Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Năm 2017 là một năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với quan hệ Việt Mỹ. Hồi tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump. Sáu tháng sau, vào ngày 11-12/11, Tổng thống Trump đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC tại Đà Nẵng. Kể từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ năm 1995, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ đều đã thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình nhưng ông Trump là người đầu tiên làm việc này trong năm đầu tiên sau khi lên nắm quyền. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà ông Trump viếng thăm kể từ khi nhậm chức. Điều này càng có ý nghĩa hơn nếu xét việc Tổng thống Barack Obama đã thăm Hà Nội hồi tháng 5/2016, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á duy nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đón tiếp hai tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm trong 2 năm liên tiếp.
Bài viết này phân tích tầm quan trọng của chuyến thăm bằng cách xem xét các phản ứng của các quan chức và công chúng Việt Nam đối với chuyến thăm, các kết quả quan trọng nhất cũng như tác động của nó đối với quan hệ Việt Mỹ và bối cảnh chiến lược khu vực.
Các phản ứng đối với chuyến thăm
Trái với các quan điểm tương đối tiêu cực về chính quyền Trump tại Hoa Kỳ và các nước khác, người dân Việt Nam nhìn chung có quan điểm rất tích cực đối với ông Trump. Theo một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong khi tỷ lệ đánh giá tích cực đối với Hoa Kỳ sau khi ông Trump lên nắm quyền đã giảm mạnh ở hầu hết các nước được khảo sát thì Việt Nam lại là một trong sáu quốc gia nơi nhận thức về hình ảnh Hoa Kỳ đã được cải thiện, tăng từ 78% năm 2015 lên 84% năm 2017. Có tới 72% số người Việt Nam được khảo sát coi ông Trump là một lãnh đạo mạnh trong khi 71% tin rằng ông xứng đáng làm Tổng thống Hoa Kỳ. Các tỷ lệ này đều đáng chú ý nêu xét tỷ lệ trung bình toàn cầu lần lượt là 55% và 26% (Pew Research Center, 2017; Storey, 2017).
Các hoạt động của Tổng thống Trump ở cả Đà Nẵng và Hà Nội đều được thảo luận tích cực trên Facebook. Đặc biệt, việc ông nhắc tới cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại nhà Nam Hán như là một ví dụ của tinh thần yêu nước của người Việt Nam trong bài diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh CEO nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng mạng Việt Nam. Người dân cũng xếp hàng dọc theo hành trình của ông từ Sân bay Nội Bài tới Khách sạn Metropole để có thể tận mắt nhìn thấy vị tỷ phú trở thành tổng thống. Họ đồng thời hô vang “Welcome to Vietnam” để chào đón ông Trump và đoàn tùy tùng của ông.
Các phương tiện truyền thông đưa tin sâu rộng về chuyến thăm và chuyến bay đáp xuống Nội Bài của ông Trump được truyền hình trực tiếp trên một số kênh tin tức. Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cho đăng một bài xã luận ca ngợi chuyến thăm như là một “bước phát triển mới trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”. Bài viết cho rằng:
Đón tiếp tổng thống D. Trump, Việt Nam khẳng định nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, hợp tác với chính quyền Tổng thống D. Trump phát huy các kết quả hợp tác và tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Sự kiện quan trọng này một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế (Nhan Dan, 2017).
Các học giả và quan chức Việt Nam cũng có đánh giá tích cực về chuyến thăm cũng như tầm quan trọng của nó đối với quan hệ Việt – Mỹ. Ví dụ, TS. Cù Chí Lợi, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Mỹ tin rằng chuyến thăm là “một sự kiện đặc biệt, là dấu ấn quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ”, thể hiện “mối quan tâm đặc biệt” và mong muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước của Hoa Kỳ (Dan Tri, 2017). Trong khi đó, TS Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao thuộc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh rằng ông Trump đã thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống và cho rằng chuyến thăm là một sự kiện đặc biệt đối với cả Việt Nam lẫn khu vực, thể hiện góc nhìn mới của Mỹ đối với vai trò của Việt Nam trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu (BBC Vietnamese, 2017). Cựu Thứ trưởng Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm đối với Việt Nam và khu vực. Nhà cựu ngoại giao tin rằng chuyến thăm phản ánh nỗ lực lớn của Hoa Kỳ và là một biểu hiện cho thấy Tổng thống Trump đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại Mỹ (Zing News, 2017).
