Lễ giáo phong kiến liên quan gì với nạn ăn thịt người ở TQ thời xưa?

Tác giả: Nguyên Hải

Trong Nhật ký người điên, Lỗ Tấn mượn lời người điên để tố cáo bản chất ăn thịt người của lễ giáo phong kiến: “Mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi người ta ăn thịt lẫn nhau”… “Sách thánh hiền chép toàn những điều nhân nghĩa nhưng người đọc chỉ thấy thấp thoáng giữa các trang sách mấy chữ Ăn Thịt Người!

Thánh hiền ở đây là Khổng Tử, nhà sáng lập Nho giáo với thành phần chính là lễ giáo phong kiến. Như vậy giữa Nho giáo với nạn ăn thịt người có mối quan hệ gì chăng? Bài này thử bàn chuyện ấy. Việc này nên làm, vì Nho giáo hiện nay vẫn còn tác động tới đời sống mọi mặt ở ta, làm chậm bước tiến của nền dân chủ, do đó cần phê phán mặt tiêu cực của Nho giáo.

Về tư tưởng của Khổng Tử

Khổng Tử là bậc chính nhân quân tử, nhà giáo dục vĩ đại, nhưng phương án xã hội lý tưởng do cụ thiết kế thì có vấn đề. Xã hội ấy xây dựng trên nền tảng NHÂN, tức thương người, yêu cầu người cầm quyền đều là bậc quân tử, luôn tu thân sửa mình, sáng suốt và thương yêu dân. Vua là Con Trời (Thiên Tử), thay Trời cai quản dân, làm cho họ sống yên vui. Xã hội được quản lý bằng một quy phạm đạo đức về sau gọi là Tam cương Ngũ thường – một quy phạm nghiêm ngặt, bền vững, theo nguyên tắc dưới tuyệt đối phục tùng trên.

Tin rằng một xã hội như thế sẽ ổn định, phồn thịnh, Khổng Tử mang bản thiết kế xã hội này đi chu du khắp nơi, thuyết phục các tiểu quốc chấp nhận. Nhưng chẳng vua chúa nào nghe theo, bởi lẽ kẻ nắm quyền lực bao giờ cũng có xu hướng tiến tới sử dụng quyền lực để mưu lợi riêng; nói cách khác, họ không muốn và không thể làm người quân tử. Ví dụ vua chúa nào cũng thích sống sung sướng, muốn có hàng chục hàng trăm cung nữ phục vụ nhu cầu tình dục… Vua quan không muốn làm bậc quân tử song lại muốn mọi người phải tuyệt đối tuân theo lời mình – đây là nguyên nhân không thực hiện được Tam cương Ngũ thường .

Tam Cương là ba mối quan hệ xã hội quan trọng nhất: Quân-Thần (vua-bề tôi), Phụ-Tử (cha-con), Phu-Thê (chồng-vợ). “Quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương”, tức vua, cha, chồng phải là cương của bề tôi, của con, của vợ, mặt khác yêu cầu bề tôi, con, vợ phải tuyệt đối phục tùng vua, cha, chồng [cương tức giềng mối, hoặc phần quan trọng nhất, là cương lĩnh, phép tắc; theo cách giải thích hiện nay cương là tấm gương].

Ngũ Thường là “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, tức 5 chuẩn mực hành vi điều chỉnh mối quan hệ vua-tôi, cha-con, anh-em, chồng-vợ, bạn bè.

Tam Cương Ngũ Thường, gọi tắt Cương Thường, là tư tưởng quan trọng nhất trong văn hóa luân lý Nho giáo Trung Quốc, được tầng lớp phong kiến sử dụng để giáo hóa dân, qua đó duy trì sự tồn tại của chế độ phong kiến. Sách vỡ lòng Tam Tự Kinh viết: Tam cương giả, quân thần nghĩa, phụ tử thân, phu phụ thuận, tức vua tôi phải giữ tình nghĩa với nhau; cha mẹ và con cái phải thương yêu thân thiết với nhau; vợ chồng phải hòa thuận với nhau. Nhờ thế mọi người từ nhỏ đã biết phải tuân theo quy tắc đạo đức Tam Cương.

