Nguồn: “The roots of Afghanistan’s tribal tensions”, The Economist, 31/08/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Bạo lực tàn phá đất nước này phần lớn lại do ảnh hưởng từ bên ngoài
Vào ngày 31/08/2017, các chính trị gia và nhà văn Afghanistan đã tập hợp lại để đánh dấu Ngày Thống nhất Baluch-Pushtun, kỷ niệm mối liên kết văn hoá giữa hai nhóm sắc tộc. Tuy nhiên, ngày này có thể không hoàn toàn vui vẻ. Cũng tại sự kiện tương tự năm ngoái, một trong các diễn giả đã cảnh báo rằng “những kẻ thù chung” đã biến người Baluch và Pushtun trở thành nạn nhân. Những cách nói như vậy là thường thấy ở Afghanistan, một đất nước bị kiệt quệ bởi sự chia rẽ giữa các bộ tộc. Nhưng những căng thẳng này bắt đầu như thế nào, và chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của người Afghanistan ngày nay ra sao?
Afghanistan đã luôn là một quốc gia đa dạng sắc tộc trong hàng thiên niên kỷ. Herodotus, một sử gia Hy Lạp cổ đại, đã từng viết về người Pushtun vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên. Tajiks, bộ tộc lớn thứ hai của đất nước này sau người Pushtun, cũng là một sắc tộc có từ cổ xưa. Khoảng 2,5 triệu người Uzbek sống dọc theo các rặng núi phía bắc, và một số lượng tương tự người Hazara sống ở miền trung đất nước, phía tây Kabul. Các nhóm nhỏ người Ả-rập và Punjabi, cũng như những sắc tộc khác, sống rải rác trên những ngọn đồi và thung lũng của Afghanistan. Tính tổng cộng, có 14 nhóm sắc tộc được công nhận đang sinh sống ở Afghanistan ngày nay. Mỗi sắc tộc đều được tôn vinh trong bài quốc ca và được bảo vệ bởi hiến pháp.
Ảnh hưởng từ bên ngoài đã đẽo gọt các cộng đồng này thành những hình thù khác nhau. Tôn giáo là một ví dụ điển hình. Hầu hết người Afghanistan là người Hồi giáo dòng Sunni, nhưng người Hazara lại tiếp nhận Hồi giáo dòng Shia từ người Ba Tư Safavid (Iran). Những người Sikh Ấn Độ cũng tìm thấy những người cải đạo ở Afghanistan.
Những lực lượng bên ngoài cũng đã góp phần hình thành nên nền văn hoá Afghanistan theo những cách thực tế dễ nhận thấy. Người Ba Tư đã góp phần vào sự đa dạng ngôn ngữ quốc gia láng giềng này: một nửa số người Afghanistan hiện đang nói tiếng Dari, một dạng tiếng địa phương của người Ba Tư. Nhiều người Tajik ở Afghanistan, có liên hệ với một Iran có tỉ lệ dân cư đô thị cao, thường sống trong các thành thị Afghanistan. Điều này trái ngược sâu sắc với người Baluch thường sống ở nông thôn. Những khác biệt này lại càng được khắc sâu bởi chính trị. Những nỗ lực của người Pushtun nhằm thống nhất đất nước hồi thế kỷ 19 đã gây ra sự oán giận rộng khắp trong các nhóm sắc tộc khác. Đồng thời, người nước ngoài đã làm gia tăng sự chia rẽ bộ tộc vì lợi ích riêng của họ. Iran vốn theo dòng Shia đã hậu thuẫn cho các lực lượng dân quân Hazara chống lại Liên Xô trong những năm 1980, trong khi Pakistan và Ả-rập Saudi lại trợ giúp cho lực lượng Taliban do người Pushtun chi phối.
Hệ quả của điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng ngày hôm nay. Nhiều người Afghanistan gắn bó với bộ tộc hơn là đất nước của họ. Những thái độ này được phản ánh vào đời sống chính trị. Các chính trị gia khu vực thường nghiêng về lợi ích bộ tộc của họ hơn là lợi ích quốc gia, và các quan chức thường được thăng chức theo quan hệ bộ tộc họ hàng hơn vì thành tích. Điều này không khuyến khích quản trị tốt: những tranh chấp sắc tộc trong quốc hội thường chấm dứt với các màn ẩu đả.
Các vấn đề tương tự cũng tác động xấu đến xã hội nói chung. Sinh viên cãi nhau về việc liệu các biển hiệu ở trường Đại học Herat nên được viết bằng chữ Dari hay Pushtun. Các đài phát thanh kích động những người ủng hộ bằng những luận điệu mang tính bè phái. Bạo lực trên đất nước này cũng gắn liền với những căng thẳng sắc tộc. Một số binh sĩ Pushtun miễn cưỡng chiến đấu chống lại những người anh em của mình trong nhóm Taliban, một nhóm vũ trang mà những người Afghanistan khác coi là một sự mở rộng của chủ nghĩa cực đoan Pushtun.
Chính phủ không phải là không nhận thức được các vấn đề này. Kích động thù hận sắc tộc hiện nay là một tội ác, và các thẻ chứng minh nhân dân mới tập trung nhiều hơn vào một bản sắc dân tộc chung. Nhưng ngay cả khi không nói một cách công khai, nhiều người Afghanistan vẫn còn nghi ngờ về “kẻ thù chung” bên trong chính đất nước của họ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]