Các kết quả chính của chuyến thăm
Hai bên đã đưa ra một bản tuyên bố chung tổng kết các kết quả chính của chuyến thăm. Bản tuyên bố chung đề cập tới một loạt các chủ đề hợp tác song phương từ kinh tế, quan hệ chiến lược tới giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh, quan hệ nhân dân, giáo dục, và quản lý nguồn nước ở Hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, các kết quả đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực kinh tế và chiến lược.
Cụ thể hai bên đã cam kết sẽ làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư thông qua các cơ chế chính thức bao gồm Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) ký năm 2007. Điều này cho thấy hai bên, đặc biệt là phía chính quyền Trump, vẫn chưa quan tâm hay sẵn sàng đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do song phương sau khi Trump rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong chuyến thăm, các doanh nghiệp hai bên đã ký các thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ đô la Mỹ, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực phát triển dầu khí, mua bán ôtô, động cơ máy bay và hỗ trợ kỹ thuật đi kèm. Hồi tháng 5, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phúc tới Washington, hai bên cũng đã ký 13 thỏa thuận thương mại trị giá 8 tỷ đô la Mỹ. Ông Trump từng cáo buộc Việt Nam “đánh cắp” việc làm của người Mỹ và tại một cuộc gặp với Thủ tướng Phúc trong chuyến thăm lần này, ông cũng đã phàn nàn về khoản thâm hụt thương mại lên tới 32 tỷ đô la của Hoa Kỳ với Việt Nam. Các thỏa thuận này, vốn có thể giúp tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam, có thể được xem như những thắng lợi ngoại giao kinh tế của ông Trump và giúp ông nâng cao vị thế chính trị ở trong nước. Đây cũng là một biện pháp giúp Việt Nam giành được sự ủng hộ của ông Trump đối với quan hệ song phương.
Về hợp tác chiến lược, bản tuyên bố chung đề cao việc Mỹ chuyển giao một tàu tuần tra lớp Hamilton từ Tuần Duyên Hoa Kỳ cho Việt Nam và kế hoạch tổ chức chuyến thăm lần đầu tiên của một tàu sân bay Hoa Kỳ tới một cảng Việt Nam vào năm 2018. Hai nước đã thông qua Kế hoạch Hành động về Hợp tác Quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ Giai đoạn 2015-2020 nhằm thực hiện Bản ghi nhớ năm 2011 về Phát triển Hợp tác Quốc phòng Song phương và Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Quan hệ Quốc phòng năm 2015. Cũng quan trọng không kém chính là kế hoạch của hai bên nhằm làm sâu sắc hơn và từng bước mở rộng hợp tác tình báo và an ninh, nâng cao việc chia sẻ thông tin và huấn luyện chung. Những hoạt động hợp tác này sẽ giúp quan hệ quốc phòng giữa hai cựu thù thêm thực chất.
Kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam hồi tháng 5/2016, đã có những đồn đoán cho rằng Việt Nam quan tâm tới một số trang thiết bị quân sự và vũ khí của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn chưa có thỏa thuận mua bán vũ khí nào được công bố. Trong chuyến thăm, ông Trump được cho là đã gợi ý Việt Nam mua các trang thiết bị quân sự, máy bay và tên lửa từ các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Ông Trump nói với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng “Chúng tôi chế tạo những tên lửa tuyệt vời nhất thế giới, những máy bay quân sự tuyệt vời nhất thế giới, những máy bay thương mại tuyệt vời nhất thế giới. Vì vậy chúng tôi muốn Việt Nam mua từ chúng tôi và chúng ta phải xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại. Chúng ta không thể duy trì tình trạng thâm hụt thương mại” (AFP, 2017). Cách ông Trump gắn hay vấn đề mua bán vũ khí với thâm hụt thương mại có thể hàm ý rằng nếu Việt Nam đồng ý mua vũ khí từ Hoa Kỳ thì ông Trump có thể bằng cách nào đó tìm cách giảm nhẹ vấn đề thâm hụt thương mại.
