Tại sao khu vực Núi Đền lại căng thẳng?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:The trouble at Temple Mount”, The Economist, 17/11/2014

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Sự rối loạn tại Núi Đền (Temple Mount) thuộc Jerusalem lại đang một lần nữa bùng lên. Bài viết này sẽ giải thích tại sao “Thành phố của Hòa bình” lại dễ biến động đến vậy.

Núi Đền ở Jerusalem là một trong những mảnh đất dễ bùng nổ xung đột nhất trên thế giới. Nó đã bắt đầu rung lên một lần nữa trong những tuần gần đây với việc các dân quân Do Thái đòi mở rộng quyền cầu nguyện, các vụ bạo loạn của người Palestine và việc giết hại nhiều người Israel trong các cuộc tấn công bằng dao hoặc xe. Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đổ lỗi cho Israel vì đã khuấy động một cuộc chiến tranh tôn giáo; Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu cáo buộc ông Abbas kích động bạo lực; còn vua Abdullah II của Jordan đã rút đại sứ của mình khỏi Israel. Tại sao “Thành phố của Hoà bình” lại dễ biến động đến vậy?

Các địa điểm linh thiêng tại vùng Đất Thánh này từ lâu đã là nguyên nhân gây ra rắc rối, nhưng không đâu bằng gò đất nơi ngôi đền Do Thái được xây dựng bởi Herod Đại Đế đã từng tọa lạc. Nó đã bị phá hủy bởi người La Mã vào năm 70 sau Công nguyên. Dưới sự cai trị của người Hồi giáo, quảng trường trên đỉnh đồi đã trở thành Haram al-Sharif, hay “Thánh địa linh thiêng”, địa điểm thiêng liêng thứ ba trong đạo Hồi, nơi mà từ đó Nhà tiên tri Muhammad được cho là đã đến thăm thiên đường trong “cuộc hành trình ban đêm” của mình. Nó bao gồm Vòm đá thiêng (Dome of the Rock) và đền thờ Hồi giáo al-Aqsa. Người Do Thái chỉ được cầu nguyện ở bên ngoài, tại chân bức tường còn sót lại, hay còn gọi là “Bức tường Than khóc”. (Còn người Thiên chúa giáo cầu nguyện ở gần đó, tại Nhà thờ Mộ thánh.)

Năm 1948, thành phố Jerusalem được phân chia giữa Israel và Jordan. Thành Cổ và các địa điểm linh thiêng của nó vẫn nằm trong tay của người Jordan (họ đã đuổi người Do Thái khỏi Bức tường Than khóc). Năm 1967, Israel chiếm toàn bộ Jerusalem cùng với Bờ Tây (trong đó Israel chiếm dải Gaza từ tay Ai Cập và cao nguyên Golan từ tay Syria). Đông Jerusalem đã được sáp nhập bởi Israel và một khu phố tại khu vực Thành Cổ đã bị phá hủy để lấy đất xây một quảng trường lớn làm chỗ cầu nguyện cho người Do Thái tại địa điểm mà bây giờ được đổi tên thành “Bức tường phía Tây” (không cần phải than khóc nữa).

Tại Haram, chính phủ Israel giữ nguyên hiện trạng tôn giáo: các giới chức tôn giáo được người Jordan chỉ định được giữ lại để trông nom địa điểm này; người Do Thái và những người phi Hồi giáo khác có thể đến thăm, nhưng không được cầu nguyện. Cảnh sát Israel sẽ duy trì trật tự. Những người Do Thái cực đoan coi dàn xếp này là một sự sỉ nhục đối với chủ quyền của Israel; một số thậm chí còn hy vọng quét sạch các đền thờ Hồi giáo và xây dựng lại ngôi đền.

Hai nhân tố – chính trị và tôn giáo – đang gây ra sự giận dữ. Trên mặt trận chính trị, người Palestine ít có hy vọng về một thỏa thuận hòa bình sẽ cho họ một quốc gia độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô. Trong nhiều thập niên, chính phủ Israel đã không dành sự quan tâm cho những khu phố của người Palestine ở Jerusalem, hạn chế khả năng xây dựng của họ, và thay vào đó đẩy mạnh việc mở rộng một loạt các khu phố của người Do Thái (điều được coi là việc định cư bất hợp pháp bởi hầu hết các quốc gia). Thêm vào đó, các nhóm dân quân được tư nhân tài trợ đã mua các ngôi nhà ở trung tâm của các khu phố Palestine, phần lớn trong số đó đã bị cắt đứt khỏi khu vực Bờ Tây bởi hàng rào an ninh của Israel.

Trên mặt trận tôn giáo, các dân quân Do Thái đã tăng cường viếng thăm Haram, thường là để lén lút cầu nguyện (ví dụ bằng cách giả vờ nói chuyện vào điện thoại di động). Họ được hậu thuẫn bởi các Giáo sĩ Do thái cực đoan, những người thách thức lệnh cấm tôn giáo truyền thống không cho phép người Do Thái đi trên đỉnh Núi Đền. Lệnh cấm này dựa trên nỗi lo sợ rằng những người Do Thái giáo không trong sạch có thể làm ô uế phần thiêng liêng nhất của ngôi đền cũ (địa điểm chính xác của nó vẫn chưa được xác định). Chiến dịch đòi quyền cầu nguyện cho người Do Thái (hoặc thậm chí được hưởng khoảng thời gian đặc biệt mà chỉ có người Do Thái giáo mới có quyền cầu nguyện) đã được các chính trị gia nổi tiếng của Israel tham gia. Những người Palestine thề “bảo vệ al-Aqsa” đã liên tục đụng độ với cảnh sát Israel vốn kiểm soát quyền tiếp cận nhà thờ Hồi giáo.

Rốt cuộc thì quyền cầu nguyện cũng ngụ ý cả quyền sở hữu. Mỹ đang cố gắng dàn xếp để làm giảm căng thẳng, và Israel đã xóa bỏ tất cả các hạn chế về tuổi tác đối với những người cầu nguyện Hồi giáo. Nhưng địa điểm thiêng liêng nhất của Jerusalem vẫn còn rất dễ bùng nổ xung đột.