Vũ khí siêu thanh là gì?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:What are hypersonic weapons?”, The Economist, 03/01/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Vào ngày 26/12/2018, một cửa hầm tại căn cứ tên lửa Dombarovskiy ở dãy núi Ural mở ra và từ đó một quả tên lửa được phóng lên bầu trời Nga. Nhưng đầu đạn tên lửa không bay ngược xuống trái đất theo hình vòng cung rõ ràng, có thể dự đoán được. Thay vào đó, một thiết bị tái nhập (re-entry vehicle) tách ra khỏi tên lửa và tự hành ngang qua bầu trời với tốc độ khổng lồ và lao vào một mục tiêu ở Kamchatka, cách đó vài ngàn dặm. Tổng thống Vladimir Putin gọi cuộc thử nghiệm tên lửa Avangard, một vũ khí siêu thanh (supersonic) với quỹ đạo dạng tàu lượn (boost-glide), là một món quà năm mới hoàn hảo dành cho đất nước. Cuộc thử nghiệm của Nga làm nổi bật giai đoạn đầu của những gì có thể trở thành một cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, khi cả ba nước chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới của những quả tên lửa nhanh hơn, thông minh hơn và linh hoạt hơn. Vũ khí siêu thanh là gì và chúng sẽ thay đổi bản chất của chiến tranh như thế nào?

Vũ khí siêu thanh là những vũ khí có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh hơn năm lần, hoặc khoảng 1,6 km mỗi giây. Chúng có hai loại. Loại tên lửa hành trình siêu thanh được cung cấp động lực bởi tên lửa hoặc máy bay phản lực trong suốt hành trình bay. Chúng đơn giản là phiên bản nhanh hơn của các tên lửa hành trình hiện có, như Tomahawk chẳng hạn. Còn tên lửa siêu thanh dạng boost-glide lại khác. Chúng được phóng lên bầu khí quyển phía trên như bình thường bởi các tên lửa đạn đạo hiện có, nhưng sau đó các phương tiện lượn siêu thanh (hypersonic glide vehicle – HGV) được tách ra và bay thấp hơn, nhanh hơn hướng tới mục tiêu theo một cách nhanh hơn và khó đoán hơn nhiều so với các phương tiện tái nhập cũ.

Mặc dù một số loại như Avangard có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhưng những loại khác có thể sử dụng tốc độ và độ chính xác cao để tiêu diệt các mục tiêu chỉ bằng động năng mà chúng tác động. Với tốc độ gấp mười lần tốc độ âm thanh, một kilogram của bất cứ thứ gì cũng có thể tạo ra lực tác động lớn hơn nhiều so với việc kích nổ một kilogram TNT. Tên lửa đạn đạo hiện nay rất nhanh nhưng khó có thể điều khiển được; còn tên lửa hành trình hiện rất dễ điều khiển, nhưng lại không nhanh bằng tên lửa đạn đạo. Tên lửa hành trình siêu thanh và các HGV mang tính mới mẻ vì chúng kết hợp cả hai đặc tính trên.

Cuộc thử nghiệm tên lửa Avangard của Nga, sau vụ thử một tên lửa siêu thanh khác vào tháng 3 năm 2018, có khả năng sẽ kích động các đối thủ của Nga. Trung Quốc đã thử nghiệm các nguyên mẫu của mình trong nhiều năm. Mỹ đã tăng gấp đôi ngân sách cho các loại tên lửa siêu thanh trong năm 2019, dựa trên một sáng kiến ​​trước đó được gọi là “kế hoạch tấn công toàn cầu nhanh thông thường”, với mục đích cho phép Mỹ tấn công bất cứ nơi nào trên Trái đất trong vòng một giờ. Mỹ hy vọng sẽ chế tạo được những vũ khí đầu tiên trong giai đoạn 2020-2025 và sẽ sản xuất hàng loạt sau đó. Pháp, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đều đang nghiên cứu các công nghệ siêu thanh của riêng mình.

Tên lửa siêu thanh được chế tạo với số lượng lớn có thể đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa. Đường đi của HGV ở độ cao thấp kết hợp với độ cong của bề mặt Trái đất giúp chúng khó bị radar phát hiện. Tốc độ của chúng khiến đối thủ có ít thời gian hơn trong việc phản ứng. Và khả năng cơ động của chúng cũng khiến chúng khó bị đánh chặn hơn. Các hệ thống đánh chặn như Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, vốn giúp bảo vệ các vị trí cố định khỏi các tên lửa, có thể vẫn hiệu quả. Nhưng quỹ đạo không thể đoán trước của HGV trong phần lớn hành trình của chúng cho phép chúng đe dọa một khu vực rộng lớn, thậm chí chuyển đổi mục tiêu giữa chừng.

Một quan chức người Pháp cho biết rằng loại tên lửa này sẽ “thay đổi hoàn toàn cán cân giữa tấn công và phòng thủ”. Một tên lửa di chuyển qua quãng đường 1.000km với tốc độ gấp mười lần tốc độ âm thanh sẽ khiến thời gian phản ứng của phía phòng thủ xuống chỉ còn sáu phút, theo một nghiên cứu của RAND. Từ thời điểm người ta biết được mục tiêu tấn công đến thời điểm xảy ra tác động có thể chỉ tính bằng giây. Điều đó có thể buộc các nhà lãnh đạo phải giao quyền kiểm soát các loại vũ khí cho các chỉ huy quân sự, hoặc cho phép các chỉ huy này phát lệnh tấn công hoặc đưa ra cảnh báo về các cuộc tấn công. Và vì HGV rất khó bị phát hiện nên một số lượng lớn các vệ tinh tầm thấp hơn sẽ phải được triển khai, và bản thân các vệ tinh này cũng sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng trong trường hợp xảy ra chiến tranh.