Tác động của sự kiện Crew Dragon tới ngành công nghiệp vũ trụ Nga

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Phạm Hồng Nguyên

Theo AFP, Cơ quan Không gian và Vũ trụ Mỹ (NASA) và công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đồng thời xác nhận rằng tàu vũ trụ có tên Crew Dragon của SpaceX đã kết nối thành công với trạm ISS hôm 3/3. Sự kiện này mở ra cơ hội giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào Nga trong các chuyến đưa người lên ISS.

Kênh truyền hình Moscow 24 (M24) đã có cuộc phỏng vấn với Tiến Sĩ Vadim Lukashevich (VL) về ảnh hưởng của sự kiện này đến chương trình vũ trụ cũng như ngành công nghiệp tên lửa của Nga. Vadim Lukashevich là một chuyên gia độc lập về không gian, làm việc cho một viện nghiên cứu chính sách về vũ trụ nhưng phải nghỉ việc năm 2015 vì những chỉ trích đối với việc chuyển đổi Roscosmos từ một cơ quan chính phủ thành một công ty nhà nước.

Clip cuộc phỏng vấn (bằng tiếng Nga)

M24: Câu hỏi đầu tiên. Tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên có thể chở người đã kết nối thành công với ISS. Ông đánh giá ảnh hưởng của sự kiện này như thế nào lên ngành công nghiệp tên lửa và không gian (của Nga)? Nó có ý nghĩa thế nào đến các nỗ lực chinh phục vũ trụ toàn cầu?

VL: Người Mỹ đang chào đón việc này như khởi đầu một kỷ nguyên mới trên vũ trụ. Có lẽ tôi sẽ không lớn tiếng và có cảm xúc như vậy. Nhưng thực tế, nó thực sự là một bước tiến rất đáng kể trong quá trình con người khám phá và chinh phục vũ trụ, không chỉ đối với ngành công nghiệp không gian của chúng ta (Nga). Vì sao? Trước tiên, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử một công ty tư nhân đã phóng được tàu vũ trụ chở người, cho dù lúc này mới chỉ mang theo hình nộm, trên một tên lửa của chính công ty đó. Đó là một thành công lớn cho một tập đoàn tư nhân và ta có thể nói thương hiệu của nó đang rất nổi tiếng. Ta cũng cần nhớ lại một vụ phóng tên lửa gần đây và vào tháng tư này sẽ đổ bộ một tàu thám hiểm Mặt Trăng của một công ty thương mại Israel. Do vậy đó là bước tiến lớn cho việc bay vào vũ trụ của Thế giới.

Nó cũng là một dấu son cho người Mỹ bởi vì họ đang quay lại không gian bằng các phương tiện quốc gia. Cho đến nay họ vẫn lên ISS, nhưng bằng tàu vũ trụ Soyuz của chúng ta. Sự thực, đó là một bước tiến lớn, một chuyển đổi ngoạn mục cho các chuyến bay vào vũ trụ. Các chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ Mercury và Gemini (của Mỹ) chỉ là các cố gắng với đến không gian. Sau đến Apollo, một chương trình không gian rực rỡ đã nhiều lần đưa người lên Mặt Trăng mà đến tháng 7 này chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm ngày hạ cánh đầu tiên. Sau đến kỷ nguyên của tàu con thoi, kéo dài 30 năm. Và bây giờ sau một đợt nghỉ dài 8 năm, người Mỹ đã trở lại vũ trụ bằng tàu và tên lửa của chính mình. Với họ đó là kỷ nguyên mới vì sự phụ thuộc và Nga sẽ đến hồi kết thúc. Do đó chúng ta có thể nói rằng họ đang bước vào kỷ nguyên của độc lập không gian.

M24: Roscosmos đã gửi lời chúc mừng đến NASA vì việc kết nối này nhưng không chúc mừng Elon Musk, người đã chế tạo tàu. Tại sao họ lại làm vậy? Tôi muốn thêm rằng đây là câu hỏi từ một trong các phóng viên của chúng tôi. Tôi cũng đã gọi cho người phụ trách truyền thông của Roscosmos và họ dứt khoát rằng NASA đã đặt hàng chế tạo tàu, do vậy họ chỉ chúc mừng riêng NASA, còn SpaceX không liên quan gì. Ông nghĩ như thế nào? Đó có phải là sự phẫn uất của Roscosmos và tránh né bất cứ đề cập nào đến Musk hay SpaceX?

