Kỳ vọng gì từ cấu trúc quyền lực mới của Việt Nam?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 3 tháng 10 năm 2018, Hội nghị lần thứ 8 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ vị trí Chủ tịch nước, vị trí vốn đã bị khuyết sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần gần đây. Quốc hội sẽ chính thức bầu ông Trọng vào chức vụ Chủ tịch nước trong kỳ họp lần thứ 6 khai mạc vào ngày 22 tháng 10 sắp tới.

Việc bầu ông Trọng vào chức vụ Chủ tịch nước sẽ đánh dấu việc nhất thể hóa trên thực tế chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước. Động thái này sẽ là một diễn tiến chính trị quan trọng đối với Việt Nam vì nó sẽ tạo ra một cơ cấu quyền lực chính trị tập trung cao độ chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ năm 1960 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã chuyển giao chức vụ Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho ông Lê Duẩn.

Việc đề cử ông Trọng là một diễn tiến đáng ngạc nhiên nếu xét việc ông Trọng tuổi đã cao và thực tế rằng ông được cho là không mấy nhiệt tình về ý tưởng nhất thể hóa hai chức danh này. Sự miễn cưỡng của ông đã làm trì hoãn các cuộc thảo luận về chủ đề này trong phạm vị Trung ương Đảng cũng như Bộ Chính trị trong một thời gian. Các tin đồn trong nhiều tháng từ Hà Nội cũng gợi ý rằng một số chính trị gia khác chứ không phải ông Trọng mới được coi là những ứng viên khả dĩ nhất thay thế cho ông Quang.

Tuy nhiên, việc nhất thể hóa hai chức danh này dường như chỉ là vấn đề thời gian vì Việt Nam hiện nay là nhà nước cộng sản duy nhất nơi có hai chính trị gia khác nhau nắm giữ chức vụ lãnh đạo đảng và chủ tịch nước. Cơ cấu quyền lực phân tán như vậy tạo ra một mức độ kiểm soát và cân bằng cao hơn trong hàng ngũ lãnh đạo của đất nước, nhưng đồng thời cũng gây ra những bế tắc chính trị hay làm giảm hiệu quả của hệ thống trong một số trường hợp nhất định. Cấu hình quyền lực đặc biệt này cũng dẫn đến các vấn đề về lễ tân ngoại giao cho các nước khác khi tiếp đón ông Trọng trong các chuyến đi chính thức vì mặc dù là chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam, ông Trọng chỉ là một lãnh đạo đảng chứ không phải là nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ.

Sự thận trọng của Đảng cũng như bản thân ông Trọng đối với việc nhất thể hóa liên quan đến mối lo ngại rằng sự tập trung quyền lực sẽ làm suy yếu dân chủ nội Đảng cũng như cơ chế kiểm soát và cân bằng của Đảng. Một dấu hiệu của mối quan ngại này là mặc dù Đảng đã thử nghiệm việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân trong một thời gian, những thử nghiệm này chủ yếu diễn ra ở cấp huyện và xã ở tỉnh Quảng Ninh mà thôi. Phạm vi hạn chế của thử nghiệm cho đến nay cho thấy rằng ngay cả khi mô hình này cuối cùng có thể được áp dụng cho cấp trung ương, thì nó sẽ khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng sau sự qua đời đột ngột của ông Quang. Khoảng trống quyền lực đã tạo ra một cơ hội cho Đảng xem xét nghiêm túc vấn đề này, và với việc giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào vị trí Chủ tịch nước, việc nhất thể hóa trên thực tế sẽ xảy ra sớm hơn nhiều so với dự kiến của hầu hết các nhà quan sát Việt Nam.

Việc nhất thể hóa sẽ không tạo ra bất kỳ tác động nào đối với tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam vì các chính sách kinh tế của đất nước sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, về mặt chính trị, cấu trúc quyền lực tập trung sẽ làm cho hệ thống chính trị Việt Nam trở nên đơn nhất và ít đa nguyên hơn. Mặc dù cơ cấu quyền lực như vậy có thể sẽ hiệu quả hơn trong một số trường hợp, nó cũng sẽ tạo ra những rủi ro nhất định vì toàn bộ hệ thống chính trị bây giờ sẽ phụ thuộc vào khả năng của nó trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo phù hợp cũng như khả năng kiểm soát quyền lực của người đó.

Trước mắt, vẫn chưa rõ liệu việc nhất thể hóa này có phải là một dàn xếp tạm thời chỉ áp dụng cho nhiệm kỳ của ông Trọng hay nó sẽ được thể chế hóa để tiếp tục được áp dụng sau năm 2021 khi ông Trọng được cho là sẽ nghỉ hưu. Quả thật, Đảng CSVN đã cẩn thận không miêu tả diễn tiến này như là một nỗ lực nhằm sửa đổi hệ thống chính trị hiện hữu khi các cơ quan truyền thông chính thức đều không sử dụng thuật ngữ “nhất thể hóa” khi đưa tin về việc ông Trọng được giới thiệu để nắm giữ vị trí Chủ tịch nước.

Nếu việc nhất thể hóa lần này chỉ là một dàn xếp tạm thời, Việt Nam sẽ quay trở lại cấu hình quyền lực “tứ trụ” truyền thống sau Đại hội lần thứ 13 của Đảng vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu dàn xếp này được thể chế hóa thì câu hỏi lớn tiếp theo là: Ai sẽ trở thành người kế vị ông Trọng? Có lẽ câu trả lời cho câu hỏi này sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với triển vọng kinh tế và chính trị của Việt Nam hơn là việc đề cử ông Trọng nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước sắp tới.