Tại sao Mỹ phải sử dụng tàu không gian Soyuz của Nga?

Nguồn: Why does America still use Soyuz rockets to put its astronauts in space?The Economist, 16/10/2018.

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đó là một thất bại khiến cả thế giới chú ý: hai phút sau khi phóng tàu vũ trụ Soyuz từ một địa điểm ở Kazakhstan, sứ mệnh đi tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã bị hủy bỏ. May mắn thay, hai phi hành gia trên tàu, một người Nga và một người Mỹ, đã có thể trở về khí quyển và hạ cánh an toàn. Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), đồng thời là một chính trị gia thận trọng, nói rằng các sứ mệnh sẽ được tạm dừng cho đến khi một cuộc điều tra cho thấy sai sót nằm ở đâu. Vì hệ thống Soyuz của Nga hiện là cách duy nhất để đưa con người vào quỹ đạo, điều này tạo ra một tình huống có thể khiến ISS vắng bóng người từ tháng 12/2018. Và nước Mỹ không thể làm bất cứ điều gì. Vì sao Mỹ lại phải dựa vào tên lửa của Nga để đưa các phi hành gia của mình lên trạm vũ trụ?

Câu trả lời bắt nguồn từ sự phát triển của chương trình Tàu con thoi Hoa Kỳ. Nó được thai nghén vào cuối những năm 1960 như là một cách để cung cấp cho NASA những chiếc tàu vũ trụ không tốn kém và có thể tái sử dụng. Trên thực tế, vào thời điểm thực hiện nhiệm vụ vận chuyển cuối cùng, vào năm 2011, Mỹ tính ra đã phải trả trung bình 1,5 tỷ đô la cho mỗi chuyến bay. NASA dự kiến ​​sẽ sử dụng dự án Constellation để thay thế các tàu con thoi cho các nhiệm vụ ISS vào năm 2014, và sau đó để đưa các phi hành gia lên mặt trăng. Nhưng nó đã bị hủy bỏ vào năm 2010 khi chi phí tăng vọt. Khi tìm kiếm các lựa chọn khác, cơ quan vũ trụ đã có một số thành công trong việc đưa các công ty tư nhân như SpaceX và Orbital ATK vào thực hiện vận chuyển hàng hóa tới ISS. Và vào năm 2014, họ đã trao hợp đồng cho cả Boeing và SpaceX để phát triển thiết bị bay nhằm đưa các phi hành gia đến đó. Tuy nhiên, thời hạn để những chiếc tàu vũ trụ này phải sẵn sàng để bay thử đã trôi qua, từ năm 2017, sau đó là 2018 và bây giờ là tháng 4 năm 2019 cho SpaceX và giữa năm 2019 cho Boeing. Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ (GAO) cho biết năm 2020 là thời điểm sớm nhất mà họ dự kiến ​​các chuyến bay thực tế có thể đến trạm vũ trụ, giả sử tất cả mọi việc thực hiện đúng theo kế hoạch.

Trái ngược với những khoản đội vốn và việc hủy bỏ các chương trình của Mỹ, Soyuz là một thành công rực rỡ. Các chuyến bay có người bắt đầu vào năm 1967 với một vụ tử vong, nhưng chỉ một nhiệm vụ tiếp theo (Soyuz 11 năm 1971) dẫn đến tổn thất về nhân mạng. Gần 140 nhiệm vụ đã được thực hiện. Chuyến bay bị hủy bỏ vào ngày 11 tháng 10 năm 2018 chỉ là thất bại thứ tư liên quan đến việc phóng tàu hoặc trở về khí quyển. Một tàu vũ trụ chở hàng được thiết kế tương tự, tàu Progress, đã có hơn 150 nhiệm vụ không người lái chỉ với ba lần thất bại. Việc Nga sẵn sàng chở hành khách – bao gồm cả khách du lịch vũ trụ – đã mang đến cho NASA và các cơ quan khác một lựa chọn dự phòng hữu ích trong khi các chính trị gia Mỹ vẫn lúng túng với vấn đề ngân sách và các ưu tiên, và vì vậy Mỹ đã chi trả cho một phần ngân sách không gian đáng kể hàng năm cho quốc gia này. Khó khăn chính đối với các phi hành gia nước ngoài sử dụng tàu Soyuz là họ phải học tiếng Nga đến một trình độ tốt. Nhưng gần đây, Nga cho biết hợp đồng đưa các phi hành gia Mỹ tới ISS sẽ hết hạn vào tháng 04 năm 2019. Sự dứt khoát trong tuyên bố của Nga xuất phát chủ yếu từ tình trạng khá lạnh nhạt trong quan hệ  Mỹ – Nga. Năm 2014, ông Rogozin trở thành một trong những người Nga bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt. Ông đã tweet ngay sau đó rằng NASA sẽ phải chở các phi hành gia của mình lên ISS “bằng một tấm bạt lò xo”.

Cuộc điều tra của Roscosmos về thất bại gần đây có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 12/2018 – ngày mà ba phi hành gia hiện tại trên ISS phải sử dụng một tàu hạ cánh Soyuz trước số nhiên liệu có tính chất ăn mòn của nó khiến tàu không thể sử dụng được. Họ cũng phải lo lắng về một lỗ thủng đã được vá trên tàu hạ cánh mà ông Rogozin đã gợi ý có thể là do bị phá hoại. Phi hành đoàn có đủ nhu yếu phẩm để ở lại lâu hơn, nhưng có khả năng họ sẽ quay về. Vì sẽ không có chuyến bay có người nào lên ISS trong thời gian sắp tới, việc NASA phụ thuộc vào Soyuz có thể có nghĩa là trạm ISS sẽ trở thành một khu vực “không người” trong năm 2019. Trạm có thể hoạt động trong tình trạng không người trong thời gian dài. Nhưng có nhiều khả năng sẽ không có người nào được gửi lên trạm không gian này cho đến ít nhất là năm 2020. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến việc ISS bị từ bỏ trước cả năm 2025, khi ngân sách tài trợ của Mỹ dự kiến ​​sẽ hết.

Tác động của sự kiện Crew Dragon tới ngành công nghiệp vũ trụ Nga