VL: Roscosmos từng là một cơ quan nhà nước, có quan hệ nghiêm túc với NASA. Một mặt Roscosmos tránh đề cập đến Musk và SpaceX thì cũng bình thường. Sự thật Musk và SpaceX được coi là một, và họ là cái gai trong mắt của Roscosmos. Vì sao? Vì với vụ phóng này, cho dù dưới đơn đặt hàng của NASA thì công ty tư nhân SpaceX đã biến Roscosmos trở thành không là gì. Họ đã cho thấy Roscosmos là ai.

Mọi người còn nhớ những gì Rogozin (chủ tịch của Roscosmos) phát biểu, do vậy thực sự đó không phải là tránh né mà là nỗi đau đầu mãn tính. Đầu tiên là việc gửi lời chúc mừng trễ. Sau nữa Roscosmos đã tweet hai lời chúc mừng bằng tiếng Nga và Anh nhưng có nội dung hoàn toàn khác nhau. Do vậy đó là dấu hiệu của oán giận, phản ứng của người lãnh đạo không vững vàng và bị vượt mặt. Thực sự là lạ lùng khi họ lại phản ứng như vậy.

Hãy nhớ rằng Roscosmos chưa bao giờ thực sự cấp phép cho việc kết nối này. Họ đã viện ra một số lo ngại về kỹ thuật. Nhưng cơ bản chúng ta thấy việc kết nối này là rất giỏi. Do vậy, đúng thế, đó là phản ứng của những người đang bị bỏ lại phía sau.

M24: Vậy điều tương tự (tàu vũ trụ thương mại) có thể xẩy ra ở nước Nga đương đại? Nếu không thì đến khi nào?

VL: Với nước Nga hiện tại, trong những điều kiện đang có thì dứt khoát đó là điều không thể. Tôi có thể cho ví dụ. Vào đầu những năm 2000, Elon Musk đã đến Nga để mua tên lửa từ chúng ta. Anh có thể thấy sự coi thường từ những người mà Elon Musk từng nói chuyện: “ồ, thế quý ngài này định tự tay chế tạo tên lửa cơ à?”. Chúng ta đã có những người vô cùng thông minh, có đầy đủ kỹ năng, sẵn sàng làm những điều tương tự. Tuy vậy lịch sử của chúng ta với các công ty thương mại vũ trụ là tiêu cực. Anh có thể nhớ câu chuyện buồn của công ty Dauria Aerospace đã phá sản vì Roscosmos. Hay câu chuyện của công ty Lin với dự án chế tạo tên lửa tư nhân cực nhẹ, tương tự như dự án thành công ở New Zealand (bởi công ty Rocket Lab) hiện đang phóng các vệ tinh nhỏ. Công ty không gian S7 (của Nga) đang có sự xáo trộn lãnh đạo không thể hiểu nổi. Cứ mỗi khi họ bắt đầu một dự án vũ trụ thương mại, hay có mô hình kinh doanh khả thi, hay mỗi khi công ty đó có thêm hợp đồng, hay bắt đầu thành công, ví dụ tên lửa của họ hoàn thành đến 90% thì họ sẽ bị thay ban lãnh đạo. Điều đó nói lên rằng chúng ta không có môi trường và không khí thích hợp để kinh doanh, đầu tư. Nhìn xa hơn nữa chúng ta đang có môi trường chính trị rủi ro rất lớn vì nước Nga đang bị cấm vận.

Do vậy với những điều kiện hiện tại, với ban lãnh đạo hiện tại của Roscosmos, cơ cấu chung hiện tại của ngành công nghiệp không gian thì việc đó (phát triển các công ty thương mại trong lĩnh vực không gian) là không thể.

M24: Tôi hiểu. Cảm ơn. Có lẽ câu hỏi trước đã đi quá xa. Tôi sẽ hỏi gần hơn. Chúng ta có tàu Soyuz cùng với tàu của Musk. Tàu của chúng ta cạnh tranh như thế nào với tàu của họ? Ai có ưu thế hơn?