Thực tế, việc bán vũ khí cho Hà Nội dường như là một mục tiêu quan trọng đối với Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam vì các thương vụ như vậy có thể phục vụ cùng lúc nhiều mục đích. Các thương vụ này sẽ tạo thêm nhiều việc làm và doanh thu xuất khẩu cho Hoa Kỳ, phù hợp với sứ mệnh “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump. Các thương vụ này cũng sẽ củng cố năng lực quốc phòng của Việt Nam, phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ ở Châu Á, đặc biệt là việc duy trì cán cân quyền lực và trật tự khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy. Về phần mình, Việt Nam cũng đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu từ Nga và mua vũ khí từ Hoa Kỳ có thể là một lựa chọn hấp dẫn nếu xét tới tiềm năng giúp củng cố hơn nữa quan hệ chiến lược Việt – Mỹ.
Hà Nội dường như đã có một số bước đi hướng tới mục đích này. Trước khi ông Trump thăm Việt Nam, công ty VTA Telecom Corporation, một công ty con của Tập đoàn Viettel, được cho là đã trả một hãng luật một khoản 40 nghìn đô la Mỹ mỗi tháng nhằm vận động hành lang các nhà làm luật và quan chức chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và quốc phòng của Việt Nam, đồng thời tận dụng việc Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương để đẩy mạnh thương mại quốc phòng giữa hai nước (VOA Vietnamese, 2017). Sự hiện diện tại Hoa Kỳ của Viettel, công ty được chính phủ Việt Nam giao dẫn dắt việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, có thể liên quan tới tuyên bố hồi năm 2015 rằng hai nước đang xem xét việc cùng sản xuất các trang thiết bị quân sự. Nếu các thương vụ vũ khí và đặc biệt là việc sản xuất chung các trang thiết bị quân sự trở thành hiện thực trong tương lai thì chúng sẽ giúp chuyển biến một cách thực chất quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ và mang các mối quan hệ này lên một tầm cao mới.
Liên quan tới trật tự khu vực, hai bên hoan nghênh các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, cam kết sẽ tôn trọng và hỗ trợ vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang biến đổi, đồng thời cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ (The White House, 2017). Mặc dù Việt Nam chưa đưa ra một phản ứng chính thức đối với chiến lược “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” của chính quyền Trump nhưng tuyên bố này cho thấy Việt Nam dường như ủng hộ một chiến lược như vậy, đặc biệt nếu xét đến ý đồ của Hà Nội nhằm đưa Ấn Độ can dự vào khu vực Đông Nam Á một cách sâu sắc hơn. Sự ủng hộ đối với ASEAN và quan hệ ASEAN – Mỹ cũng phản ánh lợi ích chung của hai nước trong việc duy trì trật tự khu vực hiện hữu xoay quanh tổ chức khu vực này.
Bản tuyên bố chung cũng chứa đựng các ngôn từ mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông so với các tuyên bố chung trước đây. Cụ thể, bên cạnh các lời lẽ thường thấy về các vấn đề tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, hay phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp, hai bên cũng:
…kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp (The White House, 2017).
Cả hai lập trường này, vốn ngược với lập trường của Trung Quốc và vì vậy nhiều khả năng làm Bắc Kinh khó chịu, đều chưa bao giờ được đưa vào các tuyên bố chung trước đây. Trong khi bản tuyên bố này có thể được xem như là một thắng lợi ngoại giao của Việt Nam, nó cũng cho thấy chính quyền Trump có một lập trường về Biển Đông cứng rắn hơn so với chính quyền Obama. Một lập trường như vậy sẽ giúp giải tỏa lo lắng của một vài quan chức Việt Nam rằng Trump có thể nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông để đổi lại sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với vấn đề Bắc Triều Tiên. Mặc dù vậy, liệu các luận điệu có trở thành hành động thực tế hay không vẫn còn cần phải chờ xem.
Một điểm đáng chú ý khác của bản tuyên bố là khác với các tuyên bố chung trước đây, nó chỉ đề cập tới vấn đề nhân quyền một cách sơ sài với một câu ngắn gọn: “Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người”. Điều này khẳng định việc chính quyền Trump đã rời xa truyền thống coi thúc đẩy nhân quyền là một ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại Mỹ. Mặc dù việc không nhấn mạnh vấn đề nhân quyền trong các cuộc trao đổi song phương đã gây ra sự chỉ trích từ một số nhà hoạt động nhân quyền cũng như một vài chính trị gia kỳ cựu của Mỹ, bao gồm Thượng Nghị sĩ John McCain (Fox News, 2017), nhưng nó cũng cho thấy vấn đề nhân quyền giờ đây ít gây cản trở hơn cho quan hệ song phương, điều có thể giúp hai bên xích lại gần nhau hơn nữa dưới thời của Tổng thống Trump.
