Kế hoạch mở rộng của EU gặp thách thức gì?

Nguồn:What are the European Union’s eastward expansion plans?”, The Economist, 28/11/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chưa từng có ai chắc chắn về ranh giới giữa châu Âu và châu Á. Thời Trung Cổ, các nhà địa lý đã vẽ đường biên giới này dọc theo các con sông khác nhau, bao gồm cả sông Dnieper và sông Volga. Vào những năm 1950, Liên Xô đã chọn một đường biên chạy dọc dãy núi Ural, và dọc theo dãy Caucasus giữa Biển Đen và Biển Caspian. Nhưng điều này lại loại trừ Armenia, Azerbaijan và Gruzia, trong khi các quốc gia này có xu hướng nghĩ rằng mình thuộc châu Âu. Nó cũng bao gồm một số quốc gia mà Liên minh châu Âu (EU) chưa sẵn sàng chấp nhận như là các ứng viên cho tư cách thành viên của mình. Để đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia này, năm 2009 EU đã khởi động một sáng kiến ​​với tên gọi Đối tác phương Đông, bao gồm các nước (theo thứ tự từ tây sang đông): Belarus, Ukraine, Moldova, Gruzia, Armenia và Azerbaijan. Ngày 24/11/2017, các lãnh đạo EU đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các đối tác này tại Brussels để thảo luận về chương trình này.

Mục đích của quan hệ đối tác này là nhằm tăng cường mức độ tương thích về kinh tế và chính trị cũng như sự hợp tác với các nước láng giềng phía Đông của EU. Về mặt chính trị, nó bao gồm một loạt các sáng kiến ​​nhằm cải thiện quản trị dân chủ, nâng cao tính độc lập của ngành tư pháp, thúc đẩy các nhóm xã hội-dân sự và giảm tham nhũng. Về mặt kinh tế, nó thiết lập các chương trình nhằm đưa các quy tắc về lao động và các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm và thực phẩm của các nước phía đông đến gần hơn với các tiêu chuẩn của EU, và để giảm bớt các rào cản thương mại. Mục đích là để thực hiện các thỏa thuận mà EU gọi là AA/DCFTA, hay Hiệp định Liên kết và Khu vực Mậu dịch Tự do Toàn diện và Sâu rộng. Cho đến nay, các hiệp định này đã được ký với Gruzia, Moldova và Ukraine (trong ảnh, Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine đứng giữa, cùng với Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu). Tại hội nghị, các đối tác cam kết sẽ đạt được 20 mục tiêu mới vào năm 2020, trong các lĩnh vực như liên kết giao thông và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Hầu hết các quốc gia Ðối tác phương Đông đều xem điều này như là khúc dạo đầu cho việc cuối cùng đạt được tư cách ứng viên gia nhập EU. Nhưng các thành viên hiện tại của EU đang tỏ ra thận trọng. Ngoại trừ Gruzia, các quốc gia Ðối tác phương Đông đều có chỉ số tham nhũng quá cao để hội đủ tư cách thành viên, và đang được xếp ở nửa dưới trong bảng xếp hạng chỉ số kiểm soát tham nhũng của Ngân hàng Thế giới. Belarus và Azerbaijan là các nước chuyên chế với các cuộc bầu cử gian lận; ở Ukraine và Moldova, hệ thống chính trị bị chi phối bởi các đầu sỏ chính trị giàu có. Quân đội Nga hiện đang đóng trên các phần lãnh thổ của Gruzia, Moldova và Ukraine. Armenia, Azerbaijan và Belarus, ở một mức độ nào đó, đều là các đồng minh quân sự của Nga. Azerbaijan và Armenia đã luôn xung đột với nhau trong nhiều thập kỷ.

Hệ quả là, nhiều thành viên EU tỏ ra thận trọng với việc cho phép các nước này chuyển sang giai đoạn gia nhập, ngay cả đối với ba quốc gia đã ký AA/DCFTA. Các thành viên ở phía tây bắc của EU bị đặt vào thế khó xử bởi những con số bất ngờ những người Ba Lan, Romania và Bulgaria di chuyển sang các thành viên phía tây sau khi nước họ gia nhập EU từ 2004 đến 2007, và muốn tránh lặp lại kinh nghiệm này.

Hà Lan đặc biệt miễn cưỡng. Năm 2016, Hà Lan đã thương lượng những thay đổi trong hiệp định liên kết của EU với Ukraine, sau khi các cử tri Hà Lan bác bỏ bản gốc hiệp định này trong một cuộc trưng cầu dân ý. Các nhà ngoại giao Hà Lan đã thúc đẩy việc hủy bỏ các cuộc thảo luận về “những nguyện vọng châu Âu” của các đối tác phía đông. Tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 24/11, dường như họ đã thất bại: giống như tại hội nghị thượng đỉnh năm 2015, văn kiện cuối cùng nói rằng các thành viên EU “thừa nhận nguyện vọng châu Âu và lựa chọn châu Âu của các đối tác”. Liệu rằng việc “thừa nhận” có bao giờ trở thành “chấp nhận” hay không lại là một câu hỏi khác.