VL: Hãy nhìn xem, nếu so sánh trên phương diện kỹ thuật, tàu Soyuz của chúng ta không thể so với tàu Crew Dragon của SpaceX. Tàu Soyuz được lên ý tưởng và chế tạo từ những năm 1960 bởi tổng công trình sư Sergei Pavlovich Korolev. Mặc dù được biến đổi cải tiến nhiều nhưng nó vẫn bay cho đến ngày nay. Nó tin cậy và các lỗi đã được khắc phục. Tuy vậy nó đã trở nên thiếu tin cậy về nền tảng. Thậm chí khi người Trung Quốc chế tạo tàu “Thần Châu” (Shenzhou) cơ bản là dựa trên Soyuz của chúng ta, họ đã chế lại mọi thứ. Đầu tiên tàu (của Trung Quốc) to hơn, tiếp theo khoang chứa người độc lập hoàn toàn và có thể bay trong vũ trụ một tháng (khoang chứa người tàu Soyuz phải nối với khoang quỹ đạo – ND). Khoang đó to hơn, tin cậy hơn, không chật chội như của chúng ta.

Nhưng Elon Musk đã xây dựng tàu vũ trụ của tương lai. Nó có 7 chỗ. Nó tái sử dụng lại được. Nó dùng công nghệ mới. Do đó nó hơn Soyuz về mọi tham số và bởi mọi chỉ số kỹ thuật. Nó chỉ còn cần chứng minh sự hữu ích trong các chuyến bay có người thật và đến tháng 7 này sẽ có chuyến bay có người đầu tiên. Musk không chỉ mang các phi hành gia rời Roscosmos. Việc vận chuyển các phi hành gia nước ngoài (bằng tàu Soyuz) lên ISS đang đến hồi kết. Mỗi năm chúng ta (người Nga) đã nhận được khoảng 400 triệu USD và bây giờ điều đó sẽ kết thúc. Chúng ta sẽ buộc, gần như là phải như vậy, chuyên chở các nhà du lịch, nhưng Musk có thể đưa ra mức giá thấp hơn cho họ, và ông ta có tàu 7 chỗ ngồi. Do vậy liệu chúng ta có thể có được bao nhiêu?

Tôi muốn chỉ ra một điều thú vị, từ quan điểm cho rằng đó là điều tốt. Khi chúng ta đã chuyên chở các phi hành gia, chúng ta về cơ bản là được không 400 triệu mỗi năm với giá 90 triệu một chỗ cho mỗi nhà du hành nước ngoài. Đó là cái giá cao hơn giá thành của toàn bộ tên lửa, tàu vũ trụ và điều hành phóng cộng lại. Có nghĩa cứ mỗi khi chúng ta có một phi hành gia ngoại quốc đi cùng thì chúng ta được bay miễn phí. Với chúng ta việc đó không chỉ miễn phí mà còn là thuốc ngủ. Nó cho phép chúng ta tuyệt đối chẳng phải làm gì mà vẫn kiếm được tiền. Và bây giờ liều thuốc ngủ đó đã bị cắt mất, chúng ta sẽ buộc phải làm điều gì đó. Có thể chúng ta sẽ trôi vào lịch sử với những thành quả đã đạt được, giống như người Bồ Đào Nha, khám phá ra Châu Mỹ với cuộc phiêu lưu của Magellan. Hoặc chúng ta sẽ phải nghiêm túc làm điều gì đó.

Chúng ta sẽ phải rời khỏi tháp ngà: nền kinh tế của chúng ta đang toạ lạc trong một tháp ngà của dầu và khí đốt, chương trình không gian của chúng ta cũng đang toạ lạc trong một tháp ngà và đã trở nên lệ thuộc vào tiền của người Mỹ. Do vậy giờ là lúc chúng ta phải cho thấy chúng ta cũng làm được và xứng đáng với danh tiếng của Gagarin.

M24: Xin cảm ơn ông rất nhiều. Tôi rất vui ông đã bỏ thời gian để trả lời các câu hỏi. Xin cảm ơn.

VL: Xin cảm ơn.

Phạm Hồng Nguyên biên dịch qua bản dịch tiếng Anh của R. Mitchell.