Tác động chiến lược của chuyến thăm
Luận điệu theo hướng chủ nghĩa cô lập của ông Trump trong chiến dịch tranh cử cũng như quyết định rút nước Mỹ ra khỏi TPP sau khi lên nắm quyền của ông đã gây ra quan ngại rằng Washington có thể giảm bớt sự can dự tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Tuy nhiên, việc ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ở Đà Nẵng cũng như việc ông viếng thăm 5 thủ đô của khu vực đã mang lại sự trấn an cần thiết rằng Washington vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ đối với khu vực này. Việc thông qua cái gọi là Chiến lược về “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” trước chuyến công du Châu Á cũng mang lại một nguồn trấn an khác. Mặc dù chiến lược này vẫn cần phải được làm rõ thêm, nó có thể cho thấy sự can dự chiến lược của Mỹ với châu Á không những tiếp diễn mà còn có thể được mở rộng.
Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump tới Việt Nam mang lại một đòn bẩy mới cho quan hệ Việt – Mỹ. Việt Nam, cũng giống như một số nước khác trong khu vực, đã khôn ngoan khi hưởng ứng chính sách ngoại giao thực dụng của ông Trump bằng cách đưa ra các hợp đồng thương mại trong các chuyến thăm cấp cao như là một biện pháp nhằm giành được sự ủng hộ của Trump cho quan hệ song phương. Hơn nữa, với việc ông Trump không quan tâm nhiều tới vấn đề ý thức hệ và nhân quyền, quan hệ song phương có thể trải qua một thời kỳ êm đềm trong nhiệm kỳ của ông, đặc biệt nếu Hà Nội có thêm các lợi ích khác đưa ra trao đổi, bao gồm các thỏa thuận mua vũ khí từ Hoa Kỳ.
Quan trọng hơn, do Hà Nội tăng cường quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ và các cường quốc lớn khác nhằm nâng cao vị thế đàm phán của mình trên Biển Đông còn Washington thúc đẩy quan hệ với các đồng minh và đối tác an ninh khu vực nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, quan hệ Việt – Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục có động lực mạnh mẽ hơn trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Dù quan hệ quốc phòng song phương đã cải thiện đáng kể trong thập niên qua nhưng chúng vẫn còn tương đối hạn chế, chủ yếu do sự lo ngại của Việt Nam về các phản ứng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các mối quan ngại như vậy đang dần được hóa giải. Cả Hà Nội và Washington đều đang từng bước tiến tới các cột mốc mới trong hợp tác an ninh – quốc phòng mà những cột mốc gần nhất có thể sớm đạt được là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Hoa Kỳ tới Vịnh Cam Ranh và các hợp đồng mua sắm quốc phòng tiềm năng trong tương lai. Hà Nội thực sự đang cố gắng biến các hoạt động hợp tác quốc phòng cấp cao với Hoa Kỳ trở thành một tình trạng “bình thường mới”. Sự gia tăng xác quyết của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 và việc Trung Quốc xây dựng 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, đã mang lại những lý do chính đáng cho Hà Nội trong việc nâng cao hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ và các cường quốc khác nhằm ứng phó lại áp lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuy nhiên trong khi tăng cường quan hệ với Mỹ, Việt Nam cũng tiếp tục cố gắng duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Việc xây dựng một mối quan hệ tích cực và ổn định với Bắc Kinh càng quan trọng hơn đối với Hà Nội nếu xét mong muốn của Hà Nội trong việc theo đuổi các sáng kiến hợp tác quốc phòng quy mô lớn hơn với Hoa Kỳ. Chỉ 2 giờ trước khi Tổng thống Trump rời Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Hà Nội để tiến hành một chuyến thăm cấp nhà nước, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc nuôi dưỡng quan hệ với Trung Quốc và duy trì sự cân bằng chiến lược giữa hai siêu cường. Quan hệ Việt – Trung đã trở nên ổn định và được cải thiện đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014. Tuy nhiên, triển vọng của quan hệ Việt – Trung vẫn chưa chắc chắn. Căng thẳng song phương trên biển đã tạm lắng xuống trong năm qua nhưng chúng vẫn còn âm ỉ và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Tương tự như trong một trận đấm bốc, càng ôm chặt đối thủ bao nhiêu thì người ta càng khó bị dính đòn của đối phương với nhiều. Chừng nào Trung Quốc vẫn tiếp tục xác quyết trên Biển Đông và vẫn là một mối đe dọa chính đối với Việt Nam thì Hà Nội có thể vẫn tiếp tục ôm chặt Bắc Kinh, không nhất thiết như là một biểu hiện tình cảm, mà là một chiến lược có tính toán nhằm hạn chế sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, tăng cường vị thế chiến lược của Việt Nam nói chung, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các mối quan hệ chiến lược của Hà Nội với Hoa Kỳ và các cường quốc khác.
