong mình chút tính biểu tượng khi được xây dựng tại nơi đã từng là một bảo tàng chiến tranh ở Ottawa, có ý định trở thành một trung tâm nghiên cứu và hội nghị về chủ nghĩa đa nguyên. Nhưng chính xác thì chủ nghĩa đa nguyên (pluralism) có nghĩa là gì?
Từ này có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, đến mức mà ban tổ chức của buổi lễ khai trương đã quyết định trình chiếu một video mang tên -“Chủ nghĩa đa nguyên là gì?”- để làm rõ mọi chuyện. Một định nghĩa chung là trạng thái có nhiều hơn một của bất cứ điều gì. Ukraine có thể được mô tả như một quốc gia đa nguyên vì sự đa dạng vùng miền và chính trị. Một định nghĩa khác, có nguồn gốc từ Nhà thờ Công giáo La Mã cổ đại, có nghĩa là giữ nhiều hơn một chức vụ hoặc tài sản tại một thời điểm. Một định nghĩa thứ ba, xuất phát từ triết học, là sự thừa nhận nhiều nguyên tắc hơn là một nguyên tắc tối hậu. Ví dụ, Aristotle tin rằng tất cả hành động của con người đều chỉ nhằm hướng đến hạnh phúc: nghĩa là không đa nguyên. Ngược lại, Martin Seligman, nhà văn và nhà tâm lý học, nói rằng mục tiêu đó nên được gọi là “phúc lợi” và nên được mở rộng để bao gồm các mối quan hệ, sự hài lòng trong cuộc sống và các thành tựu.
Định nghĩa trong từ điển có ý nghĩa gần nhất với định nghĩa của trung tâm mới ở Canada là sự khoan dung hoặc việc chấp nhận nhiều ý kiến, giá trị và lý thuyết khác nhau. Định nghĩa này bắt đầu với sự đa dạng, một khái niệm thường bị hiểu nhầm là đồng nghĩa với đa nguyên, nhưng nó không chỉ có vậy. Aga Khan giải thích trong bài diễn văn của ông tại lễ khai trương của trung tâm: “Nó [chủ nghĩa đa nguyên] không có nghĩa là chúng ta muốn loại bỏ sự khác biệt hoặc xoá bỏ đặc trưng của chúng ta. Nó có nghĩa là chúng ta kết nối với nhau để học hỏi lẫn nhau và cùng nhau xây dựng tương lai.” Dự án Đa nguyên ở Đại học Harvard, một dự án nghiên cứu kéo dài 26 năm nhằm mục đích giáo dục các nhà lãnh đạo tương lai, cũng sử dụng một định nghĩa tương tự. Nó cho rằng chủ nghĩa đa nguyên liên quan đến việc tìm kiếm sự thấu hiểu giữa các nhóm khác biệt về văn hoá và tôn giáo, trong khi vẫn giữ nguyên vẹn sự khác biệt và thúc đẩy sự hiểu biết chung.
Chủ nghĩa đa nguyên theo ý nghĩa mà trung tâm mới mở ra dự định sử dụng không phải là một ý tưởng mới. Nguồn gốc của nó có thể được truy nguyên từ các triết gia cổ đại ở cả phương Đông và phương Tây. Mặc gia, một trường phái tư tưởng phát triển mạnh ở Trung Quốc từ năm 470 TCN đến năm 390 TCN, đã truyền bá tư tưởng rằng tất cả mọi người phải yêu thương nhau một cách vô tư để tránh xung đột. Chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo tồn tại trên bán đảo Iberia trong suốt thời gian cai trị kéo dài của người Hồi giáo, từ năm 711 đến 1492. Gần đây, ý tưởng này đã được phổ biến bởi Isaiah Berlin, một triết gia và nhà phê bình người Anh. Khái niệm này đã có lúc phổ biến, có lúc không. Và bây giờ nó đã trở lại như một liều thuốc để giải độc cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa bài ngoại.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]