Điều gì đã xảy ra với chế độ quân chủ Romania?

Nguồn: What happened to Romania’s monarchy?, The Economist, 12/10/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan

Chế độ quân chủ Romania đã không còn tồn tại từ năm 1947. Nhưng gia đình hoàng tộc vẫn được hưởng phần lớn các đặc quyền danh nghĩa vốn có. Họ chủ trì các sự kiện trong Lâu đài Peles đẹp như truyện cổ tích, từng là nhà của họ, giờ là một bảo tàng. Hồi năm 2016, lễ kỷ niệm 150 năm thành lập triều đại đã được tổ chức với sự phô trương đáng kể: những người lính bồng súng, một ban nhạc lớn và máy bay để lại những vệt khói mang màu quốc kỳ. Nhiều người Romania vẫn quan tâm đến các vấn đề hoàng gia. Tháng 12/2017, hàng chục ngàn người đã xếp hàng trên đường phố Bucharest để theo dõi lễ quốc tang long trọng được tổ chức cho vị vua cuối cùng, Michael. Thành viên của một số gia đình hoàng tộc nước ngoài cũng tham dự.

Sau khi Vua Michael qua đời, quốc hội đã thảo luận một dự luật trao cho người đứng đầu hoàng gia địa vị giống như của các nguyên thủ quốc gia trước đây. Họ cũng xem xét ý tưởng tổ chức trưng cầu dân ý về việc khôi phục lại chế độ quân chủ (một cuộc thăm dò cho thấy khoảng 70% công chúng muốn vấn đề được quyết định trong một cuộc bỏ phiếu phổ thông), tuy nhiên họ vẫn chưa bao giờ tiến hành ý tưởng này.

Trong nhiều thế kỷ, người Romania đã được cai trị bởi các quân vương địa phương, cũng như bởi đế chế Ottoman, Áo-Hung và Nga. Năm 1881, quốc hội của đất nước mới thống nhất này đã yêu cầu vị quân vương cầm quyền, một người Đức tên Carol Hohenzollern-Sigmaringen, trở thành vị vua hiện đại đầu tiên của đất nước. Khi ông chết, cháu trai của ông, Ferdinand, được thừa kế ngai vàng. Và khi Vua Ferdinand qua đời, người cháu trai năm tuổi của ông, Michael, trở thành vua. Người cha chơi bời phóng đãng của cậu bé, người trước đó đã từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng, quay trở về để giành lại vương miện vào năm 1930 với tư cách là Vua Carol II, nhưng bị buộc rời khỏi đất nước một lần nữa vào năm 1940. Michael trở thành vua lần thứ hai, nhưng đã thoái vị bảy năm sau đó dưới áp lực của phe cộng sản, và sống bốn thập niên tiếp theo ở Thụy Sĩ. Ông quay về sau khi chế độ Ceausescu sụp đổ, nhưng không bao giờ được khôi phục tư cách nguyên thủ quốc gia. Con gái lớn của ông, Margareta, hiện là “Người giám hộ Hoàng gia Romania”.

Nhiều người Romania hoài niệm về triều đại hoàng gia ngắn ngủi của họ. Tại tang lễ Vua Michael, những tiếng hét “đả đảo chủ nghĩa cộng sản” đã ám chỉ việc vị vua này chống chủ nghĩa cộng sản vào những năm 1940. Sự ủng hộ đang lan rộng đối với hoàng gia có thể liên quan đến sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng đối với các vụ bê bối tham nhũng đang bao trùm nền chính trị Romania. Vào năm 2017, sau khi đảng Dân chủ Xã hội mới được bầu tìm cách phi hình sự hóa một số hành vi tham nhũng của các quan chức, người dân Romania đã phản ứng bằng các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản năm 1989. Các cuộc biểu tình đã quay lại mùa hè này, tập trung vào vấn đề tiền lương thấp và tham nhũng ăn sâu. Liên minh Quốc gia Khôi phục Chế độ Quân chủ, một tổ chức thanh niên, đã sử dụng một cách lạc quan khẩu hiệu “chế độ quân chủ sẽ cứu giúp Romania”.

Tuy nhiên, bản thân hoàng tộc dường như không thể đóng một vai trò trung tâm nào trong việc hồi sinh chế độ quân chủ. Phần lớn các bài báo về hoàng gia tập trung vào cuộc tranh cãi vô tận về dòng kế vị. Và có nhiều thứ để tranh cãi. Ngai vàng có thể không còn tồn tại, nhưng tài sản của hoàng tộc vẫn được ước tính ở mức 65 triệu euro (73 triệu đô la), tính đến năm 2017, bao gồm bốn lâu đài và 20.000 ha rừng. Vào năm 2015, Michael đã từ chối trao cho Nicholas Medforth-Mills, con trai của cô con gái thứ hai, chức vị và quyền kế thừa ngôi vua vì ông bị cáo buộc là có con ngoài giá thú (điều ông đã phủ nhận). Còn Paul-Philippe Hohenzollern, người tự xưng là “Hoàng tử Paul của Romania”, đã nhiều lần cố gắng kiện Vua Michael ra tòa về quyền kế thừa ngôi vua, bởi Paul là cháu nội của Vua Carol II nhưng bà nội của ông (tức vợ đầu của Vua Carol II, còn Vua Michael là con của Vua Carol II với người vợ thứ hai – công chúa Helen của Hy Lạp và Đan Mạch – ND) là một thường dân, điều cản trợ việc truyền ngôi vị. Năm 2011, các tờ báo lá cải ở Romania và Anh đã chia sẻ suy đoán rằng Charles, Hoàng tử xứ Wales, có thể trở thành vua Romania, nhờ có cùng tổ tiên với Vlad Kẻ Xiên Người (Vlad the Impaler – nguồn cảm hứng cho tác phẩm Dracula của Bram Stoker). Những người đang đòi ngôi vua hiện nay dường như sẽ không thể có cơ hội giành được nó.