Tác giả: Lê Đình Tĩnh
Tóm tắt: Mọi chính sách, quyết định tầm quốc gia đều nhằm đạt hiệu quả mong muốn và lâu dài. Xét từ yếu tố chủ quan, thành công phần lớn tùy thuộc vào những quyết sách/quyết định chiến lược. Trong khi đó, hoạch định và triển khai chính sách lại tùy thuộc một phần quan trọng vào lối tư duy, cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo cũng như đội ngũ tham mưu và bộ máy triển khai. Bài viết này cố gắng phân tích các khía cạnh chủ chốt về lý thuyết và thực tiễn của “tư duy chiến lược”, là điểm kết nối quan trọng và xuyên suốt của cả hai quá trình hoạch định và triển khai chính sách; từ đó đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam trong thời gian tới.
Chính sách/quyết định quốc gia hay quốc tế thường phải đạt tầm “tư duy chiến lược”. Nếu một chính sách chỉ giải quyết được các vấn đề thứ yếu, trước mắt mà để lại hậu quả, hệ lụy tiêu cực lâu dài, đó sẽ là một “sai lầm chiến lược”; ngược lại, nếu đạt mục tiêu cơ bản, chính yếu thì chính sách đó sẽ có ý nghĩa chiến lược và thành công.1
Khái niệm tư duy chiến lược
Tư duy là “quá trình phản ánh hiện thực khách quan”,2 là “giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lí”.3 “Chiến lược” là kế hoạch hành động và/hoặc khoa học/nghệ thuật, bao gồm nhiều sách lược sáng tạo, thông minh, nhằm đạt tới những kết quả lớn, tổng thể, lâu dài trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự.4 Khái niệm chiến lược thường được quy ước áp dụng cho các giai đoạn từ trung hạn đến dài hạn. Mặc dù còn nhiều cách hiểu nhưng về cơ bản, tư duy chiến lược có thể được định nghĩa là: cách đặt vấn đề bao quát, logic, hợp lý, nhiều tầng nấc, sáng tạo, nhằm đạt những kết quả lớn, có tác động đáng kể, lâu dài.
Ngôn ngữ chính của chiến lược là các câu hỏi.5 Câu hỏi càng khó, càng hóc búa càng thể hiện tầm tư duy chiến lược. Ví dụ, Việt Nam nên làm gì để không bị các nước lớn thỏa hiệp sau lưng là câu hỏi chiến lược. Theo mạch đó, câu hỏi có tầm quan trọng vừa phải hơn là Việt Nam nên thiết kế các hoạt động ngoại giao trong các năm tới như thế nào để thể hiện tư duy cân bằng mới trong quan hệ với các nước lớn. Một câu hỏi khó khác (nhưng chỉ để hướng tới phục vụ câu hỏi đầu tiên) là Việt Nam nên ưu tiên lĩnh vực nào, tham gia sáng kiến gì trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để góp phần hóa giải khả năng bị thỏa hiệp.6
Tư duy chiến lược giúp hướng tới “bức tranh lớn” để thấy “rừng” thay vì chỉ thấy “cây”. Diễn đạt cách khác, tư duy chiến lược là quá trình quan sát, lý giải và nắm bắt được các xu thế chủ đạo, thể hiện tầm nhìn, để thấy được những khía cạnh cơ bản của không gian chiến lược trong đó sẽ tiến hành các bước đi và huy động lực lượng nhằm đạt những mục tiêu chủ chốt, lâu dài. Tiếp cận bằng “vụ việc”, “chạy theo sự kiện” là ngược lại với tư duy chiến lược. Ví dụ cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski khuyên các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ nên tập trung vào “Bàn cờ lớn”, hướng nguồn lực vào các khu vực và nhiệm vụ địa chính trị chủ chốt.7 Cùng chung quan điểm với một số nhà tư tưởng khác, Brzezinski cho rằng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ mất phương hướng và thiếu một “Đại chiến lược” (Grand Strategy) cho thời kỳ mới. Chính sách của Mỹ lúc đó đối với các vấn đề quốc tế chủ yếu bị chi phối theo từng vụ việc (case-by-case), không có thông điệp xứng tầm. Mỹ lần lượt bị lôi kéo vào Irắc, rồi Ápganixtan, Pakixtan, cùng với chống khủng bố, đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khi sức mạnh tương đối ngày càng suy giảm.
Tư duy chiến lược gắn với viễn kiến không gian địa lý.8 Sử gia Frederick L. Schuman gọi đó là tư duy “địa chiến lược”.9 Địa lý đóng vai trò then chốt đối với an ninh và phát triển của một quốc gia, sự khác nhau chỉ là khía cạnh nào được coi trọng, đất, biển, trời và/hay vũ trụ.10 Ngày nay, các khái niệm như không gian mạng, “biên giới mềm”, “phòng thủ từ xa”, “phòng thủ theo chiều sâu” cũng ngày càng trở nên phổ biến. Trước đây, nhà địa lý Halford Mackinder thiên về lục địa, còn Alfred Mahan đề cao sức mạnh biển. Không đặt lục địa Á – Âu ở vị trí trung tâm, Mahan nhận định “định mệnh địa chính trị thế giới” tùy thuộc và Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mahan khuyên các nước xây dựng thực lực biển, trong đó xem hải quân như lực lượng nòng cốt. Chia sẻ tư tưởng trên, nhà khoa học chính trị Mỹ Nicholas Spykman cho rằng yếu tố địa lý có ý nghĩa quyết định đối với sức mạnh Mỹ, trước hết do nước Mỹ được bao bọc, bảo vệ bởi cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.11
Theo Robert Kaplan, học giả chuyên sâu về địa chiến lược, những nhà hoạch định chiến lược Ấn Độ và Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ học thuyết của Mahan.12 Sau thời gian dài tập trung vào lục địa, Trung Quốc đang xây dựng vị thế cường quốc biển như có thể thấy qua hành xử gần đây của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Án ngữ các tuyến hàng hải trọng yếu đối với cả Trung Đông và Trung Quốc, trong khi có quan hệ phức tạp với Pakixtan, Ápganixtan ở phía Bắc, Nêpan, Butan và Bănglađét ở Đông Bắc, trong tiến trình lịch sử Ấn Độ ngày càng coi trọng củng cố phát triển năng lực biển và trên thực tế có lực lượng hải quân với sức mạnh răn đe đáng kể. Gần đây, giới học giả và hoạch định chính sách đề xuất nâng tầm chiến lược kết nối không gian địa lý Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Tại Thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố khái niệm này. Trước đó, Đối thoại Chiến lược Ấn – Mỹ năm 2013 nêu sáng kiến Hành lang Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Năm 2017, hai học giả K. Y Home R và Rajeev Chartuvedy chủ trì biên tập chuyên đề “Các hành lang kinh tế biển xuyên khu vực: Quan điểm của Nam Á và Đông Nam Á”, khẳng định tư duy liên kết biển, đại dương là tất yếu cho quá trình phát triển tiếp theo của châu Á.13 Từ một góc nhìn khác, tổng biên tập tờ The DiplomatShannon Tiezzi nhận định sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ tạo thành đối trọng với “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.14
