Nguồn: Chris Buckley, “As China’s Woes Mount, Xi Jinping Faces Rare Rebuke at Home”, The New York Times, 31/07/2018.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Đầu năm nay, Quốc hội Trung Quốc quyết định hủy bỏ giới hạn số nhiệm kỳ Chủ tịch nước, xem ra việc đó đã làm cho quyền lực của nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình trở nên cực kỳ vững chắc. Thế nhưng chưa đầy 5 tháng sau, một loạt rắc rối như vụ bê bối vắc-xin, chiến tranh thương mại với Mỹ … đã làm cho lòng dân Trung Quốc hoang mang sợ hãi. Điều này khiến các nhân sĩ phê bình ở Bắc Kinh thêm bạo gan hơn, họ bắt đầu nghi vấn về khả năng kiểm soát toàn diện tình hình của Tập Cận Bình.
Sáu năm trước, Tập Cận Bình lên cầm quyền, từ đó tới nay các biện pháp kiểm duyệt và trừng phạt luôn bịt miệng mọi ý kiến bất đồng ở Trung Quốc. Tuần qua, GS Hứa Chương Nhuận ở ĐH Thanh Hoa Bắc Kinh bất chấp rủi ro lớn đã lên tiếng phê bình chính sách cứng rắn của Tập Cận Bình và việc ông phục hồi quan niệm chính thống của chủ nghĩa cộng sản, cho phép công tác tuyên truyền được dùng cách nịnh nọt lấy lòng lãnh đạo. Đây là lời khiển trách nghiêm khắc nhất của giới học giả TQ thời gian qua.[1]
“Giờ đây toàn thể quốc dân, kể cả toàn bộ tập đoàn quan liêu, lại lần nữa cảm thấy hoang mang sâu sắc, ngày càng lo lắng về phương hướng phát triển đất nước và sự an nguy tính mạng cá nhân. Điều đó đã gây ra tình trạng hoảng sợ trên mức độ nhất định trong phạm vi toàn dân.” Hứa Chương Nhuận viết như vậy trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc. Viện này là một think-tank độc lập ở Bắc Kinh, mới đây bị buộc phải rời khỏi nơi làm việc của họ.
Ông Khương Hạo, một cán bộ của Viện Thiên Tắc nói khi trả lời phỏng vấn: “Phát biểu ấy thật dũng cảm. Nhiều nhà trí thức có thể có cùng suy nghĩ như vậy nhưng họ không dám nói ra.”
Hứa Chương Nhuận thúc giục các nhà lập pháp Trung Quốc hủy bỏ kết quả biểu quyết hồi đầu tháng 3 năm nay, theo đó Quốc hội đã thủ tiêu hạn chế hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước của Tập Cận Bình. Cơ quan lập pháp do Đảng CSTQ lãnh đạo đã hầu như 100% thông qua sửa đổi Hiến pháp, dọn đường cho Tập Cận Bình tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch nước, nhà lãnh đạo ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong 10 năm tới hoặc trong thời gian lâu hơn.
Khi bài viết của Hứa Chương Nhuận xuất hiện, một loạt rắc rối đã khiến cho phương thức cai trị bàn tay sắt của Tập Cận Bình trở thành tiêu điểm phê bình. Mặc cho bài viết bị cơ quan kiểm duyệt ngăn cản nhưng rốt cuộc bài này đã truyền lan trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số phê bình và thỉnh nguyện khác không gay gắt như vậy và những lời châm biếm chính sách của Tập Cận Bình cũng đã phát tán trên mạng, thông thường trên các mạng xã hội phổ biến và nhất là mạng WeChat.
Geremie R. Barmé, một học giả Australia đang dịch ra tiếng Anh bài viết trên nhận xét: “Bài của Hứa Chương Nhuận với nội dung như thế và với văn phong mạnh mẽ sẽ gây ra sự cộng hưởng sâu sắc trong toàn bộ chế độ Đảng-Nhà nước Trung Quốc, thậm chí trong xã hội nói chung.”
Mấy tháng qua Trung Quốc đang không ngừng cố gắng đối phó cuộc tranh chấp thương mại ngày càng gay go với Mỹ. Một số chuyên gia chính sách ngoại giao Trung Quốc từng ngầm tỏ ý: Nếu phía Bắc Kinh áp dụng lập trường linh hoạt hơn, hành động nhanh chóng hơn trong việc dẹp những lời lẽ khoa trương khoác lác về mục tiêu của Trung Quốc thì có thể đã kiểm soát được cuộc chiến tranh thương mại với Chính phủ Trump.
“Trong việc xử lý các vấn đề quốc tế, Trung Quốc nên hạ giọng,” giáo sư ngành quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc mới đây nói tại một diễn đàn ở Bắc Kinh. “Không thể tạo ra bầu không khí [khiến người ta nghĩ rằng Trung Quốc] muốn thay thế mô hình Mỹ.”
Sự kiện tiêm loại vắc-xin có vấn đề cho mấy trăm nghìn trẻ em đã gây nên làn sóng phẫn nộ và biểu tình của công chúng, nhất là vì trước kia, sau những bê bối tương tự, Chính phủ Trung Quốc từng hứa sẽ làm trong sạch ngành sản xuất vắc-xin.
Tâm trạng bất mãn hiện nay không gây ra bất kỳ đe dọa trực tiếp nào với quyền lực trong tay Tập Cận Bình. Đảng CS và Chủ tịch Tập vẫn khống chế vững chắc toàn bộ. Nhiều người Trung Quốc ủng hộ phong trào chống tham nhũng của Tập Cận Bình, cũng ủng hộ lời thề của ông sẽ xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc không thỏa hiệp trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Nhưng các nhân sĩ trong Đảng và chuyên gia nước ngoài cho biết: Sau mấy sự kiện gần đây, trong giới trí thức, giới cựu quan chức có đầu óc cởi mở và trong tầng lớp trung lưu dường như đang hình thành một số lo lắng đối với chính sách cứng rắn của Tập Cận Bình. Một cựu quan chức giấu tên nói, rất nhiều đồng nghiệp cũ đều đang truyền tay nhau đọc bài của Hứa Chương Nhuận. Ông này cùng một số người cho rằng cùng với thời gian, ý kiến phê bình đó sẽ có thể dồn nén lại thành tâm lý bất mãn sâu sắc hơn, tiến tới ăn mòn quyền uy của Tập Cận Bình, khiến các quan chức cấp cao khác sẽ có thêm dũng khí để nghi vấn các quyết định của Tập.
“Mấy tuần gần đây, các mầm mống tẩy chay quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình đã bắt đầu hiện rõ,” Richard McGregor, người từng là phóng viên tại Trung Quốc, nay là nghiên cứu viên cấp cao của Lowy Institute, viết.
Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã châm ngòi cho một số phát biểu phê phán Tập Cận Bình. “Vấn đề khó trả lời hơn là các phê phán đó trên thực tế có ý nghĩa gì,” McGregor viết trên E-mail trả lời phỏng vấn. “Nếu điều đó có nghĩa là cuộc đấu tranh nội bộ chính trị thân hữu đang trở nên gay cấn thì sẽ có thể dẫn đến sự tê liệt chính sách và mất ổn định chứ không đơn thuần là một cuộc tranh cãi tự do hơn, cởi mở hơn.”
Trong bài viết của mình, Hứa Chương Nhuận còn thách thức một cấm kị chính trị khác: ông thúc giục chính phủ xóa án cho vụ mồng bốn tháng sáu, tức hoạt động kháng nghị ủng hộ dân chủ, chống tham nhũng nổ ra tại nhiều đô thị Trung Quốc năm 1989; hoạt động này đã chấm dứt sau vụ đàn áp ở quảng trường Thiên An Môn. Năm 2019 sẽ là dịp kỷ niệm 30 năm vụ động loạn đổ máu này; đó sẽ là một thời kỳ căng thẳng đối với chính phủ Trung Quốc.
Các nhà trí thức và các cựu quan chức có thái độ nghi ngờ Tập Cận Bình cũng có thể nắm lấy cơ hội kỷ niệm 40 năm Hội nghị Trung ương ĐCSTQ họp năm 1978, được coi là mở đầu thời đại “Cải cách mở cửa” của Đặng Tiểu Bình. Cho dù Tập đã từ bỏ một số chính sách thực dụng của Đặng nhưng các nhà lãnh đạo Đảng vẫn sùng kính Đặng. Các cựu quan chức có đầu óc cởi mở vẫn coi Đặng Tiểu Bình là thần tượng, thấy ở ông hình ảnh một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn, qua đó làm nổi bật thói tự cao tự đại ngông cuồng mà họ cho rằng do Tập Cận Bình đem lại.
“Mặc dù tình hình hiện thực rất phức tạp nhưng hình tượng công chúng của Đặng Tiểu Bình thông thường có thể gói gọn bằng một từ: Nhà cải cách,” học giả Julian Gewirtz ở Trung tâm Weatherhead về Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế nói. Ông đang nghiên cứu sự thay đổi xảy ra ở Trung Quốc những năm 1980.
“Hiển nhiên Tập Cận Bình đang xa rời một số điều cơ bản mà Đặng Tiểu Bình ủng hộ, như tranh luận tư tưởng cởi mở hơn, tách rời Đảng với Nhà nước ở mức độ lớn hơn và biện pháp “Giấu mình chờ thời” trong quan hệ quốc tế,” Gewirtz nói. “Đối với những người phê bình Tập Cận Bình thì Đặng Tiểu Bình có thể là một vũ khí tượng trưng hữu dụng, bởi lẽ ông mang hình ảnh nhà cách mạng đặc biệt.”
Một số dấu hiệu cho thấy, sự căng thẳng trong thương mại quốc tế và sự phê bình trong nước có thể đã làm cho chính phủ của ông Tập tỏ ý làm dịu thái độ trước công chúng. Một loạt bài đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” đã châm biếm những học giả và chuyên gia Trung Quốc tuyên bố nước này đã vượt Mỹ, trở thành cường quốc công nghệ, và khuyên nhủ giới truyền thông ngăn chặn cách làm tự thổi phồng mình.
“Hãy còn quá sớm để làm rõ việc những lời phê bình ấy có thể ràng buộc được tầng lớp lãnh đạo hay không, song điều thú vị là ở chỗ lời lẽ [của quan chức Trung Quốc] nói về chính sách ngoại giao đã xuất hiện một số điều chỉnh,” Susan Shirk nói – bà là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ 21 thuộc phân hiệu San Diego của Đại học bang California, từng làm Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Bà nói: Điều đó “ngầm cho thấy một số năng lực tự sửa sai, ít nhất là về mặt luận điệu chính sách đối ngoại.”
Một số người lại quan sát thấy các dấu hiệu Đảng CSTQ đang giảm dần việc tôn vinh Tập Cận Bình. Bài báo của Hứa Chương Nhuận viết: Những lời lẽ tuyên truyền có liên quan tới Tập Cận Bình rất giống sự sùng bái cá nhân vây quanh Mao Trạch Đông; bài báo kêu gọi phải “lập tức hãm phanh lại”. “Bộ máy tuyên truyền [của Trung Quốc] đã bị chỉ trích vì gây ra sự sùng bái cá nhân ấy, cũng như đã làm nhiễu các thông điệp liên quan đến tranh chấp thương mại Trung – Mỹ,” ông Dương Đại Lợi, nhà chính trị học chuyên nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học Chicago nói.
Tuy vậy, dường như không có cơ sở để tin vào đồn đoán của các nhà chỉ trích ông Tập và trên mạng internet rằng sự giận dữ của các quan chức Đảng và các cán bộ lão thành đã khiến việc tôn vinh ông Tập bị giảm bớt. Tên của Tập Cận Bình vẫn thường xuyên xuất hiện trên trang nhất tờ “Nhân dân Nhật báo” như trước.
Giờ đây tương lai của Hứa Chương Nhuận có thể trở thành phép thử xem phải chăng Tập Cận Bình sẽ tỏ ra khoan dung hơn đối với sự phê bình hay không. Hứa Chương Nhuận hiện đang làm giáo sư thỉnh giảng ở Nhật. Có thể ông sẽ bị Bắc Kinh khiển trách.
“Tôi đã nói những điều tôi phải nói, và tôi phó thác cho số phận,” ông viết ở cuối bài báo của mình. “Trời sẽ quyết định sự hưng vong của chúng ta.”[2]
Nguyễn Hải Hoành lược dịch, có tham khảo bản tiếng Trung Quốc của Cindy Hao.
——————-
[1] Bài của Hứa Chương Nhuận có tiêu đề: “Nỗi sợ và mong đợi của chúng ta hiện nay” (许章润:我们当下的恐惧与期待)đăng trên mạng Unirule ngày 24/7/2018.
[2] Nguyên văn: Sống chết tại số, mà hưng vong tại trời