Nguồn: Ian Buruma, “Why Is Japan Populist-Free?”, Project Syndicate, 10/01/2018.
Biên dịch: Trương Dũng Thuyết | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngay cả khi làn sóng dân túy cánh hữu đang quét qua Châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ và các khu vực của Đông Nam Á, Nhật Bản cho đến nay dường như không bị ảnh hưởng. Nhật Bản không có các nhà chính trị dân túy như Geert Wilders, Marine Le Pen, Donald Trump, Narendra Modi, hay Rodrigo Duterte, những người đã khai thác những sự phẫn nộ dồn nén của người dân chống lại giới tinh hoa trong văn hoá hay chính trị. Tại sao?
Có lẽ nhân vật dân túy nhất mà Nhật từng có gần đây là cựu thị trưởng Osaka, Toru Hashimoto, người trước đây nổi tiếng trong vai trò một nhân vật truyền hình và sau đó tự hạ thấp mình trong những năm gần đây bằng cách khen ngợi việc sử dụng nô lệ tình dục thời chiến của quân đội Đế quốc Nhật Bản. Quan điểm cực đoan về chủ nghĩa dân tộc của ông và sự e sợ các phương tiện truyền thông tự do là một phiên bản quen thuộc của chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Nhưng ông không bao giờ có thể thâm nhập được vào chính trường quốc gia.
Hashimoto giờ đây giúp tư vấn miễn phí cho Thủ tướng Shinzo Abe về việc thắt chặt các đạo luật an ninh quốc gia. Và ở đây chúng ta có thể tìm thấy lời giải thích cho sự vắng bóng rõ ràng của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở Nhật Bản. Không ai gần gũi với giới tinh hoa chính trị hơn Abe, cháu nội của một bộ trưởng nội các thời chiến và sau đó là thủ tướng; và là con trai của một bộ trưởng ngoại giao. Tuy nhiên, ông chia sẻ sự thù địch của các nhà dân túy cánh hữu đối với giới học giả, nhà báo và trí thức tự do.
Nền dân chủ Nhật Bản sau chiến tranh đã bị ảnh hưởng trong những năm 1950 và 1960 bởi một tầng lớp trí thức có ý thức tìm cách đưa Nhật Bản rời xa chủ nghĩa dân tộc thời chiến. Abe và các đồng minh của ông đang cố gắng để xóa bỏ ảnh hưởng đó. Những nỗ lực của ông trong việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, khôi phục niềm tự hào trong thời kỳ chiến tranh, và xem thường các phương tiện truyền thông dòng chính của giới tinh hoa, chẳng hạn như tờ Asahi Shimbun thiên tả, đã giành được sự ca ngợi của Stephen Bannon, cựu chiến lược gia của Donald Trump, người đã gọi là Abe là một “Trump trước Trump.”
Theo cách này hay cách khác, Bannon đã đúng khi nghĩ như vậy. Tháng 11 năm 2016, Abe nói với Trump: “Tôi đã thành công trong việc thuần hóa Asahi Shimbun. Tôi hy vọng Ngài cũng sẽ thành công trong việc thuần hóa The New York Times“. Ngay cả khi nó chỉ là một câu nói đùa giữa hai nhà lãnh đạo được cho là dân chủ, điều này cũng thật đáng hổ thẹn.
Vì vậy, người ta có thể nói rằng các yếu tố của chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang nằm ngay trung tâm chính phủ Nhật Bản, được hiện thân bởi một người kế thừa một trong những gia đình danh giá nhất của đất nước. Nghịch lý này, tuy nhiên, không phải là lời giải thích duy nhất cho sự vắng mặt của một Le Pen, Modi, hay Wilders phiên bản Nhật Bản.
Đối với những chính trị gia dân túy, để khuấy động những sự căm ghét của người dân đối với người nước ngoài, những người theo chủ nghĩa toàn cầu, các trí thức và những người ủng hộ chủ nghĩa tự do, cần có sự bất bình đẳng về tài chính, văn hoá và giáo dục rõ ràng và hiển nhiên. Đây là trường hợp ở Nhật vào giữa những năm 1930, khi các lãnh đạo quân đội tiến hành một cuộc đảo chính thất bại nhằm vào giới ngân hàng, doanh nhân và các chính trị gia, những người mà theo quan điểm của họ đã làm suy đồi nền chính trị Nhật Bản.
Cuộc đảo chính được hỗ trợ bởi những người lính thường lớn lên ở các vùng nông thôn nghèo. Chị em họ đôi khi bị bán vào các nhà chứa lớn ở thành phố để gia đình họ sống sót. Các tầng lớp đô thị ưu tú Tây hóa là kẻ thù. Và dư luận phần lớn là ủng hộ những kẻ nổi loạn.
Nhật Bản đương đại có thể có những khiếm khuyết, nhưng hiện tại nước này có tính bình đẳng hơn Mỹ, Ấn Độ, hay nhiều nước ở châu Âu. Thuế cao làm cho người ta khó có thể thừa hưởng gia tài lớn từ cha ông. Và, không giống như ở Mỹ, nơi sự giàu có vật chất được phô trương, không chỉ bởi riêng Trump, thì những người Nhật Bản giàu nhất có khuynh hướng kín đáo. Nhật Bản đã vượt mặt Hoa Kỳ trong vai trò một quốc gia của tầng lớp trung lưu.
Sự oán hận làm gia tăng cảm giác bị sỉ nhục, hay tự ti. Trong một xã hội mà giá trị con người được đo bằng sự thành công cá nhân, tượng trưng bởi danh tiếng và tiền bạc, người ta rất dễ cảm thấy nhục nhã bởi không có được những điều đó, hay chỉ là một khuôn mặt nhạt nhòa trong đám đông. Trong những trường hợp cực đoan, những người tuyệt vọng sẽ ám sát một vị tổng thống hoặc một ngôi sao nhạc rock chỉ để được nêu tên trong các bản tin. Những người theo chủ nghĩa dân túy tìm kiếm sự ủng hộ từ những khuôn mặt oán giận này trong đám đông, những người cho rằng giới tinh hoa đã phản bội họ, bằng cách lấy đi cảm giác tự hào về đẳng cấp, văn hoá hoặc chủng tộc của họ.
Điều này đã không xảy ra ở Nhật Bản. Văn hóa có thể có liên quan tới thực tế này. Tự quảng cáo bản thân, theo kiểu Mỹ, không được tán thành. Chắc chắn, Nhật Bản cũng có văn hóa tôn sùng các ngôi sao nổi tiếng, được dẫn dắt bởi các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng giá trị bản thân được xác định chủ yếu không phải bởi sự nổi tiếng cá nhân hay sự giàu có, mà bởi vị trí của người đó trong một tập thể, và làm công việc được giao một cách tốt nhất có thể.
Những nhân viên cửa hàng bách hóa dường như thực sự tự hào về việc gói những món hàng một cách đẹp đẽ. Một số công việc – như những người đàn ông trung niên mặc đồng phục tươi cười và cúi chào khách hàng vào ngân hàng – dường như làm một công việc không cần thiết. Sẽ ngây thơ khi cho rằng những công việc này mang lại sự hài lòng lớn, nhưng chúng cũng mang lại cho họ cảm giác về việc có một vị trí, vai trò trong xã hội, dù khiêm tốn đến đâu.
Trong khi đó, nền kinh tế Nhật vẫn là một nền kinh tế được bảo hộ nhiều nhất và ít toàn cầu hóa nhất trong số các nước phát triển. Có một vài lý do tại sao các chính phủ Nhật đã chống lại chủ nghĩa tân tự do được thúc đẩy ở phương Tây kể từ thời kì Reagan/Thatcher: nhóm lợi ích của các công ty, đặc quyền của giới quan liêu, hay các hình thức chính trị dùng tiền để mua sự ủng hộ của cử tri. Nhưng giữ gìn niềm tự hào về công việc bất chấp tác động tới năng suất là một trong số đó. Nếu điều này làm đình trệ các doanh nghiệp cá nhân thì cũng chẳng sao.
Chủ nghĩa Thatcher có lẽ đã làm cho nền kinh tế Anh hiệu quả hơn. Nhưng với việc nghiền nát các công đoàn và các thể chế lâu đời của văn hóa người lao động, các chính phủ cũng đã lấy đi nguồn tự hào của những con người thường làm những công việc chân tay nặng nhọc. Năng suất cao không tạo ra được một cảm giác cộng đồng. Những người hiện nay cảm thấy bị bỏ rơi đổ lỗi tình trạng không như ý của họ cho tầng lớp tinh hoa – những người có trình độ học vấn cao hơn và đôi khi tài năng hơn – và do đó có thể phát triển tốt hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những hậu quả mỉa mai hơn là việc nhiều người như vậy ở Mỹ đã bầu một tỷ phú ái kỷ, chuyên khoe khoang về sự giàu có, thành công cá nhân và tài năng của mình, làm tổng thống. Một điều như vậy sẽ không xảy ra ở Nhật Bản. Chúng ta có thể học hỏi được điều gì đó có giá trị khi suy nghĩ về các lý do đằng sau thực tế này.
Ian Buruma, tổng biên tập tờ The New York Review of Books, là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và Year Zero: A History of 1945.