Cùng với không gian biển, không gian mạng đang trở nên ngày càng quan trọng. Gần đây nhiều quốc gia đã bổ sung nội dung này vào chiến lược an ninh quốc gia. Chẳng hạn Trung Quốc đã đặt mục tiêu thành “siêu cường không gian mạng”.15 Trong một công trình năm 2012, Đại học De Monfort của Anh dự báo không gian mạng rồi đây sẽ còn quan trọng hơn cả không gian thực16 trong khi Tạp chí Nhà kinh tế gọi đây là địa bàn tác chiến thứ năm (fifth domain), cùng với đất, biển, trời và vũ trụ.17 Về kinh tế, sự xuất hiện và lan rộng của tiền ảo (cryptocurrency) như Bitcoin, Ethereum và Zcash đã và đang làm đảo lộn tư duy truyền thống về quản trị tài chính, tiền tệ và ngân hàng.18
Không gian chiến lược không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu, ví dụ đầu tư theo chiều sâu hay thế trận phòng thủ theo chiều sâu. Một khái niệm có liên quan khác là “biên giới mềm”, với ý niệm tư tưởng, văn hóa, hiện diện vật chất (ví dụ hàng hóa, dịch vụ) đến đâu thì “đường biên” sẽ đến đó. Quá trình hội nhập một mặt có thể làm xói mòn chủ quyền quốc gia nhưng mặt khác lại mở rộng không gian hoạt động. Ví dụ nếu so sánh riêng lẻ, các nước Đông Nam Á hầu hết chỉ là các nền kinh tế khiêm tốn nhưng nếu tính cả Cộng đồng Kinh tế ASEAN thì dự báo quy mô sẽ đứng thứ 5 thế giới vào năm 2020.19
Khác với tư duy trừu tượng, tư duy chiến lược hướng về hành động với mục đích ứng dụng vào thực tiễn. Quá trình này đòi hỏi một số kỹ năng đặc thù. Theo chiến lược gia kinh tế nổi tiếng Glenn Ebersole, “tư duy chiến lược là một công cụ vô cùng hiệu quả và có giá trị”, đồng thời yêu cầu có 11 kỹ năng sau:20
- Kết hợp được tư duy logic với tư duy sáng tạo;
- Có tầm nhìn xa
- Mục tiêu rõ ràng, triển khai thành những nhiệm vụ cụ thể, được bố trí nguồn lực phù hợp
- Linh hoạt, tạo khoảng lùi để xem xét lại mọi việc khi cần thiết và có thể ứng biến với thay đổi của tình hình (exit strategy)
- Lắng nghe, học hỏi cái mới và vận dụng kịp thời; tiếp cận mở để tránh sót ý tưởng
- Coi trọng bài học lịch sử và bề dày kinh nghiệm
- Thoát khỏi lối mòn bằng các môi trường tư duy đặc biệt
- Lạc quan nhưng thực tế về tính khả thi
- Tập hợp đội ngũ cố vấn giỏi
- Tránh phán xét; chỉ phản biện bằng lập luận
- Kiên trì và kiên nhẫn
Tương tự như vậy, chuyên gia về quản trị và tổ chức của Đại học Harvard Peter Walsh cho rằng nhà hoạch định có tư duy chiến lược là người: hướng về tương lai, luôn học hỏi, có tầm nhìn dài hạn, chấp nhận rủi ro trong việc thử nghiệm các phương pháp mới, biết ưu tiên, biết tiến lùi linh hoạt và sáng tạo.21 Cũng về kỹ năng, nhiều tác phẩm từ cổ chí kim có giá trị tham khảo rộng rãi, ví dụ Binh pháp Tôn Tử chứa đựng nhiều quan điểm đáng chú ý như liên kết chiến lược, làm chủ địa hình, đòn thực đòn hư, biết người biết ta, không đánh mà thắng…
Tóm lại, để đạt tầm “tư duy chiến lược”, các nhà hoạch định cần có: (i) khả năng nhận diện và tư duy về “bức tranh lớn”, gồm các đặc điểm và xu thế chủ đạo trong không gian “địa lý” đủ rộng, có chiều sâu và trong khoảng thời gian dài; (ii) hội đủ ít nhất các kỹ năng như những gợi ý trên. Phần tiếp theo sẽ khảo sát việc một số nước nhỏ áp dụng tư duy chiến lược trong việc hoạch định chiến lược ngoại giao, an ninh và phát triển.
Ứng dụng tư duy chiến lược trong thực tiễn
Xingapo: “Nhỏ” nhưng tự tin trong quan hệ với nước lớn
Điều khiến Xingapo trở nên đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách đã tư duy ra bên ngoài khuôn khổ, tức là tư duy một cách chiến lược trong điều kiện thực tế không thuận lợi của nước này: nhỏ về diện tích, nghèo nàn về tài nguyên, dân số ít và cộng đồng các sắc dân không chia sẻ lịch sử chung, lâu dài như các dân tộc khác. Trên cơ sở tập hợp và sử dụng đội ngũ cố vấn giỏi, Xingapo đã đặt mục tiêu phát triển rõ ràng, nhất quán, tìm cách giữ nguyên tắc nhưng cũng thực tế (và có phần thực dụng) trong quan hệ ngoại giao với các nước lớn.
Đầu tháng 7/2017, tại Xingapo đã diễn ra một cuộc tranh luận đáng chú ý. Một bên là Đại sứ Lưu động Bilahari Kausikan (nguyên Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Xingapo), Bộ trưởng Tư pháp K Shanmugam (đồng thời nguyên Bộ trưởng Ngoại giao). Còn bên kia là Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu Kishore Mahbubani, Đại sứ Lưu động Ong Keng Ong (nguyên Tổng Thư ký ASEAN). Đây đều là các nhà ngoại giao, chính khách, nhà tư tưởng có tiếng của Xingapo với câu hỏi tranh luận là: Xingapo nên đóng vai trò như thế nào trên trường quốc tế thời “hậu Lý Quang Diệu”.
Kishore khởi đầu tranh luận trên tờ Strait Times, đề xuất Xingapo nên thuận theo những “nguyên tắc chung của địa chính trị”, đó là “nước nhỏ thì nên hành xử như một nước nhỏ”; Xingapo không còn có vị thế như thời Lý Quang Diệu nên cần thay đổi hành vi một cách thực chất trong ứng xử với các nước lớn (xin xem lại đặc tính “lạc quan nhưng thực tế” của Glenn Ebersole nêu ở trên). Bilahari bác bỏ cách tiếp cận này, cho đây là một “sai lầm nguy hiểm”, bởi nó sẽ đặt Xingapo vào tình huống luôn bị khuất phục bởi các nước lớn.22 Shanmugam ủng hộ quan điểm của Bilahari, nhấn mạnh thêm, một khi đã phải “linh hoạt” thì phải luôn chứng tỏ “linh hoạt”. Nhóm ủng hộ Kishore cho rằng việc thuận theo nguyên tắc vận hành của địa chính trị không phải là khuyến nghị Xingapo thay đổi lập trường, nguyên tắc đối ngoại; đây chỉ chỉ là lời cảnh báo Xingapo cần cẩn trọng hơn, không nên thể hiện năng lực quá mức trong “thế giới của Machiavellia”,23 nhưng điều này không có nghĩa là Xingapo luôn phải bái vọng nước lớn (kowtow).24
Cuộc tranh luận này cho thấy Xingapo, với tư cách là một quốc đảo thành công, là nước phát triển duy nhất trong ASEAN, luôn tích cực tìm kiếm hướng đi chiến lược mới (không ngừng tìm tòi cái mới và linh hoạt tạo khoảng lùi cần thiết là tố chất, kỹ năng của nhà hoạch định chiến lược). Thực tế, cho đến nay mặc dù khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển, Xingapo vẫn giữ được quan hệ lành mạnh với các nước lớn, bảo đảm an ninh và vị thế.
Về kinh tế, từ những năm 1960-1970, Xingapo đã tận dụng vị trí bên cạnh các điểm nút chiến lược ven biển để thúc đẩy sự bùng nổ về giao dịch, vận chuyển quốc tế, cho phép các dòng vốn, công nghệ mới các phương thức tổ chức hiệu quả lan truyền vào đất nước. Cùng với sự năng động, sáng tạo, nhãn quan của Xingapo bao gồm thành tố như phát huy tối đa vị trí đắc địa nằm cạnh eo biển Mallaca, nơi 40% hàng hóa thế giới qua lại (tư duy không gian chiến lược); ưu tiên thương mại và đầu tư quốc tế để khuếch đại lợi ích đan xen với các đối tác bên ngoài và thúc đẩy tăng trưởng; xây dựng chính phủ tinh gọn và hiệu quả (tư duy về bước đi và tổ chức).25 Những biện pháp hữu ích khác là trọng dụng nhân tài (meritocracy), xây dựng thể chế trung thực (honesty), kết hợp với tư duy thực dụng (pragmatism).26
Ixraen: Phòng thủ từ xa với nan đề an ninh
Theo đánh giá của hai nhà hiện thực mới John Measheirmer và Stephen Walt, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tuy vẫn quan trọng và có sợi dây kết nối đặc biệt của cộng đồng Do Thái, Ixraen vẫn bị đánh giá như một “nghĩa vụ chiến lược” đối với Mỹ, trước hết do mối quan hệ phức tạp của quốc gia Do Thái này với nhiều nước Hồi giáo láng giềng. 27 Từ chỗ là đồng minh thân thiết, việc Mỹ có dấu hiệu ngãng ra đã đặt Ixraen vào tình huống nan giải mới về an ninh.
Để có thể đảo ngược tình hình, Ixraen đã tư duy chiến lược theo hướng: ngoại giao đi trước một bước, tạo thế trận “phòng thủ từ xa’. Qua vai trò vận động hành lang tích cực của Ủy ban Do Thái Mỹ (AJC) cũng như cộng đồng Do Thái tại Mỹ nói chung, chỉ sau giai đoạn ngắn chập chững, Ixraen đã khiến Mỹ không còn nhìn nước này như một “gánh nặng” hay nghĩa vụ chiến lược. Trái lại, tính đến năm 2016, ngoài ô an ninh, tổng viện trợ của Mỹ cho Ixraen đã vượt quá con số 150 tỷ USD, hầu hết dưới dạng “cho không”. Quá trình vận động tập trung vào không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách chủ chốt như Quốc hội, Chính quyền mà còn cả công luận Mỹ. Ixraen thuyết phục rằng nếu Mỹ hợp tác, cái lợi thu được sẽ nhiều hơn so với việc bỏ qua vai trò của Ixraen, ví dụ trong giải quyết vấn đề Trung Đông. Cũng nhờ đầu tư “vận động hành lang”, dư luận Mỹ thường thiên vị Ixraen qua vai trò của các nhân vật truyền thông có ảnh hưởng như Martin Peretz, Mortimer Zuckerman, William Safire, A.M. Rosenthal và David Brooks. Các học giả uy tín trong nội bộ Mỹ Jim Hoagland, Robert Kagan, Charles Krauthammer, Max Boot và George Will thường xuyên có bài viết ủng hộ Ixraen. Nhiều tờ báo công khai đứng về Ixraen như Commentary, New Republic và Weekly Standard. Chính sách Ixraen của Mỹ luôn nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Để tác động thường xuyên, nhiều kênh, nhiều cấp (cách đặt vấn đề của tư duy chiến lược), AJC và Chính phủ Ixraen thuê đồng thời nhiều công ty, tổ chức truyền thông, nhóm tư vấn và các cá nhân có thế lực. Không chỉ tại Mỹ, các cơ quan đại diện ngoại giao Ixraen ở nhiều nước khác cũng đặc biệt năng động trong việc kết nối, tạo thiện cảm với nước chủ nhà. Mặt khác, cùng với ô an ninh của Mỹ từ bên ngoài, Ixraen được cho là có năng lực quốc phòng dựa trên công nghệ cao với sức mạnh răn đe đáng kể từ bên trong.
Thay vì chờ đợi sự “phán xét” mà chưa biết kết quả sẽ như thế nào từ một đối tác lớn hơn vào một thời điểm có tính then chốt, Ixraen đã sử dụng phương pháp ngoại giao đi trước (thể hiện tầm nhìn và chọn bước đi phù hợp), kết hợp sức răn đe tại chỗ với thế trận “phòng thủ từ xa” (tư duy mở rộng không gian phòng thủ). Ở góc độ kỹ năng, đúng như lời khuyên của Glenn Ebersole, Ixraen thành công bởi luôn có mục tiêu rõ ràng, nhất quán với các nhiệm vụ cụ thể, được bố trí nguồn lực phù hợp.28 Việc trực tiếp tác động vào các cơ chế, nhóm, nhân vật có ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ đã giúp Ixraen tạo thêm “một tấm khiên chắn” về an ninh và đối ngoại.29
Ba Lan: Thành công vì nhanh nhạy và chọn bước đi phù hợp
Về ngoại giao, Ba Lan luôn “ngồi chiếu trên” một khi có một tình huống quốc tế mà Ba Lan cho rằng quốc gia này có thể can dự. Ví dụ, Ba Lan là một trong ba nước tham gia Ủy ban Quốc tế về giám sát và kiểm soát tại Việt Nam (ICC), được lập ra theo quy định của Hiệp định Geneve 1954, Hiệp định Paris 1973 về hòa bình tại Việt Nam. Nhanh nhạy trong việc nắm bắt tình hình và có tầm nhìn xa, ngoại giao Ba Lan đã giúp nước này có vai trò, ảnh hưởng tại châu Âu và trên thế giới, cụ thể: Ba Lan là một trong những thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc và hiện nay là thành viên của tất cả các tổ chức – thể chế quốc tế và khu vực lớn như WTO, EU, NATO, OECD, OSCE.30 Nhìn vào “bức tranh lớn”, lấy châu Âu, thậm chí thế giới làm không gian chiến lược, Ba Lan tích cực tạo đan xen lợi ích chặt chẽ về an ninh và kinh tế với nhiều nước, tổ chức, khu vực để tạo thế, đồng thời qua đó quản trị mối quan hệ nhạy cảm với hai nước lớn láng giềng là Nga và Đức, không bị hai nước này tạo thành các thách thức trực tiếp.31
Về kinh tế, tính đến năm 2016, GDP đầu người tính theo ngang giá sức mua của Ba Lan đã đạt mức 25000 USD, nằm trong tốp 65% các quốc gia có thu nhập cao của châu Âu. Liên tục 20 năm qua, tăng trưởng của Ba Lan luôn đạt mức cao nhất cả về con số tuyệt đối và tương đối so với các quốc gia châu Âu khác. Ba Lan là nước duy nhất trong châu Âu vẫn tăng trưởng tích cực trong giai đoạn suy thoái toàn cầu 2008-2009. Thử nhìn vào một số điều kiện: là quốc gia nhập năng lượng ròng, tài nguyên thiên nhiên hạn chế và xuất phát điểm không cao. Lý giải sự thành công này, một số nghiên cứu cho rằng Ba Lan đã gắn sự phát triển với quá trình hội nhập sâu rộng vào châu Âu; đặc biệt coi trọng giáo dục (nay trình độ đã vượt mặt bằng chung châu Âu); tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong và ngoài nước (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Ba Lan xếp số 1 về tiêu chí này trong OECD và EU); cải cách thị trường đi cùng với giám sát chặt chẽ các lĩnh vực thiết yếu như ngân hàng, nợ công.32
Thành công ngoại giao và kinh tế của Ba Lan bắt nguồn từ việc dám nghĩ lớn, kết nối hiệu quả các không gian chiến lược và nhất quán vận dụng các nguyên tắc vàng về quản trị. Bằng chứng cho công thức thành công dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ cố vấn giỏi là cho đến nay Ba Lan đã có 15 nhà khoa học đạt giải Nobel trong nhiều lĩnh vực.
Nhìn chung, từ góc độ tư duy chiến lược, kinh nghiệm chung của ba nước Xingapo, Ixraen và Ba Lan là:
- Định vị không gian chiến lược đủ rộng và có chiều sâu.
- Tạo giá trị hợp tác về ngoại giao, kinh tế bền vững với các đối tác; triển khai chiến lược “bất cân xứng”, dù nhỏ về quy mô nhưng nếu có tầm nhìn và tổ chức sắp xếp lực lượng hiệu quả thì vẫn tạo đủ sức tự vệ.
