Nguồn: Why Eritrea is called Africa’s North Korea, The Economist, 14/08/2018
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Eritrea đã có một vài điều tiếng không hay trong những năm qua. Chiến tranh giải phóng với nước Ethiopia láng giềng, bắt đầu từ những năm 1960 và chỉ kết thúc vào năm 1991, là một trong những cuộc xung đột dài nhất của châu Phi. Sau đó, với tư cách là một quốc gia mới độc lập, đất nước này lại lâm vào chiến tranh với Ethiopia từ năm 1998 đến năm 2000, một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử lục địa và chỉ mới chính thức kết thúc vào ngày 08 tháng 07 năm nay. Eritrea là quốc gia có số lượng người tị nạn lớn nhất từ châu Phi tới châu Âu từ năm 2014 đến 2016. Trong thập niên vừa qua, có nhiều người rời bỏ Eritrea đến mức nó đã được gọi là quốc gia bị sụt giảm dân số nhanh nhất thế giới. Nước này từng được ví như Cuba và Đông Đức cũ. Nhưng trong những năm gần đây, không có tên gọi nào tỏ ra dai dẳng (hay gây nhiều tranh cãi) hơn biệt danh “Triều Tiên của Châu Phi”.
Có rất nhiều lý do tại sao Eritrea không phải là Triều Tiên. Nước này ít đàn áp hơn và không có vũ khí hạt nhân. Mặc dù lựa chọn chiến tranh với các nước láng giềng, nó không gây ra bất kỳ mối đe dọa tồn vong nào cho các nước khác. Cả Eritrea và Triều Tiên đã bị Liên Hợp Quốc trừng phạt nhưng Eritrea chỉ bị cấm vận vũ khí, điều có thể sẽ sớm được dỡ bỏ. Cả hai chế độ đều theo chủ nghĩa biệt lập nhưng Eritrea có phần ít cực đoan hơn: trong những năm gần đây họ đã tiến hành thương lượng với Liên minh châu Âu, cho phép một số cơ quan của Liên Hợp Quốc thành lập các văn phòng trong nước, và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia vùng Vịnh như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Dân thường Eritrea được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài so với người dân Triều Tiên: truyền hình vệ tinh có mặt khắp mọi nơi và internet, mặc dù cực kỳ chậm, rõ ràng không bị kiểm duyệt. Các công dân Eritrea đã sống ở nước ngoài trong nhiều năm có thể đi và về theo ý muốn của mình, miễn là họ tuân thủ các luật lệ của chính quyền và trả một khoản “thuế xa xứ”. Ngược lại, những người Triều Tiên thoát ra bên ngoài thành công không bao giờ có thể quay trở lại.
Tuy nhiên có những điểm tương đồng không thể phủ nhận. Cả hai đều là các quốc gia theo chế độ một đảng cầm quyền với việc đảng cai trị sẽ bỏ tù (hoặc giết) những người phê phán trong khi rao giảng các đức tính “tự lực”. Cả hai đều là những nền kinh tế khép kín và hầu như không có khu vực tư nhân, mặc dù Mặt trận Dân chủ và Công lý Nhân dân Eritrea (PFDJ) không còn tự coi mình là cộng sản. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa Eritrea và Ethiopia có tác động tương tự như mối bất hòa không thể hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Các gia đình bị chia cắt và thương mại bị đình trệ hoàn toàn vì một ranh giới vô hình trước đây nay đã được thay thế bằng một bức màn sắt.
Eritrea, giống như Triều Tiên, đã trở thành một nhà nước quân sự. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc và từ năm 2002, dưới cả hình thức quân sự và dân sự, đều không có thời hạn, một hệ thống mà Liên Hiệp Quốc cho là tương ứng với chế độ lao động cưỡng bức hoặc thậm chí là nô lệ. Chỉ có những phụ nữ đã kết hôn và có con (cộng với những người ốm yếu nhất, tàn tật hoặc có quan hệ rộng) mới có thể hy vọng được xuất ngũ. Lo sợ rằng công dân sẽ chạy trốn thay vì đầu hàng số phận như vậy, chính phủ Eritrea đã khóa chặt họ lại. Việc rời khỏi đất nước yêu cầu phải có một giấy phép xuất cảnh, mà những người đến tuổi đi lính hầu như không bao giờ được cấp. Một lựa chọn khác là bỏ trốn, điều sẽ đi cùng nguy cơ bị bắn hoặc phải trả một khoản tiền hối lộ khổng lồ.
Đây ít nhiều chính là mô hình Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện nay Eritrea có thể sẽ dịch chuyển theo một hướng khác. Chính phủ quốc gia này luôn nói rằng chính sách đàn áp của họ là một phản ứng tạm thời với mối đe dọa từ Ethiopia. Hòa bình giữa hai nước có thể sẽ thay đổi tất cả. Và thực sự có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Eritrea đang có kế hoạch nới lỏng nghĩa vụ quân sự, cắt giảm xuống còn 18 tháng trong khi cho xuất ngũ những người lính đã phục vụ lâu năm nhất (một số người hiện đang ở độ tuổi 50 và 60). Các quan chức cho rằng khu vực tư nhân có thể đóng một vai trò lớn hơn đối với nền kinh tế trong tương lai. Trong khi đó, những người dân thường Eritrea hy vọng chính trị có thể tự do hơn một chút. Nếu những điều đó xảy ra – trong khi những thứ khác vẫn giống như Bình Nhưỡng – thì đất nước của họ vẫn sẽ chưa thể rũ bỏ được biệt danh kém hấp dẫn nhất của mình.