Trung Quốc và các mục tiêu địa chính trị trước năm 2049

Nguồn: Tanguy Struye de Swielande, “La Chine et ses objectifs géopolitiques à l’aube de 2049“, Diploweb, 03/09/2017.

Biên dịch: Hương Lan

Năm 2049, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm Cuộc cách mạng năm 1949, 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Từ nay tới thời điểm đó, Trung Quốc có thể sẽ hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa”, tức giành vị trí số 1 trên trường quốc tế, mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ kể từ khi ông trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2012. Để đạt được điều đó, những mục tiêu địa chính trị mà nước này nhắm tới là gì?

Mục tiêu kiểm soát Vùng đất rìa?

“Vùng đất rìa” là một khái niệm được Spykman đưa ra vào năm 1942. Về mặt địa lý, vùng đất này bao gồm một vành đai liên tục từ Scandinavia đến bờ biển Trung Quốc. Trong cuốn sách “Địa lý học hòa bình” xuất bản năm 1944, Spykman viết: “Vùng đất rìa thuộc khu vực Á-Âu phải được xem như là một khu vực trung gian nằm giữa vùng đất trung tâm và các vùng biển ngoại vi. Vùng đất này có thể được ví như một vùng đệm xung đột rộng lớn giữa cường quốc biển và cường quốc đất liền.” Trong cuốn sách “Vấn đề của châu Á và ảnh hưởng của nó đối với chính trị quốc tế” xuất bản năm 1900, nhà sử học Alfred Thayer Mahan đề cập đến một “dải đất trung gian đã gây tranh cãi và còn tiếp tục gây tranh cãi”, kéo dài từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Mãn Châu (Trung Quốc).

Năm 1915, nhà nghiên cứu Trung Quốc James Fairgrieve đã nói về một “khu vực đông đúc”, bao gồm “Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxemburg, Thụy Sĩ, Ba Lan, khu vực Balkan, Afghanistan, Vương quốc Xiêm và Hàn Quốc”. Một vài thập kỷ sau, trong cuốn sách “Địa lý và chính trị trong một thế giới chia rẽ” xuất bản năm 1963, nhà địa lý Saul Cohen lại miêu tả khu vực này như là “một khu vực rộng lớn có vị trí chiến lược do một số quốc gia có xung đột với nhau chiếm đóng và bị mắc kẹt giữa các lợi ích xung đột của các cường quốc lân cận”.

Những định nghĩa nói trên về khu vực này ít nhiều có sự tương đồng và lập luận cơ bản giống nhau. Bằng mọi giá, cần tránh sự gắn kết giữa Vùng đất rìa và Vùng đất trung tâm, hay một Vùng đất rìa bị thống trị bởi một cường quốc, bởi như Spykman đã chỉ ra: “Ai thống trị Vùng đất rìa, người đó thống trị lục địa Á-Âu; Ai thống trị lục địa Á-Âu, người đó nắm giữ vận mệnh cả thế giới trong tay.” Tuy nhiên, việc một cường quốc biển kiểm soát Vùng đất rìa và các vùng biển không đồng nghĩa với việc kiểm soát Vùng đất trung tâm, mà có nghĩa là cường quốc biển đó không thể dùng Vùng đất trung tâm để chi phối thế giới. Do vậy, trong những thập kỷ gần đây các quốc gia nằm trong Vùng đất rìa bị giằng xé giữa việc gia nhập phạm vi ảnh hưởng của cường quốc đất liền (Nga) và cường quốc biển (Mỹ). Và nếu trong những năm gần đây, tình hình trở nên phức tạp hơn do sự tiến triển của trật tự quốc tế, thì tương quan lực lượng thực sự giữa các cường quốc được thể hiện tại Vùng đất rìa.

Theo Mỹ và Nga, Vùng đất rìa luôn tạo thành một vùng đệm giữa cường quốc biển và cường quốc đất liền. Trên thực tế, Mỹ mong muốn cản trở những những động thái của Nga tiến về những vùng biển ấm, còn Nga đặt tham vọng tiếp cận những vùng biển này qua châu Âu và Trung Đông. Quả thực, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Vùng đất rìa, với hy vọng kiểm soát nó nhờ sự mở rộng của NATO và hiện diện nhiều hơn ở khu vực Caucasus và Trung Á, cũng như ở Trung Đông nơi mà Washington cố gắng chống lại ảnh hưởng của Nga, đặc biệt ở Syria và Iran. Washington tiếp tục theo đuổi học thuyết ngăn chặn: Cản trở Nga (và Trung Quốc) tiếp cận các vùng biển ấm, cũng như các eo biển. Về phần mình, Nga tăng cường các nỗ lực chống lại chính sách của Mỹ và khẳng định lập trường của mình tại khu vực Caucasus và Trung Á thông qua việc củng cố các mối quan hệ trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, thành lập Tổ chức Hiệp ước an ninh, sử dụng vũ khí năng lượng.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh truyền thống giữa Mỹ và Nga tại Vùng đất rìa giờ đây phải tính đến một nhân tố mới: Trung Quốc – vốn ngày càng khẳng định được vị thế trong khu vực. Trong khi nền văn hóa phương Tây ưu tiên các trò chơi như môn cờ vua – với đặc thù là sự đối đầu trực tiếp giữa người chơi, và nhằm đánh bại đối thủ, thì nền văn hóa châu Á, đặc biệt là nền văn hóa Trung Quốc lại ưu tiên cách tiếp cận gián tiếp hơn. Trong môn cờ vây – mà Trung Quốc áp dụng để mở rộng ảnh hưởng, các nước cờ thoạt đầu dường như không liên quan với nhau, nhưng lôgích của thế cờ dần được khám phá sau khi chắp nối các nước cờ. Việc thắng một ván cờ chỉ sau một nước cờ là điều không dễ thực hiện, chiến thắng chỉ đến sau khi đã đi rất nhiều nước cờ với những mục đích khác nhau nhưng phục vụ cho một chiến lược lớn. Trong trò chơi này, chiến thắng đồng nghĩa với việc chiếm được nhiều “đất” trên bàn cờ (tức mở rộng được nhiều hơn các vùng ảnh hưởng), và các chiến lược quan hệ được chú trọng hơn so với các chiến lược đối đầu.