- Linh hoạt, nhạy bén trong việc nắm bắt và ứng biến với sự thay đổi của tình hình.
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Kể từ khi đổi mới tư duy năm 1986, Việt Nam đã đạt nhiều thành công lịch sử về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và ngoại giao, bảo đảm, phát huy được lợi ích quốc gia và được thế giới ghi nhận.33 Về kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 1990, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh nhất thế giới, trung bình 6.4%/năm trong những năm 2000 […] Thành quả tăng trưởng đã được phân phối đồng đều, trong đó tỉ lệ nghèo đã giảm mạnh, và phúc lợi xã hội cũng được tăng cường đáng kể […] Trong hai thập kỷ vừa qua, hơn 40 triệu người dân Việt Nam đã thoát nghèo. Bên cạnh thành công, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Hiện Việt Nam mới chỉ vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp trong khi một nghiên cứu cho thấy kể từ năm 1960 chỉ có 13/100 nước thoát bẫy thành công.34 GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ bằng với Malaixia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Inđônêxia năm 2008, Philíppin năm 2010; Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaixia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Inđônêxia và Philíppin khoảng 5-7 năm.35
Về đối ngoại, cùng với việc góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, ngoại giao Việt Nam tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, đóng góp thiết thực cho an ninh, phát triển và xây dựng hình ảnh tích cực cho đất nước. Trong lịch sử gần đây, Việt Nam cũng có những giai đoạn đặc biệt thành công trong việc vận dụng tư duy chiến lược, có thể kế thừa, học hỏi, tham khảo cho giai đoạn tiếp theo:
(i) Quá trình hòa đàm dẫn đến kết thúc chiến tranh;
(ii) Quá trình giải vây xóa bỏ cấm vận;
(iii) Quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế (đang diễn ra).36
Thành công đi kèm với thách thức: môi trường quốc tế luôn diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ví dụ như xu hướng bảo hộ hiện nay, phản ứng tiêu cực với toàn cầu hóa, các tình huống chính sách bất ngờ.37 Việc mở rộng quan hệ cơ bản đã hoàn tất nhưng đi vào chiều sâu sẽ khó khăn do đòi hỏi sự gắn kết lợi ích, giá trị chặt chẽ hơn cũng như sự phối hợp lập trường, chính sách ở tầm mức cao hơn. Bài học giữ độc lập tự chủ trong quá trình ra quyết định, giữ cân bằng, tránh “nhất biên đảo” trong quan hệ vẫn còn có giá trị do bản chất, vai trò và mối quan hệ phức tạp giữa các nước lớn. Thế giới tuy vẫn còn các lực lượng ủng hộ lý tưởng, công bằng và công lý nhưng cũng có các thế lực toan tính thực dụng, theo đuổi chủ nghĩa cường quyền và lợi ích quốc gia hẹp hòi. Nghị trình ngoại giao ngày càng mở rộng, phức tạp do sự phụ thuộc lẫn nhau, liên kết nhiều chiều giữa các chủ thể và do sự xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề xuyên biên giới. Chính vì vậy, tại Hội nghị Ngoại giao 29 diễn ra vào tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cần xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới.
Về an ninh, quốc phòng, đánh giá chung trong giai đoạn này là, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”;38 có bước phát triển từ “tư duy quân sự đến tư duy quốc phòng”, từ xác định “bạn”, “thù” đến tư duy biện chứng về “đối tượng”, “đối tác”; xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh; quốc phòng – an ninh với kinh tế và đối ngoại…39 Hợp tác quốc phòng song phương được thúc đẩy cùng với việc chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh như ADMM, ADMM+, ARF, Đối thoại Shangri La, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác.40 Thách thức cơ bản đối với quốc phòng – an ninh trong bối cảnh mới là mặc dù hạn chế về nguồn lực, phải xử lý đồng thời các thách thức đa dạng, truyền thống và phi truyền thống. Nội hàm an ninh quốc gia trở nên toàn diện và phức tạp, đòi hỏi ứng phó nhanh hơn, hệ thống hơn và hiệu quả hơn.
Về không gian chiến lược, nếu tạm chia thì đại thể có miền núi, đồng bằng và biển, trong đó không gian biển đã đóng góp hơn 50% GDP cho Việt Nam và trong tương lai tỷ trọng này sẽ ngày càng cao khi “nền kinh tế xanh dương” (Blue Economy) càng được chú trọng. Một phần ba giá trị thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông (một vị thế đắc địa như việc Xingapo gần eo biển Malacca). Việt Nam nằm trong số 10 nước có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ.41 Các vùng biển Việt Nam cung cấp nguồn thu lớn từ dầu khí, tài nguyên, giao thông, vận tải, đóng tàu, cảng, kho vận, hậu cầu, hải sản, du lịch, công nghệ và nhiều ngành của tương lai như bảo tồn sinh thái biển, công nghệ biển sâu, năng lượng mới.
Bên cạnh các lợi thế, yếu tố biển cũng đặt ra nhiều vấn đề. Đặc thù đất nước hẹp và dài khiến chiều sâu chiến lược ít, dễ tổn thương về mặt an ninh trước các đòn tấn công từ hướng biển; mức độ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao hơn nhiều so với các nước khác. Tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ chủ quyền, đồng thời gắn với hòa bình, ổn định khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, việc giải thích, áp dụng luật cũng như môi trường và nguồn lợi biển.
Không cần viện dẫn lý thuyết của Mahan, người Việt từ lâu đã nhận thức được ý nghĩa không gian sinh tồn sống còn của Biển Đông. Kể từ khi tiến hành Đổi mới năm 1986 và trước đó, các hoạt động khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, thực thi pháp luật hoạt động kinh tế của Việt Nam ngày càng nhiều.42 Về kinh tế, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nêu rõ: “nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn”; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53%-55% GDP, 55%-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.43 Việt Nam cũng tích cực, chủ động nêu quan điểm, hợp tác, đấu tranh trong quan hệ song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thúc đẩy tôn trọng DOC, đàm phán thực chất COC.
Như vậy, nếu nhìn vào các thách thức, vấn đề không nằm ở nhận thức mà là ở triển khai.44 Về kinh tế, năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 của Hàn Quốc, 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản.45 Đồng thời, mặt khai thác vẫn còn nặng hơn phát triển, “giá trị dịch vụ” và “giá trị không gian” chưa được chú ý đúng mức;46 chưa có một “thương hiệu biển Việt Nam”.47 Vấn đề Biển Đông vẫn đặt ra nhiều bài toán chưa có lời giải. Tập hợp lực lượng và dư luận ủng hộ có mặt phức tạp hơn ngay cả khi có chính nghĩa.
