Tác giả: Nguyễn Tăng Nghị
Tóm tắt: Nền kinh tế của các quốc gia ASEAN những năm gần đây luôn là điểm nóng về tăng trưởng. Chính tốc độ phát triển kinh tế đã khiến các quốc gia trong vùng khao khát đưa ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm về xã hội. ASEAN có nhiều thuận lợi trong việc hình thành nên cộng đồng an ninh khu vực, từ vị trí địa lý đến tiến trình hội nhập và cả niềm tin của các quốc gia thành viên dành cho nhau. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức đang chờ đợi ASEAN ở phía trước. Cộng đồng an ninh ASEAN liệu có trở thành hiện thực hay không và thành công ở mức độ nào? Tất cả sẽ được phân tích trong bài viết.
—————
Cùng với sự phát triển và hội nhập sâu rộng của kinh tế khu vực, mức độ phụ thuộc của các quốc gia trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày một rõ. Vì vậy việc hình thành cộng đồng an ninh trong khối ASEAN được các nước thành viên quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc hình thành cộng đồng an ninh khu vực không chỉ đơn thuần là cảm xúc, suy nghĩ nhất thời mà nó cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Từ đó đưa ra các giải pháp tương ứng nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh cũng như thách thức phải đối mặt.
- Đặc trưng của cộng đồng an ninh
Khái niệm cộng đồng an ninh trong lý thuyết quan hệ quốc tế đã được Richard W. Van Wagenen đề cập[1]. Bên cạnh đó, Karl W. Deutsch đã đi sâu nghiên cứu về khái niệm này và ông xem cộng đồng an ninh như một cơ chế trong quá trình hình thành và phát triển của các quốc gia trong vùng. Trong cơ chế này bảo đảm rằng giữa các thành viên trong cộng đồng sẽ không “xuất binh tương tàn nhau”; họ sẽ dùng nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên[2]. Cộng đồng an ninh có thể được chia thành hai loại: hợp nhất (amalagamated) và đa nguyên (pluralistic).
Cộng đồng an ninh kiểu hợp nhất thường bao gồm hai hoặc hơn hai đơn vị độc lập, thông qua một hình thức nào đó tạo ra liên minh chính trị lớn và hiện đại hơn. Liên minh chính trị đó tồn tại như một chính phủ. Có thể thấy thể chế nhà nước Liên bang của Mỹ gần giống với kiểu cộng đồng hợp nhất này. Trong khi đó, cộng đồng kiểu đa nguyên gồm các đơn vị thành viên có đầy đủ tính độc lập và chủ quyền về lãnh thổ cũng như thể chế chính trị. Cộng đồng Châu Âu là một ví dụ điển hình của cộng đồng an ninh kiểu đa nguyên. Do mục tiêu của cộng đồng an ninh hợp nhất là quá lớn và khó hiện thực hóa trong khi đó cộng đồng an ninh kiểu đa nguyên lại dễ thực hiện và duy trì hơn. Vì vậy cộng đồng an ninh trong quan hệ quốc tế thường là cộng đồng an ninh kiểu đa nguyên. Và ASEAN cũng đang đi theo hướng cộng đồng an ninh kiểu đa nguyên.
Theo Karl W. Deutsch, cộng đồng an ninh có những đặc trưng sau: (1) Trong nội bộ của cộng đồng an ninh này sẽ không có chiến tranh. Cộng đồng an ninh còn được gọi với cái tên khác như cộng đồng hòa bình hoặc phi chiến tranh; (2) Cộng đồng an ninh không tạo liên minh để công kích hoặc tấn công các thành viên khác trong nội bộ. Mặc dù trong nội bộ cộng đồng vẫn tồn tại nhiều khác biệt về lợi ích và thậm chí là xung đột nhưng các thành viên trong khối sẽ cố gắng chủ động thông qua đàm phán để giải quyết. (3) Trong nội bộ của cộng đồng an ninh hoàn toàn không có tình trạng chạy đua vũ trang.
Cần hiểu rằng cộng đồng an ninh không phải là một cơ chế quốc tế. Mặc dù trong cộng đồng an ninh có tồn tại cơ chế quốc tế, nhưng cơ chế quốc tế chỉ có ý nghĩa trong việc tạo kết nối và tăng cường niềm tin giữa các quốc gia thành viên khi có bất đồng hoặc mâu thuẫn xảy ra. Mặt khác, cộng đồng an ninh không giống như kiểu an ninh tập thể. Vì an ninh tập thể được xây dựng trên cơ sở gồm những lực lượng có thế mạnh về quân sự như NATO – với mục tiêu trừng phạt các thế lực bên ngoài uy hiếp đến an ninh, an toàn của khu vực.
Cộng đồng an ninh được xây dựng theo quy chuẩn chung là không sử dụng vũ lực. Nó hoàn toàn không đề cập đến cơ chế trừng phạt về những hành vi xâm phạm lãnh thổ hay dùng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn. Cộng đồng an ninh chủ trương đề xuất các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong nội bộ[3]. Toàn cầu hóa đã mang lại diện mạo hòa bình, ổn định trên phạm vi rộng lớn. Xu hướng hợp tác giữa các quốc gia trong vùng với nhau sẽ ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn. Và ASEAN cũng không ngoại lệ, nó đã chuyển từ hình thái xung đột sang cơ chế an ninh, hợp tác[4].
ASEAN ngày nay hội đủ các đặc trưng cơ bản của một cộng đồng an ninh khu vực. ASEAN đang hướng tới một nền hòa bình và an ninh dựa trên những cam kết và lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột. Ngày càng nhiều học giả quan tâm, thậm chí là lạc quan về hướng phát triển cộng đồng an ninh của ASEAN trong thời gian tới.
- Cơ sở xây dựng cộng đồng an ninh khu vực ASEAN
Những năm gần đây, hợp tác khu vực ASEAN không ngừng được tăng cường và củng cố. ASEAN có thuận lợi về mặt địa lý và cơ sở hạ tầng; đồng thời, mức độ hợp tác và lệ thuộc nhau về kinh tế ngày càng rõ nét; cuối cùng là niềm tin và mong muốn xây dựng một khu vực hòa bình thịnh vượng. Đây chính là tiền đề quan trọng để ASEAN xây dựng cộng đồng an ninh theo cách của riêng mình.
2.1 Thuận lợi về mặt địa lý tự nhiên
Yếu tố địa lý có ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình hợp tác phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên. Vị trí địa lý càng gần thì quan niệm, ý chí về hội nhập khu vực càng rõ nét. Lịch sử đã chứng minh, các quốc gia trong vùng khi có sự liên hệ mật thiết về kinh tế và tương đồng về an ninh, chính trị thì họ dễ dàng thừa nhận các giá trị chung như vấn đề lịch sử và cả những quan điểm về nhận thức khu vực. Họ dễ tìm ra tiếng nói chung, hợp tác khu vực vì thế sẽ từng bước hình thành.
Về vị trí địa lý, khu vực ASEAN phần lớn giáp với biển. Phía Tây giáp Ấn Độ Dương, phía Đông giáp Thái Bình Dương, phía Nam tiếp giáp Châu Đại Dương, phía Bắc tiếp giáp Trung Quốc đại lục. Điều này làm cho ASEAN được chia cắt với các khu vực khác một cách tự nhiên. Các thế lực bên ngoài rất khó để có thể tấn công hoặc gây tổn hại về mặt an ninh đối với ASEAN. Đây có thể xem là ưu thế và là sự khác biệt giữa ASEAN với các khu vực còn lại trên thế giới.
Về giao thông vận tải, khu vực ASEAN với thế đất bằng phẳng, sông ngòi chằng chịt, hệ thống cao tốc, đường sắt và vận tải hàng không của các quốc gia thành viên cơ bản đã được kết nối. Ngoài ra, khu vực ASEAN nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, vì vậy giao thông đường biển được xem là thế mạnh. Điều kiện giao thông thuận lợi như trên giúp các quốc gia trong vùng hợp tác mọi mặt trở nên dễ dàng hơn. Điều kiện tự nhiên thuận lợi không chỉ tăng cường sự kết nối giữa các quốc gia thành viên, mà còn tạo cơ sở để mở rộng sự giao lưu hợp tác giữa ASEAN với các quốc gia ngoài khu vực.
2.2 Thành quả của hội nhập kinh tế khu vực ASEAN
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, để nhanh chóng thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, các quốc gia trong ASEAN đã tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và đã gặt hái được những kết quả nhất định. Một mặt, số lượng các nước thành viên trong khối không ngừng tăng. Ngày 8 tháng 8 năm 1967 khi ASEAN thành lập chỉ có năm nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore. Bắt đầu từ những năm 1984, Brunei, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia lần lượt xin gia nhập tổ chức này. Mặt khác, trình độ hội nhập kinh tế khu vực ASEAN không ngừng được nâng cao và cải thiện. Năm 1992 sau khi ký kết Hiệp định khu thương mại tự do ASEAN, các quốc gia thành viên đã đạt nhiều thỏa thuận chung về giảm thuế quan, tự do hóa đầu tư, v…v… Tháng 10/2003, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh , Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập của ASEAN, năm 2007 lãnh đạo các nước ASEAN đi đến thống nhất và ký kết Hiến chương ASEAN. Hiến chương cũng nhấn mạnh ý thức về một đại gia đình ASEAN cũng như xây dựng cộng đồng an ninh ASEAN[5], đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực[6]. Tháng 11 năm 2012, lãnh đạo các nước ASEAN thống nhất ngày 31 tháng 12 năm 2015 sẽ là thời khắc cuối cùng để thành lập cộng đồng ASEAN[7]. Trong hơn 50 năm qua, các quốc gia thành viên đã không ngừng củng cố và phát triển, tích cực hội nhập sâu rộng với mong muốn đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc các mối liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.
