Ảnh hưởng của Trump tới Nhật Bản dưới thời Abe

Nguồn: Ian Buruma, “Japan First, Project Syndicate, 08/01/2019.

Biên dịch: Phan Huy Đạt | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngay cả những con cá voi bây giờ cũng bị ảnh hưởng bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Năm nay, Nhật Bản sẽ rút ra khỏi Ủy ban Săn Cá voi Quốc tế (IWC) và tiếp tục săn bắt cá voi cho mục đích thương mại. Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng ăn thịt cá voi là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, mặc dù số người Nhật ăn thịt cá voi hiện tại rất ít so với nửa thế kỷ trước. Việc rời khỏi IWC có nghĩa là những người đánh bắt cá voi Nhật Bản chỉ có thể hoạt động ở vùng biển ven bờ nước này, nơi mà số cá voi còn tương đối ít.

Quyết định này là một món quà dành cho một số chính trị gia ở các khu vực vẫn còn hoạt động săn bắt cá voi, và cho những người dân tộc chủ nghĩa – những người cảm thấy bất mãn khi bị những người nước ngoài yêu cầu Nhật được và không được làm gì. Đó là bước đi hoàn toàn mang tính chính trị mà theo tờ báo theo trường phái tự do Asahi Shimbun là được truyền cảm hứng bởi sự chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump. Đây là một vấn đề kiểu “Nhật Bản trên hết”. Mặc dù Trump không để tâm tới chuyện đó, tuy nhiên sự khăng khăng của Nhật Bản liên quan chuyện đánh bắt cá voi đang làm xấu đi hình ảnh của đất nước này.

Bản thân ông Abe là một người trung thành với chủ nghĩa dân tộc và có mối quan hệ phức tạp với Mỹ. Như ông ngoại của mình, Nobusuke Kishi, một nhà dân tộc chủ nghĩa đã bị bắt vì là tội phạm chiến tranh hồi năm 1945 nhưng sau đó đã trở thành đồng minh chống cộng trung thành của Mỹ, Abe làm mọi cách để gần gũi với Mỹ, đồng thời muốn đặt lợi ích của Nhật Bản lên trên hết. Một trong những giấc mơ của ông là hoàn thành nỗ lực của ông ngoại mình trong việc sửa đổi hiến pháp hòa bình sau chiến tranh, được viết bởi người Mỹ, và thay vào đó là một bản hiến pháp có tinh thần yêu nước hơn, thậm chí là một bản hiến pháp mạnh mẽ hơn khi hợp pháp hóa việc sử dụng lực lượng quân sự.

Nhật Bản phải là một đồng minh thân cận của Mỹ. Đức và Ý, các cường quốc khác bị đánh bại trong Thế chiến II, đã có NATO và Liên minh Châu Âu bảo vệ. Nhật Bản chỉ có Hiệp ước An ninh và Tương hỗ được ký với Mỹ năm 1960 để bảo vệ chính mình trước các cường quốc thù địch, và sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến người Nhật lo sợ. Đó là lý do tại sao Abe là nhà chính trị nước ngoài đầu tiên, sau Thủ tướng Anh Theresa May, nhanh chóng gửi lời chúc mừng cá nhân tới ông Trump hồi năm 2017.

Theo nhiều cách, Nhật Bản đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc trở thành đồng minh của Mỹ, cũng như từ bản hiến pháp hậu chiến, vốn không chỉ cổ vũ cho hòa bình mà còn dân chủ hơn bất kỳ bản hiến pháp nào mà Nhật từng có, trong đó quy định các quyền cá nhân, quyền bầu cử đầy đủ và quyền tự do ngôn luận. Về mặt hiến pháp thì Nhật không thể tham gia vào các cuộc phiêu lưu quân sự, ngoại trừ với tư cách là nhà sản xuất hàng hóa được trả giá cao trong nhiều cuộc xung đột châu Á có liên quan tới Mỹ. Nhật Bản, giống như các nước Tây Âu, có thể tập trung vào việc tái xây dựng sức mạnh công nghiệp của mình.

Nhưng sự can thiệp của Mỹ cũng cản trở nền dân chủ Nhật Bản mà Mỹ vẫn tự hào đã thiết lập sau năm 1945. Giống như Ý, Nhật Bản là tiền tuyến trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Và, giống như đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Ý, Mỹ đã cung cấp một lượng tiền lớn cho đảng Dân chủ Tự do bảo thủ ở Nhật Bản để đảm bảo không có đảng cánh tả nào có thể lên cầm quyền. Kết quả là Nhật Bản trên thực tế đã trở thành một quốc gia độc đảng.

Điều này dẫn đến chứng một dạng “tâm thần phân liệt” trong số những người dân tộc chủ nghĩa bảo thủ của Nhật Bản như ông Abe. Họ đánh giá cao sự hào phóng của Mỹ, cũng như quân đội của nước này trong việc chống lại kẻ thù cộng sản. Nhưng họ vô cùng phẫn nộ khi phải sống với một hiến pháp tự do chủ nghĩa do nước ngoài áp đặt. Giống như Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo năm 1946, trong đó các thẩm phán nước ngoài đã xét xử các nhà lãnh đạo thời chiến của Nhật Bản, hiến pháp và tất cả những gì nó đại diện bị coi là một sự sỉ nhục quốc gia.

Những người cánh hữu Nhật Bản muốn đảo ngược phần lớn trật tự hậu chiến, được thành lập bởi Mỹ với sự hỗ trợ của các nhà tự do Nhật Bản. Dự án xét lại của ông Abe, không chỉ liên quan tới Điều 9 hiến pháp, trong đó cấm Nhật Bản sử dụng lực lượng vũ trang, mà còn liên quan tới các vấn đề khác như giáo dục, tình trạng khẩn cấp, và vai trò của hoàng đế.

Để thay đổi Điều 9, chính phủ liên minh hiện tại sẽ cần sự ủng hộ từ hai phần ba nghị sỹ ở Nghị viện, cùng với một cuộc trưng cầu dân ý. Sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2017, ông Abe đã nắm được đa số nghị viện. Việc ông có chiến thắng trong một cuộc trưng cầu dân ý hay không vẫn còn chưa rõ ràng, bất chấp việc ông đã thề rằng sẽ sớm thực hiện điều này. Về giáo dục, ông đã giành được một số chiến thắng quan trọng. “Chủ nghĩa yêu nước” và “giáo dục đạo đức” hiện đã trở thành một phần của chương trình giảng dạy quốc gia. Một trong những ý nghĩa của điều này là sự phục tùng nhà nước, thay vì quyền cá nhân và tư tưởng tự do, sẽ được thấm nhuần cho người dân từ khi còn nhỏ. Điều đó cũng có nghĩa là lịch sử về vai trò trong thời chiến của Nhật Bản, nếu được giảng dạy, sẽ được xem như một việc làm anh hùng mà những người trẻ nên tự hào.

Trong quá khứ, Mỹ vẫn đứng vững như một lực lượng đại diện cho những điều tốt đẹp, bất chấp những sai sót và xung đột tội ác của mình. Lý tưởng về một nước Mỹ cởi mở và dân chủ vẫn đáng được ngưỡng mộ. Tuy nhiên, một lần nữa như trong trường hợp của Tây Âu, phụ thuộc vào sự bảo vệ của quân đội Mỹ cũng có tác động tiêu cực. Nó biến Nhật Bản thành một quốc gia giống như chư hầu; bất kỳ điều gì mà Mỹ muốn thì Nhật Bản cuối cùng cũng phải làm. Điều này tạo nên hiệu ứng xem thường nước Nhật về mặt chính trị.

Trong thời đại của Trump, nước Mỹ không còn là một nước có độ tin cậy cao. Tuy nhiên điều này có thể giúp người Nhật tập trung hơn vào việc tiếp tục tồn tại trong một thế giới mà không có người Mỹ. Mỹ cũng không còn là một hình mẫu của tự do và cởi mở. Ngược lại, Mỹ đã trở thành một điển hình về chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bài ngoại, và chủ nghĩa cô lập. Những người dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản không cần được khuyến khích mới theo mô hình này. Nếu họ làm vậy, Trump chắc chắn sẽ không cản đường. Tuy nhiên, họ sẽ lặp lại những khía cạnh tồi tệ nhất của nước Mỹ đương đại – và vứt bỏ những gì tốt đẹp nhất mà Mỹ đã từng mang lại cho Nhật.

Ian Buruma là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance, Year Zero: A History of 1945, và gần đây nhất là A Tokyo Romance.