Bắc Kinh đã rất khôn khéo để Moskva và Washington đối đầu nhau trên bàn cờ Vùng đất rìa, đồng thời cố gắng tận dụng sự đối đầu Moskva-Washington để gia tăng ảnh hưởng trong vành đai khu vực này. Kể từ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã quan tâm tới việc giải quyết các xung đột biên giới với các nước Trung Á và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và thực hiện chính sách chi đầu tư, cho vay, xây dựng các đường ống dẫn dầu (từ Kazakhstan) và các đường ống dẫn khí (từ Turkmenistan) đến Tân Cương và phát triển nhiều tuyến đường bộ và đường sắt đến nhiều nước trong khu vực. Trung Quốc còn tăng cường sự hiện diện của mình thông qua việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới, tham gia các hội nghị thượng đỉnh song phương và các hội chợ thương mại Trung Quốc-Á-Âu.

Sau khi đã cẩn trọng đi các quân cờ ở Trung Á (gồm cả Afghanistan và Pakistan) kể từ 20 năm qua, Bắc Kinh cũng giành sự quan tâm lớn tới các nước và khu vực khác như Đông Nam Á, Trung Đông, khu vực Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).

Ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng. Thành phố Côn Minh (thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã trở thành một địa điểm hấp dẫn mới nhờ Chương trình Tiểu vùng Mekong mở rộng và các hành lang kinh tế: Côn Minh-Bangkok, Côn Minh-Hải Phòng và Côn Minh-Kyaukpyu. Tỉnh Quảng Tây cũng nổi lên nhờ Dự án Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore. Trung Quốc có kế hoạch đầu tư hơn 40 tỷ USD vào dự án hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (xây dựng các đường ống dẫn dầu, hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng Gwadar nối Tân Cương với Kashgar qua Khunjerab Pass). Ở Trung Đông, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào Iran, nhưng cũng tập trung ngày càng nhiều vào Saudi Arabia và Qatar. Tại khu vực Caucasus, Trung Quốc cũng phát triển quan hệ hợp tác với Azerbaijan, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ – cả trong lĩnh vực thương mại, quân sự, lẫn cơ sở hạ tầng. Trung Quốc cũng đã thực sự thâm nhập EU, đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở khu vực này, thông qua “các cửa ngõ chính” là các nền kinh tế châu Âu bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng (gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), cũng như một số nước Đông Âu (gồm Bulgaria, Romania, Hungary) và khu vực Balkan (như Serbia). Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng quan tâm tới các cảng biển, như cảng Piraeus, các công ty đường sắt (như Công ty đường sắt quốc gia Hy Lạp – OSE) và sự phát triển của hành lang liên châu Âu nối Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu.

Mục tiêu của những chính sách này của Trung Quốc là nhằm tăng cường sự kết nối giữa các nước ở Vùng đất rìa, một bước quan trọng trong chiến thuật cờ vây cho phép Trung Quốc bao vây một khu vực và đưa khu vực này vào phạm vi ảnh hưởng của nước này. Quỹ dự án con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD đã được thành lập năm 2014, chủ yếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Vành đai kinh tế biển. Cũng trong năm 2014, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, với số vốn ban đầu 50 tỷ USD (chủ yếu do Trung Quốc góp vốn). Trung Quốc nỗ lực xây dựng lại Con đường tơ lụa nổi tiếng – từng phát triển rực rỡ khi đế chế Mông Cổ cường thịnh. Trong lịch sử, con đường này có hai nhánh, một nhánh đi qua Trung Á đến châu Âu và Nga, và một nhánh đi qua các nước và các khu vực như Tây Tạng, Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ đến Nam Á và Đông Nam Á.

Cuối cùng, Bắc Kinh cũng ý thức được rằng giống như Đế chế Mông Cổ trước đây, Trung Quốc là một cường quốc của Vùng đất rìa, nhưng vừa là cường quốc đất liền, vừa là cường quốc biển. Ngoài ra, Trung Quốc có mục tiêu lâu dài là kiểm soát Vùng đất rìa bằng cách cô lập Nga hoặc liên minh với nước này để cạnh tranh với vị thế cường quốc biển của Mỹ.