Đối với không gian mạng, theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế và UNICEF, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng điện thoại di động và Internet nhanh nhất thế giới, trung bình cứ 100 người thì có đến 143 điện thoại di động.48 Khoảng 38 triệu người sử dụng mạng xã hội.49 Tuy nhiên theo Microsoft Asia, Việt Nam cũng thuộc nhóm nước dễ bị tổn thương nhất từ các mối đe dọa và trên thực tế đã chịu nhiều cuộc tấn công mạng.50 Hạ tầng thông tin của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm phục vụ nền kinh tế dựa trên thông tin, chưa bảo đảm an toàn…)
Về “biên giới mềm” và “không gian hội nhập”, Việt Nam đã có nỗ lực lớn để khai phá và tranh thủ nếu nhìn vào độ mở của nền kinh tế.51 Thương mại lớn hơn GPD khoảng 1,7 lần. Mặt khác, sự tăng trưởng này chủ yếu thiên về số lượng trong khi “chất lượng còn thấp”.52 Bên cạnh đó, tuy dựa trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, nhưng đến năm 2016 mới có xuất siêu đáng kể (hơn 2,5 tỷ USD).53 Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Với việc hoàn tất, triển khai các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội nhưng để tận dụng hiệu quả đòi hỏi sự chuẩn bị thể chế, luật pháp, chính sách, nguồn nhân lực ngay từ bây giờ.54
Tóm lại, mặc dù đã đạt nhiều thành tựu, trong dài hạn, Việt Nam vẫn phải thực hiện nhiều “nhiệm vụ kép” đầy thách thức như: vừa phải rượt đuổi về tốc độ kinh tế vừa phải bảo đảm tăng trưởng có chất lượng, phải hóa giải đồng thời các thách thức truyền thống cũng như các thách thức mới nổi, vừa phải đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia vừa có nhu cầu giữ vững hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị với các nước. Kinh nghiệm cho thấy nước nhỏ thường xuyên phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng, các tình huống nảy sinh bất ngờ trong điều kiện thiếu chủ động hơn so với nước lớn. Việt Nam đã vận dụng thành công nhiều bài học và kỹ năng tư duy chiến lược như gắn kết an ninh, phát triển của Việt Nam với bức tranh chung, các xu thế lớn, duy trì nguyên tắc nhưng linh hoạt, khôn khéo trong quan hệ ngoại giao, kiên trì và kiên quyết trong triển khai nhiều quyết định, nhanh nhạy trong việc tìm kiếm các không gian chiến lược mới… Tuy nhiên, những thách thức và vấn đề đặt ra như đã đề cập ở trên đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thay đổi, thích ứng, ít nhất là trên phương diện tư duy và vận dụng các kỹ năng.
Vận dụng tư duy chiến lược cho Việt Nam
Dựa vào kết quả phân tích ở trên, bài viết đề xuất sơ đồ “Tư duy chiến lược” làm cơ sở tham khảo cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Các yếu tố tác động qua lại lẫn nhau trong một chỉnh thể, tầm nhìn gắn với không gian và bước đi, trong khi các mặt kinh tế – ngoại giao – an ninh trở nên giao thoa, đồng hành, tạo nên một chiến lược quốc gia thống nhất. Quy trình đó bắt đầu từ tư duy, hoạch định tới tổ chức, triển khai chính sách.55
Về tầm nhìn chiến lược, có ý kiến đề xuất là “Đổi mới 2.0”56 hay cải cách cho thời kỳ “Hóa rồng”.57Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Thế giới có nhiều gợi ý.58 Việt Nam cần hướng tới đồng thời các mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững, tận dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ở góc độ đối ngoại, đó là việc nắm bắt, tranh thủ các xu thế quan trọng, các xu thế mới trong chính trị và kinh tế quốc tế, bảo vệ, thúc đẩy lợi ích quốc gia và uy tín ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới, cân nhắc mục tiêu xây dựng thành quốc gia tầm trung. Trong giai đoạn tới, về vai trò, ảnh hưởng, Việt Nam cần trả lời rõ ràng hơn các câu hỏi: Việt Nam có nên tham gia nhóm nước lãnh đạo ASEAN hay không, hay chỉ dẫn dắt trên một số khía cạnh như an ninh nguồn nước sông Mê Công, ứng phó với biến đổi khí hậu? Về an ninh, thực hiện các mục tiêu quốc gia, phát huy truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam, đồng thời ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức mới nổi và thể hiện trách nhiệm quốc tế trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình, giải trừ quân bị, chống khủng bố… Tham gia công việc chung vừa giúp nâng cao năng lực, góp phần hiện đại hóa vừa tạo quan hệ hợp tác quốc phòng.
Về bước đi, một nghịch lý (nhưng có lý) là muốn tăng trưởng lâu dài cần phải “quên” tăng trưởng trước mắt. Chỉ khi kiên trì đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao (cả về trình độ, kỹ năng và sức khỏe), gắn với nhu cầu thực của nền kinh tế, Việt Nam mới có thể tăng trưởng bền vững, lâu dài. Quá trình chờ đợi nguồn nhân lực này có thể mất 5 hay 10 năm. Hội nghị Trung ương 6 tháng 10/2017 nhấn mạnh chủ đề “nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống”, một quyết định hợp lý nếu xét thực trạng Việt Nam hiện nay.59 Cũng theo hướng đó, chuyên nghiệp hóa lực lượng công chức trên cơ sở hiện đại hóa nền quản trị quốc gia là bước triển khai chiến lược cần thiết.60 Bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế không loại trừ lẫn nhau, chẳng hạn nếu như nông nghiệp không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng.61 Về đối ngoại, giữ vững nguyên tắc trong khi linh hoạt về biện pháp; đồng thời quan điểm đề xuất cho giai đoạn tới là: lấy thực chất làm tiêu chí để có thể tạo đan xen lợi ích, giá trị bền vững với các nước. Đặc biệt, đối với các đề xuất, sáng kiến của các nước lớn mà Việt Nam không thể đứng ngoài, nên chọn cách sớm chủ động can dự, qua đó giảm thiểu tác động bất lợi, tranh thủ nguồn lực và xây dựng luật chơi chung. Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược cũng nên được tiếp cận mở trên cơ sở nguyên tắc và bối cảnh tình hình cụ thể. Chẳng hạn với đà thành công của hơn 20 năm qua cần tính nên hay không thiết lập Đối tác chiến lược vì hòa bình và phát triển với Mỹ? Mặt cơ hội và dư địa thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc còn lớn. Việc giữ nguyên tắc trong quan hệ và có biện pháp khéo léo, linh hoạt với nước lớn có thể giúp phi nhạy cảm hóa lập trường khi có nhu cầu tăng cường quan hệ với một bên nào đó.62 Mặt khác, biên độ là không đặt vấn đề liên minh vì đi ngược với tư duy cân bằng năng động, linh hoạt và do bài học lịch sử. Về an ninh – quốc phòng, xây dựng sức mạnh tổng hợp, đồng thời chú trọng tinh gọn, hiệu quả, đủ sức tự vệ răn đe trong khuôn khổ chiến lược “bất cân xứng”; xem đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng như “tuyến phòng thủ đầu tiên”.63
Việt Nam đã có khung tiếp cận về không gian chiến lược, vấn đề là cần có sự đầu tư tương xứng để cụ thể hóa các quyết sách chính trị. Ví dụ, việc Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021 phản ánh tư duy mở rộng không gian chiến lược. Nguyên nhân là do, với vai trò tại diễn đàn quan trọng này, Việt Nam vừa có thể bảo vệ thúc đẩy lợi ích quốc gia vừa tham gia gìn giữ, thậm chí kiến tạo luật chơi chung. Việt Nam cần có kịch bản và bộ lập luận quốc gia đối với các sáng kiến do các nước lớn dẫn dắt như Vành đai Con đường (Trung Quốc), Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở (Mỹ). Các nghiên cứu trên cho thấy Việt Nam nên một mặt tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên các dự án đầu tư theo chiều sâu, mặt khác coi trọng hơn nữa nội nhu để tối ưu hóa thị trường 95 triệu dân (đứng thứ 15 trên thế giới nằm trong một khu vực phát triển năng động). Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) Việt Nam đã ký kết, đang đàm phán đều có thể góp phần hiện thực hóa tư duy lấy khu vực, thế giới làm “ranh giới” cho phát triển nếu có sự chuẩn bị tương ứng từ bên trong. Một biện pháp cấp thiết khác là nâng cao năng lực nhận biết, quản trị biển thông qua hợp tác quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà còn dịch vụ, hậu cần… (kinh nghiệm Xingapo, Ba Lan). Việc định vị kinh tế biển như hướng đi cho tương lai đòi hỏi phải tái cấu trúc, điều chỉnh chính sách càng sớm càng tốt, ví dụ nên sớm thiết lập cơ chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo đã được nhiều nước áp dụng thành công (tư duy liên ngành, liên cơ quan, liên vùng).64 Sự tham gia của khu vực tư nhân cần được hoan nghênh để tạo thêm động lực, ví dụ trong bảo vệ môi trường, đóng tàu hay nghề cá. Đa dạng hóa các dịch vụ biển để tạo giá trị gia tăng.65 Về vấn đề Biển Đông, trong quá trình tìm giải pháp, song hành với việc bảo đảm an ninh chủ quyền, Việt Nam cần có thêm những sáng kiến để phát triển dịch vụ biển, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, áp dụng những tập quán tốt, nâng cao năng lực và xây dựng các cơ sở hậu cần, tiếp vận hiện đại, tích hợp và kết nối từ bờ (tư duy mở, sáng tạo, hợp tác thực tế). Việt Nam cũng cần chú trọng và nâng mức đầu tư cho những “không gian mới”, bổ sung vào chiến lược quốc gia tổng thể như “không gian mạng”, “biên giới mềm”, “phòng thủ từ xa và theo chiều sâu”.
