Tác giả: Nguyễn Quang Dy
Giải mã đối đầu Mỹ-Trung: Xung đột giữa hai hệ thống
Đối đầu Mỹ-Trung không chỉ là chiến tranh thương mại, mà còn là xung đột giữa hai hệ thống chính trị và hai mô hình phát triển khác nhau. Cuộc chiến thương mại chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Trước đây, người Mỹ do ngộ nhận về Trung Quốc, nên đã theo đuổi chủ trương hợp tác suốt bốn thập niên. Người Trung Quốc cũng do ngộ nhận về Mỹ nên đã bị động và bất ngờ về cuộc chiến thương mại, nay đang leo thang trở thành một cuộc chiến tổng lực (chưa thấy điểm dừng). Chắc Bắc Kinh đang đau đầu tìm cách đối phó, sau khi đã cay đắng nhận ra rằng hệ thống tuyên truyền một chiều của họ (do thiếu phản biện) đã góp phần làm cho họ ngộ nhận và nhầm lẫn trong cách đánh giá về chính quyền Trump, làm vô hiệu hóa công tác nghiên cứu chiến lược. Theo Fox News, đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải tuy đã ở Washington 5 năm, nhưng phải thừa nhận là vẫn chưa hiểu Trump, “Chúng tôi không thực sự biết Mỹ muốn nhắm vào những ưu tiên nào…rất khó hiểu”.
Không phải chỉ người Trung Quốc không hiểu Trump, mà nhiều người Mỹ cũng không hiểu Trump thực sự muốn gì, định làm gì, và làm thế nào. Không phải chỉ vì Trump có tính khí thất thường và “vô chiêu” nên khó đoán, mà còn do người ta thường ngộ nhận và nhầm lẫn bởi hệ quy chiếu của chính mình. Thời nay, con người dễ sa vào “bẫy hậu sự thật”, vì “tin vịt” (fake news) và “thật giả lẫn lộn” (half- truth) dễ gây ngộ nhận và nhầm lẫn. Nhiều người hay sa vào tiểu tiết, chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, nên không thấy bức tranh lớn. Trong khi đó, ông Henry Kissinger (đã 95 tuổi) nhưng vẫn có nhận xét sắc sảo: “Donald Trump là một hiện tượng mà các nước khác chưa hề thấy và nay có thể trở thành một tổng thống đáng kể”.
Trong cuốn sách mới xuất bản “21 bài học cho thế kỷ 21”, sử gia Yuval Harari cho rằng thế kỷ 21 là kỷ nguyên “hậu sự thật” (post-truth). Tuy thông tin nằm trên đầu ngón tay, nhưng phải thực sự cố gắng mới tìm ra được sự thật. “Sự thật không nói chuyện với quyền lực” (Truth doesn’t speak to power). Người ta tưởng rằng lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng thì biết nhiều hơn người bình thường, hoặc họ biết nhiều sự thật hơn người khác. Nhưng thực tế không phải như vậy. Tại sao? Vì khi người ta càng có nhiều quyền lực thì những người xung quanh họ càng hạn chế chia sẻ thông tin quan trọng cho họ. Thay vào đó, những người xúm quanh lãnh đạo thường quan tâm hơn đến việc xu nịnh và tâng bốc, nên hạn chế khả năng nói ra điều gì đó không hợp khẩu vị lãnh đạo hoặc có thể bất lợi cho họ khi tiếp xúc. Vì vậy, nếu muốn tiếp cận sự thật thì hãy cố gắng tìm kiếm nó ở vòng ngoài (fringe) hơn là tại trung tâm (mainstream).