Mục tiêu kiểm soát “đảo-thế giới”?

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu nước này có những mục tiêu dài hạn nhiều tham vọng hơn hay không. Liệu Trung Quốc chỉ giới hạn tham vọng ở việc kiểm soát “đảo-thế giới” mà nhà địa lý H. J. Mackinder đề cập trong các tác phẩm của ông năm 1904? Mackinder đã định nghĩa “đảo-thế giới” là dải đất gồm châu Á, châu Âu và châu Phi. Khu vực trung tâm được hình thành bởi vùng đất trung tâm Á-Âu (tương ứng với Liên bang Xôviết cũ) và vùng đất trung tâm châu Phi (tương ứng với Cộng hòa dân chủ Congo).

Chính sách của Trung Quốc ở châu Phi không tách rời chính sách mà nước này áp dụng đối với Vùng đất rìa, và đều dựa trên chiến thuật cờ vây. Trung Quốc hiện diện ở châu Phi không chỉ để tận dụng nguồn cung nguyên liệu mà Trung Quốc còn nhanh chóng hiểu rằng sẽ là thiếu sót nếu không đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở châu lục này. Trung Quốc đã đầu tư xây dựng lại tuyến đường sắt Benguela nối liền Cộng hòa Dân chủ Congo đến Đại Tây Dương. Hiện tại, Trung Quốc đã sẵn sàng triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt ở Đông Phi và tuyến đường sắt xuyên Kalahari, trải dài từ Namibia tới Botswana. Bắc Kinh cũng đã ký quan hệ đối tác với Liên minh châu Phi để xây dựng các cơ sở hạ tầng kết nối tất cả các thủ đô của lục địa này. Những cơ sở hạ tầng này cũng có thể dễ dàng kết nối với các cơ sở hạ tầng của Con đường tơ lụa, thông qua Ai Cập, trụ cột mới của sáng kiến Con đường tơ lụa, điều này cho phép củng cố chiến lược cờ vây của Trung Quốc.

Điều này càng đúng nếu như người ta coi Con đường tơ lụa, như đã đề cập, cũng gồm một nhánh đường biển, từ Trung Quốc (Phúc Châu) đến Venice qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, Kênh đào Suez và Địa Trung Hải. Vả lại, “chuỗi ngọc trai” nổi tiếng (chỉ các tuyến giao thông hàng hải của Trung Quốc) cũng được kéo dài tới bờ biển phía Đông châu Phi – nơi Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa các cảng biển ở Kenya, Tanzania, Mozambique… Nếu mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là bảo vệ các tuyến giao thông đường biển, thì liệu nước này còn duy trì mục tiêu dài hạn là bảo vệ “đảo-thế giới” trước cường quốc biển Mỹ? Chiến lược cờ vây nhằm mục đích đẩy lùi cường quốc biển (Mỹ) ra khỏi các bờ biển, điều mà Bắc Kinh đã cố gắng thực hiện ở Biển Đông (bằng cách cố gắng kiểm soát tuyến phòng thủ đầu tiên). Bất cứ hoạt động chống cướp biển nào mà Trung Quốc tham gia đều nhằm một mục tiêu lớn hơn là kiểm soát các tuyến đường giao thông biển kéo từ các bờ biển châu Phi đến Hải Nam.

Như vậy, liệu chiến lược lớn của Trung Quốc có phù hợp với lời tuyên bố của Mackinder – “Ai kiểm soát được Vùng đất trung tâm, thì sẽ chỉ huy được đảo-thế giới; ai kiểm soát được đảo-thế giới, thì sẽ chi phối được cả thế giới”? Trong một bối cảnh như vậy, mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát, hoặc ít nhất trong phạm vi ảnh hưởng của nước này, hai trung tâm của “đảo-thế giới”: vùng đất trung tâm Á-Âu và Trung Phi.

Kịch bản này dường như không có tính thực tế. Tuy nhiên, Trung Quốc – vốn rất giỏi môn cờ vây – đã biết xếp đặt các quân cờ trên bàn cờ thế giới, mỗi quân cờ được tung ra vào một thời điểm nhất định để tấn công đối phương. Điều này được khẳng định khi Trung Quốc luôn có cách chọn thời điểm khác so với phương Tây, và họ cũng phát triển một chiến lược lớn trong dài hạn. Chiến lược lớn này dường như không thể thực hiện được, trước sự phản đối của các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ, chưa kể thách thức đặt ra bởi sự bất ổn của một số khu vực “đảo-thế giới”. Tuy nhiên, dưới góc độ địa chính trị, chiến lược này mang lại một khuôn khổ khái niệm cho phép hiểu rõ tính chặt chẽ của chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dường như tiến trình tái cấu trúc “đảo-thế giới”, một tiến trình mang tính lịch sử và lâu dài, mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Nói cách khác, thế giới đang đầy biến động và một bản đồ địa chính trị mới đang được vẽ ra.

Tanguy Struye de Swielande, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Louvain la Neuve (Bỉ).

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]