09/09/1971: Bạo loạn tại nhà tù Attica

Nguồn: Riot at Attica prison, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1971, các tù nhân đã nổi loạn và giành quyền kiểm soát Nhà tù Attica, một nhà tù có mức an ninh tối đa nằm gần Buffalo, New York. Cuối ngày hôm đó, cảnh sát tiểu bang đã giành lại được phần lớn nhà tù, nhưng 1.281 tù nhân đã chiếm một sân tập thể dục tên là D Yard, nơi họ giam giữ 39 lính canh và nhân viên làm con tin trong bốn ngày. Sau khi các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt, cảnh sát tiểu bang và các sĩ quan nhà tù đã phát động một cuộc đột kích thảm khốc vào ngày 13 tháng 09, khiến 10 con tin và 29 tù nhân bị giết trong một trận đấu súng. Tám mươi chín người khác bị thương nặng.

Đến mùa hè năm 1971, nhà tù tiểu bang ở Attica, New York, đã rơi vào tình trạng sẵn sàng bùng nổ. Các tù nhân trở nên nản lòng với tình trạng quá tải kinh niên, kiểm duyệt thư từ và điều kiện sống trong đó hạn chế việc họ chỉ được tắm một lần mỗi tuần và một cuộn giấy vệ sinh mỗi tháng. Một số tù nhân Attica, áp dụng tinh thần cấp tiến lúc đó, bắt đầu tự nhận mình là tù nhân chính trị thay vì tội phạm bị kết án.

Vào sáng ngày 09 tháng 09, vụ bạo loạn xảy ra khi các tù nhân đang trên đường đi ăn sáng đã chế ngự lính canh trại giam và xông vào một phòng trưng bày của nhà tù trong một cuộc bạo loạn tự phát. Họ đã vượt qua một cánh cổng bị lỗi và vào một khu vực trung tâm được gọi là Quảng trường Thời đại, nơi cho phép họ truy cập vào tất cả các khu vực phòng giam. Nhiều người trong số 2.200 tù nhân sau đó đã tham gia vào cuộc bạo loạn, và các tù nhân đã đi khắp nhà tù đánh đập lính canh, làm các vũ khí tự chế và đốt cháy nhà nguyện của nhà tù. Một lính canh, William Quinn, đã bị đánh đập tàn nhẫn và bị ném ra ngoài cửa sổ tầng hai. Hai ngày sau, anh chết trong bệnh viện vì chấn thương.

Sử dụng hơi cay và súng tiểu liên, cảnh sát tiểu bang đã giành lại quyền kiểm soát ba trong số bốn khu vực phòng giam do những kẻ bạo loạn nắm giữ mà không gây thiệt hại nhân mạng. Đến 10 giờ 30 phút sáng, các tù nhân chỉ còn kiểm soát D Yard, một sân tập thể dục ngoài trời được bao quanh bởi những bức tường cao 10,6m và nằm trong tầm ngắm của các tháp súng. Ba mươi chín con tin, chủ yếu là lính canh và một vài nhân viên nhà tù khác, bị bịt mắt và bị giữ trong một vòng tròn nhỏ. Các tù nhân được trang bị gậy và dao canh giữ những con tin này một cách nghiêm ngặt.

Những kẻ đứng đầu nhóm bạo loạn tập hợp một danh sách các yêu cầu, bao gồm các điều kiện sống được cải thiện, nhiều tự do tôn giáo hơn, chấm dứt kiểm duyệt thư từ và các mở rộng quyền sử dụng điện thoại. Họ cũng kêu gọi các cá nhân cụ thể, chẳng hạn như Hạ nghị sĩ Herman Badillo và nhà báo Tom Wicker của New York Times, đóng vai trò các nhà đàm phán và quan sát viên dân sự. Trong khi đó, hàng trăm cảnh sát đã đến Attica và Thống đốc New York, ông Nelson A. Rockefeller, đã triệu tập Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Trong các cuộc đàm phán căng thẳng, Ủy viên Cải huấn New York Russell Oswald đã đồng ý đáp ứng yêu cầu của các tù nhân về việc cải thiện điều kiện sống. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán bị bế tắc khi các tù nhân kêu gọi ân xá cho tất cả tù nhân ở D Yard, cùng với quyền được an toàn đi tới một “quốc gia phi đế quốc” cho bất cứ ai muốn điều đó. Các nhà quan sát đã yêu cầu Thống đốc Rockefeller đến Attica như một cách thể hiện thiện chí, nhưng ông đã từ chối và thay vào đó đã ra lệnh chiếm lại nhà tù bằng vũ lực.

