Máy bay không người lái và bài toán răn đe ở Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Ngô Di Lân

Mặc dù tranh chấp Biển Đông đã nguội đi ít nhiều kể từ sau khủng hoảng giàn khoa HD-981 năm 2014 nhưng một số nguồn tin cho rằng trong hai năm gần đây phía Trung Quốc đã nhiều lần gây áp lực quân sự để buộc Việt Nam phải dừng các dự án hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông với công ty Repsol. Do đó bất chấp những tuyên bố của Bắc Kinh, chúng ta vẫn không thể loại trừ nguy cơ Trung Quốc chủ động sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Một khi Trung Quốc đủ tự tin, rất có thể Tập Cận Bình và các tướng lĩnh của mình sẽ quyết định dùng vũ lực để chiếm thêm đảo và mở rộng quyền kiểm soát của mình ở Biển Đông. Giống như năm 1974 và 1988, họ sẽ cố gắng tạo ra “sự đã rồi” (fait accompli) một cách chớp nhoáng, đẩy các nước láng giềng vào thế phải chọn giữa việc chấp nhận mất đất hoặc leo thang xung đột để chiếm lại vùng lãnh thổ đã mất. Để tránh lâm vào tình huống này các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines phải gửi đi tín hiệu răn đe rõ ràng và đáng tin đến Trung Quốc. Để có thể răn đe hữu hiệu ở Biển Đông các nước này buộc phải cho thấy họ có khả năng kiểm soát leo thang xung đột (conflict escalation) và rất có thể các máy bay không người lái (drones) sẽ là công cụ hữu hiệu nhất cho nhiệm vụ này.

Nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông  

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu rằng phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Biển Đông là hành động tự sát. Mặc dù Trung Quốc mạnh hơn các nước láng giềng nhiều lần nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy các nước nhỏ quanh khu vực Biển Đông có đủ năng lực ngăn chặn/chống tiếp cận (A2/AD) để đánh bại các nỗ lực chiếm đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Kể cả Trung Quốc giành phần thắng đi chăng nữa thì cuộc chiến tranh này cũng sẽ không đến một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nếu Trung Quốc không thể tung đòn chí mạng và giành thắng lợi hoàn toàn trong vòng vài ngày hoặc đôi tuần thì nhiều khả năng các bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ và thậm chí là Nhật Bản, sẽ can thiệp.

Một cuộc chiến tranh lớn như vậy ắt sẽ làm thiêu huỷ toàn bộ hình ảnh về một Trung Quốc trỗi dậy “hoà bình” trên trường quốc tế và khiến các nước vốn đã dè chừng với Trung Quốc ngày một sẵn lòng theo Mỹ chống Trung Quốc hơn. Điều đó rất có thể sẽ đặt dấu chấm hết đối với giấc mộng bá quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, nếu Trung Quốc đại bại trong cuộc viễn chinh của mình thì không thể loại trừ khả năng Đài Loan sẽ lợi dụng thời cơ để tuyên bố độc lập khỏi Trung Hoa đại lục. Tất cả những điều này hẳn đã nằm trong toan tính của các nhà cầm quân Trung Quốc và vì vậy, trừ khi các nước khác khiêu chiến trước, xác suất Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh lớn trên Biển Đông là gần như bằng không.

Tuy nhiên chỉ vì Trung Quốc không có động cơ để gây chiến tranh không có nghĩa là họ không dám dùng vũ lực ở quy mô hạn chế hơn. Nếu thời cơ thuận lợi, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc chủ động dùng vũ lực để chiếm một hoặc hai hòn đảo nhỏ ở Trường Sa. Nói cách khác, Trung Quốc rất có thể sẽ sử dụng chiến thuật “sự đã rồi”, tức bất ngờ chiếm một vùng lãnh thổ nhỏ trước khi đối phương kịp phản ứng. Nếu Trung Quốc đột ngột tấn công toàn miền Bắc Việt Nam thì việc chúng ta phản công là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên việc ta có trả đũa hay không nếu Trung Quốc chỉ chiếm một hòn đảo duy nhất ở Trường Sa vẫn là một ẩn số rất lớn. Nước sử dụng chiến thuật sự đã rồi về bản chất đang đánh cược rằng phần lãnh thổ mà đối tượng bị mất sẽ đủ nhỏ để họ thà chịu mất còn hơn phản ứng và đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn.

Như Nga đã cho thấy ở Crimea, các cường quốc ở vị trí đặc biệt thuận lợi để thực hiện thành công một chiến dịch chiếm đất chớp nhoáng. Trung Quốc mạnh hơn tất cả các nước ở khu vực Biển Đông về mọi mặt và hơn nữa những nước như Việt Nam và Philippines lại có sự lệ thuộc kinh tế rất cao vào Trung Quốc. Khi phải chọn giữa việc mất một bãi đá không mấy giá trị và đối mặt với nguy cơ leo thang chiến tranh và trừng phạt kinh tế từ phía Trung Quốc thì nguy cơ các nước này chọn mất lãnh thổ là không nhỏ. Nói cách khác, một khi “sự đã rồi” thì mọi sự phản ứng nếu không phải là đã quá muộn thi cũng có cái giá quá đắt. Để tránh lâm vào tình huống này chỉ có cách duy nhất là gửi đi tín hiệu răn đe rõ ràng tới Bắc Kinh và thuyết phục họ không chủ động sử dụng vũ lực dù trong bất kì tình huống nào.

Máy bay không người lái và bài toán răn đe ở Biển Đông

Để có thể răn đe thành công cần hội tụ được ít nhất hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất, đối tượng phải cảm thấy cái giá phải trả sẽ quá đắt so với những gì có thể đạt được. Nếu như Trung Quốc tin rằng chiếm bãi cạn Scarborough bằng vũ lực sẽ dẫn một cuộc chiến tranh lớn với liên minh Mỹ-Phi thì gần như chắc chắn họ sẽ từ bỏ ý định này. Mặt khác, nếu họ tin rằng việc chiếm Scarborough cùng lắm sẽ chỉ bị dư luận quốc tế lên án trong vòng vài ngày thì rất có thể họ sẽ tiến hành chiếm đảo.

Thứ hai, lời đe doạ răn đe phải có đủ độ khả tín (credibility). Tinh khả tín của một lời đe doạ sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: (i) khả năng hiện thực hóa lời đe dọa (capabiities) và (ii) độ quyết tâm (resolve). Nếu Việt Nam đe doạ Trung Quốc rằng sẽ trả đũa hạt nhân nếu Trung Quốc chiếm đảo thì rõ ràng lời đe doạ không đáng tin vì tất cả đều biết Việt Nam không sở hữu vũ khí hạt nhân và vì vậy hoàn toàn không có khả năng biến lời đe doạ thành hiện thực.

Độ quyết tâm sẽ quyết định xem người đưa ra mối đe doạ có thực sự sẵn lòng biến lời nói thành hành động hay không. Ví dụ, nếu ngày hôm nay ta tuyên bố sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông nhưng ngay hôm sau lại cam kết không sử dụng vũ lực thì rất có thể Bắc Kinh sẽ nghĩ rằng Việt  Nam chỉ hăm doạ suông mà không dám biến lời nói thành hành động. Sự thiếu nhất quán trong ví dụ này cho thấy Việt Nam không có quyết tâm cao. Bên cạnh đó, giá trị của thứ đang bị đặt trên bàn cân cũng sẽ quyết định tính khả tín của lời đe doạ. Ai cũng tin rằng Mỹ sẽ đáp trả hạt nhân nếu Triều Tiên tấn công San Francisco bằng vũ khí hạt nhân bởi khi đó sự sống còn của nước Mỹ đang bị đe doạ. Thế nhưng sẽ chẳng mấy người sẵn sàng tin rằng Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng chỉ bắn chìm một tàu chiến của Mỹ ở khu vực biển Hoa Đông.

Ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực ở quy mô hạn chế tại thời điểm hiện nay là rất khó bởi cam kết trả đũa quân sự của chúng ta không đủ độ khả tín. Việt Nam và các nước trong khu vực có thể có đầy đủ tên lửa chống hạm và tàu ngầm để phản công và thậm chí là ngăn không cho đạo quân xâm lược của Trung Quốc tiếp cận mục tiêu nhưng câu hỏi là quyết tâm sử dụng các loại vũ khí này của họ đủ cao hay không, đặc biệt khi Trung Quốc ngày một tăng cường sử dụng lực lượng “dân quân biển” để mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông. Nếu như Bắc Kinh phát động chiến tranh tổng lực, việc đáp trả là chắc chắn. Nếu Trung Quốc tái diễn một sự vụ giống như vụ bãi cạn Scarborough năm 2012 thì khó có thể tưởng tượng được Việt Nam hay bất kì nước nào khác sẽ dùng vũ lực để đáp trả thay vì chấp nhận mất lãnh thổ.

Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rằng những nước láng giềng của mình rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Tranh chấp Biển Đông có thể là một vấn đề lớn nhưng đặt trong toàn cảnh quan hệ song phương hai nước thì nó vẫn chỉ là một vấn đề trong vô vàn các vấn đề khác cũng quan trọng không kém. Hơn nữa, các tướng lĩnh Trung Quốc biết chắc rằng các nước nhỏ không hề muốn đụng độ trực tiếp với Trung Quốc, càng không muốn gây leo thang căng thẳng bởi rõ ràng Trung Quốc áp đảo tất cả các nước láng giềng về mặt quân sự. Không phải tự nhiên mà phía Việt Nam đã cố gắng phản ứng một cách bình tĩnh và kiềm chế nhất có thể, bất chấp việc tàu Trung Quốc liên tục khiêu khích và gây hấn trong suốt cuộc khủng hoảng giàn khoan. Vì vậy, phía Trung Quốc sẽ không tin rằng ta sẽ dám đáp trả mạnh mẽ nếu họ sử dụng vũ lực ở quy mô hạn chế bởi họ biết rằng tại thời điểm này ta không có cơ chế nào để vừa đáp trả vừa kiểm soát rủi ro leo thang. Các vũ khí mà Việt Nam có thể dùng để ngăn chặn một đội quân xâm lược có sức công phá quá lớn và không đủ chính xác và vì vậy nếu dùng thì gần như chắc chắn sẽ gây leo thang xung đột vũ trang. Chỉ có máy bay không người lái mới có thể thực hiện được cả hai mục tiêu này.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy máy bay không người lái là một công cụ cưỡng ép (coercion) tương đối hiệu quả chính bởi vì so với những công cụ khác, máy bay không người lái có chi phí tương đối thấp về cả người và của. Trong khi một chiếc phi cơ chiến đấu SU-35 có giá dao động từ 40-65 triệu đôla thì một chiếc máy bay không người lái XQ-222 mà Mỹ đang nghiên cứu sản xuất có thể sẽ được bán với giá từ 2-3 triệu đôla. Hơn nữa, bất kỳ máy bay tiêm kích nào, dù tối tân hết mức có thể vẫn tiềm ẩn rủi ro thương vong trong khi máy bay không người lái thì chắc chắn không có rủi ro thương vong cho bên sử dụng. Tuy chi phí tương đối thấp nhưng máy bay không người lái lại có độ chính xác rất cao. Không phải tự nhiên mà Mỹ và các đồng minh lại sử dụng loại vũ khí này thay vì tên lửa hành trình hay không kích để săn lùng khủng bố ở những nơi đông dân cư.

Một lợi thế lớn nữa của máy bay không người lái so với các vũ khí “thông minh” tương tự như tên lửa hành trình là nó có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ do thám trong nhiều giờ liền (theo tác giả của bài nghiên cứu thì máy bay không người lái hiện nay đã có khả năng theo dõi đối tượng 14 giờ liền trên không mà không cần tiếp nhiên liệu). Và quan trọng hơn hết, vì sức công phá của nó nhỏ hơn nhiều so với các vũ khí tương tự (tên lửa Tomhawk có sức công phá lớn hơn tên lửa Hellfire gắn trên máy bay không người lái của Mỹ chừng 5-10 lần).

Chính vì sự chính xác và sức công phá hạn chế của mình cũng như chi phí thấp, máy bay không người lái là công cụ hoàn hảo để hoá giải mối đe doạ từ một nỗ lực chiếm đảo chớp nhoáng. Với độ chính xác và sức công phá hạn chế, máy bay không người lái cho phép nhằm trực tiếp vào các lực lượng tham gia chiếm đảo, hạn chế tối đa rủi ro các đối tượng khác bị liên luỵ, gây leo thang xung đột. Hơn nữa, vì chi phí của máy bay không người lái tương đối thấp nên Trung Quốc hoàn toàn có lý do để tin rằng các nước khác sẽ sẵn sàng sử dụng chúng để phản công khi cần thiết. Một khi Trung Quốc tin rằng các nước láng giềng sẵn sàng sử dụng máy bay không người lái để tấn công đáp trả các nỗ lực tạo ra “sự đã rồi” của Trung Quốc thì họ sẽ phải cân nhắc kĩ hơn rất nhiều. Nếu như Trung Quốc vốn đã ngại sử dụng vũ lực dù ở quy mô hạn chế tại thời điểm này thì việc triển khai máy bay không người lái đến Biển Đông sẽ càng khiến Bắc Kinh cảm thấy sử dụng vũ lực không phải là lựa chọn khôn ngoan.

Kết luận

Trung Quốc sẽ không phát động chiến tranh tổng lực ở Biển Đông, ít nhất nếu họ không bị khiêu khích tuy nhiên với những gì họ đã làm trong quá khứ và các lời đe doạ trong vụ hợp tác giữa Việt Nam và công ty Repsol thì không thể loại trừ khả năng họ dùng vũ lực ở quy mô hạn chế, trong thời gian ngắn nhằm mục đích răn đe và mở rộng quyền kiểm soát từng bước ở Biển Đông. Để thuyết phục Trung Quốc từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong mọi hoàn cảnh thì các nước láng giềng phải cho thấy họ vừa có thể đáp trả mạnh mẽ, vừa có thể kiểm soát được rủi ro leo thang xung đột vũ trang. Máy bay không người lái sẽ là công cụ đặc biệt hữu hiệu đối với mục tiêu này.

Tuy nhiên việc triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông không phải là một vấn đề đơn giản. Thứ nhất, nó vẫn là một hệ thống vũ khí tương đối đắt đỏ so với những nước như Việt Nam, đặc biệt khi ta chưa có “cơ sở hạ tầng” để vận hành các máy bay không người lái. Hơn nữa, hiện nay có lẽ Mỹ là nước duy nhất có kinh nghiệm sử dụng máy bay không người lái trong vai trò chiến đấu. Kể cả Việt Nam có sở hữu một phi đội máy bay không người lái ngay tại thời điểm này thì cũng cần phải có một khoảng thời gian nhất định để tập luyện trước khi đưa vào sử dụng trên thực tế. Cuối cùng, tại thời điểm này máy bay không người lái sẽ chỉ thực hiện được nhiệm vụ nêu trên trong điều kiện không phận không bị kiểm soát bởi kẻ địch. Công nghệ chế tạo máy bay không người lái cần có những bước tiến lớn hơn nữa trước khi máy bay không người lái có thể hoạt động trong vùng không phận nguy hiểm. Cho đến lúc đó, chúng ta chỉ có cách hi vọng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tự tin rằng thời gian vẫn ở bên họ và rằng họ không cần phải dùng đến vũ lực để mở rộng tầm kiểm soát ở Biển Đông.

Các đàn rô-bốt và tương lai của chiến tranh