Nguồn: “Papua New Guinea’s incredible linguistic diversity”, The Economist, 20/07/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Làm thế nào một quốc gia chỉ có 7,6 triệu người trở thành quê hương của gần 850 ngôn ngữ?
Ấn Độ, với 1,3 tỷ người, lãnh thổ rộng lớn và 22 ngôn ngữ chính thức (cùng với hàng trăm ngôn ngữ không chính thức), được biết đến như là một trong những quốc gia đa dạng ngôn ngữ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự đa dạng đó không là gì so với một quốc gia chỉ có 7,6 triệu dân ở Thái Bình Dương: Papua New Guinea. Có gần 850 ngôn ngữ được sử dụng trên đất nước này, làm cho nước này trở thành quốc gia đa dạng ngôn ngữ nhất trên trái đất. Tại sao Papua New Guinea có nhiều ngôn ngữ đến vậy, và người dân địa phương đương đầu với điều này như thế nào?
Nhóm ngôn ngữ cổ nhất ở Papua New Guinea được gọi là “tiếng Papua”, được đưa vào bởi những người định cư đầu tiên cách đây 40.000 năm. Mặc dù được xếp loại chung là “ngữ hệ Papua”, nhưng các ngôn ngữ này không có cùng nguồn gốc. Thay vào đó, chúng được chia thành hàng chục nhóm ngôn ngữ không liên quan (với một số ngôn ngữ không có các ngôn ngữ gần gũi khác và bị xếp riêng). Điều này trái ngược với các ngôn ngữ Austronesia của Papua New Guinea, được đưa tới cách đây khoảng 3.500 năm, có thể xuất phát từ một nguồn duy nhất là Đài Loan.
Mọi thứ trở nên phức tạp hơn trong những năm 1800 do sự xuất hiện của những nhà thực dân nói tiếng Anh và Đức. Sau khi độc lập, Papua New Guinea lựa chọn ba ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất. Tok Pisin, một ngôn ngữ pha trộn (creole), là ngôn ngữ thứ hai; và Hiri Motu, một dạng giản thể của Motu, một thứ tiếng Austronesia, là ngôn ngữ thứ ba. (Ngôn ngữ ký hiệu đã được bổ sung vào năm 2015.) Nhưng sự thiếu công nhận của nhà nước đã không làm giảm đi sự đa dạng của các ngôn ngữ khác. Mỗi ngôn ngữ trong số hơn 850 ngôn ngữ của quốc gia này đều có khoảng từ vài chục đến 650.000 người sử dụng.
Rất nhiều trong số các ngôn ngữ này đã sống sót một phần là nhờ địa hình hoang dã của Papua New Guinea. Những dãy núi, rừng nhiệt đới và đầm lầy làm cho người dân bị cô lập, giúp giữ gìn ngôn ngữ của họ. Dân số nông thôn cũng góp phần vào điều này: chỉ có khoảng 13% người Papua sống ở các thành thị. Thật vậy, một số người Papua chưa bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với thế giới bên ngoài. Những cuộc phân tranh bộ lạc khốc liệt – Papua New Guinea thường bị rung chuyển bởi bạo lực giữa các bộ lạc – cũng khuyến khích người dân tự hào về ngôn ngữ của mình. Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng khác. William Foley, một nhà ngôn ngữ học, cho biết sẽ mất khoảng một ngàn năm để một ngôn ngữ bị phân tách thành hai. Với 40.000 năm phát triển, các ngôn ngữ Papua đã có nhiều thời gian để thay đổi một cách tự nhiên.
Trước sự đa dạng ngôn ngữ đáng kinh ngạc này, người Papua đã đón nhận Tok Pisin, thứ ngôn ngữ pha trộn dựa trên nền tảng tiếng Anh, nhưng được trộn lẫn với tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha và các ngôn ngữ Papua bản địa. Nó bắt đầu như một thứ pidgin (tiếng bồi), do các thương nhân phát triển vào thế kỷ 19. (Tên gọi Tok Pisin của ngôn ngữ này là một dạng pidgin hóa của từ “Talk pidgin”, tức nói tiếng bồi.) Nhưng trong những thập niên gần đây, nó đã trở thành ngôn ngữ chính ở Papua New Guinea. Có một tờ báo bằng tiếng Tok Pisin, và ngôn ngữ này rất phổ biến trong nhà thờ.
Tok Pisin hiện nay được nói bởi 4 triệu người Papua, tức đa số dân số. Nguồn gốc pidgin giúp giải thích cho thành công của nó: từ vựng đơn giản khiến cho nó dễ học hơn. Di sản pha trộn cũng khiến cho nó có khả năng diễn đạt đáng kinh ngạc. “Pikinini” có nghĩa là “đứa trẻ” và xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha. Từ tiếng Tok Pisin cho “dân thành thị” là “susok man” – “shoe sock man” (người đi tất và mang giày) trong tiếng Anh.
Tuy nhiên, sự thành công của Tok Pisin cũng có thể đe dọa tính đa dạng ngôn ngữ của Papua New Guinea khi nó đang dần dần lấn lướt các ngôn ngữ khác. Hàng chục ngôn ngữ đã biến mất. Khi một ngôn ngữ Papua hiện đại phát triển, những ngôn ngữ cổ đại có nguy cơ bị mất đi.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]