Từ Tam Cương Ngũ Thường xuất hiện đầu tiên trong sách Xuân thu phồn lộ của triết gia duy tâm Đổng Trọng Thư (179-104 TCN), nhưng bắt nguồn sâu xa từ Khổng Tử (551-479 TCN) – người đưa ra quan niệm đạo đức “Quân quân, Thần thần, Phu phu, Tử tử và Nhân, Nghĩa, Lễ”. Về sau Mạnh Tử (372-289 TCN) bổ sung quy phạm đạo đức Ngũ Luân: “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín”, tức cha-con có tình thân, vua-tôi có tình nghĩa, chồng-vợ, già-trẻ có thứ tự trên dưới, bạn bè có lòng tin nhau.

Cuối cùng Đổng Trọng Thư dựa lý luận Dương tôn Âm ti của mình phát triển các lý thuyết trên thành Tam cương Ngũ thường. Ông pha trộn tư tưởng tông pháp của Nho giáo với thuyết Âm dương ngũ hành, kết hợp thần quyền, phụ quyền, phu quyền xuyên suốt với nhau. Ông sáng lập chủ nghĩa duy tâm thần học Thiên nhân cảm ứng.

Họ Đổng đề xuất vũ trụ quan siêu hình “Đạo chi đại nguyên xuất ư thiên, thiên bất biến đạo diệc bất biến” tức tất cả mọi quy luật, phép tắc, đạo lý trên thế gian này đều có nguồn gốc từ Trời; Trời không thay đổi thì mọi thứ ấy cũng đều không thay đổi. Do đưa được yếu tố Thiên (Trời) vào nên lý luận của Đổng trở nên có cơ sở vững chắc không ai dám bác bỏ. Ông cho rằng ba mối quan hệ Quân-Thần, Phụ-Tử, Phu-Thiếp là quan trọng nhất trong Ngũ Luân, đó là mối quan hệ chủ-tòng có tính chất trời định, vĩnh hằng bất biến: Quân vi chủ, Thần vi tòng; Phụ vi chủ, Tử vi tòng; Phu vi chủ, Thê vi tòng. Tam Cương xuất phát từ đạo Âm Dương, cho rằng Quân, Phụ, Phu thể hiện mặt “Dương” của vũ trụ, còn Thần, Tử, Thê thể hiện mặt “Âm”. Dương vĩnh viễn ở vào địa vị chúa tể, tôn quý, còn Âm vĩnh viễn ở vào địa vị phục tùng, ti tiện. Bằng cách ấy vị đại Nho họ Đổng xác lập địa vị thống trị của Quân quyền, Phụ quyền, Phu quyền, thần thánh hóa chế độ đẳng cấp và trật tự xã hội phong kiến thành phép tắc cơ bản bất biến của vũ trụ.

Tóm lại, Đổng Trọng Thư đã kết hợp tư tưởng Nho giáo với nhu cầu của xã hội, hấp thu lý luận của các trường phái học thuật khác, sáng lập một hệ tư tưởng mới lấy Nho giáo làm hạt nhân, trên cơ sở đó đề xuất “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật”, và được Hán Vũ Đế chấp nhận. Như vậy Đổng Trọng Thư đã biến Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống suốt hai nghìn năm của xã hội Trung Quốc, ảnh hưởng sâu sắc tới căn tính của người dân nước này.

