Việt Nam giữa hai bờ Trung – Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

120702103617_viet_trung_huunghi_464x261_getty_nocredit

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong những năm 1990 là việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991) và Mỹ (1995).

Việc bình thường hóa với Trung Quốc giúp Việt Nam bước đầu phá thế bị bao vây cô lập, cho phép Việt Nam cải thiện quan hệ với ASEAN và Mỹ. Trong khi đó, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ giúp Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có quan hệ bình thường với tất cả các cường quốc trên thế giới.

Ngoài ra, các sự kiện trên cũng giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế, góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào một loạt các tổ chức và diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), và gần đây nhất là các vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi Việt Nam cũng gặp phải một thách thức không nhỏ: làm sao duy trì được sự cân bằng giữa hai siêu cường vốn đang ngày càng có xu hướng mâu thuẫn nhau?

Quan hệ Việt – Trung

Đây là một thách thức không mới đối với Việt Nam. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, sau khi Trung Quốc và Liên Xô chia rẽ, việc Việt Nam không duy trì được cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc này đã góp phần dẫn tới sự lao dốc của quan hệ Việt – Trung trong những năm 1970, trong đó đỉnh cao là cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 cùng tình trạng thù địch giữa hai nước trong thập niên 1980.

Những kinh nghiệm cay đắng đó vẫn còn dư vị, và Việt Nam hẳn nhiên không muốn lịch sử lặp lại. Vì vậy Việt Nam coi quan hệ hệ hòa bình và ổn định với Trung Quốc là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của mình. Bên cạnh việc duy trì một môi trường khu vực hòa bình có lợi cho phát triển trong nước, còn có một số lí do khác khiến các nhà hoạch định chính sách Việt Nam muốn bảo vệ quan hệ với Trung Quốc.

Trước hết, Trung Quốc là một đồng minh ý thức hệ thân cận của Việt Nam. Đầu những năm 1990, khi chủ nghĩa cộng sản rơi vào thoái trào, ý thức hệ là một yếu tố góp phần dẫn tới sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngày nay, Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là hai đảng cộng sản lớn duy nhất còn cầm quyền trên thế giới, và hai đảng tin rằng sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp họ duy trì được quyền lực của mình.

Hai đảng đã có những biện pháp cụ thể hướng tới mục tiêu này. Ví dụ, hai đảng đã tổ chức các cuộc hội thảo thường niên nhằm thảo luận các chủ đề tư tưởng và trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề như xây dựng đảng, dân vận, hay ngăn chặn “diễn biến hòa bình”. ĐCSVN nhận thấy sự cầm quyền nếu được duy trì của ĐCSTQ không chỉ mang lại cho mình một nguồn chính danh từ bên ngoài mà còn là một sự hỗ trợ đối với an ninh của chế độ. Trong trường hợp ĐCSTQ sụp đổ, ĐCSVN sẽ gặp những thách thức vô cùng lớn trong việc duy trì quyền lực của mình ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai nước cũng ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2004 Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 27 tỉ đô la Mỹ, chiếm 17% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam trong năm. Vì vậy, bất chấp những vấn đề có thể gây căng thẳng trong quan hệ hai nước, đặc biệt là tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên của Việt Nam, Việt Nam vẫn coi quan hệ kinh tế song phương là có lợi và hữu ích cho mối quan hệ hòa bình và hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên, những căng thẳng gia tăng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đe dọa xóa bỏ những cải thiện trong quan hệ hai nước đã đạt được trong hơn hai thập kỷ qua. Sự căng thẳng này xuất phát từ nhiều yếu tố. Một mặt, sự trỗi dậy và quy mô hiện đại hóa quân đội vô tiền khoáng hậu của Trung Quốc đã làm sống dậy sự lo sợ của Việt Nam đối với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

Trước đây ít ai nghĩ có một ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại được đón tiếp nồng hậu ở Hà Nội

Mặt khác, các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trong Biển Đông càng làm nỗi lo sợ này của Việt Nam trở nên sâu sắc hơn. Trong khi không muốn thù địch với Trung Quốc, Việt Nam cũng không thể hi sinh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để làm đẹp lòng Bắc Kinh. Chính vì thế, Việt Nam đã và đang tìm cách kết nối với các cường quốc bên ngoài để có thể ít nhất là răn đe, ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông, và xa hơn là giúp cân bằng với sức mạnh vượt trội của nước này trên bình diện khu vực.