Kết luận
Bài viết phân tích một số vấn đề cơ bản về khái niệm tư duy chiến lược và ứng dụng, trong đó tập trung hơn vào những nhân tố mới so với giai đoạn trước và nhấn mạnh hơn vào khía cạnh có liên quan đến đối ngoại. Trên thực tế, để có thể có một nhãn quan chiến lược quốc gia tổng thể cho giai đoạn tiếp theo, cần khảo sát kỹ lưỡng yếu tố văn hóa, tham khảo bài học lịch sử của chính Việt Nam trước đây cũng như kinh nghiệm của những nước thành công. Bởi vậy, bài viết chỉ dừng lại ở mức xới vấn đề và gợi ý cho các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo.
Những kết quả phân tích sơ bộ trên cho thấy những yêu cầu cần thiết để triển khai tư duy chiến lược bao gồm: nhất quán và rõ ràng về mục tiêu lâu dài, ví dụ Việt Nam có xác định trở thành một nước trung cường hay không, khai phá hiệu quả các không gian chiến lược mới như thế nào, để từ đó chọn bước đi phù hợp.66
Thực tế Việt Nam cho thấy: (i) Việt Nam đã thành công nhất định nhưng để hóa giải thách thức, bứt phá lâu dài, phát triển chất lượng cần có thêm một số điều kiện; (ii) trong đó điều kiện quan trọng hàng đầu là có tầm nhìn xa, trên cơ sở tư duy mở về kết nối nguồn lực, tạo đan xen chặt chẽ về lợi ích và giá trị, bảo đảm thực hiện các mục tiêu lâu dài về an ninh – phát triển – ảnh hưởng; (iii) giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cần được coi trọng thực chất hơn nữa, thậm chí trong trung hạn phải đặt ưu tiên cao hơn cả tăng trưởng kinh tế, trước hết để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; (iv) biển là không gian sinh tồn và phát triển quan trọng hàng đầu vì vậy cần được ưu tiên đầu tư để cải thiện năng lực làm chủ và tạo dịch vụ giá trị gia tăng; xác định, khai thác hiệu quả hơn những “không gian mới” trong thời đại kỹ thuật số, liên kết hội nhập xuyên biên giới, liên khu vực; đồng thời xem xét tham gia, dẫn dắt những diễn dàn, sáng kiến phù hợp để thúc đẩy lợi ích và kiến tạo luật chơi chung; (v) trong quá trình này, Việt Nam, trong khi là hình mẫu thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, có thể tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế; mẫu số chung trong chiến lược của Xingapo, Ba Lan và Ixraen, những nước có quy mô từ nhỏ đến rất nhỏ, là luôn nhất quán, kiên trì, giữ vững nguyên tắc trong ứng xử với bên ngoài; mặt khác, sự nhất quán, kiên trì cũng đi cùng với một tư duy mở, linh hoạt, thực tế và trong điều kiện “bất cân xứng” về sức mạnh, chủ động tạo thế và lực mới trên cơ sở xác định điểm kết nối khả thi giữa thực lực bên trong với nguồn lực bên ngoài; ngoại giao đi trước, chủ động gắn kết lợi ích và giá trị thực chất với đối tác/đối tượng cần tác động, qua đó vừa giảm thiểu mức độ nhạy cảm và vừa thúc đẩy quan hệ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển và bảo vệ đất nước từ xa và theo chiều sâu.
Với tư duy chiến lược như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tới những thành công lớn hơn, thậm chí bứt phá, trong vòng thế hệ tới./.
Lê Đình Tĩnh, Học viện Ngoại giao. Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Bài viết được đăng trênTạp chí Nghiên cứu Quốc tế Tiếng việt, Học viện Ngoại giao, số 4 (111).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Văn kiện Đại hội Đảng 12 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016.
- Huỳnh Bửu Sơn, Giấc mơ Hóa rồng, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2016.
- Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, Hà Nội, 2016.
- Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007).
- Nguyễn Chí Vịnh, “Đối ngoại quốc phòng – Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, Biên phòng Việt Nam, 14/5/2017, http://bienphongvietnam.vn/cong-tac-bien-phong/doi-ngoai-bien-phong/1501-dd.html.
- Nguyễn Chu Hồi, “Kinh tế biển Việt Nam từ góc nhìn chiến lược”, Diễn đàn Doanh nghiệp, 3/9/2015, http://enternews.vn/kinh-te-bien-viet-nam-tu-goc-nhin-chien-luoc-91215.html.
- Nguyễn Mạnh Cường, “Về bản chất của tư duy”, Tạp chí Triết học, số 1 (152), 2005.
- Nguyễn Sỹ Dũng, “Đổi mới 2.0”, Tia Sáng, 10/4/2017.
- Nguyễn Vũ Tùng (biên soạn), Chính sách đối ngoại Việt Nam 1975-2006, Học viện Quan hệ Quốc tế, Nxb.Thế giới, Hà nội, 2007.
- Phạm Bình Minh, Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
- Vũ Dương Huân, “Về vấn đề đổi mới tư duy trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, tháng 3/2007.
- Vũ Khoan, “An ninh, phát triển và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, tháng 12/1993.
Tiếng Anh
- “Roles of Small States: Bilahari’s Criticism of Kishore ‘Wrong and Misleading’”, Public House, 2017,https://publichouse.sg/role-small-states-bilaharis-criticism-kishore-wrong-misleading/.
- “The middle-income trap has little evidence going for it”, The Economist, 7/10/2017,https://www.economist.com/news/special-report/21729862-countries-are-neither-rich-nor-poor-can-hold-their-own-against-rivals-both.
- Amartya Sen, Development as Freedom, Anchors Book, New York, 1999.
- Glenn Ebersole, “Strategic thinking: 11 critical skills needed”, The path to strategic success, Center for Simplified Strategic Planning, 2017, http://www.cssp.com/CD0808b/CriticalStrategicThinkingSkills/.
- John Measheirmer và Stephen Walt, The Ixrael Lobby and US Foreign Policy, Farrar, Straus and Giroux, New York, 2008.
- Le Dinh Tinh, “Enhancing water security in Southeast Asia” in Shebonti Dadwal and Uttam Sinha (Eds), Non-traditional Security Challenges in Asia: Approaches and Responses, Routledge, New Dehli-London-New York, 2015.
7. Nassim Nicholas Taleb, The Black Swan: The Impact of the Highly Improbable, Random House, 2007.
- Nicholas J. Spykman, “Geography and Foreign Policy I”, The American Political Science Review, Los Angeles, 1938.
- PricewaterhouseCooper, The World in 2050 – Will the shift in economic power continue?, 2015.
- Robert Kaplan, The Revenge of Geography- What the Map tells us about coming conflicts and the battle against Fate, Random House, New York, 2012.
- Zbigniew Brzezinski, The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives, Barnes and Noble, New York, 1997.
