Tác giả: Nguyễn Thị Linh
Chủ nghĩa dân tộc là một hệ tư tưởng, tình cảm, một hình thức văn hóa hoặc tư duy tập thể của quốc gia, dân tộc. Theo Stephen Walt, trong suốt hai thế kỷ qua, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một trong những động lực chính trị và xã hội quan trọng nhất trong lịch sử.[1] Sự truyền bá rộng rãi của tư tưởng dân tộc góp phần làm tan rã các đế chế ở châu Âu trong thời kỳ cận đại và từng bước hình thành hệ thống quốc gia – dân tộc. Trong thế kỷ 20, phong trào chống thực dân hoá dẫn đến sự ra đời của các quốc gia – dân tộc bên ngoài châu Âu. Khi mới thành lập năm 1945, Liên hợp quốc chỉ có 51 thành viên. Đến nay, tổ chức này đã có hơn 200 thành viên, trong đó có rất nhiều quốc gia mới giành được độc lập sau năm 1945. Tuy là trạng thái tâm lý, tình cảm trừu tượng nhưng chủ nghĩa dân tộc tạo ra sự kết nối to lớn và chuyển hoá thành sức mạnh thực tế. Đây là lý do chính người Palestine kiên trì theo đuổi lý tưởng về một quốc gia độc lập hay động lực giúp người Việt Nam không lùi bước trước những cỗ máy chiến tranh hùng mạnh nhất thế giới để giành lại độc lập và thống nhất dân tộc.
Sau một thời kỳ lắng xuống, chủ nghĩa dân tộc có chiều hướng gia tăng ở khu vực xung quanh Biển Đông trong thập kỷ trở lại đây, tương ứng với tình hình căng thẳng leo thang liên quan đến tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển ở khu vực. Ở nhiều nước đã xuất hiện các cuộc biểu tình, tuần hành quy mô lớn, thậm chí tình trạng bạo lực, mất trật tự trị an xảy ra tại một số địa phương. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc được thể hiện trong các cuộc khủng hoảng như vụ sứ quán Trung Quốc tại Belgrade bị ném bom (5/1999), vụ va chạm máy bay EP3 giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông (4/2001), các cuộc biểu tình, phản đối các chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản đến đền Yasukuni… Một số quan điểm cho rằng chính sách quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông và các vùng biển lân cận khác là do chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy, đặc biệt là sự phổ biến các quan điểm cực đoan trên Internet và mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chủ nghĩa dân tộc chỉ là một công cụ Trung Quốc sử dụng để thị uy sức mạnh, thể hiện tính không khoan nhượng, qua đó gây sức ép lên các bên yêu sách khác và các cường quốc bên ngoài. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu mối tương quan và tác động qua lại giữa chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại Trung Quốc, đặc biệt là với các khu vực lãnh thổ được coi là tranh chấp là vô cùng cần thiết.
Nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc
Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có nguồn gốc phức tạp, gồm nhiều khía cạnh khác nhau, thậm chí tương phản tùy theo đối tượng thể hiện và mục tiêu chính trị bên trong. Các nhà phân tích phân loại chủ nghĩa dân tộc theo: i) chủ nghĩa dân tộc theo sắc tộc, ii) chủ nghĩa dân tộc tự do (gồm ý thức hệ), iii) chủ nghĩa dân tộc nhà nước (hay chủ nghĩa dân tộc chính trị), iv) chủ nghĩa dân tộc ngoại giao, lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, dân túy và v) chủ nghĩa dân tộc chiến lược (phản ứng của Trung Quốc trong trật tự toàn cầu).[2] Tuy đa dạng như vậy nhưng nhìn chung chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc thường được chia thành hai cách tiếp cận chính là từ trên xuống (top – down) hay chủ nghĩa dân tộc nhà nước và từ dưới lên (bottom – up). Theo đó, hai lực lượng cạnh tranh định hình chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là giới tinh hoa tư tưởng, lãnh đạo chính trị và các lực lượng xã hội dân túy, quần chúng nhân dân.
