Thất nghiệp có thể xuống thấp đến mức nào?

Nguồn:How low can unemployment go”, The Economist, 22/09/2017.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Ý tưởng về việc làm cho tất cả mọi người là một điều hão huyền.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tức ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, được Quốc hội giao nhiệm vụ tìm phương án để đạt được toàn dụng lao động. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không thể tiến hành một cuộc “chiến tranh toàn diện” với thất nghiệp. Thay vào đó, họ tự hỏi: thất nghiệp có thể xuống thấp đến mức nào một cách bền vững? Bốn lần một năm, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Fed lại đưa ra những mức mà họ nghĩ rằng tại đó thất nghiệp sẽ ổn định trong dài hạn – một con số mà họ cho là vượt khỏi tầm kiểm soát của mình. Ý tưởng về tỷ lệ thất nghiệp “tự nhiên” đó đến từ đâu?

Có nhiều lý do khiến thất nghiệp không thể bị xóa bỏ một cách triệt để. Phải mất thời gian để mọi người chuyển từ công việc này sang công việc khác. Điều này được cho là gây ra tình trạng thất nghiệp “ma sát” (“frictional” unemployment), hay thất nghiệp tạm thời vì thay đổi công việc. Nếu mọi người không thể tìm được việc làm bởi vì họ có những kỹ năng đã lỗi thời – hãy nghĩ đến những người thợ dệt sau khi máy dệt được phát minh – họ có thể trở thành những người “thất nghiệp” cơ cấu (“structurally” unemployed). Công đoàn có thể đã đòi giữ mức lương quá cao khiến giới chủ khó có thể tuyển dụng tất cả công nhân trong một ngành nào đó. Tương tự, người sử dụng lao động có thể sử dụng vị thế của họ trên thị trường lao động để giữ lương ở mức thấp và số lượng việc làm trong tình trạng khan hiếm.

Chính sách tiền tệ không ảnh hưởng đến việc người lao động có thể tìm được việc làm phù hợp hay không, hoặc mức độ tổ chức của công đoàn. Công cụ duy nhất mà các ngân hàng trung ương có để chống lại thất nghiệp là tăng mức chi tiêu trong nền kinh tế, hành vi này có thể khiến các công ty mở rộng sản xuất và tiếp nhận thêm nhiều công nhân. Điều này khá dễ thực hiện sau một cuộc suy thoái, khi có rất nhiều người tìm việc trên thị trường. Nhưng trong những khoảng thời gian bình thường hơn, khi thất nghiệp phản ánh các yếu tố ma sát và cơ cấu, các công ty phải trả mức lương cao hơn để thu hút thêm nhân viên. Điều đó cũng có nghĩa là các công ty phải đòi hỏi các mức giá cao hơn cho hàng hóa họ sản xuất. Nếu hầu hết các công ty tăng giá, lạm phát nảy sinh, từ đó sẽ làm giảm sức mua của mức tăng lương vốn là điều đã giúp làm giảm thất nghiệp ngay từ đầu. Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên cuối cùng sẽ xuất hiện. Tất cả những gì mà các ngân hàng trung ương đạt được sẽ chỉ là một mức gia tăng khó chịu của tỷ lệ lạm phát. Tỉ lệ lạm phát này sẽ khó được kéo xuống nếu người ta kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng.

Lý thuyết này áp dụng cho thế giới ngày nay như thế nào? Cách duy nhất các nhà kinh tế có thể ước tính tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên là bằng cách theo dõi sự dịch chuyển của lạm phát và thất nghiệp trong thực tế. Thất nghiệp tại Mỹ chỉ ở mức 4,4%, nhưng lạm phát cũng ở mức thấp đến kỳ lạ. Điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed phải thay đổi mức ước tính tỷ lệ [thất nghiệp] tự nhiên trong những năm gần đây. Một số người cho rằng các dữ liệu sai đang được sử dụng, bởi vì tỷ lệ thất nghiệp không tính tới những người đã ngừng tìm kiếm việc làm. Những người khác nói rằng các kỳ vọng lạm phát đang được giữ ở mức quá thấp. Những người hoài nghi thậm chí đã bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của tỷ lệ [thất nghiệp] tự nhiên. Nhưng điều này đòi hỏi một trong hai điều điều kiện. Hoặc là ngân hàng trung ương không thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp, ngay cả trong ngắn hạn, hoặc họ có thể ghìm tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp như họ muốn – thậm chí là bằng không – mà không tạo ra lạm phát. Không điều nào trong hai điều kiện nêu trên là khả dĩ. Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên chắc chắn tồn tại. Việc người ta có thể nhận biết được nó hay không lại là một vấn đề khác.