29/05/1913: Vở Le Sacre du printemps được biểu diễn tại Paris

Nguồn: Controversial ballet Le Sacre du printemps performed in Paris, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1913, đoàn ba lê Ballet Russes của Nga đã biểu diễn vở ba lê Le Sacre du printemps (Nghi lễ mùa xuân) của Igor Stravinsky, được biên đạo bởi vũ công nổi tiếng Vaslav Nijinsky, tại Nhà hát Champs-Elysees ở Paris.

Khi thành lập vũ đoàn Ballet Russes vào năm 1909, vị nghệ sĩ nổi tiếng Serge Diaghilev đã tìm kiếm phiên bản Gesamtkunstwerk (nghệ thuật tổng thể) của riêng mình, một khái niệm được giới thiệu bởi nhà soạn nhạc người Đức nhiều ảnh hưởng Richard Wagner trong cuốn sách Oper und Drama (Opera và Kịch, 1850-51).

Đầu những năm 1910, Diaghilev đã coi ba lê, cũng như tất cả hình thức nghệ thuật khác, như một phương tiện giải thoát khỏi các giới hạn của đạo đức và các quy ước cai trị xã hội phương Tây trong thế kỷ 19. Tinh thần tiên phong này đã lan rộng ở châu Âu vào năm 1913 – đặc biệt là ở Đức, nơi sinh của nhà triết học Friedrich Nietzsche, người đã có những tác phẩm viết về ý nghĩa của sự hỗn loạn và hủy diệt cũng như kêu gọi một sự tái sinh mạnh mẽ của xã hội hiện đại mà Stravinsky, Diaghilev và Nijinsky đã cố gắng thể hiện trong vở Le Sacre.

Khi bức màn được kéo lên trong nhà hát mới được xây dựng – cũng là một công trình gây tranh cãi về kiến ​​trúc – Nhà hát Champs-Elysees vào ngày 29 tháng 05 năm 1913, dường như toàn bộ xã hội Paris đều ở đó. Đã có nhiều dự đoán xung quanh tác phẩm mới nhất của Diaghilev; những quảng cáo trước đó cho vở ba lê đã gọi nó là nghệ thuật đích thực và chân chính, nghệ thuật bất chấp những ranh giới truyền thống của không gian và thời gian. Gần như ngay khi tấm màn được kéo lên, khán giả bắt đầu phản ứng mạnh mẽ với màn trình diễn, bắt đầu bằng những tiếng huýt sáo và tiếp theo là những tiếng gào thét khi các vũ công xuất hiện. Ban đầu có tựa đề The Victim (Nạn nhân), vở ba lê của Stravinsky khắc họa một nghi lễ ngoại giáo, trong đó một trinh nữ hiến thân mình cho vị thần mùa xuân. Âm nhạc nghịch tai và lạ lùng, trong khi vũ đạo của Nijinsky đánh dấu sự chuyển hướng triệt để khỏi vũ đạo ba lê cổ điển, với ngón chân của các vũ công xoay vào trong và tay chân của họ tạo các góc nhọn thay vì những đường cong tròn, mượt mà.

Như Carl Van Vechten, nhà phê bình kịch cho tờ New York Sun sau đó đã viết, những vị khán giả quá khích đã trở thành một phần của màn trình diễn giống như các vũ công và nhạc công: Có khoảng bốn mươi người phản đối đã bị buộc rời khỏi nhà hát nhưng điều đó không dập tắt sự xáo trộn. Đèn trong khán phòng đã được bật toàn bộ nhưng tiếng ồn vẫn tiếp tục và tôi nhớ rằng Mlle. Piltz [vũ công khắc họa vai thiếu nữ hiến tế] đang thực hiện điệu nhảy tôn giáo kỳ lạ của mình trên một sân khấu đầy ánh sáng trong khán phòng với tiếng đệm là những lời la hét của một đám đông những người đàn ông và phụ nữ giận dữ. Các tin tức tiếp theo trên báo chí về vở ba lê – hiện được coi là một trong những thành tựu âm nhạc vĩ đại của thế kỷ 20 – rất tiêu cực; âm nhạc bị miêu tả chỉ là tiếng ồn và vũ đạo được coi là một sự nhại lại xấu xí của ba lê truyền thống.

Trong bối cảnh cuộc xung đột tàn khốc bùng nổ ở châu Âu chỉ một năm sau đó, phản ứng dữ dội đối với Le Sacre de Printemps dường như là một phản ứng hợp lý và không thể tránh khỏi đối với một biểu hiện của chủ nghĩa hư vô và hỗn loạn như vậy. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy trên khắp lục địa, khán giả Pháp lo lắng một cách dễ hiểu về ảnh hưởng đang giảm dần của đất nước họ khi đối đầu với sức mạnh ngày càng tăng của Đức, về điều có vẻ như là một sự thất bại của các quan niệm truyền thống về đạo đức và trật tự và về những gì sắp xảy ra.

Một năm sau, trong cuộc Khủng hoảng tháng Bảy, nhà phê bình người Pháp Maurice Dupont đã ca ngợi sự tỉnh táo trong phản ứng của người Pháp, gọi Le Sacre là một Con quỷ Phóng đãng được tạo nên từ giấc mơ của Nietzsche và mong ước mang tính tiên tri của ông để trở thành người dẫn đường của một thế giới đang tiến nhanh tới cái chết – một mong ước sẽ sớm được hiện thực hóa trên chiến trường của Thế chiến I.