Chú thích
1 Xem thêm, Nassim Nicholas Taleb, Khả năng cải thiện nghịch cảnh, Trần Thị Kim Chi dịch, Nxb. Trẻ, 2015.
2 Nguyễn Mạnh Cường (2004), “Về bản chất của tư duy”, Tạp chí Triết học, số 1 (152), 2005.
3 “Tư duy”, Tra Từ, http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Tư_duy, truy cập ngày 11/12/2017.
4“Strategy”, Merriam Webster Dictionary, https://www.merriam-webster.com/dictionary/strategy, truy cập ngày 11/12/2017; “Strategy”, Oxford Dictionaries, https://en.oxforddictionaries.com/definition/strategy, truy cập ngày 11/12/2017.
5 Nina Bowman, “Four Ways to Improve your Strategic Thinking Skills”, Harvard Business Review,https://hbr.org/2016/12/4-ways-to-improve-your-strategic-thinking-skills, 2016, truy cập ngày 1/11/2017.
6 Ví dụ hiện nay Trung Quốc đang đề xuất sáng kiến Vành đai Con đường, còn Mỹ đề xuất Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.
7 Zbigniew Brzezinski , The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives, Barnes and Noble, New York, 1997.
8 Khái niệm “khu vực địa lý” trên thực tế tùy thuộc vào cả quyết sách chính trị, ví dụ trước đây nếu không gặp sự cố Xri Lanca đã trở thành một thành viên của ASEAN. Nhiều tổ chức chuyên ngành cũng có định nghĩa khác nhau về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
9 Fredrick Schuman lần đầu tiên sử dụng khái niệm “địa chiến lược” năm 1942 trong bài báo “Let us learn our geopolitics”, Current History, số 2, tr.161-165.
10 Xem thêm, Robert Kaplan, The revenge of geography – What the map tells us about coming conflicts and the battle against fate, Random House, New York, 2012.
11 Nicholas J. Spykman, “Geography and Foreign Policy I”, The American Political Science Review, Los Angeles, 1938.
12 Robert Kaplan, The Revenge of Geography – What the Map tells us about coming conflicts and the battle against Fate, Random House, New York, 2012, tr.110.
13 K. Y Home R và Rajeev Chartuvedy (Eds), Emerging trans-regional corridors: South and Southeast Asia, Oberserver Research Foundation, http://cf.orfonline.org/wp-content/uploads/2017/01/GP-ORF-Transregional-Corridors.pdf, truy cập ngày 25/10/2017.
14 Shannon Tiezzi, “In Japan, Trump and Abe Offer Alternative to China’s ‘Belt and Road’”, The Diplomat, 8/11/2017, https://thediplomat.com/2017/11/in-japan-trump-and-abe-offer-alternative-to-chinas-belt-and-road/, truy cập ngày 25/11/2017.
15 Paul Triolo and Graham Webster, “China’s strategic thinking on building power in cyberspace, a top Party journal’s timely explanation translated”, New America, 25/9/2017, https://www.newamerica.org/cybersecurity-initiative/blog/chinas-strategic-thinking-building-power-cyberspace/, truy cập ngày 30/10/2017.
16 Xem thêm “Cyberspace is more important than land, air or sea”, http://www.dmu.ac.uk/research/research-news/2012/december/cyberspace-more-important-than-land,-sea-or-air-%E2%80%93-warns-dmu.aspx, truy cập ngày 30/10/2017.
17 “War in the fith domain”, The Economist, 21/7/2010, http://www.economist.com/node/16478792, truy cập ngày 31/10/2017.
18 Xem thêm, “The 8 biggest Bitcoin players who could make a forture off the cryptocurrency”, Time, 30/10/2017.
19 World Economic Forum, The ASEAN Economic Community: What you need to know, 31/5/2016, https://www.weforum.org/agenda/2016/05/asean-economic-community-what-you-need-to-know/,2016, truy cập ngày 1/11/2017.
20 Glenn Ebersole, “Strategic thinking: 11 critical skills needed”, The path to strategic success, Center for Simplified Strategic Planning, http://www.cssp.com/CD0808b/CriticalStrategicThinkingSkills/, 2017, truy cập ngày 1/11/2017.
21 Peter Walsh, “Are you a strategic thinker? Test yourself”, Harvard Business, 20/5/2014, http://www.harvardbusiness.org/blog/are-you-strategic-thinker-test-yourself, 2014, truy cập ngày 11/12/2017.
22 “Roles of Small States: Bilahari’s Criticism of Kishore ‘Wrong and Misleading’”, Public House, https://publichouse.sg/role-small-states-bilaharis-criticism-kishore-wrong-misleading/, 2017, truy cập ngày 19/8/2017.
23 Nicolo Machiavellia (1469-1527), nhà tư tưởng Ý, được xem là “cha đẻ” của thuyết hiện thực (realism) trong quan hệ quốc tế, cảnh báo các quốc gia luôn có xu hướng đạt được mục đích bằng mọi giá; chính trị quyền lực và thực dụng đóng vai trò quan trọng. Nicolo Machiavellia, The Prince, Dante University of America Press, 2003.
24 Như trên
25 “Why Singapore became an economic success”, The Economist, 26/3/2015, https://www.economist.com/blogs/economist-explains/2015/03/economist-explains-23, 2015, truy cập ngày 25/7/2017.
26 Kishore Mahbubani, “Why Singapore is the world’s most successful society”, Huffington Post, http://www.huffingtonpost.com/kishore-mahbubani/singapore-world-successful-society_b_7934988.html, 2015, truy cập ngày 25/7/2017.
27 John Measheirmer và Stephen Walt, The Israel Lobby and US Foreign Policy, Farrar, Straus and Giroux, New York, tr.15.
28 Ở đây chỉ đánh giá một vài khía cạnh thành công của ngoại giao Ixraen từ góc nhìn Ixraen. Việc Mỹ tăng cường quan hệ với Ixraen cũng làm tăng chủ nghĩa chống Mỹ ở nhiều nước Ảrạp cũng như làm phức tạp quan hệ giữa Ixraen với các nước này. John Measheirmer và Stephen Walt, The Israel Lobby and US Foreign Policy, Farrar, Straus and Giroux, New York, tr.333.
29 Ở đây không bàn yếu tố “đúng – sai” mà chỉ tính đến khía cạnh hiệu quả trong chiến lược của Ixraen.
30 Magdalena Rosińska-Bukowska, Józef Bukowski, “Poland in International Organizations”, http://www.instytutgm.uni.lodz.pl/wgrane_pliki/poland-in-international-organzations-maszynopis-wesja-do-publikacji.pdf, 2010, truy cập ngày 25/8/2017.
31 Đức ủng hộ Ba Lan gia nhập NATO và EU; quan hệ Ba Lan – Nga tuy có một số căng thẳng nhưng không bị phá vỡ khuôn khổ do nhiều nguyên nhân trong đó có hợp tác về kinh tế.
32 Marcin Piatkowski, “How Poland became Europe’s growth champion: Insight from post-socialist transition”, Brookings, https://www.brookings.edu/blog/future-development/2015/02/11/how-poland-became-europes-growth-champion-insights-from-the-successful-post-socialist-transition/, 2015, truy cập ngày 25/8/2017.
33 Trong phần này, bài viết không có ý định liệt kê toàn bộ các thành tựu, thách thức, chỉ nêu để đủ giúp minh họa phần phân tích.
34 “The middle-income trap has little evidence going for it”, The Economist, 7/10/2017, https://www.economist.com/news/special-report/21729862-countries-are-neither-rich-nor-poor-can-hold-their-own-against-rivals-both, 2017, truy cập ngày 9/10/2017. Tuy nhiên bài viết của Economist số này cũng chứng minh thách thức của nước thu nhập trung bình cũng không nhiều hơn các nước nghèo hay giàu.