Các nhà phân tích phương Tây có xu hướng coi chủ nghĩa dân tộc ở châu Á nói chung và ở Trung Quốc nói riêng là một hiện tượng tương đối mới. Theo Benedict Anderson, dân tộc là “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community) trong đó các phương tiện truyền thông đại chúng, bắt đầu từ báo giấy, tạo thành các mối liên kết ngang giữa quần chúng nhân dân.[3] Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Trung Quốc là hệ quả của chiến dịch tuyên truyền có định hướng của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản nhằm củng cố tính chính danh của chế độ hay tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán ngoại giao. Một hình thức tiêu biểu cho thấy chủ nghĩa dân tộc là sản phẩm của nhà nước và giới tinh hoa là việc “sử dụng lịch sử phục vụ mục tiêu hiện tại”. Sau năm 1990, chủ nghĩa dân tộc ngày càng trở nên quan trọng với lãnh đạo Trung Quốc để duy trì quyền lực nhà nước khi nền tảng ý thức hệ dần xói mòn. Giới lãnh đạo Trung Quốc vận dụng Nho Giáo để tuyên truyền về nền tảng tư tưởng chính trị, nhắc đến “quá khứ đen tối” (bách niên quốc sỉ) của Trung Quốc dưới chế độ quản trị phương Tây và ách thống trị của Nhật Bản. Đồng thời họ cũng đề cao vai trò dẫn dắt của Đảng Cộng sản trong công cuộc giải phóng quốc gia khỏi tay đế quốc và phục hưng dân tộc.
Khác với quan điểm của các nhà phân tích phương Tây, chuyên gia Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa dân tộc của nước này xuất phát từ dưới lên, là nhu cầu thực chất của người dân. Do đó, chủ nghĩa dân tộc có khả năng hạn chế đáng kể tính tự trị về mặt chính sách của giới lãnh đạo. Trên thực tế, một số nghiên cứu của phương Tây cũng chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc không có khả năng thâu tóm hay thao túng hoàn toàn chính trị bản sắc (identity politics). Nguyên nhân là sự xuất hiện của nhiều nhân tố có khả năng hạn chế ảnh hưởng của giới cầm quyền. Các nhân tố này xuất hiện khi chủ nghĩa dân tộc bùng phát từ các vấn đề xã hội nhức nhối (ví dụ: tham nhũng, bất công, bất bình đẳng…), thúc đẩy người dân thể hiện quan điểm của họ về chính sách đối ngoại. Tiếp đến, đa dạng sắc tộc cũng là một nhân tố khiến nỗ lực kiểm soát và điều khiến dư luận của chính phủ trở nên khó khăn hơn.
Chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại
Sự tương tác qua lại giữa chủ nghĩa dân tộc và các chủ trương đối ngoại luôn là vấn đề gây tranh cãi lâu nay trong giới chuyên gia về Trung Quốc. Câu hỏi đó là liệu các cuộc biểu tình mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc đối với các vấn đề đối ngoại là do chính phủ nuôi dưỡng, khuyến khích hay đó là những hiện tượng mang tính bột phát, chủ yếu là thể hiện quan điểm của đại đa số quần chúng với các diễn biến đối ngoại? Trong bối cảnh chủ nghĩa quốc tế vô sản, chủ nghĩa dân tộc bị xói mòn, chủ nghĩa dân tộc được coi là hệ tư tưởng (ideology) quan trọng có ảnh hưởng đến quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Trung Quốc.[4]
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại thực sự phức tạp với nhiều cấp độ phân tích từ dư luận, mối quan hệ giữa quần chúng và chính quyền và tính toán của giới hoạch định chính sách về lợi ích quốc gia – dân tộc. Theo chiều thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc được coi là một biến độc lập định hình, thúc đẩy chính sách đối ngoại. Ở góc độ này, chính quyền Trung Quốc buộc phải hành động theo ý chí của người dân. Theo chiều thứ hai, chủ nghĩa dân tộc là kết quả của chính sách đối ngoại, hay cách thức chính phủ Trung Quốc ứng xử với các hành vi được coi là xâm phạm lợi ích và xúc phạm Trung Quốc. Dù ở góc độ nào, mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại được cho là có tính tương tác (interactive), thúc đẩy lẫn nhau.[5]
Đối với câu hỏi gây tranh cãi nói trên, một số nghiên cứu nghiêng về khả năng chính phủ Trung Quốc có thể định hình và khai thác chủ nghĩa dân tộc nhằm phục vụ các mục tiêu đối ngoại. Giả định này được đưa ra trên cơ sở Trung Quốc kiểm soát được báo chí, truyền thông, và trên thực tế có thể chuyển hướng hoặc kiềm chế các trào lưu chủ nghĩa dân tộc khá nhanh khi tình hình thay đổi. Điển hình là các trường hợp biểu tình phản đối sự kiện Mỹ ném bom Đại sứ quán của Trung Quốc tại Belgrade, làn sóng phản đối lãnh đạo Nhật Bản thăm đền Yasukuni. Lập luận cho rằng chính phủ Trung Quốc buộc phải “cưỡi lên lưng cọp” tức chủ nghĩa dân tộc tỏ ra không đứng vững.[6] Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc cũng ý thức đầy đủ rằng chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi.Một khi bùng nổ, tính bài ngoại của chủ nghĩa dân tộc có thể gây ra hệ quả nghiêm trọng, khiến chính phủ phải đối mặt với cả thách thức trong nước và quốc tế như trường hợp biểu tình, đập phá liên quan đến tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2010 và 2012. Trước đó,trong trường hợp cuộc khủng hoảng Senkaku/Điếu Ngư năm 1990 và 1996, Trung Quốc đã phải quyết định kiềm chế tâm lý dân tộc trong vấn đề lãnh thổ để tối đa hóa cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế vì mục tiêu phát triển.
Chủ nghĩa dân tộc và chính sách Biển Đông của Trung Quốc: “Cưỡi lên lưng hổ” hay ra roi để doạ hổ?
Đối với các tranh chấp trên biển, nhiều bằng chứng cho thấy chủ nghĩa dân tộc có thể không phải là động lực quan trọng thúc đẩy chính sách quyết đoán của Trung Quốc trong những năm qua. Một số nhân tố khác cũng có thể đóng vai trò định hình chính sách biển của Trung Quốc như: i) nhu cầu về tài nguyên, năng lượng và nguồn cá, ii) tính toán địa chiến lược của lãnh đạo Trung Quốc, iii) lợi ích nhóm của lực lượng quân đội, chấp pháp cũng như các địa phương; iv) mối đe doạ từ các cường quốc biển phương Tây; viii) sự tự tin của Trung Quốc tăng lên khi năng lực hải quân của nước này ngày càng lớn mạnh.[7]
Đáng chú ý, tại buổi tọa đàm tại Học viện Ngoại giao, TS. Andrew Chubb (Đại học Columbia, Mỹ) cung cấp thêm luận chứng về việc chính phủ Trung Quốc dần nhận ra dư luận và chủ nghĩa dân tộc có thể là công cụ răn đe hiệu quả để ngăn chặn các quốc gia khác thách thức ý chí của Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông. TS. Chubb giới thiệu khái niệm “răn đe qua quần chúng” (grassroot deterrence) để nhấn mạnh mối tương tác giữa quốc gia và xã hội trong đó chính phủ chủ động sử dụng chủ nghĩa dân tộc và dư luận như là một công cụ chính sách. Nói cách khác, người dân thay vì là đối tượng ảnh hưởng đến chính sách lại trở thành đối tượng bị kiểm soát và điều khiển thông qua truyền thông đại chúng và mạng Internet. Trung Quốc không phải cưỡi lên lưng hổ mà có khả năng điều khiển được “con hổ dư luận”.
Chính sách “răn đe qua dư luận” không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả từ quá trình đúc rút thực tiễn 10 năm triển khai chính sách tại Biển Đông. Trước năm 2009, không tồn tại mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa chính sách và dư luận về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc không công khai thông tin về các kế hoạch trên biển và cũng chưa ý thức được mức độ ảnh hưởng của các hoạt động này đối với dư luận. Trong giai đoạn 2009 – 2011, sự tương tác giữa chủ nghĩa dân tộc và chính sách diễn biến phức tạp hơn trong đó chính sách quyết đoán của Trung Quốc phần nào thúc đẩy tâm lý dân tộc nhưng không có dấu hiệu chính quyền Trung Quốc chủ động kích động dư luận.
Từ năm 2011 đến nay, tuy chưa thực sự phổ biến nhưng Trung Quốc dần học cách điều khiển dư luận phục vụ các hoạt động đối ngoại. Theo TS. Chubb, dư luận Trung Quốc quan tâm hơn tới các diễn biến trên biển khi chính phủ Trung Quốc (người phát ngôn Bộ Ngoại giao) trả lời báo chí nước ngoài về các vấn đề liên quan. Theo đó, lãnh đạo Trung Quốc phải cân nhắc mức độ thông tin và tuyên truyền để tạo hiệu ứng cần thiết cho các hoạt động ngoại giao.
