Nguồn: State of Israel proclaimed, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1948, tại Tel Aviv, Chủ tịch Cục Sự vụ Do Thái (Jewish Agency) David Ben-Gurion tuyên bố thành lập Nhà nước Israel, nhà nước Do Thái đầu tiên trong 2.000 năm. Trong một buổi lễ tại Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv, Ben-Gurion phát biểu “Chúng tôi qua đây tuyên bố thành lập nhà nước Do Thái ở Palestine, với tên gọi Israel”, khiến đám đông tụ họp tại bảo tàng vỗ tay và òa khóc. Ben-Gurion trở thành thủ tướng đầu tiên của Israel.
Từ xa có thể nghe thấy tiếng súng nổ từ các cuộc giao tranh nổ ra giữa người Do Thái và người Ả Rập ngay sau khi quân đội Anh rút lui vào đầu ngày hôm đó. Ai Cập đã tổ chức một cuộc không kích vào Israel ngay đêm hôm ấy. Bất chấp việc Tel Aviv bị mất điện – và cuộc xâm lược được trông chờ từ phía Ả Rập – người Do Thái vẫn vui mừng kỷ niệm sự ra đời quốc gia mới của họ, đặc biệt là sau khi nhận được tin rằng Hoa Kỳ đã công nhận nhà nước Do Thái. Vào lúc nửa đêm, Nhà nước Israel chính thức ra đời sau khi thời kỳ ủy trị của Anh tại Palestine chấm dứt.
Israel hiện đại có nguồn gốc từ phong trào Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism), được thành lập vào cuối thế kỷ 19 bởi người Do Thái tại Đế quốc Nga, những người đã kêu gọi thành lập một nhà nước Do Thái có lãnh thổ riêng sau khi phải chịu đựng sự ngược đãi. Năm 1896, nhà báo người Áo gốc Do Thái Theodor Herzl đã xuất bản một cuốn sách nhỏ về chính trị có tầm ảnh hưởng với tên gọi Nhà nước Do Thái, trong đó cho rằng việc thành lập một nhà nước Do Thái là cách duy nhất để bảo vệ người Do thái khỏi Chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism). Herzl trở thành lãnh đạo của phong trào Phục quốc Do Thái; ông triệu tập Hội nghị của phong trào lần đầu tiên ở Thụy Sĩ vào năm 1897. Vùng đất Palestine do Đế chế Ottoman kiểm soát, quê hương nguyên thủy của người Do Thái, được chọn là địa điểm được mong mỏi nhất để hình thành một nhà nước Do Thái, nhưng Herzl đã không thành công trong việc kiến nghị chính phủ Ottoman cho nhượng đất.
Sau khi cuộc Cách mạng Nga 1905 thất bại, ngày càng có nhiều người Do Thái ở Đông Âu và người Do Thái gốc Nga bắt đầu di cư đến Palestine, gia nhập vài nghìn người Do Thái đã đến trước đó. Những người định cư Do Thái khăng khăng đòi dùng tiếng Do Thái làm ngôn ngữ nói của họ. Với sự sụp đổ của Đế quốc Ottoman trong Thế chiến I, Anh đã tiếp quản Palestine. Năm 1917, nước Anh đã đưa ra “Tuyên bố Balfour”, bày tỏ ý định thành lập một đất nước của người Do Thái tại Palestine. Mặc dù bị phản đối bởi các quốc gia Ả Rập, Tuyên bố Balfour đã được đưa vào sứ mệnh ủy trị của Anh tại Palestine, sau khi được Hội Quốc Liên ủy quyền năm 1922. Do sự phản đối của các nước Ả Rập đối với việc thành lập bất kỳ nhà nước Do Thái nào ở Palestine, người Anh đã tiếp tục sự cai trị của mình tại khu vực này trong suốt những năm 1920 và 1930.
Bắt đầu từ năm 1929, người Ả Rập và người Do Thái công khai đối đầu tại Palestine, và Anh đã nỗ lực hạn chế sự nhập cư của người Do Thái như một cách để xoa dịu người Ả Rập. Do cuộc thảm sát người Do Thái (Holocaust) ở châu Âu, nhiều người Do Thái đã nhập cư bất hợp pháp vào Palestine trong Thế chiến II. Các nhóm Do Thái cực đoan đã sử dụng chủ nghĩa khủng bố chống lại các lực lượng Anh tại Palestine, những người mà họ nghĩ là đã phản bội lại sự nghiệp phục quốc Do Thái. Vào cuối Thế chiến II, năm 1945, Hoa Kỳ đã bắt đầu quan tâm đến phong trào này. Không thể tìm ra một giải pháp thực tế, Anh đã đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc. Sau đó, vào tháng 11 năm 1947, Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu để phân chia Palestine.
Người Do Thái được trao hơn một nửa diện tích Palestine, mặc dù họ chiếm chưa tới một nửa dân số Palestine. Người Ả Rập Palestine, được hỗ trợ bởi các tình nguyện viên từ các nước khác, đã chiến đấu với các lực lượng Do Thái, nhưng đến ngày 14 tháng 5 năm 1948, người Do Thái đã bảo toàn được quyền kiểm soát toàn bộ phần lãnh thổ Palestine được Liên Hợp Quốc giao cũng như một số phần lãnh thổ khác của phe Ả Rập. Vào ngày 14 tháng 5, nước Anh rút lui sau khi kết thúc thời kỳ ủy trị, và Nhà nước Israel được tuyên bố thành lập. Ngày hôm sau, các lực lượng từ Ai Cập, Transjordan, Syria, Lebanon và Iraq đã tiến hành xâm chiếm Israel.
Người Israel, mặc dù được trang bị kém hơn, đã xoay xở để chống lại người Ả Rập và sau đó chiếm giữ được các vùng lãnh thổ chủ chốt, như Galilee, bờ biển Palestine, và một dải lãnh thổ nối liền khu vực ven biển với phần phía tây của Jerusalem. Vào năm 1949, các lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc dàn xếp đã giúp Nhà nước Israel giữ được quyền kiểm soát vĩnh viễn phần lãnh thổ mà họ chiếm được này. Sự ra đi của hàng trăm ngàn người Ả Rập Palestine ra khỏi Israel trong cuộc chiến đã khiến cho đất nước này trở thành một đất nước với đa số đáng kể người Do Thái.
Trong cuộc xung đột Ả Rập-Israel lần thứ ba – Cuộc chiến sáu ngày vào năm 1967 – Israel lại mở rộng một cách đáng kể biên giới của mình, chiếm giữ các khu vực thành cổ Jerusalem, bán đảo Sinai, dải Gaza, Bờ Tây, và Cao nguyên Golan từ tay Jordan, Ai Cập và Syria. Năm 1979, Israel và Ai Cập đã ký một thỏa thuận hòa bình mang tính lịch sử, trong đó Israel trả lại bán đảo Sinai để đổi lấy sự công nhận ngoại giao và hòa bình từ phía Ai Cập. Israel và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) đã ký một thỏa thuận hòa bình quan trọng vào năm 1993, trong đó mô tả việc xây dựng dần dần chính phủ tự trị Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình Israel-Palestine vẫn chuyển biến rất chậm chạp, và vào năm 2000, cuộc đối đầu lớn giữa Israel và Palestine đã tái diễn tại Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.