35 “Việt Nam đi sau Thái Lan 20 năm, Hàn Quốc 35 năm”, VietnamNet, 28/8/2015, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/viet-nam-di-sau-thai-lan-20-nam-han-quoc-35-nam-259068.html, 2015, truy cập ngày 9/10/2017.
36 Xem thêm Phạm Bình Minh, “Thành tựu đối ngoại Việt Nam 5 năm qua”, Thế giới và Việt Nam, 1/1/2016. Phạm Bình Minh, Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; Nguyễn Vũ Tùng (biên soạn), Chính sách đối ngoại Việt Nam 1975-2006, Học viện Quan hệ Quốc tế, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2007.
37 Một số nhà nghiên cứu gọi là các tình huống “thiên nga đen” – Black Swan, hàm ý các tình huống hãn hữu mới xảy ra nhưng khi xảy ra thì tác động vô cùng lớn. Xem thêm Nassim Nicholas Taleb, The Black Swan: The Impact of the Highly Improbable, Random House, 2007.
38 “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Văn kiện Đại hội Đảng 12 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.
39 “Thành tựu và kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng”, Quân đội Nhân dân, 16/12/2016, http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thanh-tuu-va-kinh-nghiem-sau-30-nam-doi-moi-quan-su-quoc-phong-495153, 2016, truy cập ngày 27/10/2017.
40 Xem thêm Nguyễn Chí Vịnh, “Đối ngoại quốc phòng – Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, Biên phòng Việt Nam, 14/5/2017, http://bienphongvietnam.vn/cong-tac-bien-phong/doi-ngoai-bien-phong/1501-dd.html, 2017, truy cập ngày 27/10/2017.
41 Theo Tổng cục Thống kê 2012.
42 Đơn cử: liên tục, nhất quán khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; Bộ Chính trị ra Nghị quyết về kinh tế biển (1992); Ký Thỏa thuận về Dự án hợp tác khu vực thềm lục địa chồng lấn với Malaixia (1992); Ký Hiệp định phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan (1997); Ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; Quốc hội thông qua Luật biên giới quốc gia (2003); Ký Hiệp định phân định thềm lục địa với Inđônêxia (2003); Hội nghị TW4 khóa 10 thông qua Chiến lược biển đến 2020 (2007); Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã phối hợp với Phái đoàn thường trực của Malaixia nộp Báo cáo chung ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý Việt Nam – Malaixia; Phái đoàn Việt Nam đã nộp tiếp Báo cáo riêng của Việt Nam khu vực phía Bắc (2009); Ký với Trung Quốc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trong đó xác định giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 (2011); Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam (2012), Việt Nam đã xử lý khéo léo và kiên quyết trước việc Trung Quốc kéo dàn khoan HYSY 981 vào vùng biển Việt Nam (2014)…
43 Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007).
44 Việc có cách tiếp cận, chính sách nhất quán không phải dễ dàng và không phải quốc gia nào cũng thực hiện được điều này. Ví dụ, Trung Quốc có tiếng là người chơi “ván bài thế kỷ”, trong khi một số quốc gia khác lại bị ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ.
45 Nguyễn Chu Hồi, “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm chủ quyền vùng biển quốc gia”, Báo Biên phòng, số 51, tháng 3/2011.
46 Nguyễn Chu Hồi, “Kinh tế biển Việt Nam từ góc nhìn chiến lược”, Diễn đàn Doanh nghiệp, 3/9/2015, http://enternews.vn/kinh-te-bien-viet-nam-tu-goc-nhin-chien-luoc-91215.html, truy cập ngày 25/10/2017.
47 “Để có một thương hiệu biển Việt Nam bền vững”, Trung tâm Thông tin Dữ liệu Biển và Hải đảo, http://vodic.vn/de-co-mot-thuong-hieu-bien-viet-nam-ben-vung_137.news.aspx, truy cập ngày 25/10/2017.
48 UNICEF, “Empowering Vietnam’s young digital citizens”, https://www.unicef.org/vietnam/reallives_20012.html, truy cập ngày 1/11/2017.
49 Xuân Lan, “Gần 36 triệu người Việt dùng điện thoại di động truy cập mạng xã hội hàng ngày”, VietTimes, 2/5/2017, https://viettimes.vn/gan-36-trieu-nguoi-viet-dung-di-dong-truy-cap-mang-xa-hoi-hang-ngay-120912.html, truy cập ngày 1/11/2017.
50 “Viet Nam among the most vulnerable to cyber threats”, Viet Nam News, 10/2/2017.
51 “Độ mở của nền kinh tế và vấn đề đặt ra”, Báo Chính phủ Điện tử, 13/5/2014, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Do-mo-cua-nen-kinh-te-va-van-de-dat-ra/199039.vgp, truy cập ngày 1/11/2017.
52 Như trên.
53 “Năm 2016, cán cân thương mại có thặng dư, 2,52 tỷ USD”, VietStock, 19/1/2017.
54 Ví dụ phải xử lý vấn đề dịch chuyển lao động hay cải thiện hệ thống tư pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các hiệp định.
55 Xem thêm Vũ Khoan, “An ninh, phát triển và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, tháng 12/1993; Vũ Dương Huân (2007), “Về vấn đề đổi mới tư duy trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, tháng 3/2007; Nguyễn Xuân Phúc (2017), “Một Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương”, Zing.vn, 8/11/2017, https://news.zing.vn/mot-viet-nam-nang-dong-hoi-nhap-va-phat-trien-o-chau-a-tbd-post794142.html, truy cập ngày 30/11/2017.
56 Xem thêm Nguyễn Sỹ Dũng, “Đổi mới 2.0”, Tia Sáng, 10/4/2017.
57 Xem thêm Huỳnh Bửu Sơn, Giấc mơ Hóa rồng, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2016.
58 Xem thêm Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Hà Nội, 2016.
59 “Thông báo Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”, Nhân Dân, 11/10/2017, http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/34366002-thong-bao-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii.html, truy cập ngày 21/10/2017.
60 Xem thêm Trần Huyền, “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, Tạp chí Cộng sản, 15/2/2017, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/kinh-te/2017/43501/Nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-dap-ung-yeu-cau-cong.aspx, truy cập ngày 22/10/2017; Hải Phong, “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia”, Đại đoàn kết, 10/11/2016, http://m.daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc-quoc-gia-133469, truy cập ngày 22/10/2017.
61 Xem thêm “Sản xuất nông nghiệp: Chất lượng hơn số lượng”, Báo Đầu tư, 11/8/2016; Khánh Nguyên, “Không để Việt Nam thành bãi thải công nghệ”, Nhân dân Điện tử, 26/2017, http://www.nhandan.com.vn/congnghe/thong-tin-so/item/33044902-khong-de-viet-nam-thanh-bai-thai-cong-nghe.html, truy cập ngày 1/11/2017.
62 Một ví dụ thành công là Việt Nam đón Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cùng một dịp vào tháng 11/2017.
63 Xem thêm, Nguyen Vu Tung, “Vietnam’s security challenges: Hanoi’s new approach to national security and implications to defense and foreign policies” in Asia Pacific countries’ security outlook and its implications for the defense sector, National Institute for Defense Studies Joint Research Series No.5, 2010, tr.107-122.
64 Ví dụ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 chưa có các quy định tạo cơ sở cho phương pháp quản lý này, chưa giúp vượt qua được tư duy “lợi ích cục bộ”. Xem thêm Đoàn Thị Thanh Mỹ, “Quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo Việt Nam đảm bảo sự phát triển bền vững”, Tạp chí Môi trường, số 3/2016.
65 “Đầu tư vào kinh tế biển, du lịch là hướng đi khôn ngoan”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 21/3/2017.
66 Ví dụ theo một dự báo của PricewaterhouseCooper, đến năm 2050, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 22 trên thế giới,PricewaterhouseCooper, The World in 2050 – Will the shift in economic power continue?, 2/2015, tr.3.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông