Friedrich Engels và hai mối tình ở Manchester

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Giang

Friedrich Engels trở thành người cộng sản vào năm 1842 và thực trạng giới cần lao ở Manchester, Anh Quốc đã hình thành quan điểm của ông.

Sinh ra tại Đức nhưng Engels đã đến sống ở Manchester 30 năm liền và gắn bó với thành phố này tới mức để lại hai mối tình tại đây.

Đời Engels (1820-1895), nhân vật thứ nhì chỉ sau Karl Marx trong giới cộng sản tiền bối, luôn có hai mặt: vừa hưởng thụ và kiếm tiền, vừa theo đuổi lý tưởng.

Ngay khi còn ở Đức, ông đã đăng lính trong lúc vẫn mang quan điểm ‘phản chiến’.

Thời kỳ phục vụ trong lực lượng pháo binh ở Berlin cũng là lúc Friedrich Engels bỏ thời gian rảnh rỗi đi nghe về triết học và đọc các sách quân sự.

Sang Anh và từ đó có tên viết kiểu Anh trong giấy tờ là Frederick, ông coi đây là cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu một giai cấp mới: giai cấp vô sản.

Nhà máy Victoria Mill của công ty gia đình nằm ở nơi luôn sôi động các hoạt động cánh tả và nghiệp đoàn, cạnh xóm nghèo của dân nhập cư Ireland (Irish slums).

Manchester là nơi Engels gặp các nhân vật hoạt động của Anh Quốc như John Watts, James Leach và Julian Harney.

Cô gái nghèo người Ireland làm trong xưởng dệt, Mary Burns đã thành tình nhân của chàng trai người Đức.

Mary đã giúp người yêu thâm nhập thực tế ở Manchester và Salford, theo Sarah Irving trong bài ‘Frederick Engels and Mary and Lizzy Burns’ (03/2010).

Các sách ra gần đây ở Anh và báo chí Ireland bắt đầu ghi nhận lại vai trò của cả Mary và em gái, Lydia (Lizzy) trong việc giúp Engels định hình tư duy cộng sản.

Điều đáng nói và có thể đáng trách là Engels không bao giờ muốn công khai quan hệ với Mary Burns.

Có thể vì họ còn đều rất trẻ: Engels sang Anh lần đầu mới là một thanh niên 22 tuổi, và Mary mới 18.

Gia đình ông theo đạo Tin Lành – người cha là ông chủ, mẹ là quý tộc (Elise von Haar) – hẳn không muốn con trai lấy cô gái bình dân, chỉ tạm biết mặt chữ, lại theo Công giáo.

Sau khi trở lại Anh, Friedrich Engels sống với Mary Burns trong thập niên 1850 ở Ardwich, Manchester và nhận em gái Lizzy (kém chị sáu tuổi), làm hầu phòng.

Có thể vì để giữ bí mật cho hoạt động cộng sản, ông thuê nhiều lodging khác nhau, lần lượt ở số 70 Great Ducie Street, gần nhà tù Strangeways, số 6 Thorncliffe Grove, 25 Dover St, và 58 Dover Street, Manchester.

Nhưng đó cũng là các nơi Engels sống riêng với Mary, theo Roy Whitfield trong cuốn ‘Fredrick Engels in Manchester’.

Mặt khác, là con trai chủ nhà máy, Engels vẫn sinh hoạt trưởng giả, độc thân, tham gia Câu lạc bộ Albert (mang tên chồng của Nữ hoàng Victoria), dự Cheshire Hunt.

Không rõ ông có chung sống với cả hai chị em nhà Burns cùng một lúc hay không, nhưng ngay sau khi Mary qua đời, Lizzy trở thành người tình của Engels.

Engels đã đồng ý cưới người phụ nữ này chỉ vài giờ trước khi bà sắp chết vào tháng 9 năm 1878.

Thật khó nói ‘sự nhượng bộ’ này của Engels chứng tỏ một lòng tốt, sự ban ơn, hay chỉ cho thấy ông là một người phản đối hôn nhân nhưng không từ chối ái tình.

Tình ái, tình bạn và chủ nghĩa cộng sản

Cả hai chị em nhà Burns đều quen biết gia đình người bạn thân và đồng chí của Engels là Karl Marx.

Eleanor, con gái của Karl Marx đã viết lại nhiều về hai chị em nhà Burns, coi Mary là “người dễ chịu, đáng mến”.

Trong thư cho Karl Kautsky, Eleanor viết Lizzy “là người mù chữ, nhưng thật thà và tốt tính”.

Tuy vậy, xuất thân cao sang của nhà Marx (vợ ông, Jenny von Westphalen, là bá tước, em gái bộ trưởng) khiến lời lẽ của Eleanor có vẻ bề trên.

Marx cũng thiếu tôn trọng người tình xuất thân nghèo hèn của Engels và không viết nổi một lá thư chia buồn ‘đúng chuẩn mực’ khi Mary Burns qua đời.

Điều này đã để lại một vết sẹo trong tâm lý Engels.

Hai phụ nữ và cũng là hai nhà hoạt động còn khiến Engels có liên hệ với các nhóm dân Ireland bị kỳ thị và chống chính quyền ở Anh thời đó.

Một số tác giả ở Ireland nay cho rằng Mary và Lizzy Burns đã đóng vai trò trọng yếu để Engels tin theo chủ nghĩa cộng sản.

Tờ Irish Times (2016) có bài ‘The Irish women behind Engels and the birth of communism’ của Arminta Wallace giới thiệu giả thuyết như vậy của Gavin McCrea.

Điều chúng ta biết rõ là ngoài các ngoại ngữ Pháp, Anh, Ba Lan, Nga và Ý, Engels còn nói được tiếng Irish.

Engels để lại ảnh hưởng lên các vấn đề dân tộc, sắc tộc và chính trị quốc tế của thuyết Marxism, trong khi Marx chú ý nhiều hơn đến các thuyết kinh tế, hàng hóa.

Điều này hoàn toàn phù hợp với hiểu biết rộng, tính đa tình, và con người quảng giao của Engels.

Ông cũng biết kiếm tiền triệu qua kinh doanh chứ không chỉ “lý thuyết suông” như Karl Marx.

Nhưng Engels cũng ‘sống thực’ như một nhà tư bản.

Tuy lên án nạn đĩ điếm nhưng khi sang Paris ông vẫn quan hệ với các cô ‘les grisettes’, theo Tristram Hunt viết trên The Guardian hồi 2009.

Về tư tưởng, vào năm 1844, khi ở Anh lần đầu, Engels viết hai bài đăng trên Deutsch-Französische Jahrbücher.

Các bài báo được Karl Marx biên tập lại và tạo nền tảng cho thuyết ‘chủ nghĩa xã hội khoa học’ (scientific socialism).

Sinh hoạt, thu nhập của công nhân nhà máy tại nước Anh thời Victoria, sự bóc lột sức lao động’ là ‘phòng thí nghiệm’ cho Engels quan sát khi Marx vẫn còn ở Paris.

Sau khi trở về Đức, Engels cho xuất bản tiếp tác phẩm ‘Điều kiện của giai cấp lao động tại Anh (Die Lage der arbeitenden Klasse in England) vào năm 1845.

Cùng năm, Engels đưa Marx sang thăm Anh Quốc và nước này tiếp tục trở thành địa điểm cho các hoạt động quan trọng của hai người.

Năm 1847, tại một hội nghị ở London, hai ông tuyên bố lập ra Liên đoàn Cộng sản.

Năm 1848, cũng để chuẩn bị cho đại hội của Liên đoàn tại London, hai người soạn ra tác phẩm mà sau được xuất bản dưới tựa đề ‘Tuyên ngôn Cộng sản’.

Có vẻ như ‘quy luật đấu tranh giai cấp’ chính là ý tưởng Engels thu nạp từ những người công nhân Manchester để đưa vào lý thuyết của Marx.

Nếu như Marx gắn bó với Anh Quốc tới mức xin vào nhập tịch Anh mà không được thì Engels lại coi mình là có vợ thuộc tầng lớp vô sản.

Khi Mary còn sống, các đồng chí trong giới hoạt động đều gọi bà là Bà Engels (Mrs Engels) dù hai người chưa bao giờ có lễ cưới.

Sau khi Lizzy qua đời, Engels mới gọi bà là ‘vợ’ nhưng không quên cho vào đó chút màu sắc chính trị.

Ông viết cho Julie Bebel:

“Vợ tôi là đứa con thực thụ của tầng lớp vô sản Ireland và đã suốt đời gắn bó, trung thành với giai cấp sinh ra cô ấy.”

Engels có vẻ không được như thế.

Ông sinh ra trong gia đình giàu có, và đã cố gắng để có cuộc sống tốt đẹp ‘cả hai bề’: những hưởng thụ tư sản, và ái tình ‘vô sản’.

Điều buộc ông phải cưới Lizzy khi bà sắp chết lại không phải là ‘lời kêu gọi giai cấp’, mà vì sự cầu xin của Lizzy muốn được có chồng vì bà theo đạo Cộng giáo.

Sau khi Marx mất, Engels đã biên tập lại nhiều tác phẩm của bạn và có cho thêm vào ý tưởng rằng cuộc đấu tranh của gia cấp vô sản ‘nhất định thắng’.

Engels qua đời năm 1895 ở London, tại căn nhà 122 Regent’s Park Road thuộc khu Primrose Hill xanh tươi.

Ông để lại một cuộc đời đầy nghịch lý: một nhà tư sản hoạt động cộng sản, một người đàn ông ăn chơi ‘vì công việc’.

Cũng không thiếu tiếng chê rằng ông là ‘kẻ đạo đức giả’, ‘kẻ thù của nữ quyền’.

Nhưng không ai có thể phủ nhận tình bạn sâu nặng của ông với gia đình Karl Marx.

Năm 1870, Engels rời công ty Ermen & Engels và nhận 20 nghìn bảng Anh (tương đương 2,3 triệu bảng năm 2017), và vẫn giữ 20% cổ phần trong doanh nghiệp này.

Lúc qua đời, ông để lại khoản tiền lớn (bằng 2 triệu bảng Anh theo thời giá hiện nay) cho các con của Marx để họ tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Hình: Nhà tư sản trẻ, Friedrich Engels trong ảnh chụp khi sang Anh lần đầu năm ông ngoài 20 tuổi.

Nguồn: BBC