Tại sao cần ủng hộ một nước Kurdistan độc lập?

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “The Case for Kurdistan”, Project Syndicate, 07/08/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng Thư | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Người Kurd, những người sống trên một vùng đất rộng lớn nhiều núi non bao gồm một phần lãnh thổ của các quốc gia Armenia, Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, là tộc người lớn nhất trên thế giới mà không có quốc gia riêng của mình. Đã đến lúc thay đổi điều đó.

Từ đầu thế kỷ 20 người Kurd đã tìm mọi cách để lập quốc, và họ đã bị đàn áp dữ dội. Nhưng có những lý lẽ ủng hộ đặc biệt mạnh mẽ dành cho Hoa Kỳ trong việc hướng tới xây dựng nên một đất nước cho người Kurd. Đó là sự đóng góp không thể thiếu của lực lượng dân quân người Kurd trong việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Hiển nhiên việc thành lập quốc gia “Đại Kurdistan”, bao gồm mọi khu vực nơi cộng đồng người Kurd chiếm đa số, vẫn là điều bất khả thi. Nếu những mâu thuẫn chính trị nội bộ của người Kurd không đủ để ngăn cản kết cục trên thì những ràng buộc về địa chiến lược cũng sẽ ngăn chặn điều đó.

Sự độc lập của người Kurd đặc biệt không được hoan nghênh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đại diện chính cho người Kurd ở quốc gia này là Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – một đảng hướng đến một thứ chủ nghĩa dân tộc thế tục theo chủ nghĩa Marx ­­– đã chiến đấu chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập niên. Nhưng chính phủ nước này, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, không hề khoan nhượng trong việc ngăn cản người Kurd lập quốc, tới mức mà Abdullah Öcalan, người sáng lập PKK, cũng đã chấp nhận một giải pháp loại trừ khả năng độc lập của người Kurd.

Nỗ lực ngăn chặn công cuộc tìm kiếm nền độc lập của PKK ở Erdoğan lớn đến nỗi ông cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn không cho người Kurd ở Syria giành được chủ quyền thông qua các thắng lợi quân sự trong cuộc chiến chống ISIS. Erdoğan sợ rằng nếu người Kurd đạt được thành công ở Syria thì điều đó sẽ khích lệ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách hồi sinh cuộc chiến đòi lập quốc của họ ở vùng đông nam nước này. Nỗi sợ về sự lan tràn chủ nghĩa dân tộc của người Kurd đã thúc đẩy Erdoğan thực hiện chiến dịch tạo nên một vùng đệm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực này đã mở rộng vào vùng lãnh thổ nay nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd Syria.

Nhưng cộng đồng người Kurd ở Iraq, do Chính quyền Khu vực của người Kurd (KRG) làm đại diện, mới thực sự là cộng đồng nỗ lực cho việc lập quốc. KRG là một thực thể bán-chủ quyền, giám sát một lực lượng quân sự hoạt động hiệu quả và một nền kinh tế độc lập. Mặc dù tổ chức này tràn lan tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu, như mọi tổ chức chính trị khác trong khu vực, nhưng KRG là chính quyền duy nhất đang hoạt động hiệu quả ở Iraq, là tổ chức cai quản các khu vực hòa bình và ổn định nhất tại quốc gia này.

Thế mạnh của KRG không bị các lãnh đạo của nó bỏ qua. Đảng hiện đang cầm quyền là Đảng Dân chủ người Kurd (KDP) đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập trong tháng 9 năm nay. Tuy nhiên một lời kêu gọi ly khai mạnh mẽ vẫn chưa đủ mang lại thành công. Để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ phải bày tỏ sự ủng hộ đối với một KRG thân phương Tây và có những hỗ trợ kiên quyết hơn đối với nỗ lực xây dựng nền độc lập của người Kurd.

Sau 14 năm can thiệp quân sự thất bại ở Iraq, Hoa Kỳ nên thừa nhận rằng “một liên bang Iraq thống nhất, ổn định, dân chủ” (như cách nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây) là một ảo tưởng. Từ khi Mỹ lãnh đạo cuộc xâm lược vào lãnh thổ Iraq năm 2003, hệ thống chính trị nước này đã bị phân hóa sâu sắc theo các phe phái khác nhau, với việc nhóm người Shia chiếm đa số gạt ra ngoài lề nhóm Sunni, bao gồm cả người Kurd. Thực tế, việc loại trừ cộng đồng Sunni là lý do chính yếu cho sự trỗi dậy của ISIS.

Hiện nay Iraq đang nằm trong tầm ảnh hưởng của Iran hơn là một đồng minh của Hoa Kỳ. Người Kurd và người Iraq dòng Sunni đã thất vọng khi nhận thấy lực lượng dân quân Shia (ví dụ như Hashd al-Shaabi) do chính phủ Iraq và Iran kiểm soát  đang lấp đầy phần lớn khoảng trống do ISIS để lại.

Như kinh nghiệm của Nam Tư cho thấy, khi sự chia rẽ bùng nổ vì lý do sắc tộc hay tôn giáo,  con đường tốt nhất để có được hòa bình chỉ có thể là sự ly khai. Và một đất nước của người Kurd rõ ràng là có cơ hội phát triển: Một đất nước Kurdistan độc lập có thể kết hợp được giữa nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào với truyền thống quản trị ổn định và thực dụng, qua đó tạo nên một nền dân chủ bền vững. Điều này rốt cuộc tạo nên một chiến thắng cho các lực lượng thân phương Tây ở Trung Đông.

Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẵn sàng chấp nhận một kết quả như trên. Chính phủ Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đồng tình về việc phân biệt giữa người Kurd ở Iraq với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (với cộng đồng ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc có quốc gia riêng là điều không được phép). Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ có liên hệ sâu sắc với KRG (gần đây thương mại song phương đang được mở rộng và những đường ống dẫn đầu của KRG được kéo dài vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ) vì chính phủ của Erdoğan xem đó là đối trọng với PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn thế nữa, bằng việc ngừng viện trợ quân sự cho nhóm phiến quân chống chính phủ Syria, giờ đây Tổng thống Donald Trump thực tế đã trao nước này vào tay Nga và Iran, vì vậy một Thổ Nhĩ Kỳ do người Sunni lãnh đạo cần có một vùng đệm chiến lược ngăn cách với Iraq và Syria do người Shia dẫn dắt hơn bao giờ hết.

Hiện tại, chính quyền Trump – chưa kể chính phủ quốc gia Iraq nằm dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Haider al-Abadi –  tuyên bố là cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd về việc ly khai, chứ đừng nói tới bản thân việc ly khai – sẽ làm Iraq bất ổn. Thậm chí một vài người còn nói rằng cuộc trưng cầu dân ý có thể đẩy cử tri đến chỗ lựa chọn một chính phủ Shia cực đoan hơn trong các cuộc bầu cử vào năm sau, một chính phủ sẽ càng không sẵn lòng thỏa hiệp với người Kurd.

Nhưng với sự hậu thuẫn từ phía Hoa Kỳ, một kết quả như thế có thể được ngăn chặn. Thực tế, bản thân Mỹ có lợi ích trong việc tạo dựng một liên minh Sunni thật sự, trong đó bao gồm một nước Kurdistan độc lập. Người Palestine, những người đã đứng quá lâu ở bên thua cuộc trên bàn cờ Trung Đông, cũng sẽ làm cho một liên minh như vậy mạnh mẽ hơn.

Chính quyền Trump đang nóng lòng muốn kiềm chế ảnh hưởng của liên minh Nga-Iran-Hezbollah ở Trung Đông. Nhưng việc này sẽ không thể thành công bằng cách bán vũ khí cho Ả-rập Saudi hay các nhóm Sunni đại diện cho nước này. Tôn trọng niềm khao khát tự do, dân chủ và quản trị tốt của những cộng đồng bị áp  bức và bị tước quyền công dân – bắt đầu với người Kurd – sẽ đóng vai trò sống còn trong việc duy trì một dấu ấn lâu dài của phương Tây lên tương lai của khu vực này.

Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Toledo vì Hòa bình. Ông là tác giả cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israel-Arab Tragedy.

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Case for Kurdistan

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]