Phiến đá Rosetta là gì?

Print Friendly, PDF & Email

2015-10-16-1

Nguồn: “What is the Rosetta Stone?”, History.com (truy cập ngày 16/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Vào thế kỷ 19, Phiến đá Rosetta đã giúp cho các học giả lần đầu tiên trong lịch sử giải mã được ngôn ngữ tượng hình – hệ thống chữ viết của Ai Cập cổ đại. Phiến đá được một số lính công binh Pháp thuộc quân đoàn của Napoleon Bonaparte tại Ai Cập tìm thấy vào năm 1799 khi đang sửa chữa một pháo đài gần thành phố Rashid (Rosetta). Cổ vật này, được làm từ đá granodiorite, đã rơi vào tay quân Anh sau khi họ đánh bại quân Pháp ở Ai Cập vào năm 1801.

Trên phiến đá có khắc một chỉ dụ được ban hành năm 196 TCN bởi các thầy tế Ai Cập và vua của họ, Ptolemy V, ca ngợi lòng hào phóng và mộ đạo của ông. Ban đầu phiến đá được đặt trong một ngôi đền, có thể là gần thành phố cổ đại Sais, sau đó vài trăm năm thì được chuyển sang Rosetta và dùng vào việc xây dựng Pháo đài Julien, tại đó phiến đá đã rơi vào tay người Pháp. Chỉ dụ trên phiến đá được viết ba lần bằng chữ tượng hình, chủ yếu được các thày tế sử dụng; bằng chữ demotic, được dùng trong đời thường; và bằng chữ Hy Lạp cổ. Từ thế kỷ thứ 4, chữ tượng hình đã bị thất truyền và trở thành một bí ẩn đối với giới học giả.

Nhà khoa học Anh Thomas Young đã bắt đầu nghiên cứu các ký tự trên Phiến đá Rosetta từ năm 1814, và ban đầu đã có nhiều tiến triển trong việc phân tích các dòng chữ tượng hình trên đó. Young phỏng đoán rằng những chữ cartouche – chữ tượng hình nằm trong vòng hình oval – ghi lại cách phát âm tên của các thành viên hoàng tộc, trong đó tên Ptolemy, đã được nhắc đến trong phần chữ Hy Lạp. Cuối cùng thì nhà ngôn ngữ học người Pháp Jean-Francois Champollion đã giải mã được Phiến đá Rosetta và những dòng chữ tượng hình trên đó. Từ năm 1822 đến 1824, Champollion đã chỉ ra rằng chữ tượng hình là sự kết hợp giữa các ký hiệu ngữ âm và tượng ý thay vì chỉ là những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng mà không diễn đạt âm thanh, như các học giả trước đó đã đoán. Vì phát hiện của mình, Champollion đã được tôn vinh là cha đẻ của ngành Ai Cập Học.

Phiến đá Rosetta cao khoảng 112cm và rộng khoảng 76cm. Nó đã được đưa đến Bảo tàng Anh ở London từ năm 1802 và từ đó đến nay vẫn được trưng bày ở địa điểm này, trừ một thời gian ngắn trong Thế Chiến I khi nó được tạm thời đem cất giữ tại một địa điểm dưới lòng đất cách xa đó để đảm bảo an toàn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]