Rõ ràng, nếu làm đúng yêu cầu của Khổng Tử – tức dưới tuyệt đối phục tùng trên nhưng trên phải nêu gương tốt cho dưới, tức phải hành xử như bậc quân tử – thì chẳng ai phàn nàn gì. Nhưng bọn vua quan cầm quyền bao giờ cũng muốn được hưởng lợi nhiều nhất, chỉ đơn phương bắt người dân phục tùng chúng, ai không phục tùng sẽ bị luật pháp trừng trị, nhưng chẳng có luật pháp nào trừng trị những kẻ nắm quyền không xứng đáng là bậc quân tử. Hiển nhiên, khi kẻ cầm quyền suy đồi như vậy mà vẫn bắt dân tuyệt đối phục tùng thì trật tự xã hội của Khổng Tử trở thành gông cùm xiết cổ người dân, làm cho đạo Khổng có tính chất phản dân chủ. Vì thế chế độ phong kiến sử dụng đạo Khổng làm cơ sở lý luận bảo vệ quyền lực của chúng, xã hội Trung Quốc trở thành xã hội độc tài chuyên chế phản dân chủ.

Rốt cuộc, vì không có cơ chế kiểm tra quyền lực nên xã hội do đức Khổng thiết kế chỉ là xã hội không tưởng, thậm chí tạo dựng nên một trật tự xã hội mất nhân tính, lý trí. Chính Mao Trạch Đông cũng nói Học thuyết Khổng Tử danh cao, thực ra là thứ bỏ đi.

Tổng kết lịch sử nhân loại, Lord Acton (1834-1902) rút ra một quy luật muôn thủa: Quyền lực thì có xu hướng suy đồi và quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối. Ai chưa biết quy luật này thì chỉ có thể đưa ra những mô hình xã hội không có cơ chế ngăn chặn sự suy đồi của tầng lớp cầm quyền, vì thế đều là không tưởng, cuối cùng bị biến chất thành xã hội chuyên chế.

Hoàn cảnh lịch sử không cho phép Khổng Tử đi xa hơn. Thế kỷ XIX, một triết gia vĩ đại khác còn thiết kế ra một xã hội lý tưởng hơn nhiều, nhưng thực thi được 70 năm thì thất bại, vì rốt cuộc kẻ cầm quyền đều suy đồi, không thực hiện ý tưởng của triết gia ấy.

Giết người thân, ăn thịt người để tỏ lòng trung

Trong Tam Cương, mối quan hệ vua-tôi là quan trọng nhất, yêu cầu bề tôi tuyệt đối trung thành với vua, vua bảo chết thì phải chết, kẻ như vậy được ca ngợi là trung thần nghĩa sĩ, cho dù chỉ là ngu trung, tức mù quáng trung thành với một cá nhân hoặc một nhóm người.

Đạo Khổng đề cao “Trung dung”, nói dễ hiểu là “Vừa phải”. Nhưng trên thực tế người Trung Quốc thời cổ hay hành xử một cách cực đoan. Trung thành một cách cực đoan tới mức ngu trung là những biểu hiện điển hình sử sách Trung Quốc có ghi chép.

Bởi thế tuy Khổng Tử toàn nói về luân lý đạo đức dựa trên tư tưởng thương người, nhưng trong thực tế ở Trung Quốc có những người đã chẳng thương yêu nhau mà còn … ăn thịt nhau.

Đạo Khổng truyền sang Việt Nam tuy được tầng lớp phong kiến nước ta tôn sùng nhưng xa lạ với dân ta, không trở thành tín ngưỡng trong lòng người. Đông đảo dân ta tin đạo Phật, một tôn giáo chủ trương không sát sinh, đề cao lòng từ bi, tức tình thương mọi sinh linh. Một số vương triều nước ta theo đạo Phật, nhờ thế xã hội Việt Nam dưới các triều đó đã phát triển hài hòa.

Tiểu thuyết Tam Quốc Chí, Thủy Hử… kể lại nhiều chuyện ăn thịt người, giọng kể rất bình thản, dường như người xứ này không sợ loại thịt ấy. Thống kê theo sách Nhị thập tứ sử cho thấy từ đời Tiên Tần đến cuối đời Thanh, Trung Quốc từng xảy ra 403 vụ giết người lấy thịt ăn với quy mô lớn, do chiến tranh hoặc đói kém gây ra, chủ yếu giết đàn bà và trẻ con – hai hạng người yếu thế không thể tự bảo vệ mình. Trong nạn đói gây ra bởi phong trào Đại Nhảy Vọt 1958-1960, dân đói cũng ăn thịt trẻ con – tiểu thuyết “Ký sự ở Trại trẻ mồ côi Định Tây” của nhà văn Dương Hiển Huệ có kể chuyện ấy (bản dịch tiếng Việt mới xuất bản).

Vì đói mà ăn thịt xác chết đồng loại đã là quá kinh khủng, không bằng thú vật. Nhưng đáng lên án nhất là những kẻ vì để tỏ lòng trung với chủ mà giết tươi vợ con mình, dã man không tưởng tượng nổi. Tiếc thay điều này có liên quan tới đạo Khổng.

Trong Loạn An Sử, tướng nhà Đường là Trương Tuần trấn giữ thành Tuy Dương bị vây hãm, khi cạn lương thực, Trương bèn giết ngay vợ mình lấy thịt đãi quân sĩ. Chuyện này được sử sách Tàu ca ngợi là “Thiên cổ mỹ đàm”, nói lên sự xả thân hy sinh của “trung thần nghĩa sĩ” Trương Tuần. Tại nơi ấy nay còn đền thờ và mộ Trương Tuần, cổng đền viết “Công chiêu nhật nguyệt”, “Trung liệt thiên thu”. Bia mộ khắc dòng chữ “Đường trung liệt hầu Trương Tuần chi mộ”. Thập niên 80 thế kỷ XX, Trung Quốc còn xuất bản tập truyện tranh ca ngợi “nghĩa cử” này của Trương, gần đây báo có đăng lại mấy bức tranh ấy! Thiên hạ quên mất một chuyện là sau khi chủ tướng Trương Tuần “nêu gương” giết vợ, quân sĩ dưới trướng rủ nhau mặc sức giết đàn bà trẻ con trong thành lấy thịt ăn. Dã man đến thế ư, ngoài Trung Quốc ra có nơi nào như vậy không ?

Tam quốc Diễn nghĩa hồi 19 chép chuyện vì muốn dâng món ăn “lạ miệng” lên hoàng thân nhà Hán là Huyền Đức Lưu Bị mà thợ săn Lưu An giết vợ mình lấy thịt đãi Bị (và Tôn Càn). Sau đấy, khi thấy dưới nhà bếp có xác đàn bà bị róc hết thịt bắp tay, Lưu Bị biết sự thật, ứa nước mắt nhưng đã không mắng Lưu An mà còn an ủi “Anh em như chân tay, đàn bà như quần áo” (giết đi cũng chẳng sao). Khi gặp Tào Tháo, Bị kể lại chuyện ấy, Tháo cảm phục lòng trung của Lưu An, sai đem 200 lạng vàng thưởng An. Đến đời nhà Thanh, sân khấu Tàu còn diễn kịch ca ngợi “tấm gương” Lưu An! Rõ ràng An là kẻ vô cùng ích kỷ. Vì sao hắn không nhờ người khác giết hắn lấy thịt khoản đãi Lưu Bị mà lại giết vợ?

Thời Xuân thu Chiến quốc, một hôm Tề Hoàn Công đùa bảo Dịch Nha, một đầu bếp-gian thần trong cung: “Ta ăn đủ thứ sơn hào hải vị rồi, chỉ thịt người là chưa. Ngươi nấu ăn giỏi, có biết chế món thịt người không?” Dịch Nha tưởng thật, về nhà giết đứa con trai ba tuổi của mình dâng vua ăn để lấy lòng vua. Tề Hoàn công biết chuyện càng sủng ái Dịch Nha.

Sát hại đàn bà trẻ con, là tội ác vô cùng man rợ, lẽ ra phải lên án. Ngày nay ngay tội ấu dâm cũng bị luật pháp Mỹ xử rất nặng. Thế mà kỳ quặc thay, người Trung Quốc chẳng những không lên án Lưu An, Trương Tuần,.. mà sử sách họ lại còn ca ngợi những kẻ sát nhân ấy là “trung thần nghĩa sĩ”. Đó là do ảnh hưởng của đạo Khổng, văn hóa truyền thống Trung Hoa coi trung thành với người lãnh đạo (Quân) là phẩm chất đáng quý nhất của kẻ bị lãnh đạo (Thần), không cần biết Quân sáng suốt hay ngu dốt. Tam Cương Ngũ Thường tạo nên truyền thống ngu trung làm cho suốt mấy nghìn năm nước này không có khái niệm dân chủ tự do bình đẳng, vì thế khó có thể sáng tạo cái mới. Văn minh cổ Trung Hoa tỏa sáng một thời nhưng sau khi bị đạo Khổng thống trị thì dần dần tụt xa sau phương Tây, chẳng còn cống hiến đáng kể nào cho nhân loại về khoa học xã hội-nhân văn hoặc khoa học công nghệ. Khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, giới tinh hoa Trung Quốc đã lên án thậm tệ đạo Khổng và đòi từ bỏ nền văn hóa truyền thống. Dĩ nhiên, chẳng tốt đẹp gì khi phủ nhận di sản văn hóa tổ tiên để lại, nhưng khi đó là thứ tài sản chứa đựng những giá trị làm mọi người nghĩ đến chỉ thấy xấu hổ thì lẽ tự nhiên chẳng ai muốn thừa kế.

Ngày nay dưới chiêu bài “phục hồi văn hóa truyền thống Trung Hoa”, Trung Quốc đang cố phục hồi đạo Khổng, chủ yếu là truyền thống tôn ti trật tự Quân-Thần. Có điều Quân hiện nay được hiểu là Đảng – nhóm 80 triệu người trong số 1400 triệu dân (5,7%). Ông Tập Cận Bình đi khắp nước kêu gọi mọi người mọi ngành tuyệt đối phục tùng Đảng Cộng sản do ông đứng đầu. Để củng cố địa vị cá nhân, ông Tập đang tìm cách bóp nghẹt nguyện vọng dân chủ của dân. Cách làm ấy gây ra sự lo lắng trong Đảng. Cách đây ít lâu chính Ban Kiểm tra kỷ luật TƯ ĐCSTQ đã đăng một bài báo nhắc ông Tập nên lắng nghe những lời can gián ngay thẳng. Cho dù các phương tiện bày tỏ nguyện vọng cá nhân đã bị cấm, dân bị khóa miệng, nhưng vẫn có người công khai kêu gọi Tập Cận Bình từ chức. Dân mạng Trung Quốc nói trong thời đại thông tin ngày nay không ai có thể thực thi được chính sách ngu dân.

Báo chí phương Tây cảnh báo: việc phục hồi Khổng Tử có thể là “gậy ông đập lưng ông” và mách nước ông Tập nên áp dụng cơ chế nhà nước phương Tây. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, các nhà tư tưởng Anh và Pháp từng đề xuất mô hình nhà nước phân quyền, sau phát triển thành cơ chế tam quyền phân lập, có thể kiểm soát, kiềm chế được quyền lực, nhờ thế xã hội ổn định lâu dài. Cơ chế này không cho phép cá nhân hoặc một nhóm lợi ích nào nắm quyền mãi mãi, tức không thể chuyên chế độc tài. Nhờ áp dụng cơ chế này, nước Mỹ từ ngày lập quốc (1776) tới nay chưa hề xảy ra đảo chính lật đổ nhà cầm quyền, các chính phủ nối tiếp nhau quản lý xã hội, đất nước yên bình ổn định và phát triển nhanh, đời sống nhân dân được nâng cao.