Khủng hoảng Scarborough năm 2012 được coi là trường hợp nghiên cứu điển hình minh hoạ phương thức Trung Quốc sử dụng dư luận để gây sức ép lên Philippines, một đồng minh của Mỹ. Trung Quốc bắt đầu gây áp lực bằng các biện pháp trừng phạt ngầm. Tuy nhiên, dư luận nóng lên với việc chính quyền Trung Quốc từng bước leo thang đe doạ: (i) Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đưa ra tuyên bố “chuẩn bị mọi khả năng” để đối phó với các bước đi tiếp theo của Philippines; (ii) Thời báo Hoàn cầu xuất bản bài báo với tiêu đề “Hoà bình là phép màu nếu các hoạt động khiêu khích tiếp tục”; (iii) các dư luận viên đăng nhiều bình luận có tính kích động; (iv) phát ngôn viên PLA đưa ra các bình luận cứng rắn, truyền tải ngầm các thông điệp có tính đe dọa và thể hiện ý chí của dư luận. Khi Philippines xuống thang, Trung Quốc chủ động chuyển hướng hoàn toàn dòng dư luận. Thời báo Hoàn cầu có bài đăng cho rằng vấn đề Scarborough không còn đáng lo ngại.
Ngược lại, trong vụ HD981 năm 2014, Trung Quốc lại hạn chế sử dụng dư luận chống lại Việt Nam. TS. Andrew Chubb nhận định sự phản kháng mạnh mẽ của người dân Việt Nam có thể đã khiến Trung Quốc lo sợ tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Tâm lý dân tộc rất mạnh ở Việt Nam tạo hiệu ứng răn đe đáng kể đối với các hành vi được coi là xâm phạm Việt Nam. Một số nhà phân tích cũng cho rằng Trung Quốc nhận ra các hành động ngày càng hung hăng trong vụ HD-981 khiến nước này phải trả giá ngoại giao quá cao. Theo đó, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang hình thức khẳng định yêu sách lãnh thổ ít tạo ra các phản ứng cực đoan hơn như bồi đắp và xây dựng công trình trên các thực thể tranh chấp gần Philippines.[8] Sự chuyển đổi về mặt chiến thuật này tỏ ra hiệu quả. Dù phản đối hoạt động bồi đắp của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn, hoạt động này không leo thang tới mức biểu tình bạo lực. Hai trường hợp điển hình trên cho thấy, chính phủ Trung Quốc có cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng kỹ việc sử dụng, định hướng dư luận để phục vụ mục tiêu đối ngoại chứ không bị thúc đẩy bởi dư luận, quần chúng.
Chính sách sử dụng dư luận của Trung Quốc được ví như hoạt động “điều tiết dòng nước từ đập thuỷ điện”. Chính phủ Trung Quốc có thể mở van cho phép dòng dư luận chảy đến một vấn đề cụ thể nhưng cũng có thể khoá van để giảm sự chú ý của nhân dân khi đã đạt được mục tiêu. Ba kênhchính Trung Quốc sử dụng để điều tiết dư luận gồm: (i) sử dụng các kênh thông tin chính thức như người phát ngôn của Bộ Ngoại giao để kích thích sự quan tâm đối với một vấn đề cụ thể; (ii) sử dụng kênh truyền thông bán chính thức cổ vũ các quan điểm cứng rắn (hard-line commentators), ví dụ rõ nhất là Thời báo Hoàn cầu; và (iii) sử dụng đội ngũ dư luận viên trên mạng và quản lý các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Có thể thấy, các kênh Trung Quốc huy động phần lớn thông qua sự hỗ trợ của Internet. Trên thực tế, Internet có tác động hai chiều với dư luận Trung Quốc. Một mặt, Internet làm suy yếu khả năng chính phủ Trung Quốc định hình sự diễn giải của công chúng về các sự kiện bên ngoài. Bởi lẽ quan điểm của công chúng dần trở nên độc lập hơn với sự hỗ trợ của Internet và các biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc không thể chặn đứng hoàn toàn dòng dư luận trong nước. Tuy vậy, mặt khác, chính phủ Trung Quốc vẫn có năng lực tác động mạnh mẽ, thậm chí quyết định mức độ quan tâm và phản ứng của dư luận bởi công chúng không được tiếp xúc trực tiếp với các sự kiện này mà phụ thuộc vào thông tin truyền thông. Trung Quốc được coi là một trong các quốc gia kiểm soát Internet chặt chẽ nhất.