Vào một sáng thứ Hai mưa gió ngày 13 tháng 09, một tối hậu thư đã được đọc cho các tù nhân, kêu gọi họ đầu hàng. Họ đáp trả bằng cách đặt dao lên cổ các con tin. Vào 9 giờ 46 phút sáng, máy bay trực thăng bay trên sân để thả hơi cay trong khi cảnh sát tiểu bang và các sĩ quan nhà tù xông vào và xả súng liên tiếp. Cảnh sát đã bắn 3.000 viên đạn vào đám mù hơi cay, giết chết 29 tù nhân và 10 con tin, và làm bị thương 89 người khác. Hầu hết bị bắn trong loạt súng bừa bãi ban đầu, nhưng các tù nhân khác đã bị bắn hoặc giết sau khi họ đầu hàng. Một kỹ thuật viên cấp cứu y tế nhớ lại đã nhìn thấy một tù nhân bị thương, nằm trên mặt đất, bị bắn vào đầu nhiều lần bởi một cảnh sát tiểu bang. Một tù nhân khác đã bị bắn bảy lần và sau đó được lệnh bò dọc theo mặt đất. Khi anh ta không di chuyển đủ nhanh, một sĩ quan đã đá anh ta. Nhiều người khác bị đánh đập dã man.

Sau cuộc đột kích đẫm máu, các nhà chức trách cho biết các tù nhân đã giết các con tin bằng cách cắt cổ họng của họ. Một con tin được cho là đã bị thiến. Tuy nhiên, khám nghiệm tử thi cho thấy những cáo buộc này là sai và cả 10 con tin đã bị cảnh sát bắn chết. Nỗ lực cố gắng che đậy này đã làm gia tăng sự lên án của công chúng đối với cuộc đột kích và thúc đẩy một cuộc điều tra của Quốc hội.

Cuộc bạo loạn Attica là cuộc bạo loạn nhà tù tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng cộng có 43 người đã thiệt mạng, trong đó có 39 người thiệt mạng trong cuộc đột kích, lính canh William Quinn, và ba tù nhân bị giết bởi các tù nhân khác ngay từ đầu trong cuộc bạo loạn. Một tuần sau khi kết thúc vụ bạo loạn, cảnh sát đã thực hiện các cuộc trả thù tàn bạo đối với các tù nhân. Nhiều tù nhân bị thương chỉ nhận được sự điều trị y tế dưới tiêu chuẩn, hoặc thậm chí là không được điều trị.

Năm 1974, các luật sư đại diện cho 1.281 tù nhân đã đệ đơn kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tập thể trị giá 2,8 tỷ đô la chống lại nhà tù và các quan chức chính phủ. Phải mất 18 năm trước khi vụ kiện được đưa ra xét xử, và năm năm nữa để đạt đến giai đoạn bồi thường thiệt hại. Sự chậm trễ là do một thẩm phán tòa án cấp dưới phản đối vụ án. Vào tháng 01 năm 2000, tiểu bang New York và các cựu tù nhân và tù nhân hiện tại đã đồng ý mức bồi thường 8 triệu đô la, được chia không đồng đều cho khoảng 500 tù nhân, tùy thuộc vào mức độ trầm trọng mà họ phải chịu đựng trong cuộc đột kích và các tuần sau đó.

Gia đình các sĩ quan nhà tù bị giết đã mất quyền khởi kiện sau khi họ chấp nhận các khoản bồi thường khiêm tốn do tiểu bang trả cho họ. Các con tin sống sót cũng bị mất quyền khởi kiện bằng cách nhận khoản thanh toán này. Cả hai nhóm đều chứng thực rằng không có quan chức nhà nước nào thông báo cho họ về các quyền hợp pháp của họ và họ đã không nhận được khoản bồi thường mà đáng ra tiểu bang New York phải trả cho họ.