Đánh giá về Trump quả là khó. Dư luận Mỹ phân hóa cao độ, không chỉ giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa mà còn trong nội bộ đảng Cộng Hòa, thậm chí ngay trong Nhà Trắng (như trong cuốn sách mới của Bob Woodward). Không chỉ giới “tinh hoa” (establishment) mà giới báo chí cũng bị phân hóa. Gần đây, 350 tờ báo đã đồng loạt đăng xã luận lên án Trump chống lại tự do báo chí, gọi báo chí là “fake news” và “kẻ thù của nhân dân”. Trước đây, có nhiều người nói xấu Trump như một kẻ bất tài đáng ghét, nay nhiều người khen Trump như một thiên tài đáng khâm phục. Thực tế là từ khi Trump cầm quyền, kinh tế Mỹ đang tốt lên. Đó là do công của Trump hay do may mắn thì chưa rõ, nhưng Trump dám thách thức Trung Quốc (trước đây Obama không dám làm). Không những thế, Trump còn dám cùng lúc tiến hành “năm cuộc chiến lớn” (mà trước đây không tổng thống nào dám làm).
Trong một bài trang bìa của tạp chí The Diplomat nhan đề “chính sách của Trump tại Châu Á” (Trumping Asia), Abigail Grace đã tóm lược mấy đặc điểm của chính quyền Trump sau hai năm cầm quyền. Theo tác giả, Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và Chiến lược Quốc phòng (NDS) được bổ sung bởi báo cáo điều tra của Robert Lighthizer (Đại diện Thương mại). Những lời cáo buộc Trung Quốc đã gây sửng sốt dựa trên kết quả điều tra (theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974) về các công ty Mỹ bị ép phải chuyển giao công nghệ, là nền tảng chính sách để Mỹ khởi động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung vốn mang tính cấu trúc nay lại bị Tập Cận Bình làm trầm trọng thêm bởi chủ trương dựa vào kinh tế quốc doanh, mà không tiếp tục cải cách kinh tế và chính trị như một giải pháp về lâu dài…Trong khi đó, người ta không để ý đến một biến chuyển bất ngờ trong khu vực Đông Bắc Á đã giúp Mỹ có thêm không gian chiến lược, khi Chủ tịch Kim Jong Un (của Triều Tiên) và Tổng thống Moon Jae-in (của Hàn Quốc) xúc tiến đối thoại Liên Triều với một “quyết tâm không gì ngăn cản nổi”, và chính họ đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử tại bán đảo Triều Tiên.
Mỹ ngày càng chú trọng tăng cường các cơ chế tam giác và tứ giác tại khu vực, dựa trên nhận thức mới là “tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở” không thể thành công nếu chỉ có “một mình Mỹ”. Những sáng kiến hợp tác ba bên mới nổi lên gần đây như tam giác Mỹ-Nhật-Úc và tam giác Mỹ-Nhật-Ấn, đang giúp các nhân tố dân chủ tiềm năng nhất của khu vực đề xuất các đối sách để đối phó với sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc. Trump cũng tuyên bố sẽ đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Philippines và Việt Nam. Chiến lược “Indo-Pacific” của chính quyền Trump cũng bắt nguồn từ thực tế chiến lược đã thúc đẩy chính quyền Obama “xoay trục” sang Châu Á, chỉ khác ở chỗ nay muốn lôi kéo Ấn Độ hội nhập vào khuôn khổ khu vực, mà không có đòn bẩy kinh tế (như TPP). Mỹ cần hợp tác với các đối tác tiềm năng tại khu vực (như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore) làm nền tảng cho sự phát triển những nền kinh tế thị trường năng động.
Theo giáo sư Minxin Pei (Claremont McKenna College), trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung về thương mại và địa chính trị gia tăng, Trung Quốc đang tăng cường “ngoại giao quyến rũ” (Charm Offensive) với các nước khu vực. Tuy các nước láng giềng hoan nghênh thái độ mềm mỏng hơn của Bắc Kinh, họ không dễ bị lừa bởi các lời đường mật hay hay thỏa thuận thương mại ngọt ngào.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và trước triển vọng hòa giải liên Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thủ tướng Shinzo Abe đã gặp chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (25-27/10/2018). Hai bên đều có nhu cầu muốn “hạ nhiệt” quan hệ hai nước sau khủng hoảng Điếu Ngư, để mở ra “một chương mới” trong quan hệ Trung-Nhật. Tuy Trung Quốc muốn giảm căng thẳng trong quan hệ với Nhật để phòng xa (hedging) trước tình thế mới, nhưng Bắc Kinh rất khó lôi kéo được Tokyo trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nói cách khác, dù lập trường và lợi ích của Tokyo và Washington về Triều Tiên có khác nhau thì về cơ bản Tokyo vẫn cần Washington hơn là cần Bắc Kinh. Ngoài cải thiện quan hệ với Nhật, Trung Quốc cần cải thiện quan hệ với ASEAN. Trong dịp họp Thượng đỉnh ASEAN 2018 (Singapore, 12-15/11/2018), thủ tướng Lý Khắc Cường đã ký một hiệp định FTA (song phương) với Singapore. Sau cuộc họp Thượng đỉnh APEC 2018 (Port Moresby, 15-18/11/2018) chủ tịch Tập Cận Bình đã đi thăm Philippines (20-21/11/2018), trong chiến dịch “ngoại giao quyến rũ”.
Tuy chiến dịch này không có gì mới, nhưng thời điểm hiện nay đáng chú ý khi Mỹ điều chỉnh chiến lược, từ hợp tác (engagement) suốt bốn thập niên qua, nay chuyển sang đối đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc đang trỗi dậy. Vì vậy, thái độ mềm mỏng hơn của Trung Quốc phản ánh sự thay đổi tình thế trong bức tranh địa chiến lược khu vực, chứ không phải Bắc Kinh thật lòng hay thay đổi mục tiêu chính. Gần đây bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh được lệnh hạ bớt giọng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, để tránh làm mất lòng các nước láng giềng, không chỉ đối với Nhật, Hàn Quốc, (chủ yếu vì lý do thương mại), mà còn đối với Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam (vì cả lý do địa chính trị, liên quan đến Biển Đông). Trung Quốc buộc phải tạm kiềm chế tham vọng bành trướng lãnh thổ, trước mắt không vội quân sự hóa và biến Scarborough Shoal (đã chiếm của Philippines năm 2012) thành một đảo nhân tạo mới.
Trong khi đa số các nước khu vực hoan nghênh và phản ứng tích cực với chiến dịch lấy lòng của Trung Quốc, điều đó không có nghĩa Trung Quốc giành được thêm đồng minh trong cuộc chiến thương mại và đối đầu Mỹ-Trung hiện nay. Tuy hầu hết các nước châu Á không muốn sống trong cái bóng của bá quyền Trung Quốc, nhưng họ không muốn phải chọn một bên. Nỗi ám ảnh đó từ lâu là xương sống của kiến trúc an ninh Đông Á của Mỹ, dựa trên quan hệ đồng minh và triển khai lực lượng của Mỹ tại khu vực để đối trọng với Trung Quốc. Nếu xảy ra xung đột Mỹ-Trung (triển vọng này ngày càng cao) thì hầu hết các nước khu vực (như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Việt Nam) chắc sẽ ủng hộ Mỹ chứ không phải Trung Quốc.
Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn lấy lòng các nước khu vực, họ phải nhân nhượng nhiều hơn về các vấn đề an ninh, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ. Ví dụ, muốn thuyết phục được Nhật rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa, thì Bắc Kinh phải giải quyết thỏa đáng tranh chấp đảo Điếu Ngư. Cũng như vậy, muốn làm các nước láng giềng ASEAN hết lo ngại, Bắc Kinh phải chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Nhưng thực tế không có khả năng Tập Cận Bình chịu bỏ mục tiêu “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại”, nên càng không có khả năng Bắc Kinh sẽ chấp nhận những nhân nhượng như trên. Vì vậy, chừng nào Trung Quốc chỉ mềm dẻo về chiến thuật, thì họ chỉ đạt được mục tiêu chiến thuật.
Tiến thoái lưỡng nan: Bốn cái bẫy lớn
Theo Andrew Sheng và Xiao Geng trong bài phân tích trên Project Syndicate (26/11/2018), Trung Quốc đang đứng trước bốn cái bẫy lớn. Thứ nhất là cái bẫy thu nhập trung bình (middle-income trap). Hiện nay mức thu nhập trên đầu người của người Trung Quốc là khoảng $9.000/năm, còn quá thấp so với ngưỡng thu nhập cao trên $12.000-$13.000. Muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải thay đổi thể chế. Thứ hai là bẫy Thucydides (Thucydides Trap, theo Graham Allison), vì đối đầu Mỹ-Trung đang xô đẩy Mỹ (siêu cường cũ) và Trung Quốc (siêu cường mới) vào một cuộc chiến khó tránh khỏi vì lo sợ bị thay thế vị trí đứng đầu. Thứ ba là bẫy Kindleberger (theo Joseph Nye), vì Trung Quốc có thể sa vào tình huống khủng hoảng của thập niên 1930 khi trật tự thế giới đổ vỡ. Thứ tư là bẫy biến đổi khí hậu, vì Trung Quốc phát triển quá nóng, nay lãnh đạo Trung Quốc phải có chính sách hợp tác quốc tế để đối phó với những thực tế mới. Để tránh được bốn cái bẫy này là rất khó (hầu như là bất khả thi), nếu Trung Quốc không thay đổi thể chế.
Vấn đề đối nội của Trung Quốc hiện nay là về cơ cấu và thể chế (structural) chứ không phải về vận hành (operational). Mọi giải pháp chiến thuật (tactical) để đối phó như hoãn binh nhằm tồn tại hoặc phát triển tiếp như trước đây không còn khả thi nữa. Thứ nhất, nó đã vượt qua giới hạn mà quy luật cho phép. Thứ hai, nó không còn được người dân (bên trong) đồng tình như trước vì nhu cầu phát triển. Thứ ba, nó không còn được Mỹ và phương Tây (bên ngoài) hỗ trợ như trước vì lợi ích và ngộ nhận, mà ngược lại còn đang đối đầu. Chính vì vậy, vấn đề đối ngoại hiện nay của Trung Quốc (đang đối đầu với Mỹ và phương Tây) cũng là về cơ cấu và thể chế (structural) giữa hai hệ thống chính trị và hai mô hình phát triển khác nhau, chứ không phải về vận hành (operational). Mọi giải pháp chiến thuật để đối phó và hoãn binh nhằm giải tỏa tạm thời căng thẳng không giải quyết được vấn đề. Nó giống như hai chiếc xe tải chở đầy trứng đang lao vào nhau vì sức hút của “bẫy Thucydides”. Nếu người ta chỉ lo cứu trứng khỏi vỡ mà không thay người lái và đổi hướng xe chạy thì cũng vô vọng.
Trong khi đó, nội bộ Trung Quốc đang có những dấu hiệu bất ổn, như tiến thoái lưỡng nan. Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc đã khẳng định một hiện tượng mới là Trung Quốc đang trở về quá khứ, tuy phát triển công nghệ cho tương lai. Bắc Kinh không chỉ tăng cường trấn áp bằng sức mạnh cứng (như trước), mà còn đang triển khai hệ thống kiểm soát bằng sức mạnh mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), vào “hệ thống cho điểm xã hội” (social credit system). Xu hướng này đang tăng lên, có thể do Bắc Kinh chưa phải trả giá về đối ngoại nên không lo ngại. Thậm chí Bắc Kinh còn tự tin cho rằng Trung Quốc đã trỗi dậy và giàu có với vị thế quốc tế như hiện nay, họ có thể vô hiệu hóa được sự phản đối, và nhân rộng “mô hình XHCN đặc sắc Trung Quốc” ra khắp thế giới, bao gồm cả “chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số” (digital authoritarianism). Tư duy này càng làm xu hướng độc tài thêm cứng rắn.
Theo các nguồn tin Trung Quốc, giáo sư Trương Duy Nghinh (Zhang Weiying), Đại học Bắc Kinh, được giải Nobel kinh tế, đã đăng bài tiểu luận trên trang mạng của trường (14/10/2018), làm chấn động dư luận. Trong bài đó, ông đả kích “mô hình XHCN đặc sắc Trung Quốc” là “một tai họa cho đất nước”. Trước đó, Đặng Phác Phương (Deng Pufang), con trai ông Đặng Tiểu Bình, cũng nói ngược lại với chính sách đối ngoại và quốc phòng đầy tham vọng của Bắc Kinh. Bài này được đăng trên trang mạng của Hội Khuyết tật (16/9/2018), trong đó ông Phương nhấn mạnh phải “tìm sự thật trong thực tiễn”, “giữ cái đầu tỉnh táo” và “biết vị trí của mình”. Ông khuyên không nên quá kiêu ngạo đi ngược lại, mà phải khiêm tốn học hỏi theo tôn chỉ “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Ông Phương có mối liên hệ chặt chẽ với giới “con ông cháu cha”, và có tầm ảnh hưởng lớn trong giới tinh hoa Trung Quôc.
Quan hệ của Trung Quốc với các nước khu vực ngày càng bất ổn, dẫn đến phản ứng ngược lại (backlash) mà gần đây Malaysia là một ví dụ điển hình. Theo các chuyên gia quốc tế, Bắc Kinh đã áp dụng một chiến lược “tự chuốc lấy thất bại” (self-defeating) làm mất lòng các nước láng giềng và hủy hoại hình ảnh mà họ đã mất công xây dựng bằng “tấn công quyến rũ”. Nhiều nước khu vực ngày càng lo ngại sức mạnh của Trung Quốc, mà thủ tướng Mahathir gọi là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”, với chính sách “bẫy nợ”. Bắc Kinh có thể bị cô lập về chiến lược tại khu vực, nếu họ coi nhẹ hậu quả do phản ứng của các nước khu vực làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Bắc Kinh cần hiểu rằng việc họ áp dụng chính sách cưỡng bức và thâu tóm (coercive and predatory policy) sẽ kích hoạt các nước khu vực phản ứng ngược lại. Có thể Bắc Kinh tin rằng “ASEAN cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần ASEAN”, và tưởng rằng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ củng cố quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á, đang trở thành “gót chân Asin” của Trung Quốc tại khu vực.
Vị trí của Việt Nam trên bàn cờ Trung – Mỹ
Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng vì là láng giềng của Trung Quốc và cửa ngõ án ngữ con đường họ bành trướng xuống phía Nam. Vị trí đó vừa có lợi thế sống còn (critical asset) vừa có thể là huyệt đạo xung yếu (vulnerable liability) cả về kinh tế và địa chính trị. Vì vậy, muốn giữ độc lập và chủ quyền, Việt Nam (cũng như một số nước ASEAN) trước mắt tuy vẫn phải chơi cờ thế (hedging), nhưng không nên làm “tiền đồn” cho các nước khác (dù Liên Xô hay Mỹ) chống Trung Quốc, cũng không được “hậu thuẫn” giúp Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á. Trong bối cảnh bàn cờ nước lớn đang chuyển biến nhanh chóng, rất phức tạp và khó lường, các chủ trương nhạy cảm (dù đã đề ra trước đó) như luật “ba đặc khu”, luật “an ninh mạng”, và thông tư 19 về sử dụng nhân dân tệ, càng dễ gây tranh cãi và lợi bất cập hại. Trong bối cảnh mới, cái giá phải trả cho sự ngộ nhận và nhầm lẫn về chiến lược có thể khó lường.
Trong bàn cờ chiến lược mới, Mỹ coi Việt Nam là “một đối tác chính ở khu vực” (a key regional partner). Gần đây, quan hệ an ninh Mỹ-Việt được tăng cường với trao đổi chính thức ở cấp cao, cũng như giao lưu hải quân, khi tàu sân bay Carl Vinson đến Đà Nẵng (3/2018). Tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và các đối tác khác là cần thiết để Việt Nam cân bằng bàn cờ chiến lược Biển Đông. Tuy Việt Nam chưa bao giờ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc về kinh tế và an ninh (từ sau Chiến tranh Lạnh), nhưng đối đầu Mỹ-Trung đang làm đảo lộn thế cân bằng mà Việt Nam đã cố duy trì, buộc phải điều chỉnh và lựa chọn giữa gắn bó với Trung Quốc hay tăng cường hợp tác với Mỹ để đối phó với nước láng giềng khổng lồ.
Đây là lúc Việt Nam cần khôn ngoan đối phó với tình thế mới bằng cải cách thể chế (vòng hai), chuyển đổi nền kinh tế hiện nay thành kinh tế thị trường hoàn toàn để phát triển (và được thế giới thừa nhận). Về đối ngoại, đây là thời cơ để Việt Nam chủ động tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác lớn trong “Tứ cường” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, và các nước khác trong và ngoài khu vực, nhằm “tái cân bằng chiến lược” (với tầm nhìn Indo-Pacific). Trong khi Việt Nam triển khai thực hiện CPTPP và thúc đẩy thỏa thuận EVFTA, phải chủ động (cùng Nhật) vận động Washington quay lại “TPP 12”. Đó là những cơ hội và thách thức lớn trước chuyến thăm Mỹ sắp tới (theo dự kiến) của TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng. Hy vọng 2019 sẽ là năm bản lề cho những “đột phá chiến lược” về đối ngoại cũng như đối nội.
Tính đến 9/2018, Việt Nam có 16 đối tác chiến lược, trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện (comprehensive strategic partnership), và 12 đối tác toàn diện (trong đó có Mỹ). Tuy gần đây hợp tác Mỹ-Việt đã mở rộng sang cả an ninh-quốc phòng, với tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, nhưng hợp tác chiến lược Mỹ-Việt vẫn nhạy cảm, dễ bị Trung Quốc hiểu nhầm là nhằm chống lại họ, trong khi Việt Nam chỉ nhằm tự vệ và bảo vệ chủ quyền, dựa trên luật pháp quốc tế (như Luật Biển UNCLOS và phán quyết PCA). Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước trong “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, cũng như với các đối tác chiến lược khác, trong khuôn khổ “một nhóm nước cùng nguyện vọng” (a coalition of the willing).
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước các nguy cơ và cơ hội mới. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện được nguy hay cơ, và khôn ngoan “biến nguy thành cơ”. Hiện nay kinh tế Việt Nam vẫn có mấy rủi ro lớn: Một là quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu; Hai là nhập siêu quá lớn (nhất là với Trung Quốc); Ba là quá lệ thuộc vào đầu tư FDI như “bẫy gia công” (chiếm tới 50% tổng sản lượng và 70% hàng xuất khẩu); Bốn là bội chi ngân sách quá cao (tới 6% Tổng sản lượng); Năm là vay mượn quá nhiều (mắc vào “bẫy nợ công”).
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/9/2018), hiện nay Việt Nam nợ Trung Quốc khoảng $6 tỷ (trong tổng số nợ nước ngoài khoảng $100 tỷ). Đây là một phần của “bẫy nợ” mà Việt Nam đang đau đầu đối phó. Tuy Việt Nam nợ Trung Quốc chưa lớn bằng một số nước khác, nhưng đang tạo ra sức ép lớn trong bức tranh tài khóa hiện nay. Gần đây, Trung Quốc tăng cường thúc ép Việt Nam “gác tranh chấp để cùng khai thác” dầu khí tại Biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố tại Sài Gòn (16/9/2018) “Cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển là hợp tác khai thác trên biển”. Đó là một cạm bẫy mà Philippines và Việt Nam cần phải cảnh giác để phòng tránh (như bài học đắt giá của Malaysia).
(Còn tiếp)