Tăng trưởng GDP của ASEAN duy trì ở mức 4,8% năm 2017. Tổng thương mại hàng hóa của ASEAN đạt 2,22 nghìn tỷ USD năm 2016, trong đó 23,5% là thương mại nội khối[8]. Tổng thương mại dịch vụ của ASEAN là 643,4 tỷ USD trong đó 16,6% là thương mại nội khối. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đạt 96,72 tỷ USD năm 2016, trong đó 24,8% là đầu tư nội khối ASEAN[9]. Từ đó cho thấy mức độ phụ thuộc giữa các nền kinh tế trong ASEAN ngày càng lớn. Điều này ít nhiều sẽ khiến các quốc gia trong khối ASEAN khi xử lý các vấn đề trong khu vực sẽ trở nên thận trọng và cân nhắc kỹ hơn, hạn chế tối đa xảy ra xung đột.
2.3 Tăng cường niềm tin và khát vọng một nền hòa bình khu vực
ASEAN không chỉ bị các thế lực phương Tây xâm lược mà chiến tranh và xung đột trong nội bộ khu vực cũng thường xuyên xảy ra. Trong đó có thể kể đến chiến tranh Nha Phiện, cuộc chiến Mỹ – Việt, chiến tranh Đông Dương…v.v… Hậu quả của các cuộc chiến tranh này khiến nhân dân các nước ASEAN càng khát khao một nền chính trị ổn định, tin cậy nhau trong khu vực và xa hơn là một nền hòa bình cho cả thế giới. Bởi nếu cả khu vực không hòa bình ổn định thì hội nhập kinh tế khu vực ASEAN sẽ khó triển khai một cách hiệu quả.
Cơ chế an ninh khu vực ASEAN đã được hình thành, chủ yếu bao gồm: cơ chế an ninh khu vực nội khối như hội nghị cấp cao ASEAN; cơ chế an ninh ngoài khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6, ASEAN+x…v…v… Có thể thấy các cơ chế an ninh của ASEAN vẫn chưa đủ độ chín mùi và có chiều sâu, nhưng ASEAN đã phát huy được vai trò trung tâm của mọi sự hợp tác. Mô hình “10+x” đã trở thành phương thức chủ yếu trong mọi hợp tác khu vực. Và phương thức ASEAN (ASEAN Way) được xem là một trong những phương thức hợp tác phù hợp nhất tại khu vực Đông Á[10].
Trong quá trình xây dựng cộng đồng an ninh ASEAN, mong muốn tăng cường niềm tin với nhau đã được các quốc gia thành viên chủ động đẩy mạnh. Họ luôn tìm kiếm những biện pháp hòa bình nhằm giải quyết các vấn đề mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ. Mục tiêu là bảo đảm không để xảy ra chiến tranh trong nội khối, hướng đến một cộng đồng an ninh thịnh vượng trong tương lai. Về tổng thể, lãnh đạo các nước ASEAN luôn hiểu rằng mọi cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực đều phải lấy ASEAN làm trung tâm, đẩy mạnh hợp tác toàn diện với 6 quốc gia ngoài khu vực (RCEP), đồng thời duy trì vai trò, vị trí trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực[11].
- Những thách thức trong quá trình xây dựng cộng đồng an ninh ASEAN
Khu vực ASEAN là một trong những khu vực năng động và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, và là một trong những khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. ASEAN là một điểm đến quan trọng của vốn FDI toàn cầu, tiếp nhận khoảng 16% của tổng FDI thế giới trong số các nền kinh tế đang phát triển với tổng luồng vốn FDI là 120 tỷ USD trong năm 2015[12]. Ngoài ra 10 nước ASEAN đều đạt mức tăng trưởng kinh tế cao so với các khu vực khác trên thế giới (với tốc độ tăng trung bình hàng năm từ 5% – 10%)[13]. Kinh tế các quốc gia thành viên luôn có được sự bổ trợ nhau, mức độ hợp tác ngày càng chặt chẽ và mật thiết hơn. Tuy nhiên, do các vấn đề tồn tại của lịch sử, cũng như sự chênh lệch về trình độ phát triển, nên quá trình xây dựng cộng đồng an ninh cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn và thách thức.
3.1 Sự phức tạp về tranh chấp lãnh thổ
Tranh chấp lãnh thổ là một trong những yếu tố quan trọng dễ dẫn đến xung đột trong nội khối và quốc tế đối với ASEAN. Kể từ sau khi người châu Âu đến khu vực ASEAN thì tranh chấp biên giới luôn là vấn đề quan trọng trong chính trị khu vực Đông Nam Á[14]. Và phần lớn giữa các quốc gia trong khối ASEAN ít nhiều đều tồn tại những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải. Tranh chấp có thể chia thành hai loại lớn:
(1) Tranh chấp lãnh thổ trong nội bộ khu vực. Loại tranh chấp này có thể chia thành hai loại nhỏ. Thứ nhất là tranh chấp trên bộ, trên biển, và trên đảo. Trong trường hợp tranh chấp trên bộ là đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia; tranh chấp trên đảo Sipadan và Ligitan giữa Indonesia, Malaysia và Philippines; hay tranh chấp chủ quyền xung quanh khu vực Sabah và Biển Sulu giữa Malaysia và Philippines đã diễn ra nhiều năm qua. Thứ hai là tranh chấp về vùng biên giới giữa các nước với nhau. Ví dụ như vấn đề biên giới trên biển và chủ quyền đối với các đảo trên vịnh Thái Lan giữa Campuchia và Việt Nam. Có thể thấy tình trạng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Campuchia trong lịch sử là rất phức tạp[15]. Ngoài ra, trong vịnh Thái Lan có rất nhiều đảo và đảo nhỏ khiến cho việc phân chia lãnh hải càng khó khăn hơn. Nếu các tranh chấp trên biển ở châu Á thường tập trung vào vấn đề chủ quyền các đảo thì tranh chấp ở khu vực này lại xoay quanh vai trò của các đảo trong việc phân định biên giới[16].
(2) Tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia ASEAN với quốc gia ngoài khu vực. Chủ yếu bao gồm các vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc, giữa Trung Quốc với Philippines, Malaysia, và Brunei. Khủng hoảng ở Biển Đông đã đem những hạn chế của ASEAN ra ánh sáng một cách rõ nhất. Vai trò hòa giải và tham gia giải quyết các vấn đề căng thẳng khu vực của ASEAN tương đối mờ nhạt. Điều này có thể gián tiếp gây ra sự bất đồng và dẫn đến sự phân hóa trong nội bộ khối, làm cản trở tiến trình liên kết ASEAN[17]. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia trong vùng luôn đặt ASEAN trong tình trạng “căng thẳng, hoài nghi và hiểu lầm”[18] và cũng là “vùng trũng”[19] của xung đột khu vực.
Những năm gần đây, nhằm đối phó với những tranh chấp liên quan đến vấn đề lãnh thổ và lãnh hải, các quốc gia ASEAN đã tiến hành chạy đua vũ trang bằng cách không ngừng mua các vũ khí sát thương hiện đại. Đồng thời, tiến hành nhiều cuộc diễn tập với quy mô lớn. Điều này cho thấy các quốc gia ASEAN chưa hề buông bỏ ý tưởng dùng vũ lực để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột đang tồn tại. Nó đã và đang đi ngược lại với đặc trưng và xu hướng xây dựng cộng đồng an ninh. Bởi cộng đồng an ninh đúng nghĩa “không chỉ là khu vực không có chiến tranh mà nó còn có một ý nghĩa sâu xa hơn đó chính là hoàn toàn không có sự chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh với quy mô lớn”[20].
3.2 Tranh chấp về vai trò lãnh đạo kinh tế của khu vực
Liên tiếp trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế của các nước thuộc ASEAN đã giữ vững đà tăng trưởng và được đánh giá là một trong những thị trường năng động, phát triển bậc nhất thế giới. Trong tình hình hiện nay, trước những tác động của nền kinh tế thế giới, kinh tế ASEAN cũng bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên vẫn giữ vững được sự tăng trưởng. Nền kinh tế của ASEAN vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ dự báo sẽ tăng khoảng 5-7% trong năm 2017. Vì vậy mà các cường quốc trên thế giới đều đánh giá rất cao về viễn cảnh phát triển và vị thế của ASEAN trong tương lai.
Đối với các cường quốc ngoài khu vực ASEAN
Đông Nam Á có vị trí địa – chính trị đặc biệt, là điểm xoáy chiến lược, giao thoa quyền lợi của nhiều cường quốc lớn trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, v…v… Mỗi quốc gia có những mục tiêu chiến lược và lợi ích riêng đối với khu vực này.
Trung Quốc đang tích cực tận dụng thực lực kinh tế và uy tín chính trị trong việc mở rộng quan hệ nhiều mặt với ASEAN. Về mặt vị trí, hầu hết các đặc khu kinh tế, các thành phố, hải cảng và vùng đồng bằng giàu có của Trung Quốc đều tập trung ở phía Đông Nam, tiếp giáp các nước ASEAN. Ngoài ra, ASEAN còn là nơi làm ăn và sinh sống của đông đảo Hoa Kiều, với hơn 22 triệu người. Đối với một số nước như Singapore, Malaysia, người Hoa đóng vai trò quan trọng về kinh tế thương mại, bất chấp thời gian hay sự thay đổi chế độ chính trị[21]. Đây có thể coi là lợi thế tuyệt đối của Trung Quốc ở khu vực ASEAN so với các cường quốc khác ngoài khu vực ASEAN.
Trung Quốc có đủ mọi điều kiện thuận lợi để phát triển và gây ảnh hưởng lên các nước ASEAN. Trong đó vai trò quan trọng nhất nằm ở chỗ nếu sự trỗi dậy về kinh tế trở nên mạnh mẽ đồng nghĩa sẽ tạo ra “thế đứng khu vực”[22] một cách chắc chắn. Tháng 11 năm 1999, cơ chế hợp tác Đông Á kiểu ASEAN+3 đã ra đời với mục đích tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời hạn chế tối đa sức mạnh của Nhật bản. Mô hình ASEAN+1 và ASEAN+3 ở chừng mực nào đó có thể xem là tham vọng mang tính chủ nghĩa khu vực theo kiểu Trung Quốc[23].
Để đạt được mục tiêu chính sách “Thoát Âu Nhập Á”, Nhật Bản bắt buộc phải tìm kiếm cho mình vị thế nhất định trong nền kinh tế Đông Á, trong đó cụ thể nhất là Đông Nam Á. Vì vậy Nhật Bản đã không ngừng chủ động tạo ra khu vực hợp tác rộng với nhiều quốc gia tham dự hơn. Sự ra đời của mô hình hợp tác ASEAN+6 và ASEAN+8 phần lớn đều do Nhật Bản thúc đẩy và kêu gọi. Hợp tác khu vực vì thế đã bước sang một giai đoạn mới – thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác khu vực ở diện rộng và toàn diện hơn so với ASEAN+3 và ASEAN+1[24]. Từ đó, Nhật Bản và các quốc gia khác như Ấn Độ, Úc và New Zealand không ngừng liên kết, tạo ra sức mạnh và tiếng nói chung, từng bước hạn chế phần nào sức ảnh hưởng và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng và tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Đông Á bằng cách thúc đẩy Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TTP) trước đây và hiện tại lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Có thể nói, cả ba nền kinh tế hàng đầu thế giới đều có những ảnh hưởng rất lớn đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung. Họ luôn tìm kiếm và cố gắng tạo ra những ảnh hưởng nhất định, từ đó hy vọng có thể dẫn dắt khu vực phát triển theo hướng có lợi cho mình.
Đối với các quốc gia trong khối ASEAN
Khác với ba cường quốc trên, ASEAN không có một nền kinh tế đầu tàu và một đồng tiền đủ mạnh để dẫn dắt khu vực. Không có một quốc gia nào trong ASEAN có đủ khả năng và điều kiện để dẫn dắt quá trình phát triển và liên kết khu vực. Đây là một trong những điểm yếu và vấn đề chính của ASEAN khi muốn trở thành một thể thống nhất. ASEAN đang thiếu vai trò lãnh đạo hạt nhân như kiểu Pháp và Đức trong cộng đồng EU và một đồng tiền hấp dẫn kiểu Euro.
Indonesia là quốc gia lớn nhất trong ASEAN với 230 triệu dân. Giai đoạn 2000-2010, tăng trưởng kinh tế Indonesia đã vượt tất cả các nền kinh tế mới nổi khác, trừ Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí vượt trên các thành viên còn lại của khối BRICS như Nga, Brazil và Nam Phi[25]. Đây có thể xem là tiền đề đưa quốc gia “vạn đảo” trở thành hạt nhân có thể dẫn dắt khu vực. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Indonesia với các nước lớn, đặc biệt với Trung Quốc và Mỹ ngày bộc lộ sự thiếu quyết đoán, thậm chí là thiếu lập trường. Vì vậy thật khó để Indonesia có thể trỗi dậy dẫn dắt được ASEAN.
Là một quốc gia đang có nền công nghiệp hóa tiên tiến, Singapore còn là quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao bậc nhất khu vực. GDP bình quân đầu người của Singapore năm 2017: 61.567,28 USD[26]. Đã có xu hướng cho rằng Singapore có thể đủ tầm để trở thành lãnh đạo hạt nhân của ASEAN, song qui mô và sức mạnh của Singapore tương đối nhỏ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo hạt nhân của họ tại khu vực.
Thái Lan cũng là một trong năm quốc gia tham gia vào quá trình hình thành ASEAN. Hơn nữa, tốc độ phát triển kinh tế cũng như thu nhập quốc dân của Thái Lan nằm ở mức cao trong khu vực. Tuy nhiên, chính trường Thái Lan lại thường xuyên xảy ra những biến cố, trong đó tình trạng đảo chính gần như xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây. Điều này cho thấy nội bộ của Thái Lan còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Vì vậy Thái Lan rất khó có thể trở thành lãnh đạo hạt nhân của ASEAN.
Chính sự tranh giành quyền lãnh đạo kinh tế trong nội bộ ASEAN cũng như các quốc gia ngoài khu vực luôn tìm kiếm cơ hội gây ảnh hưởng lên ASEAN. Điều này đã vô tình biến ASEAN trở thành điểm nóng về cạnh tranh kinh tế và tranh giành ảnh hưởng về chính trị của các quốc gia trong khu vực Đông Á. Đây có thể xem là một trong những lý do quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng cộng đồng an ninh khu vực. Cộng đồng an ninh chỉ có thể hình thành nếu các quốc gia trong vùng, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhận ra vấn đề này và nhanh chóng đưa ra các biện pháp giải quyết.
Ngoài ra ASEAN còn tồn tại rất nhiều vấn đề khác như khủng hoảng nội bộ của các quốc gia thành viên: vấn đề sắc tộc tôn giáo, vấn đề giàu nghèo, an sinh xã hội và bình đẳng giới, thậm chí là vấn đề chính trị. Trong đó, đặc biệt, trình độ chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các quốc gia thành viên là rất lớn[27].
Muốn cộng đồng an ninh khu vực sớm hình thành và phát triển, các quốc gia ASEAN phải tìm cách rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế, từng bước ổn định tình hình an ninh, chính trị xã hội của quốc gia mình. Đồng thời, ASEAN phải tìm cách duy trì sự ổn định về chính trị trên phạm vi toàn khu vực. Tuyệt đối không để hiểu lầm, mâu thuẫn dẫn đến việc chạy đua vũ trang hay chiến tranh cục bộ. Không ngừng củng cố, xây dựng niềm tin với nhau, đồng thời cùng chia sẻ các vấn đề khủng hoảng của khu vực. Có như vậy, ASEAN mới đủ nền tảng và điều kiện để xây dựng một cộng đồng an ninh đúng nghĩa.
- Kết luận
Do sự phát triển của kinh tế khu vực mà nền kinh tế của các quốc gia ASEAN ngày càng phụ thuộc nhau hơn một cách cơ hữu. Trong những năm gần đây, các quốc gia thành viên đã không ngừng điều chỉnh sự khác biệt trong chính sách của mình sao cho phù hợp với xu hướng hội nhập của khu vực, từng bước nâng cao tinh thần hợp tác nhằm tạo ra những giá trị chung cho ASEAN. Chính vì vậy, hội nhập khu vực ngày càng được các quốc gia thành viên tích cực thực hiện và quán triệt một cách sâu rộng. Bên cạnh những thuận lợi về mặt tự nhiên, sự đồng lòng của các quốc gia thành viên thì vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước đang chờ đợi ASEAN kề vai sát cánh cùng nhau giải quyết. Chúng ta có quyền tin tưởng và lạc quan về hướng phát triển của cộng đồng an ninh Đông Nam Á trong tương lai không xa. Chỉ cần tất cả các quốc gia thành viên không ngừng tăng cường hợp tác, tích cực tuyên truyền, giáo dục công dân trong vùng về một cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng thì chắc chắn mục tiêu này sẽ sớm trở thành hiện thực.
Nguyễn Tăng Nghị là Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH-NV TP. HCM đồng thời là nghiên cứu sinh tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc. Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 3/2018.
———
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 阿米塔·阿查亚.建构安全共同体:东盟与地区秩序[M].王正毅等译.上海:上海人民出版社, 第25-29页. (Amitav Acharya, Xây dựng cộng đồng an ninh: ASEAN và trật tự khu vực, Vương Chính Nghị dịch, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải 2004).
- 巴里·布赞,[丹]奥利·维夫.地区安全复合体与国际安全结构[M].潘忠岐,孙霞等译.上海:上海人民出版社,2010年第162页. (Barry Buzan and Ole Waever, Thể phức hợp trong an ninh khu vực và kết cấu an ninh quốc tế, Phan Trung Kỳ dịch, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải 2010).
- 郑一省:东盟国家间领土边界争端的成因及影响【J】东南亚研究,2005年2月,第29页 (Đặng Nhất Tỉnh, Nguyên nhân và những ảnh hưởng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, tháng 2 năm 2005).
- 郑一省: 《东盟“安全共同体”:从理论到实践》载《东南亚研究》,2004年第1期 (Đặng Nhất Tỉnh, Cộng đồng An ninh ASEAN: Từ lý luận đến thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, kỳ 1 năm 2004).
- 庞中英: 《东盟与东亚: 微妙的 “东亚地区主义”》 ,《太平洋学报》 ,2001 年第 2 期,第 36 页(Bàng Trung Anh, Đông Nam Á và Đông Á: Sự thú vị của Chủ nghĩa Khu vực Đông Á, Tạp chí Thái Bình Dương, số 2 năm 2001).
- 王玉主: 《RCEP 倡议与东盟 “中心地位”》 ,国际问题研究, 2005年,第 52—56 页 (Vương Ngọc Chủ, Đề xuất RCEP và “vị trí trung tâm” của ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, năm 2013).
- 王玉主,东盟共同体建设:进程、态势与影响, 二十四个重大问题研究, 2016年10月第十页 ( Vương Ngọc Chủ, Xây dựng cộng đồng ASEAN: Tiến trình, vị trí và những ảnh hưởng, Tạp chí Nghiên cứu 24 vấn đề trọng điểm, tháng 10 năm 2016).
- 张蕴岭:《如何认识和理解东盟 — 包容性原则与东盟成功的经验》,《当代亚太》 2015 年第 1 期,第 4-20 页 (Trương Ôn Lĩnh, Làm thế nào để nhận biết và hiểu về ASEAN: Nguyên tắc tính bao dung và kinh nghiệm thành công của ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương Đương đại
- 朱进、王光厚:《论东盟的对外战略》,载国际关系学院学报,2008年第4期 (Chu Tiến, Vương Quang Hậu, Bàn về chiến lược ngoại giao của ASEAN, Tạp chí Học viện Quan hệ Quốc tế, kỳ 4 năm 2008).
Chú thích
[1] Richard W. Van Wagenen. Research in the International Organization Field: Some Notes on a Possible Focus[M].Princeton: Center for Research on World Political Institution, 1952, p10-11.
[2] Karl W. Deutsch and Sidney A. Burrell ,et al Political Community and the North Atlantic Areas: International Organization in the Light of Historical Experience,Princeton University Press,1957,p5-6.
[3] 阿米塔·阿查亚.建构安全共同体:东盟与地区秩序[M].王正毅等译.上海:上海人民出版社,
2004. 第25-29页. (Amitav Acharya, Xây dựng cộng đồng an ninh: ASEAN và trật tự khu vực, Vương Chính Nghị dịch, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải ( 2004), trang 29).
[4] 巴里·布赞,[丹]奥利·维夫.地区安全复合体与国际安全结构[M].潘忠岐,孙霞等译.上海:上海人民出版社,2010年第162页. (Barry Buzan and Ole Waever, Thể phức hợp trong an ninh khu vực và kết cấu an ninh quốc tế, Phan Trung Kỳ dịch, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải (2010) trang 162).
[5] The ASEAN Charter,http://www.aseansec.org/ASEAN – Charter.pdf.
[6] 张蕴岭:《如何认识和理解东盟 — 包容性原则与东盟成功的经验》,《当代亚太》 2015 年第 1 期,第 4-20 页 (Trương Ôn Lĩnh, Làm thế nào để nhận biết và hiểu về ASEAN: Nguyên tắc tính bao dung và kinh nghiệm thành công của ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương Đương đại, số 1 năm 2015, trang 20).
[7] Chairman’s Statement of the 14th ASEAN Summit “ASEAN Charter for ASEAN Peoples”, Cha-am, 28 February – 1 March 2009, http://asean.org/?static_post=chairman-s-statement-of-the-14th-asean-summit-asean-charter-for-asean-peoples
[8] http://www.trungtamwto.vn/tin-tuc/hoi-nghi-bo-truong-kinh-te-asean-lan-thu-49-va-cac-hoi-nghi-lien-quan
[9] http://vccinews.vn/news/18429/asean-doi-tac-thuong-mai-quan-trong-cua-viet-nam.html
[10] Amitav Acharya,“Ideas,Identity,and Institution-Building: From the‘ASEAN Way’to the‘Asia-Pacific Way’ ?”pp. 328 – 333.
[11] 王玉主: 《RCEP 倡议与东盟 “中心地位”》 ,国际问题研究, 2005年,第 52—56 页 (Vương Ngọc Chủ, Đề xuất CRECP và “vị trí trung tâm” của ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, (năm 2013) trang 52-56)
[12] http://aecvcci.vn/tin-tuc-n1597/bao-cao-dau-tu-asean-2016–dau-tu-nuoc-ngoai-va-lien-ket-cac-doanh-nghiep-sieu-nho-nho-va-vua.htm
[13] Phạm Thị Thanh Bình, Lê Tổ Nga: Hội nhập kinh tế quốc tế của các nước ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Cộng sản ngày 21/6/2010, tham khảo tại http://tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2010/1453/Hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-cua-cac-nuoc-ASEAN.aspx
[14]郑一省:东盟国家间领土边界争端的成因及影响【J】东南亚研究,2005年2月,第29页 (Đặng Nhất Tỉnh, Nguyên nhân và những ảnh hưởng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, tháng 2 năm 2005, trang 29).
[15] TS Trần Công Trục: Tranh chấp nổi lên trên vịnh Thái Lan và vấn đề đường Brévié, đăng trên: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Tranh-chap-noi-len-tren-vinh-Thai-Lan-va-van-de-duong-Brevie-post160856.gd
[16] Nguyen Hong Thao, Joint Development in the Gulf of Thailand, IBRU Boundary and Security Bulletin, Autumn 1999.
[17] PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình: AEC với những thách thức trong hội nhập quốc tế, đăng trên Báo điện tử Cộng sản Việt Nam ngày 06/1/2016 .
[18] 于光胜:构建东南亚安全共同体:基础、障碍和路径,理论月刊,2016年三月170页 (Vu Quang Thắng, Xây dựng Cộng đồng An ninh Đông Nam Á: Cơ sở, trở ngại và lộ trình, Tạp chí Lý luận, tháng 3 năm 2016, trang 170).
[19] Desmond Ball. Arms and Affluence Military Acquisitions in the Asia -Pacific Region [J]. International Security,vol.18, issue 3, Winter 1993/94, P88-89
[20] 阿米塔·阿查亚.建构安全共同体:东盟与地区秩序, 王正毅等翻译.上海:上海人民出版社2004,192 (Amitav Acharya, Xây dựng cộng đồng an ninh: ASEAN và trật tự khu vực, Vương Chính Nghị dịch, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải ( 2004), trang 192).
[21] ThS Ngô Phương Anh: Chiến lược của một số “cường quốc” tại khu vực Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI và tác động đối với Việt Nam, đăng trên: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1807-chien-luoc-cua-mot-so-%E2%80%9Ccuong-quoc%E2%80%9D-tai-khu-vuc-dong-nam-a-nhung-nam-dau-the-ky-xxi-va-tac-dong-doi-voi-viet-nam.html ngày 06/1/2017
[22] 庞中英: 《东盟与东亚: 微妙的 “东亚地区主义”》 ,《太平洋学报》 ,2001 年第 2 期,第 36 页(Bàng Trung Anh, Đông Nam Á và Đông Á: Sự thú vị của Chủ nghĩa Khu vực Đông Á, Tạp chí Thái Bình Dương, số 2 năm 2001, trang 36).
[23] 韩爱勇, 东亚地区主义何以走向衰落?外交评论2015年第5期, 第73页(Hàn Ái Dũng, Chủ nghĩa Khu vực Đông Á có thể đi vào suy thoải? Bình luận Ngoại giao số 5 năm 2015, trang 73).
[24] 韩爱勇, 东亚地区主义何以走向衰落?外交评论2015年第5期, 第73页 (Hàn Ái Dũng, Chủ nghĩa Khu vực Đông Á có thể đi vào suy thoải? Bình luận Ngoại giao số 5 năm 2015, trang 73).
[25] http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-asean/4559-tai-sao-indonesia-co-vai-tro-quan-trong
[26] https://vtc.vn/quoc-gia-nao-co-gdp-binh-quan-dau-nguoi-cao-nhat-the-gioi-d221630.html
[27]参见郭平: 《徐本钦教授纵论东亚新地区主义》 , 载《东南亚》2006 年第 3 期, 第 35~ 39 页 (Tham khảo Quách Bình, Giáo sư Từ Bản Tiền bình luận về Chủ nghĩa mới ở Khu vực Đông Á, Tạp chí Đông Nam Á, số 3 năm 2006, trang 35-39).