Biên dịch: Hoàng Tuấn Thịnh
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana (Kazakhstan) tháng 6 năm 2017, Ấn Độ và Pakistan được kết nạp, đưa số thành viên chính thức của SCO lên con số 8. Sau thượng đỉnh Astana, Quỹ Nghiên cứu Người Quan sát (Observer Research Foundation) của Ấn Độ tiến hành cuộc thảo luận rộng rãi về chuyên đề “Khuynh hướng của Ấn Độ sau khi gia nhập SCO” được đăng tải trên các trang mạng. Các cựu đại sứ của Ấn Độ, như Rakesh Sud, Ajai Malhotra, Puntsag Stobdan, Ashok Kant, Nandan Unnikrinshnan, có dịp bày tỏ quan điểm của mình tại cuộc thảo luận này.
Ban đầu SCO được thành lập nhằm giải quyết vấn đề biên giới của “Nhóm Thượng Hải 5” và mở rộng điều kiện hợp tác an ninh. Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc có nhu cầu giải quyết vấn đề của mình với Nga và các quốc gia mới ở Trung Á. Đồng thời, mối đe dọa của Taliban ở Afghnistan cũng trở thành hiểm họa đặc biệt đối với Trung Á (trực tiếp là Nhóm Thượng Hải 5), vì vậy, tổ chức khu vực này không còn cách nào khác cần phải mở rộng và lớn mạnh. Trên thực tế, một số nước Trung Á bất lực trước hiểm họa xuất phát từ Afghanistan.
Thực vậy, bước sang thiên niên kỷ mới, lợi ích của Nga, Hoa Kỳ, NATO, EU, Trung Quốc và Ấn Độ đều hướng trực tiếp về phía Trung Á. Vì vậy, đòi hỏi đặt ra là làm thế nào để hài hòa được lợi ích này của các bên.
Năm 2001, nhờ Uzbekistan gia nhập “Nhóm Thượng Hải 5”, tổ chức mới của khu vực này có tên gọi SCO, năm 2005, Ấn Độ và Pakistan trở thành quan sát viên của tổ chức này (năm 2004, Mông Cổ là quan sát viên, sau này thêm Afghanistan, Iran – ND), năm 2014, Ấn Độ là nước đầu tiên nộp đơn xin trở thành thành viên chính thức. Quy trình ký 38 loại văn bản để trở thành thành viên chính thức phải kéo dài hết năm 2016 và ngày 09/06/2017, Ấn Độ đã trở thành thành viên đầy đủ của SCO. Pakistan cũng phải trải qua quá trình tương tự để trở thành thành viên chính thức.
Nga và Trung Quốc là hai thành viên chủ chốt của SCO, vì vậy ngôn ngữ chính thức của tổ chức này là tiếng Nga và tiếng Trung. Tuy nhiên, SCO không được sử dụng làm nơi giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong quan hệ song phương của hai quốc gia này.
Cấu trúc khu vực chống chủ nghĩa khủng bố là một hướng quan trọng chính của SCO. Cấu trúc này có nhiệm vụ chống “ba lực lượng nguy hiểm”: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan. Ban đầu là trao đổi thông tin, sau đó tiến hành tập trận chung chống khủng bố. Vấn đề trao đổi kinh nghiệm được đặt lên hàng đầu trong cuộc chiến này. SCO phải quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực an ninh liên quan đến mối hiểm họa của nhóm Hồi giáo cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” lây lan trong khu vực. Vì vậy, Trung Á được coi là khu vực của SCO chống chủ nghĩa khủng bố. Nhiệm vụ của Kazakhstan trong vai trò môi giới giữa Nga và Thổ Nhỹ Kỳ gia tăng đột biến.
Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã phát biểu chi tiết tại hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng các nước SCO diễn ra tại Bắc Kinh. Ông ta tuyên bố, chủ đề chính của hội nghị là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Ngụy Phượng Hòa nêu rõ, SCO là tổ chức đấu tranh vì hòa bình, phải thường xuyên đề cao cảnh giác cao độ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, Trung Quốc kỳ vọng vào SCO trong bối cảnh phong trào ly khai tại khu tự trị Tân Cương – Duy Ngô Nhĩ nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài ngày càng tăng.
Nga coi SCO là chỗ đảm bảo an ninh của mình đối với Afghanistan. Hướng hoạt động của SCO về phía Afghanistan, liên kết của SCO đã tích cực hơn. Thế nhưng, khu vực Trung Á không được coi là phạm vi ảnh hưởng hay lợi ích cơ bản của ba nước lớn khổng lồ trong SCO là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Bởi vì, ba nước lớn này không nước nào chấp nhận sự vượt trội của nước khác tại Trung Á.
Ấn Độ không cam chịu và không mong muốn Trung Quốc độc diễn tại SCO hay thống trị tại Trung Á. Thế nhưng, Trung Quốc lại có chung biên giới với Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cũng như có quan hệ rộng rãi về tôn giáo – văn hóa và nhân đạo thông qua khu tự trị Tân Cương của mình. Nga chỉ tiếp giáp với Kazakhstan, còn Ấn Độ thì không có chung biên giới với nước nào ở Trung Á. Nga và một số nước Trung Á nằm trong Liên minh Kinh tế Á – Âu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Tổ chức hợp tác, củng cố lòng tin ở châu Á. Nếu nghĩ một cách logic, SCO và Liên minh kinh tế Á – Âu nên tập trung về vấn đề hợp tác thương mại – kinh tế, còn Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Tổ chức hợp tác, củng cố lòng tin ở châu Á thì nên thảo luận, giải quyết vấn đề an ninh.
Ẩn ý đằng sau việc Ấn Độ gia nhập SCO là tạo ảnh hưởng nào đó tại Trung Á. Nếu xét về tầm ảnh hưởng thì Ấn Độ không thể sánh được với Nga và Trung Quốc, chỉ ảnh hưởng ở mức hạn chế. Trên thực tế, hiện SCO là một tổ chức chính trị khu vực. SCO luôn nói sẽ hợp tác về kinh tế nhưng không triển khai chỉ là hình thức mà thôi.
Người Ấn thường nêu ra một mâu thuẫn được thấy trong năm 2015. Lúc đó, Trung Quốc đã cố ngăn Ấn Độ xin gia nhập tổ chức này, đưa ra lý do là cho tới thời điểm đó chưa có quy trình kết nạp thành viên mới. Lần đầu tiên, nội bộ SCO xuất hiện mâu thuẫn giữa Nga và Trung Quốc về việc kết nạp Ấn Độ. Nga đã gây sức ép để kết nạp Ấn Độ và đã sử dụng lợi thế của nước chủ nhà tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh SCO tại Ufa (LB Nga). Tại sao lúc đó, bỗng nhiên SCO lại được mở rộng tới hai nước lớn ở Nam Á, cho tới nay đề tài mở này đang được nghiên cứu.
Có hai sự giải thích được coi là nổi bật nhất. Một là, Trung Quốc muốn gửi tín hiệu trách nhiệm lớn của mình về vấn đề chung của thế giới. Hai là, Nga đã cải thiện mạnh mẽ quan hệ song phương của mình với Pakistan.
Với tư cách là thành viên mới của SCO, Ấn Độ cũng muốn có thay đổi thực trạng và cơ cấu SCO theo quyền hạn có mức độ của mình. Thậm chí, Ấn Độ còn cho rằng, các tuyên bố, tuyên ngôn của SCO không phù hợp với lợi ích quốc gia của mình. Nhưng Ấn Độ sử dụng hạ tầng của Trung Quốc và chủ trương chính sách thúc đẩy lợi ích của mình tại khu vực, như mở rộng và tăng cường thương mại, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm lợi ích trong thương mại. Ấn Độ không phản đối mọi dự án do Trung Quốc đề xuất, chẳng hạn như ủng hộ việc thành lập ngân hàng của SCO nếu như ngân hàng này hoạt động theo kiểu ngân hàng của BRICS. Nếu làm được như vậy, Ấn Độ có thể tạo được luật chơi của mình tại ngân hàng này. Nhưng cho tới nay, Nga vẫn nghi ngờ và phản đối việc Trung Quốc đề nghị thành lập ngân hàng của SCO. Ngoài phạm vi SCO, Ấn Độ quan tâm quan hệ song phương hơn với các nước Trung Á.
Sau khi gia nhập SCO, giới nghiên cứu và ngoại giao Ấn Độ không ngừng tranh luận về quy chế của Ấn Độ. Cụ thể, Ấn Độ là cường quốc lục địa hay là cường quốc biển, Ấn Độ là cường quốc thuộc Á – Âu hay là cường quốc Ấn Độ Dương. Theo Ashok Kant, Ấn Độ phải là chủ thể lớn trong số các quốc gia biển, đồng thời là cường quốc lục địa, của Á – Âu, của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Các nhà nghiên cứu Ấn Độ cũng đề cập đến đề tài tranh luận SCO có lợi cho ai. Khi mới thành lập SCO, Mỹ và lực lượng đa quốc gia của NATO tiến hành hoạt động quân sự chống Taliban và các phần tử khủng bố ở Afghanistan, nhìn chung dù cơ hội tham gia có hạn chế nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu cố tạo ảnh hưởng trên trận địa này về phía Trung Á thông qua Nga.
