Tại sao Huawei muốn chuyển giao công nghệ 5G cho phương Tây?

Nguồn:Huawei may sell its 5G technology to a Western buyer”, The Economist, 11/09/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Trong một sân giữa tòa nhà được thiết kế theo phong cách Hy Lạp cổ đại, bao quanh là các cột đá cao kiểu tượng phụ nữ, sẽ thật phù hợp nếu Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), giám đốc điều hành của Huawei, chìa ra cho phương Tây một nhành ô liu: một phần trong công ty của ông. Tòa nhà rộng lớn trong khuôn viên mênh mông của Huawei ở Thâm Quyến có một phòng triển lãm tự hào trưng bày các công nghệ “thế hệ thứ năm” (5G) của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Mạng điện thoại di động cực nhanh và cực kỳ được thèm muốn này sẽ sớm kết nối mọi thứ từ ô tô đến robot công nghiệp .

Chính công nghệ 5G đóng vai trò trung tâm đối với tăng trưởng doanh thu trong tương lai này của Huawei là thứ mà ông Nhậm nói rằng ông sẵn sàng chia sẻ, trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ với The Economist vào ngày 10 tháng 9. Chỉ với một khoản phí trả một lần, giao dịch sẽ cung cấp cho người mua quyền tiếp cận vĩnh viễn đối với các bằng sáng chế, giấy phép, mã nguồn, thiết kế kỹ thuật và bí quyết chế tạo 5G hiện có của Huawei.

Người mua có thể chỉnh sửa mã nguồn, có nghĩa là cả Huawei và chính phủ Trung Quốc đều không thể kiểm soát được bất kỳ cơ sở hạ tầng viễn thông nào được xây dựng bằng thiết bị do người mua mới xây dựng. Huawei cũng sẽ tự do phát triển công nghệ của mình theo bất kỳ phương hướng nào mà họ muốn.

Huawei đã tiến hành một cuộc “tấn công quyến rũ” suốt năm nay. Hãng đã thúc đẩy ông Nhậm mỗi tháng một lần kể từ hồi tháng Giêng tham gia một loạt các cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông quốc tế. Nhưng ý tưởng chuyển giao các công nghệ 5G của mình cho đối thủ cạnh tranh là một đề nghị táo bạo nhất từng được đưa ra. “Thật khó để tìm được các tiền lệ tương tự trong lịch sử công nghệ”, Dan Wang thuộc Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu, cho biết.

Mục đích mà ông Nhậm nêu lên là tạo ra một đối thủ có thể cạnh tranh về 5G với Huawei (trong khi Huawei sẽ giữ các hợp đồng hiện có và tiếp tục bán các thiết bị 5G của riêng họ). Theo ông, điều này sẽ giúp làm cho sân chơi bình đẳng hơn khi nhiều người ở phương Tây ngày càng lo lắng trước triển vọng một công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị cho hầu hết các mạng điện thoại di động mới trên thế giới. “Một sự phân phối lợi ích cân bằng sẽ có lợi cho sự sống còn của Huawei,” ông Nhậm nói.

Chuyện thật không đùa. Một cuộc tấn công kéo dài hàng tháng của Mỹ đã làm rối loạn công ty, nơi mà mạng lưới toàn cầu của họ bị nghi ngờ là cho phép Trung Quốc theo dõi các nước khác. Mỹ cũng đã cố gắng ép các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei khi họ bắt đầu xây dựng mạng 5G của mình. Vào tháng 5, các công ty Mỹ đã bị cấm bán linh kiện và phần mềm cho Huawei với lý do điều đó gây nên rủi ro an ninh quốc gia. Tháng trước, Mỹ đã cấm các cơ quan chính phủ giao thiệp kinh doanh với Huawei (công ty này đang thách thức lệnh cấm này tại tòa án).

Thoạt nhìn, cử chỉ của ông Nhậm có nhiều ý nghĩa đối với điều đó. Nếu việc bán công nghệ cuối cùng tạo ra một đối thủ cạnh tranh đủ mạnh, các quốc gia như Úc (vốn đã cấm thiết bị của Huawei) sẽ không còn phải lựa chọn một bên là các công nghệ mạng vừa tiên tiến vừa rẻ tiền, như của Huawei, và một bên là mối lo ngại về việc bị Trung Quốc nghe lén. Họ có thể có công nghệ tốt nhất từ ​​một quốc gia đồng minh. Quyết định mua thiết bị viễn thông nào sau đó có thể được chuyển từ các chính trị gia sang các giám đốc điều hành thực dụng.

Cử chỉ này cũng có thể thuyết phục những người nghi ngờ về công nghệ của Huawei rằng ý định kinh doanh của công ty là mờ ám. Ông Nhậm nói tiền từ thỏa thuận này sẽ cho phép Huawei “có nhiều bước tiến hơn nữa”. Giá trị của toàn bộ danh mục công nghệ 5G của công ty, nếu được bán, có thể lên tới hàng chục tỷ đô la. Trong thập niên qua, công ty đã chi ít nhất 2 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển để cho ra thế hệ kết nối di động mới.

Khi nói rằng ông muốn tạo ra một cuộc đua công nghệ công bằng hơn, ông Nhậm cũng đang cố gắng tách nỗi sợ an ninh của Mỹ khỏi nỗi sợ về sự thống trị thị trường của Huawei. Lời đề nghị của ông “về cơ bản là bóc trần ý đồ của Mỹ”, theo lời Samm Sacks thuộc New America, một viện nghiên cứu ở Washington, DC. Như bà chỉ ra, chính phủ Mỹ đang tìm cách tạo ra một đối thủ của Huawei, cho dù bằng cách nuôi dưỡng các công ty Mỹ hoặc giúp sức cho hai đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của nó là Ericsson, một công ty Thụy Điển, và Nokia, một công ty Phần Lan. Các động thái cũng được tiến hành nhằm đảm bảo một số cấu phần có thể được sử dụng thay thế cho nhau, cho phép các nhà mạng trộn lẫn thiết bị của các nhà cung cấp khác nhau một cách dễ dàng. OpenRAN, một cơ quan chuyên thiết lập tiêu chuẩn, muốn các nhà sản xuất thiết bị hạ tầng như Huawei đồng ý về các tiêu chuẩn truyền tải dữ liệu cho công nghệ trong mạng của họ để cho phép sự tương thích giữa các loại thiết bị của các hãng khác nhau. Cho đến nay, Huawei đã từ chối tham gia.

Tuy nhiên, câu hỏi về tính khả thi của thỏa thuận vẫn còn đó. Liệu Trung Quốc có chấp nhận từ bỏ một phần cốt lõi của một trong số ít các tập đoàn hùng mạnh toàn cầu của họ? Dù tốt hay xấu, 5G đã trở thành một công cụ cho vị thế siêu cường. Như ông Nhậm nói với The Economist, “5G đại diện cho Tốc độ” và “các quốc gia có tốc độ sẽ tiến lên nhanh chóng. Ngược lại, các quốc gia từ bỏ tốc độ và công nghệ kết nối tuyệt vời có thể chứng kiến sự suy giảm kinh tế.”

Ngay cả khi nhà nước Trung Quốc chấp thuận, thì ai có thể là người mua? Ông Nhậm nói rằng ông cũng “không biết”. Các nhà phân tích nghi ngờ rằng những người khổng lồ như Ericsson và Nokia sẽ từ chối đề nghị vì tự ái, đồng thời sẽ đặt câu hỏi về giá trị của công nghệ Huawei. (Sau khi thua lỗ năm ngoái, các công ty này cũng đang thiếu tiền mặt.) Công nghệ không thể giúp một công ty nhỏ có thể cạnh tranh một cách bình đẳng với Huawei. Theo các chuyên gia tư vấn, Huawei có vị thế mạnh vì có quan hệ với các nhà mạng lớn, những công ty phần lớn sẽ không chấp nhận rủi ro tài chính để chọn một nhà cung cấp mới. Samsung, một gã khổng lồ điện tử của Hàn Quốc, có nhiều tiền và một bộ phận kinh doanh thiết bị 5G còn nhỏ nhưng đang phát triển mạnh, nhưng việc không có đối thủ tham gia đấu thầu khiến họ khó có thể có được một mức giá phải chăng. Một nhóm các người mua cũng là điều có thể, tuy nhiên ai sẽ là các thành viên vẫn chưa rõ ràng.

Những người muốn mua cũng có thể phải cân nhắc thêm các điểm khác. Nếu Huawei thực sự sẵn sàng chuyển giao toàn bộ công nghệ của mình cho công ty khác, thì như ông Wang chỉ ra, “Huawei phải chấp nhận rủi ro gặp phải một đối thủ cạnh tranh lớn trong tương lai.” Nhưng sự áp đảo của Huawei không chỉ đến từ công nghệ mà còn đến từ mức giá thấp cũng như tốc độ triển khai sản phẩm, và Sacks nói. Việc công ty này sẵn sàng phục vụ các khách hàng ở những nơi mà các hãng phương Tây muốn tránh là một yếu tố ở đây: Có ai khác ngoài Huawei muốn lội qua các đầm lầy đầy sốt rét ở châu Phi hay lắp các trạm cơ sở dọc các sườn núi ở Colombia? Ông Nhậm biết điều này. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng một công ty Mỹ, với bí quyết công nghệ quý giá của Huawei trong tay, sẽ có thể thành công hay không, ông trả lời với chút vênh vang, “Tôi không nghĩ vậy.” Nhưng những người mua tiềm năng cũng biết rõ điều đó.

Cuối cùng, một số người tin rằng một thương vụ như vậy sẽ xoa dịu bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn. Một đối thủ cạnh tranh mới sẽ gần như chắc chắn vẫn cần phải thực hiện việc chế tạo thiết bị ở Trung Quốc, nước sản xuất một nửa số thiết bị viễn thông của Mỹ. Những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc sẽ không biến mất. Và cuộc tấn công mới nhất của Huawei cũng không phải là “quyến rũ” hết. Tuần trước, hãng đã buộc tội các quan chức Mỹ đóng giả nhân viên Huawei để thực hiện các vi phạm, nhằm “tạo ra những lời buộc tội vô căn cứ chống lại công ty”. Họ cũng cáo buộc chính phủ Mỹ tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào Huawei. Những điều đó có thể làm quan hệ xấu thêm.

Vậy liệu đề nghị của ông Nhậm có phải là dấu hiệu cho sự tuyệt vọng của Huawei không? Hoàn toàn không có chuyện đó, ông nói. Ông Nhậm nói rằng Huawei đã tìm thấy các nhà cung cấp thay thế cho hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng mạng của mình mà không bị ảnh hưởng bởi việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Ông phủ nhận việc công ty sẽ bị lỗ trong năm tới.

Tuy nhiên, mảng thiết bị tiêu dùng đang chịu áp lực lớn. Một nửa trong doanh thu 105 tỉ đô la của công ty trong năm ngoái đến từ 208 triệu điện thoại thông minh được bán trên toàn thế giới. Mảng này cũng chiếm một phần lớn về lợi nhuận. Mảng kinh doanh này đang gặp nhiều rắc rối. Các điện thoại Huawei bán bên ngoài Trung Quốc là các thiết bị đáng mong muốn chủ yếu nhờ vào các phần mềm độc quyền của Google. Android, hệ điều hành di động của Google mà Huawei sử dụng, là mã nguồn mở và có sẵn. Nhưng các ứng dụng của Google thì không. Bởi vì Google là của Mỹ và các ứng dụng của nó được tạo ra ở Mỹ, lệnh cấm bán công nghệ Mỹ cho Huawei cũng áp dụng cho các ứng dụng này.

Ông Nhậm nói rằng Google đã vận động hành lang chính quyền Trump để cho phép họ tiếp tục cung cấp hệ điều hành Android phiên bản độc quyền cho Huawei, nhưng cho đến nay không có kết quả. Trừ khi Mỹ thay đổi chính sách, Huawei sẽ vẫn mắc kẹt với phiên bản mã nguồn mở của Android, mà không đi kèm bất kỳ ứng dụng nào mà người tiêu dùng mong muốn. Công ty này đang trong quá trình phát triển hệ điều hành của riêng mình, Harmony OS, nhưng trong nhiều năm tới nó vẫn sẽ không phải là đối thủ của hệ sinh thái Android vốn đã trưởng thành.

Tự xoay sở

Điều này có nghĩa là tất cả các điện thoại Huawei mới sẽ xuất xưởng mà không có Gmail, Google Maps, YouTube, và quan trọng nhất là Google Play Store. Play Store là thứ cho phép người dùng Android tải xuống các ứng dụng như Whatsapp, Instagram và Facebook một cách dễ dàng. Đặc biệt là WhatsApp đã trở thành một phương thức liên lạc tiêu chuẩn ở nhiều nơi trên thế giới bên ngoài nước Mỹ. Trừ khi được chính phủ Mỹ cho phép, điện thoại thông minh mới của Huawei sẽ chẳng khác gì một chiếc máy ảnh có thêm chức năng gọi điện thoại. Công ty sẽ ra mắt Mate 30, mẫu điện thoại cao cấp đầu tiên kể từ khi bị đưa vào danh sách đen, vào ngày 19 tháng 9 tại Munich. Huawei tuyên bố các tính năng phần cứng của mẫu điện thoại này sẽ giúp bù đắp doanh số. Nhưng một chiếc điện thoại thiếu các chức năng cơ bản khó có thể tạo tiếng vang. Mảng thiết bị tiêu dùng suy yếu sẽ làm giảm lợi nhuận của công ty.

Thị phần điện thoại thông minh của Huawei tại Trung Quốc, nơi họ chưa bao giờ dựa vào các ứng dụng của Google, đang tăng nhanh. Nhưng hai phần năm doanh số điện thoại hàng năm của hãng, tương đương 20 tỷ đô la, đến từ thị trường nước ngoài. Dù các giám đốc điều hành của hãng từ chối chia sẻ các dự đoán, tăng trưởng doanh thu toàn công ty trong chín tháng cho đến tháng 8/2019 đã giảm còn 19% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 23% trong nửa đầu năm 2019. Nếu mẫu Mate 30 và các mẫu kế nhiệm thất bại, Huawei sẽ mất hàng tỷ đô la doanh thu hàng năm.

Các thách thức về chuỗi cung ứng cũng tác động tới các mảng hoạt động kinh doanh khác. Các lập trình viên đang bận rộn viết phiên bản công cụ phần mềm của Huawei được gọi là “compiler” và “library”. Những công cụ này được sử dụng để tạo ra các phần mềm cung cấp cho tất cả các thiết bị điện tử, không chỉ điện thoại thông minh. Tương tự như Android, Huawei sẽ phải tạo ra phiên bản của riêng mình cho các ứng dụng này cùng một hệ sinh thái công nghệ xung quanh chúng. Các hệ sinh thái như vậy phải mất nhiều năm để phát triển và sự phát triển một hệ sinh thái như vậy còn phụ thuộc vào các nhà phát triển bên thứ ba, những người có mục tiêu và động lực riêng của họ. Chuyên môn của Huawei về công nghệ phần cứng cao cấp rất ít có tác dụng ở đây.

Và bất chấp sự đảm bảo của ông Nhậm, tình hình tài chính của Huawei đang bị siết chặt. Thậm chí, ông còn thừa nhận rằng mối quan hệ của hãng với các ngân hàng lớn của phương Tây như HSBC và Standard Chartered đã bị phá vỡ. Tuy nhiên, công ty còn rất nhiều tiền mặt và ông nói các ngân hàng nhỏ hơn vẫn sẵn sàng cho Huawei vay. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, nơi trong quá khứ đã cung cấp tín dụng cho Huawei và ZTE, có thể sẽ cho vay tiếp nếu cần. Ông Nhậm và các nhân viên của ông liên tục tuyên bố rằng dòng tiền của công ty vẫn “lành mạnh”, và lấy các công trình xây dựng quy mô lớn của công ty làm dẫn chứng. Hãng vừa hoàn thành một khu nghiên cứu rộng 120 ha trị giá 1,4 tỷ đô la.

Huawei đang bị buộc phải chuyển đổi từ một công ty sản xuất và bán phần cứng thành một công ty sản xuất nhiều thứ khác nhau mà trước đây họ chỉ việc mua từ những nhà cung cấp khác. Đây là loại dịch chuyển gây khó khăn cho công ty. Mảng kinh doanh mang lại nhiều tiền nhất đang bị đe dọa trong khi họ phải đầu tư nhiều nhằm thay thế các nhà cung cấp và các phần mềm họ không còn có thể mua từ Hoa Kỳ. Ông Nhậm có thể hy vọng rằng việc đề xuất bán công nghệ 5G của Huawei sẽ giúp ông có đủ nhiên liệu để giúp Huawei bay cao hơn nữa. Nhưng nhìn ra sau những bức bích họa sặc sỡ ở Thâm Quyến, cũng như những cử chỉ mang tính biểu diễn của ông, tương lai của Huawei vẫn còn trông rất ảm đạm.