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Perspective, ngày 22/11/2017.
Tài liệu tham khảo
AFP. (2017, 12 November). Trump makes sales pitch to Vietnam as energy and aviation deals are signed in Hanoi. The Straits Times Retrieved 14 November, 2017, from http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/trump-makes-sales-pitch-to-vietnam-as-energy-and-aviation-deals-signed-in-hanoi.
BBC Vietnamese. (2017, 8 November). Trump thăm Việt Nam: ‘Sự kiện đặc biệt’ Retrieved 13 November, 2017, from http://www.bbc.com/vietnamese/media-41916155.
Dan Tri. (2017, 9 November). “Tổng thống Trump sẽ đẩy mạnh quan hệ toàn diện Việt – Mỹ” Retrieved 13 November, 2017, from http://dantri.com.vn/multimedia/quan-he-viet-my-thay-doi-the-nao-sau-chuyen-tham-cua-tong-thong-donald-trump-20171109121326177.htm.
Fox News. (2017, 11 November). McCain hits Trump for failing to mention Vietnam’s human rights violations Retrieved 17 November, 2017, from http://www.foxnews.com/politics/2017/11/11/mccain-hits-trump-for-failing-to-mention-vietnams-human-rights-violations.html.
Nhan Dan. (2017, 11 November). Bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ Retrieved 14 November, 2017, from http://nhandan.org.vn/chinhtri/item/34678002-buoc-phat-trien-moi-trong-quan-he-doi-tac-toan-dien-viet-nam-hoa-ky.html.
Pew Research Center. (2017, 26 June). U.S. Image Suffers as Publics Around World Question Trump’s Leadership Retrieved 13 November, 2017, from http://www.pewglobal.org/2017/06/26/u-s-image-suffers-as-publics-around-world-question-trumps-leadership/.
Reuters. (2017, 12 November). Vietnam, U.S. firms sign MoUs during Trump’s visit Retrieved 14 November, 2017, from https://www.reuters.com/article/us-trump-asia-vietnam-mou/vietnam-u-s-firms-sign-mous-during-trumps-visit-idUSKBN1DC051.
Storey, I. (2017, 28 June). Trump and America’s Image a Mixed Bag in Key Southeast Asia Countries. ISEAS Commentary 2017/39 Retrieved 13 November, 2017, from https://www.iseas.edu.sg/medias/commentaries/item/5649-trump-and-americas-image-a-mixed-bag-in-key-southeast-asia-countries-by-ian-storey.
The White House. (2017, 12 November). Joint Statement between the United States of America and the Socialist Republic of Vietnam Retrieved 17 November, 2017, from https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/11/12/joint-statement-between-united-states-america-and-socialist-republic.
VOA Vietnamese. (2017, 12 November). Ông Trump chào bán ‘máy bay, tên lửa’ ở Việt Nam Retrieved 15 November, 2017, from https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-chao-ban-may-bay-va-ten-lua-o-viet-nam/4111716.html.
Zing News. (2017, 13 November). Quan hệ Việt Mỹ phát triển quá nhanh, vượt bậc Retrieved 14 November, 2017, from https://news.zing.vn/tt-trump-toi-vn-quan-he-viet-my-phat-trien-qua-nhanh-vuot-bac-post795477.html.