Định luật Say: Cung tự tạo ra cầu như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:How supply can create its own demand”, The Economist, 20/09/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Jean-Baptiste Say giải thích rằng có cung ắt có cầu.

Vào giai đoạn trầm trọng nhất của thời kỳ Đại Suy thoái, hơn một phần tư số công nhân Mỹ không thể tìm được việc làm. Không có đủ lượng cầu về hàng hoá và dịch vụ mà họ có thể cung ứng. Ngày nay, lực lượng lao động Mỹ có thể sản xuất nhiều gấp 17 lần, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại chỉ dưới 5%. Bằng cách nào đó mà lượng cầu, vốn rất thấp trong những năm 1930, lại tăng tương ứng với một nguồn cung hàng hoá và dịch vụ khổng lồ tám thập niên sau đó. Kết quả đáng mừng này có thể đã làm kinh ngạc một số nhà kinh tế trong những năm 1930, những người đã lo lắng về tình trạng trì trệ “trường kỳ”. Nhưng điều này chẳng có gì là ngạc nhiên đối với một thế hệ các nhà kinh tế lớn tuổi hơn, do Jean-Baptiste Say đứng đầu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, “A Treatise on Political Economy” (Chuyên luận về Kinh tế chính trị), đã được tái bản đến sáu lần từ năm 1803 đến năm 1841, chứa đựng nhiều điều mà sau này được gọi là Định luật Say, khái niệm chỉ ra rằng cung có thể tạo ra cầu cho chính mình.

Say và các đồng minh trí thức của ông chỉ ra rằng mọi người sẽ không nỗ lực hết sức để sản xuất một hàng hóa hoặc dịch vụ trừ khi họ có ý định đạt được một cái gì đó có giá trị tương đương nhằm đổi lại. Vì vậy, mỗi bổ sung cho lượng cung sẽ đi kèm với một sự bổ sung dự định vào lượng cầu. Hơn nữa, hành động sản xuất tạo ra một khoản giá trị bổ sung để trao đổi lại những thứ khác. Bằng cách này, sản xuất tạo ra một “đầu ra” mới cho các sản phẩm hiện có (và mức sản lượng cao hơn 17 lần sẽ tạo ra các “đầu ra” nhiều hơn 17 lần). Trong quá trình sản xuất hàng hoá mới, doanh nhân sẽ trả lương cho người lao động, tiền thuê cho chủ đất, lãi suất cho chủ nợ, thanh toán hóa đơn cho nhà cung cấp và lợi nhuận còn lại cho chính mình. Những khoản thanh toán này sẽ ít nhất bằng với số tiền mà doanh nhân có thể thu được thông qua việc bán sản phẩm của mình. Do đó, các khoản thanh toán sẽ làm tăng thêm thêm một lượng thu nhập khả dụng bằng với tổng giá trị mà những người nhận các khoản này đã bổ sung vào lượng cung.

Những người ủng hộ định luật của Say thừa nhận rằng các doanh nhân có thể tính toán sai, sản xuất nhiều hơn mức vừa đủ một số loại hàng hoá. Nhưng xét về tổng thể, một nền kinh tế không thể sản xuất quá nhiều hàng hoá. Nếu nguồn vốn, lao động và các nguồn lực sản xuất khác đã được dành cho việc cung ứng quá mức một loại sản phẩm, thì các lĩnh vực sản xuất khác mang tính sinh lợi lớn hơn sẽ không có đủ những nguồn lực này. Do đó, nếu một mặt hàng bị dư cung, nhiều khả năng sẽ có một mặt hàng khác bị thiếu cung. Giải pháp hiển nhiên là thay đổi cơ cấu sản xuất, hơn là giảm mức độ sản xuất.

Có ít nhất hai sai sót trong quan điểm của Say về nền kinh tế. Nếu một doanh nhân không thể bán được nhiều hàng như dự định, anh ta (và cuối cùng mọi người mà anh ta thuê mướn hoặc kinh doanh cùng) cũng sẽ không có đủ tiền để mua nhiều như dự tính. Mặc dù họ có thể dự định lượng cầu lớn hơn (và sẽ làm như vậy, nếu nguồn lực của họ được sử dụng tốt hơn), họ có thể không có cách nào để đưa nhu cầu đó trở thành hiện thực. Thứ hai, mọi người có thể tích trữ tiền kiếm được từ việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ, giữ nó lại như một tài sản, thay vì chi tiêu nó cho những thứ khác. Do đó, thiếu hụt cung tiền có thể tồn tại song song với tình trạng dư cung của tất cả những hàng hóa khác. Đó thực sự là một lời giải thích cho cuộc Đại Suy thoái. Tuy nhiên, trong dài hạn, định luật của Say nhìn chung là đúng. Và bằng cách tăng cung tiền để đáp ứng bất kỳ lượng cầu nào đối với nó, các ngân hàng trung ương hiện đại có thể cố gắng để biến định luật này thành hiện thực kể cả trong ngắn hạn.