Nguồn: Robert Skidelski, “The Economic Consequences of Automation”, Project Syndicate, 18/09/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Trong khi Brexit chiếm tiêu đề của báo chí ở Vương quốc Anh và các nơi khác, cuộc diễu hành trong im lặng của quá trình tự động hóa vẫn tiếp tục. Hầu hết các nhà kinh tế xem xu hướng này là có ích: công nghệ, theo họ, có thể phá hủy việc làm trong ngắn hạn, nhưng sẽ tạo ra những việc làm mới và tốt hơn trong dài hạn.
Sự phá hủy việc làm là rất rõ ràng và trực tiếp: một công ty tự động hóa băng chuyền, hệ thống thanh toán tại siêu thị hoặc hệ thống giao hàng, sẽ chỉ giữ lại một phần mười lực lượng lao động làm giám sát viên, và sa thải phần còn lại. Nhưng những gì xảy ra sau đó lại ít rõ ràng hơn.
Lập luận kinh tế tiêu chuẩn là người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa ban đầu sẽ mất việc, nhưng toàn bộ dân số sau đó sẽ được bồi thường. Ví dụ, các nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Christopher Pissarides và Jacques Bughin của Viện Toàn cầu McKinsey cho rằng năng suất cao hơn từ tự động hóa “sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn, tăng nhu cầu lao động và tạo ra lượng việc làm lớn hơn”.
Nhưng lý thuyết về bồi thường này là quá trừu tượng. Trước tiên, chúng ta cần phân biệt đổi mới giúp “tiết kiệm lao động” và đổi mới giúp “tăng cường lao động”. Đổi mới sản phẩm, chẳng hạn như sự ra đời của ô tô hoặc điện thoại di động, là giúp tăng cường lao động. Ngược lại, đổi mới quy trình, tức giới thiệu một phương pháp sản xuất cải tiến, là tiết kiệm lao động, bởi vì nó cho phép các công ty sản xuất cùng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ hiện hữu với ít công nhân hơn.
Đúng là các công việc mới được tạo ra bởi sự đổi mới sản phẩm có thể bị bù trừ bởi “hiệu ứng thay thế”, vì thành công của một sản phẩm mới khiến cho lao động làm việc sản xuất sản phẩm cũ trở nên dư thừa. Nhưng thách thức lớn nhất lại đến từ đổi mới quy trình, bởi đổi mới quy trình chỉ làm mất công việc cũ mà không tạo ra công việc mới. Khi đổi mới quy trình chiếm ưu thế, chỉ có các cơ chế bồi thường mới có thể giúp ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng, hay tình trạng mà nhà kinh tế học người Anh David Ricardo gọi là sự dư thừa của dân số.
Có một số cơ chế để làm điều này. Đầu tiên, lợi nhuận gia tăng sẽ dẫn đến đầu tư hơn nữa vào công nghệ mới, và do đó là sản phẩm mới. Ngoài ra, cạnh tranh giữa các công ty sẽ dẫn đến việc giảm giá chung, làm tăng nhu cầu về sản phẩm và kéo theo đó là nhu cầu lao động. Cuối cùng, việc giảm tiền lương gây ra bởi thất nghiệp công nghệ ban đầu sẽ làm tăng nhu cầu lao động và khuyến khích quay lại các phương pháp sản xuất thâm dụng lao động hơn, thu hút những người lao động dư thừa.
Các cơ chế bồi thường này hoạt động nhanh như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ dễ dàng của việc lưu chuyển vốn và lao động giữa các ngành nghề và khu vực địa lý khác nhau. Sự ra đời của công nghệ tiết kiệm lao động sẽ dẫn đến giá thấp hơn, nhưng nó cũng sẽ làm giảm mức tiêu thụ của những người lao động bị dư thừa. Vì vậy, một câu hỏi là hiệu ứng nào sẽ có tác động nhanh hơn. Các nhà kinh tế theo trường phái Keynes cho rằng sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa do thất nghiệp sẽ diễn ra trước, và do đó có tác dụng chi phối so với việc giảm giá nhờ tự động hóa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng hơn nữa, ít nhất là trong ngắn hạn.
Hơn nữa, ngay cả khi tình trạng mất việc như vậy chỉ là một hiện tượng ngắn hạn, hiệu ứng tích tụ của một loạt các đổi mới tiết kiệm lao động theo thời gian có thể tạo ra thất nghiệp dài hạn. Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm giá hiệu quả phải diễn ra khi có sự cạnh tranh. Còn trong một thị trường độc quyền, một công ty có thể sử dụng chi phí tiết kiệm được để tăng lợi nhuận thay vì giảm giá.