“Bách niên quốc sỉ” và chủ nghĩa dân tộc hằn học
Theo TS. Andrew Chubb, sở dĩ Trung Quốc có thể huy động dư luận để gây sức ép trong tranh chấp Biển Đông phần lớn là do chủ nghĩa dân tộc về chủ quyền, lãnh thổ âm ỉ trong lòng xã hội Trung Quốc. Kết quả khảo sát 1413 người dân thành thị Trung Quốc năm 2013 cho thấy 45.6% người được khảo sát ủng hộ các hoạt động quân sự ở Biển Đông so với 41.7% trong trường hợp Điếu Ngư. 83% đồng ý rằng duy trì nguyên trạng tại Biển Đông là sự tiếp diễn của “thế kỷ bị sỉ nhục” (century of humiliation). 66% người được hỏi cho rằng “định hướng dư luận để thể hiện sự bất bình với các quốc gia tranh chấp” là lựa chọn chính sách đúng đắn.
Ở chiều ngược lại, cũng có thể lập luận rằng dư luận nói trên có thể là kết quả của chính sách nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc có ý thức trong một thời gian. Trung Quốc tuyên truyền qua mọi kênh rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, bất chấp những lập luận pháp lý và cơ sở lịch sử phi lý của nước này. Truyền thông Trung Quốc liên tục tuyên truyền nước này là nạn nhân, bên bị động trong tranh chấp tại Biển Đông (dù trên thực tế Trung Quốc là nước gây hấn chính). Đáng chú ý, dù có thể, nhưng các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc không xoá những đoạn bình luận trên mạng buộc tội lãnh đạo nước này là “kẻ phản bội” (sellouts, traitors), không nỗ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia. Một số ý kiến thậm chí còn ví chính sách “yếu đuối” của Trung Quốc tại Biển Đông với nạn tham nhũng hay sự tàn lụi của triều đình nhà Thanh.
Từ góc độ lý thuyết, sự phẫn nộ của quần chúng có khả năng tạo ra ba loại hiệu ứng răn đe mà các nhà hoạch định Trung Quốc có thể tận dụng. Thứ nhất, dư luận có thể là một hình thức ngoại giao cưỡng ép giúp một quốc gia gửi thông điệp đe dọa và không khoan nhượng qua biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc. Nói cách khác, dư luận là phương tiện để gián tiếp chuyển tín hiệu “đe doạ”, “cảnh báo” mà không tỏ thái độ hiếu chiến từ kênh chính thức.
Thứ hai, dư luận có tác dụng thu hút sự chú ý của đối phương, đảm bảo thông điệp được truyền tải mà không cần tín hiệu rõ ràng (ambigious signaling). Cụ thể, Trung Quốc đưa ra thông điệp có mức độ mơ hồ vừa phải để có thể phủ nhận vấn đề khi cần thiết. Tuy vậy, các dấu hiệu này cũng đủ rõ ràng để thu hút sự chú ý của người nhận và để họ diễn giải thông tin theo hướng Trung Quốc mong muốn. Thông tin mang tính thù địch, ồn ào và bùng nổ cảm xúc trên quy mô lớn do tốc độ lan truyền của mạng xã hội ở Trung Quốc rất phù hợp với chiến lược này.
Thứ ba, dư luận của quần chúng nhân dân tạo hiệu ứng tâm lý nặng nề, khiến đối phương bị ám ảnh bởi các kịch bản xấu dù chúng ít có khả năng xảy ra, qua đó điều chỉnh hành vi để tránh tổn hại. Nếu các nước tin rằng chủ nghĩa dân tộc là thùng thuốc súng khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải hành động kiên quyết, các nước khác sẽ chịu sức ép lớn hơn để điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, tránh chiến tranh. Tuy vậy, bên cạnh hành vi đe doạ, biện pháp răn đe của Trung Quốc cũng cần “đảm bảo” sẽ loại bỏ nguy cơ leo thang căng thẳng nếu bên còn lại tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế trên Biển Đông và Hoa Đông cho thấy, Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa dân tộc khi xử lý khủng hoảng với các nước mạnh hơn (Mỹ, Nhật), hoặc các nước là đồng minh của Mỹ. Có thể, chủ nghĩa dân tộc góp phần tạo thêm sức ép để răn đe Mỹ can thiệp và các nước đồng minh của Mỹ triển khai các biện pháp cứng rắn. Tuy nhiên, Trung Quốc hạn chế sử dụng sức ép của chủ nghĩa dân tộc với các nước được cho là yếu hơn.