Quan hệ Việt – Mỹ

Trong bối cảnh đó, Mỹ rõ ràng là một đối tác được ưa thích của Việt Nam. Sau khi hai cựu thù bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ song phương đã tiến triển nhanh chóng tới mức đã có những lời kêu gọi từ hai phía nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược.

Quan hệ kinh tế đã được tăng cường làm nền tảng vững chắc cho hợp tác song phương. Sau khi Hiệp định thương mại Việt – Mỹ có hiệu lực năm 2001, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 12 lần trong vòng chỉ 10 năm, đạt 21,8 tỉ đô la Mỹ năm 2011. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng gia tăng trong những năm gần đây, biến Mỹ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam trong năm 2010. Quyết định của Việt Nam tham gia vào đàm phán TPP cũng cho thấy độ chín ngày càng tăng của quan hệ song phương cũng như mong muốn của Việt Nam thúc đẩy quan hệ với cựu thù, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì các lí do chiến lược.

Bên cạnh quan hệ kinh tế gia tăng, quan hệ chính trị giữa hai nước cũng làm bất ngờ nhiều nhà quan sát. Trong thập kỷ qua, hai nước đã trao đổi nhiều chuyến viếng thăm cấp cao. Các mối quan hệ quân sự dù còn khiêm tốn cũng đã không ngừng được tăng cường. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự hung hăng ngày càng tăng của nước này trong tranh chấp Biển Đông rõ ràng là những yếu tố cơ bản trong nỗ lực của Việt Nam nhằm xích lại gần hơn với Mỹ.

Nhiệm vụ này dường như đã được tiếp sức bởi quyết định gần đây của Mỹ trong việc tăng cường vai trò và sự hiện diện ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii tháng 11/2011, Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố Mỹ coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược.

Dù sự xích lại gần nhau giữa hai cựu thù là thật sự ấn tượng, vẫn còn đó những trở ngại mà hai nước phải vượt qua nếu muốn đưa quan hệ song phương tiến lên phía trước. Rào cản lớn nhất có lẽ chính là sự khác biệt giữa hệ thống chính trị hai nước và nhận thức khác nhau về các giá trị như dân chủ và nhân quyền.

Trong khi một bộ phận ĐCSVN vẫn nghi ngờ ý định thực sự của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ với Việt Nam và coi Mỹ là kẻ chủ mưu chính trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, thì Mỹ cũng coi Việt Nam là một nước có thành tích nhân quyền yếu kém. Một số chính trị gia Mỹ đã nhấn mạnh rằng sự cải thiện hơn nữa trong quan hệ song phương sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam có cải thiện được hồ sơ nhân quyền của mình hay không.

Lập trường của Mỹ không chỉ xuất phát từ chính sách mở rộng dân chủ và nhân quyền khắp toàn cầu, mà còn xuất phát từ sức ép của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Phần lớn trong số hơn 1,7 triệu người Mỹ gốc Việt rời khỏi Việt Nam sau năm 1975 và vẫn còn giữ thái độ thù địch với chế độ của ĐCSVN. Họ đã tiến hành các chiến dịch đòi chính phủ Mỹ hạn chế quan hệ với Việt Nam nhằm thúc ép Việt Nam tự do và dân chủ hóa chính trị.