Về phần Nga, hầu như ngay từ đầu đã có ý định kết nạp Ấn Độ vào SCO bởi vì Nga muốn hạn chế Trung Quốc tạo ảnh hưởng đối với Trung Á ngay từ đầu. Nga cho rằng, phải lôi kéo Ấn Độ để thực hiện điều này. Trung Quốc đã bảo vệ vị thế của mình bằng cách giúp Pakistan kéo cánh cửa vào SCO như Nga giúp Ấn Độ. Điều này được coi là bước đi đối đầu với Ấn Độ tại SCO. Còn các nước Trung Á thường cho rằng, do có thể phụ thuộc Trung Quốc nên họ cũng mong đợi nhiều điều từ Ấn Độ.
Hiện SCO chiếm 60% lãnh thổ Á – Âu, với 2,8 tỷ dân. Nếu Nga áp đặt việc SCO mở rộng Iran trở thành thành viên chính thức thành công tại Astana năm 2017 thì với bất cứ ý nghĩa nào, SCO sẽ hình thành kiểu tập hợp lực lượng chống Mỹ. Vô hình trung, SCO biến thành liên minh lớn chống phương Tây.
Qua quan sát cho thấy, tất cả các thành viên SCO đang đặt lợi ích quan hệ song phương của mình lên hàng đầu so với lợi ích của tổ chức. Về phần Trung Quốc, SCO là chỗ dựa để củng cố hướng chiến lược của mình với các nước khác, và kênh duy nhất thúc đẩy dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc là SCO. Nếu quan hệ Trung Á – Hoa Kỳ được tăng cường, con đường phát triển dân chủ tại các nước Trung Á được lựa chọn thì tư tưởng bài Trung tất nhiên sẽ gia tăng. SCO không thể dung hòa được xu thế này. Nhìn chung, mỗi quốc gia thành viên của SCO nhìn tương lai theo cách của mình và không thể có tiếng nói chung.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Astana năm 2017, Thủ tướng Ấn Độ phát biểu bằng tiếng Hindi với tâm trạng bực bội. Sau khi dự thượng đỉnh SCO Astana, Thủ tướng Modi bay sang thăm Hoa Kỳ. Các nhà quan sát nước ngoài đánh giá rằng, chuyến thăm này nhằm cân bằng giữa Putin và Trump. Có một điều chắc chắn là quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ chưa bao giờ lại tốt như vậy, nhờ Trump đắc cử Tổng thống, cả Modi và Trump đều thốt ra rằng, quan hệ đối tác chiến lược của hai nước đã vươn lên tầm cao mới.
Tại Hoa Kỳ, Ấn Độ được hiểu là thành viên của BRICS và của SCO, giữ khoảng cách với phương Tây, gia nhập “thế giới không phương Tây”. Nga và Trung Quốc là thủ lĩnh của “thế giới không phương Tây”. Thế rồi, nhờ Modi đến Washington, quan hệ Ấn – Mỹ chưa bao giờ trở nên vững chắc như thế, đạt được thỏa thuận tất cả các vấn đề, Ấn Độ là đồng chí đích thực. Tiếp nối chuyến thăm đó, hải quân Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn được tổ chức ở phía tây Ấn Độ Dương.
Mùa Hè năm 2017, Narendra Modi thực hiện ba chuyến công du. Đầu tiên, ông tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế ở Sant Peterburg (LB Nga), gặp và hội đàm với Putin, từ đó ông sang dự hội nghị thượng đỉnh SCO tại Astana để kết thúc 12 năm quy chế quan sát viên của mình tại tổ chức này và sau đó sang thăm Mỹ.
Sự tích cực đó của Modi chính là sự thể hiện chính sách ngoại giao cân bằng kép của ông. Cái gọi là “cân bằng kép” gồm: (i) Cân bằng lời kêu gọi của Trump “Nước Mỹ trên hết” mâu thuẫn với chương trình “Chế tạo tại Ấn Độ” của Modi; (ii) Cân bằng việc Ấn Độ thiết lập quan hệ gần gũi với Nga và Trung Quốc với việc không tham gia trò chơi chống Mỹ, nhưng không phải là vật cản trong hợp tác tại BRICS và tại SCO. Đây chính là sự cân bằng kép của Modi.
Về cái gọi “Chế tạo tại Ấn Độ”, “Nước Mỹ trên hết” cũng là điều dễ hiểu. Các chính trị gia thực dụng, kể cả dân túy đều có khuôn mẫu giống nhau, luôn đề cao lợi ích quốc gia cốt lõi của mình trong kinh tế cũng như trong thương mại. Trong quan hệ quốc tế, họ cũng thường thể hiện giá trị và ngôn ngữ tương tự.
Hoàng Tuấn Thịnh lược dịch từ bản tiếng Mông Cổ “ШХАБ хаашаа явж, хэн хааш нь чиглүүлнэ вэ?” – Д. Баярхүү.