Những lý do như vậy đã củng cố quan điểm đương đại cho rằng lợi ích của tự động hóa là về lâu dài, và dư thừa lao động sẽ tăng lên trong “thời kỳ chuyển tiếp”. Nhưng thời kỳ chuyển tiếp có thể kéo dài nhiều thập niên như một báo cáo gần đây của Viện Toàn cầu McKinsey cho hay. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi các công nhân đang hoài nghi các lập luận về bồi thường này.
Karl Marx lập luận rằng không có quá trình bồi thường nào như vậy tồn tại, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Câu chuyện ông kể vì thế không có kết thúc có hậu cho người lao động – ít nhất là dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
Marx nói rằng cạnh tranh buộc các công ty riêng lẻ phải đầu tư càng nhiều lợi nhuận càng tốt vào mục đích tiết kiệm lao động – nghĩa là cắt giảm chi phí thông qua máy móc. Nhưng cơ giới hóa gia tăng không có lợi cho các nhà tư bản nói chung. Thật vậy, công ti nào đi tiên phong sẽ tận hưởng lợi thế tạm thời bằng cách “hưởng lợi từ đường cong chi phí trung bình giảm dần”, như Joseph Schumpeter lập luận trong cuốn History of Economic Analysis (Lịch sử Phân tích Kinh tế), qua đó tiêu diệt các công ty yếu hơn trong quá trình này. Nhưng cạnh tranh sau đó giúp khuếch tán công nghệ mới và nhanh chóng làm khoản siêu lợi nhuận tạm thời kia biến mất.
Marx lập luận rằng muốn khôi phục tỷ lệ lợi nhuận đòi hỏi “một đội quân dự bị ngày càng lớn của người thất nghiệp”. Vì vậy, ông viết, cơ giới hóa “ném người lao động ra vỉa hè”. Đối với Marx, thất nghiệp về bản chất là do công nghệ. Và mặc dù đội quân dự bị tạm thời được hấp thụ vào lực lượng lao động trong thời kỳ thịnh vượng cao, nhưng sự tồn tại liên tục của đội quan này dẫn đến tình trạng bần cùng hóa ngày càng tăng về dài hạn.
Do đó, đối với Marx, thứ tự các sự kiện về dài hạn hoàn toàn ngược lại với quan điểm chính thống: cơ giới hóa tạo ra sự thịnh vượng trong ngắn hạn, nhưng phải trả giá bằng sự xuống cấp (bần cùng hóa người lao động) về dài hạn.
Các tác động về tái phân phối thu nhập của thay đổi công nghệ từ lâu đã chiếm vị trí nổi bật trong các cuộc thảo luận của các nhà kinh tế. Trong cuốn sách The Theory of Wages (Lý thuyết tiền lương) năm 1932, John Hicks đã phát triển ý tưởng về “đổi mới do bị thúc đẩy”. Ông lập luận rằng tiền lương cao hơn đe dọa tỷ lệ lợi nhuận, khiến doanh nghiệp phải tiết kiệm sử dụng lao động bởi vì yếu tố sản xuất này ngày càng tương đối đắt đỏ hơn. Do đó, tự động hóa nền kinh tế không chỉ đơn giản là do sức mạnh của máy tính ngày càng tăng, theo Định luật Moore, mà còn phụ thuộc vào những thay đổi trong chi phí lao động và vốn.
Đây là những lập luận phức tạp về mặt kỹ thuật. Nhưng lý thuyết kinh tế rõ ràng không mang lại một câu trả lời rõ ràng về ảnh hưởng lâu dài của tiến bộ công nghệ đối với việc làm. Kết luận tốt nhất chúng ta có thể rút ra là tác động sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình, và vào các yếu tố như tình trạng nhu cầu, mức độ cạnh tranh trên thị trường và sự cân bằng quyền lực giữa vốn và lao động.
Đây là các lĩnh vực rất quan trọng mà chính phủ có thể can thiệp. Ngay cả khi tự động hóa nhìn chung có lợi về lâu dài, thì các nhà hoạch định chính sách không nên bỏ qua các hiệu ứng ngắn hạn mang tính xáo trộn của quá trình này. Rốt cuộc, những gì xảy ra trong ngắn hạn chính là những khoảnh khắc lịch sử kinh hoàng mà chúng ta từng chứng kiến.
Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes.