Thắng lợi chiến lược của Nga ở Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

_85857073

Nguồn: Schlomo Ben – Ami, Russia’s Middle East Success, Project Syndicate, 12/4/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Minh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Sau nhiều năm bị gạt ra bên lề, nước Nga đã trở lại trung tâm của cuộc chơi địa chính trị ở Trung Đông. Trong bối cảnh chính sách mập mờ của Hoa Kỳ, sự can thiệp có tính toán của Nga trong cuộc nội chiến ở Syria là một trường hợp hiếm hoi mà ở đó việc sử dụng sức mạnh hạn chế ở khu vực đã đem lại một sự biến đổi lớn về cục diện ngoại giao.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Jeffrey Goldberg, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tiết lộ suy nghĩ của ông về một số lĩnh vực đối ngoại then chốt, đặc biệt là Trung Đông. Không màng tới những đồng minh châu Âu và những cố vấn an ninh của mình, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người ủng hộ can thiệp quân sự ở Syria, ông Obama không ngần ngại nói thẳng khi miêu tả về khu vực đầy bất ổn này.

Theo ông Obama, Mỹ không làm được gì nhiều để có thể ổn định hóa khu vực Trung Đông. Ông thậm chí còn tự hào khi không thực hiện cảnh báo về “lằn ranh đỏ” (đối với chính quyền Syria) mà ông đã vạch ra vào năm 2012 về việc sử dụng vũ khí hóa học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dù cả luật quốc tế và Nghị viện Mỹ đều cho phép việc can thiệp. Quyết định đó, ông Obama nhấn mạnh, cùng với sự hợp tác của Nga, đã tạo điều kiện cho một thỏa thuận nhằm hủy bỏ hầu hết các kho dự trữ vũ khí hóa học của Syria.

Tuy nhiên, như Goldberg đã chỉ ra, quyết định không thực hiện cảnh báo về “lằn ranh đỏ” bằng các cuộc không kích đã khiến Trung Đông tuột khỏi tay Mỹ. Và đúng vậy, các tài sản chiến lược quan trọng ở Trung Đông đã rơi vào tay những “thế lực không thân thiện”, từ Nga cho tới Nhà nước Hồi giáo (IS). Thêm vào đó là sự tức giận của các đồng minh thân cận, mà nhiều bên trong số đó đã nghi ngờ về khả năng và thiện ý của một nước Mỹ đang hướng về châu Á trong việc bênh vực họ, và tuyên bố của ông Obama rằng Mỹ không nên tập trung vào Trung Đông đã thực sự gây sốc.

Dĩ nhiên, nguyên nhân chủ yếu cho sự dè dặt của ông Obama trong việc can dự vào Trung Đông là nỗi sợ lặp lại những sai lầm đã khiến Mỹ sa lầy ở Afghanistan và Iraq – kết quả của điều mà ông Obama gọi là việc chính phủ Mỹ bị cuốn một cách thiếu suy nghĩ vào các cuộc chiến tranh ở các nước Hồi giáo. Nhưng ông Putin đã chứng minh rằng can thiệp ở Trung Đông không dẫn tới sa lầy. Trên thực tế, khác xa với những tiên đoán bi quan của ông Obama, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria có thể giúp đưa đến một giải pháp chính trị.

Bằng việc từ chối không bị kéo vào cuộc chiến tranh lâu dài và tốn kém vốn có thể cho phép Assad giành lại được phần lớn lãnh thổ Syria, Putin đã tạo ra một thế bế tắc trên thực tế, buộc cả chính quyền Syria và phe đối lập phải tham gia nghiêm túc vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva. Theo nghĩa này, theo người phát ngôn của lực lượng đối lập ở Syria Monzer Makhous, quyết định rút quân của Nga đã “thay đổi toàn bộ tình hình”.

Vậy giải pháp chính trị có thể là gì? Một giải pháp mà Nga đã đấu tranh bảo vệ là xây dựng một hệ thống nhà nước liên bang; và sự phân chia lãnh thổ mà người Nga để lại có thể hình thành nên cơ sở cho một nhà nước như vậy. Tộc người Alawite của ông Assad có thể kiểm soát phần lãnh thổ ở phía Tây, trải dài từ Latakia ở phía Bắc đến Damascus ở phía Nam, và một khu tự trị của người Kurd – Syria có thể được thành lập ở phía Đông Bắc, trong khi phần lãnh thổ còn lại của đất nước sẽ thuộc về phe đối lập dòng Hồi giáo Sunni.

Tuy nhiên, hòa bình vẫn còn khá xa vời. Iran và Ả-rập Xê-út, cùng các lực lượng ủy nhiệm trên thực địa của họ, vẫn bất đồng về cách thức giải quyết xung đột, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thì tự tiến hành chiến tranh với người Kurd, và phe đối lập Sunni vẫn không muốn thỏa hiệp. Nếu như Assad muốn giành lại Aleppo, các phiến quân nổi dậy dòng Sunni chắc chắn sẽ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn và hủy hoại toàn bộ tiến trình chính trị.

Mặc dù chưa đạt được một giải pháp chính trị nào, những thành tựu chiến lược của ông Putin vẫn rất đáng nể. Chiến dịch quân sự của Nga đã giúp vị đồng minh Assad đang nguy khốn không bị thất bại cũng như giúp Nga giữ an toàn cho căn cứ không quân của nước này ở Latakia cùng với sự hiện diện của hải quân Nga ở đó và ở Tartus. Những thành trì này sẽ cho phép ông thách thức sự kiểm soát của Mỹ và NATO ở phía Đông Địa Trung Hải.

Điều mấu chốt là Nga đã củng cố được vị thế như một thế lực phải được tính đến ở Trung Đông. Với việc Mỹ gần như chấp thuận đi theo sự dẫn dắt của Nga trong xung đột Syria kể từ sau cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học của Assad, các nhà lãnh đạo Trung Đông giờ đây đều hướng tới Moskva chứ không phải Washington để thúc đẩy các lợi ích của họ. Vua Salman của Ả-rập Xê-út sẽ viếng thăm Điện Kremlin vào tháng này để thảo luận về các hợp tác kinh tế trị giá hàng tỉ đô la. Về phía Iran, kẻ thù của Ả-rập Xê-út, cố vấn cấp cao của giáo chủ Ali Khamenei là Ali Akbar Velayati, đã tới Moskva vào tháng 2 vừa qua.

Israel, về mình phần, suýt gây ra căng thẳng ngoại giao với Australia hồi tháng trước do đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Reuven Rivlin, người thay vào đó đã tới Moskva để dự một cuộc họp khẩn với ông Putin. (Và sự kiện này diễn ra sau khi Thủ tướng Binyamin Netanyahu hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch với ông Obama ở Washington mà thậm chí còn không thèm thông báo chính thức cho Nhà Trắng).

Đối với Israel, chiến dịch quân sự của Nga là một mối lợi vì nó sẽ ngăn trục Iran – Hezbollah – Assad khỏi việc định đoạt kết quả của cuộc xung đột ở Syria. Bằng việc phối hợp hoàn toàn với Nga trên mặt trận Syria, người Israel hiện tại chờ đợi ông Putin hành động để giữ các lực lượng Iran tránh xa biên giới với Israel ở Cao nguyên Golan và đưa các quan sát viên Liên Hợp Quốc trở lại khu vực.

Chắc chắn, ông Putin vẫn còn lâu mới quay lại được với những ngày huy hoàng của Liên Xô ở Trung Đông – không chỉ vì khả năng của Nga nhằm duy trì hoạt động quân sự ở ngoài lãnh thổ của mình vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng việc ông sử dụng quyền lực cứng một cách thông minh để đạt được những mục tiêu cụ thể và khả thi tại Syria đã khiến Nga trở thành tâm điểm đối với các quốc gia chủ chốt ở Trung Đông – qua đó tạo nên một thách thức địa chính trị đối với Mỹ. Chắc chắn là vị tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ phải cân nhắc lại chiến lược của nước này đối với khu vực.

Shlomo Ben – Ami, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israel, là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa Bình Toledo. Ông là tác giả của cuốn sách “Những vết sẹo của chiến tranh, những vết thương của hòa bình: Bi kịch Israel – Ả rập”.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Russia’s Middle East Success
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]