Dưới sức ép đó, Mỹ đã thực thi một số biện pháp, bao gồm ban hành một báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền của Việt Nam và đôi lần can thiệp với chính quyền Việt Nam về việc bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến. Mỹ cũng đã từng liệt Việt Nam vào danh sách các “quốc gia đặc biệt quan ngại” về tự do tôn giáo. Một dự luật tìm cách gắn viện trợ của Mỹ với hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cũng đã đôi lần được thông qua bởi Hạ viện Mỹ nhưng chưa từng được Thượng viện phê chuẩn.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự tái ưu tiên chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề nhân quyền có khả năng sẽ giảm vai trò là rào cản trong quan hệ hai nước. Lịch sử đã chỉ ra rằng vì các lý do chiến lược Mỹ sẵn sàng thúc đẩy quan hệ gần gũi với một số quốc gia nhất định bất chấp tình hình chính trị nội bộ của các nước đó, bao gồm cả tình trạng nhân quyền. Mỹ đã từng là đồng minh với Iraq của Saddam Hussein hay Ai Cập của Hosni Mubarak, và đã từng có bước xích lại chiến lược với Trung Quốc nhằm đối phó với Liên Xô những năm 1970.

Vì vậy nếu Mỹ nhận thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa lợi ích của mình và cần phải được ngăn chặn, Mỹ có thể sẽ bỏ qua tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam để theo đuổi một mối quan hệ đối tác chiến lược gần gũi hơn.

Lựa chọn của Việt Nam?

Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống đó, vẫn còn một câu hỏi cần đặt ra: Việt Nam sẽ sẵn sàng đi xa tới đâu trong mối quan hệ này? Câu trả lời khả dĩ nhất lúc này có lẽ là “Không quá xa!” Một mối quan hệ Việt – Mỹ mật thiết hơn sẽ gây nên những căng thẳng không mong muốn trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, đặc biệt khi mà quan hệ Trung – Mỹ có khả năng xấu đi do cạnh tranh chiến lược, và Việt Nam không muốn tiếp tục trải qua những kinh nghiệm khó khăn thời kỳ những năm 1970-1980.

Cho dù tình thế đã thay đổi trong hơn ba thập kỷ qua, và Việt Nam giờ có khả năng và điều kiện tốt hơn trong việc chống chọi với áp lực từ Trung Quốc trong trường hợp quan hệ song phương xấu đi, nhưng sự gần gũi về mặt địa lý cũng như sự bất đối xứng quá lớn về quyền lực giữa hai nước vẫn khiến Việt Nam phải cân nhắc trước khi thực hiện bất cứ bước đi nào có thể làm quan hệ của mình với người làng giềng khổng lồ phương Bắc trở nên bất ổn.

Hơn nữa, với tư cách là một nước nhỏ, Việt Nam không muốn bị vướng vào cuộc chơi quyền lực giữa các nước lớn. Trong trường hợp muốn khai thông bế tắc trong quan hệ song phương, các nước lớn có thể sẵn sàng thỏa hiệp trên lưng của các đồng minh nhỏ của mình. Hiệp định Geneva năm 1954 hay Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 là hai trường hợp điển hình, trong đó Việt Nam bị chính các đồng minh nước lớn của mình phản bội.

Chính vì vậy chính sách tối ưu của Việt Nam vẫn là duy trì cần bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Với định hướng đó, trong khi Việt Nam tiếp tục muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ như là một biện pháp nhằm răn đe các hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam sẽ cố gắng không đẩy quan hệ với Mỹ đi quá xa làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc.

Một khả năng duy nhất có thể khiến Việt Nam vượt quá giới hạn và tạm thời ngả hẳn vào tay Mỹ là khi Trung Quốc có các hành động hiếu chiến chống lại Việt Nam, như xâm lược các đảo hay bãi đá Việt Nam đang nắm giữ ở Trường Sa.

Còn trong thời gian trước mắt, Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam sẽ coi quan hệ với Mỹ và Trung Quốc như là một phần của chiến lược “đa dạng hóa và đa phương hóa” quan hệ đối ngoại nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong nước của mình mà thôi.

Đây là bản lược dịch một phần trong báo cáo “Vietnam’s strategic trajectory: From internal development to external engagement” do Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) xuất bản. Tác giả Lê Hồng Hiệp hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học New Southwales, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra.

Nguồn: BBC Việt ngữ