Một số suy nghĩ về việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc trong đối ngoại
Tính toán sử dụng chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại mang lại tác động hai chiều, cả tích cực và tiêu cực, hay còn được biết đến là chủ nghĩa dân tộc tốt đẹp và chủ nghĩa dân tộc xấu xí.[9]Chủ nghĩa dân tộc tốt đẹp là sự tự hào quốc gia và tâm lý thuộc về quốc gia đó (national belonging) trên các lĩnh vực chính trị và sắc tộc – văn hóa, kết hợp với lòng tin về bản sắc của quốc gia – dântộc mình.[10] Theo đó, chủ nghĩa dân tộc tốt đẹp được coi là chất keo gắn kết dân tộc và các lãnh đạo có thể sử dụng tinh thần đoàn kết dân tộc để chèo lái đưa quốc gia vượt qua sự chèn ép, thách thức từ bên ngoài. Ví dụ tiêu biểu là quá trình đấu tranh chống thực dân, giành và bảo vệ độc lập dân tộc mang ý nghĩa tích cực và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa dân tộc loại này đôikhi được gọi là tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước.
Tuy vậy, chủ nghĩa dân tộc sẽ trở nên xấu xí nếu một quốc gia có tư tưởng cực đoan, tuyệt đối hóa giá trị dân tộc, tự đặt ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, từ đó dẫn đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi trọng bá quyền. Lịch sử đã chứng minh chủ nghĩa dân tộc sẽ trở nên xấu xí, độc hại nếu không được cân bằng bởi một thế giới quan rộng mở và một học thuyết đạo đức đề cao lòng trắc ẩn và tự kiềm chế.[11] Các nền dân chủ non trẻ hay những quốc gia trong giai đoạn chuyển đổi thường có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan cao hơn bởi tâm lý dân tộc có thể bị thao túng để phục vụ các động cơ chính trị riêng.
Bởi chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi nên việc sử dụng công cụ này trong chính sách đối ngoại cần được cân nhắc thận trọng. Dù chủ nghĩa dân tộc có được các nhà hoạch định chính sách huy động hay không, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là tầng lớp lao động về các vấn đề trong nước, vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng và khách quan để tránh tâm lý đám đông, cảm tính. Về lâu dài, chủ động hội nhập, tăng cường giao lưu, đề cao và tôn trọng sự đa dạng văn hoá là cách thức bền vững để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc tốt đẹp.
Nguyễn Thị Linh là nghiên cứu viên của Viện Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
———————–
[1] Stephen M. Walt, “Nationalism Rules”, Foreign Policy, 15/7/2011, https://foreignpolicy.com/2011/07/15/nationalism-rules/, truy cập ngày 2/12/2018.
[2] Xem thêm: Duan Xiaolin, “Unanswered questions: Why we may be wrong about Chinese nationalism and its foreign policy implications”, Journal of Contemporary Southeast Asia, Vol. 26, No. 108, 2017, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/10670564.2017.1337312?src=recsys&, truy cập ngày 1/12/2018.
[3] Xem thêm: Benedict Richard O’Gorman Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism,London: Verso, 1991.
[4] Jean-Pierre Cabestan, “The many Facets of Chinese Nationalism,” China Perspectives 59, 2005.
[5] Harris Mylonas and Kendrick Kuo, “Nationalism and Foreign Policy”, Oxford Research Encyclopedia of Politics, truy cập ngày 1/12/2018, http://oxfordindex.oup.com/view/10.1093/acrefore/9780190228637.013.452
[6] “The relationship between Chinese nationalism and Chinese foreign policy”, SIPA Columbia, https://sipa.columbia.edu/academics/capstone-projects/relationship-between-chinese-nationalism-and-chinese-foreign-policy, truy cập ngày 1/12/2018,
[7] Alastair Iain Johnston, “Is Chinese nationalism rising?” MIT Press Journal, https://www.mitpressjournals.org/doi/pdf/10.1162/ISEC_a_00265, truy cập ngày 1/12/2018
[8] “China treads more cautiously over maritime disputes”, Financial Times, https://www.ft.com/content/c5ef1614-b296-11e4-a058-00144feab7de, truy cập ngày 1/12/2018
[9] Hoang Do, Hyper-nationalism is not the future, The Maritime Issues, 4/10/2018, http://www.maritimeissues.com/politics/hypernationalism-is-not-the-future.html, truy cập ngày 10/12/2018.
[10] M. Hjerm, “Reconstructing “Positive” Nationalism: Evidence from Norway and Sweden”, SAGE Journals, https://journals.sagepub.com/doi/full/10.5153/sro.163, truy cập ngày 30/11/2018
[11] Gustavo De Las Casas, “Is nationalism good for you”, Foreign Policy, truy cập ngày 30/11/2018, https://foreignpolicy.com/2009/10/08/is-nationalism-good-for-you/
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông