Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên: Bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam  

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Khu nhà Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên khuất trong một ngõ hẹp ở làng Lai Xá, ngoại thành Hà Nội. Cổng vào không có bất cứ trang trí hoặc màu sắc nào gây chú ý, chỉ có một biển tên nhỏ gắn trên tường. Từ trong đến ngoài, tất cả đều giản dị, khiêm tốn. Nhưng khi nghe giới thiệu, mới biết cách bài trí ở đây rất công phu và đầy ý tưởng. Từ mỗi gốc cây được trồng, mỗi viên gạch cổ lát lối đi trong mảnh vườn xinh xinh có cái tên đầy thi vị “Vườn Ký ức”, cho tới sự bố trí các kỷ vật nói lên truyền thống gia đình của ông bà Nguyễn Văn Huyên-Vi Kim Ngọc trong bốn tầng nhà nhỏ, tất cả đều thể hiện tình cảm sâu sắc của con cháu nhớ và nghĩ về tiền nhân. Đây là điều đầu tiên người xem cảm nhận được khi đi vào khoảnh sân và mảnh vườn khu Bảo tàng.

Trong thời buổi đạo đức xã hội xuống cấp, khi lối sống thực dụng ích kỷ đang làm người ta bớt hiếu thảo với ông bà cha mẹ, bớt yêu thương lẫn nhau, hiếm gia đình nào giữ được tình cảm quý giá ấy – yếu tố quan trọng nhất mà nếu thiếu thì không thể có bảo tàng này.

Bảo tàng của tình yêu gia đình

Ông Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) du học tại Đại học Sorbonne (Pháp) từ năm 1926 và trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam (Les chants alternés des garçons et des filles en Annam). Năm 1935, Tiến sĩ[1] Nguyễn Văn Huyên về Việt Nam và giảng dạy tại Trường Trung học bảo hộ (École du protectorat). Năm 1938 ông làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ.[2] Từ năm 1941 ông tham gia Ban nghiên cứu khoa học Đông Dương (Comité de recherches scientifiques de l’Indochine). Tháng 9/1946, ông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử làm Tổng Giám đốc Nha Đại học vụ. Tháng 11 cùng năm ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục và ở cương vị này cho đến hết đời.

Bà Vi Kim Ngọc người dân tộc Tày quê gốc Nghệ An, tuy không được học cao như chồng nhưng đã dành cả đời mình giúp ông thực hiện lý tưởng cao cả phụng sự đất nước. Bà là mẫu người phụ nữ hết lòng yêu chồng, thương con cháu, dành tất cả cho người thân. Những bức thư ông bà gửi cho nhau hoặc gửi con cháu cho thấy hai người đều rất giàu tình cảm gia đình. Trong một bức thư ông nhớ lại : “Lúc ở nhà sáng dậy sớm xuống thăm mẹ, ngày đi làm rồi vội vàng về nhà với vợ con…” Hiếu thảo với cha mẹ và thương yêu lẫn nhau, hai tình cảm ấy gắn kết gia đình thành một tế bào vững bền, tránh được sự xâm thực của mọi thói hư tật xấu.

Gia đình ông bà Huyên-Ngọc thuộc trong số không nhiều gia đình tầng lớp cán bộ-trí thức cấp cao giữ được nền nếp tốt đẹp tổ tiên để lại. Họ không theo đuổi danh lợi, là thứ họ có điều kiện giành được nhiều hơn. Ông Huyên suốt đời cần mẫn âm thầm làm việc như một con kiến, chỉ lo cống hiến cho tổ quốc. Trong một bức thư gửi vợ con đề ngày 18/6/1946, ông viết : “Huyên không thiết gì ngoài cái tình thân mật trong gia đình, còn danh lợi thì dửng dưng không ham muốn, có thì dùng, không bao giờ tự đi kiếm…”.

Tình thân mật gia đình là một nét độc đáo trong gia tộc Nguyễn Văn Huyên. Thuyết minh cây phả hệ 6 đời hai họ Nguyễn và Vi trên bức tường ở tầng một cho biết : cụ Phạm Thị Tý (mẹ ông Huyên) chồng mất sớm, ở vậy nuôi các con trưởng thành, cống hiến cho đất nước hai nhà trí thức là Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng (luật sư, thứ trưởng Bộ Tư pháp 1946). Bà Nguyễn Thị Mão (chị ruột ông Huyên), người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, sau khi ra trường đã sống đơn chiếc trong bảy năm để đi làm lấy tiền lương chu cấp cho hai em du học ở Pháp; khi họ thành tài, bà đã luống tuổi mới nghĩ tới chuyện chồng con (lấy một ông góa vợ). Truyền thống tình cảm cao cả ấy được ông bà Huyên-Ngọc cùng con cháu kế thừa. Bốn người con ông bà cùng các bạn đời của họ đều xây dựng được cho mình những mái ấm đầy tình thương, đồng thời giữ được đại gia đình bền chặt như khi còn cha mẹ, nhờ thế họ đã vượt qua mọi khó khăn để xây dựng nên Bảo tàng này – vật kỷ niệm vô giá về cha mẹ ông bà của họ.

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm

Phần chính của Bảo tàng dành để trưng bày sự nghiệp của ông Nguyễn Văn Huyên. Nhiều người đã biết về nhà trí thức đáng kính, vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục liên tục 29 năm ấy. Các vật trưng bày cho thấy ông là một nhà khoa học hiếm có ở nước ta thời nay. Đọc những dòng chữ Việt, chữ Pháp và chữ Hán nhỏ li ti nhưng ngay ngắn nghiêm chỉnh ông ghi chép trên biết bao trang giấy tờ sổ sách đã úa vàng, người xem thực sự khâm phục phương pháp khoa học và công phu ông bỏ ra để sưu tầm tư liệu nghiên cứu. Thảo nào khi ông bảo vệ xong luận án tiến sĩ, báo chí Pháp coi đây là một sự kiện và dành cả một cột báo để đưa tin. Không những giỏi tiếng Pháp mà Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên còn giỏi chữ Hán, tinh thông Nho giáo, Phật giáo, là người Việt Nam duy nhất trong số 5 thành viên khoa học thường trực của Viện Viễn đông Bác cổ cho đến năm 1945. Các lĩnh vực ông nghiên cứu và nắm vững rất rộng, từ hát đối nam nữ dân tộc Tày đến kiến trúc nhà sàn, từ tục thờ cúng trong dân gian đến vấn đề phát triển nông thôn v.v… Ông là nhà dân tộc học số Một, nhà sử học và văn hóa học, nhà khoa học xã hội-nhân văn hàng đầu nước ta.

Điều thú vị là ở đây có rất nhiều hiện vật, chứ không chỉ có nhiều ảnh như ở không ít nhà bảo tàng khác. Từ bộ bàn phấn trang điểm bà Ngọc dùng khi mới từ Việt Bắc về Hà Nội, rồi lần lượt chuyển cho các con khi họ lập gia đình, chiếc va li bằng đuy-ra bà mang theo suốt 8 năm kháng chiến chống Pháp, cho tới máy nghe nhạc và chiếc máy ảnh bất ly thân của ông Huyên cùng nhiều giấy tờ, chứng từ sổ sách có từ nửa đầu thế kỷ 20, tất cả các kỷ vật này tự chúng nói lên nhiều điều.

Tuy rằng phần trưng bày về ông Huyên chiếm ba phần tư tòa nhà, nhưng mọi thứ dường như lại nói lên bà Vi Kim Ngọc mới là linh hồn của gia đình và của Bảo tàng này.

Người đàn bà quý phái, xinh đẹp và tài giỏi ấy là chỗ dựa vững chắc nhất của ông, bà đã nuôi dạy con nên người, xây dựng gia đình mình thành cái tổ ấm đầy tình yêu thương để ông yên tâm làm nhiệm vụ với tổ quốc. Khó có thể nói cuộc đời của ông đều thuận buồm xuôi gió. Ngót ba chục năm làm Bộ trưởng mà lại đứng ngoài hàng ngũ của đảng lãnh đạo, ai cũng biết ông khổ tâm như thế nào khi ngày ngày phải làm việc với các vị cán bộ dưới quyền nhưng lại nắm thực quyền. Đã có lần (1950) vị cử nhân luật này xin từ chức để làm nghề luật, với lý do không là đảng viên nên công tác gặp nhiều khó khăn. Nhưng Bác Hồ khuyên ông ở lại: “Đó là yêu cầu của Đảng, đất nước chưa thống nhất, Đảng cần những người như chú…”, “Chú cần đứng ngoài Đảng!”  Nếu không có cái tổ ấm của bà Ngọc tiếp sức mạnh thì chắc gì ông Huyên đã có thể chịu đựng thêm mấy chục năm gian khó nữa.

Chỉ vì bố ngoài Đảng nên các con ông gặp biết bao trắc trở khi họ phấn đấu vào Đảng. Bà Ngọc cũng bị nhiều thiệt thòi, vị cán bộ tổ chức cơ quan bà đã cố tình “dìm” bà, trong hai chục năm trời bà vẫn chỉ được hưởng mức lương khởi điểm, mặc dù bà luôn là lao động tiên tiến và có đơn khiếu nại. Nếu ông ở trong Đảng thì không thể xảy ra chuyện oan ức ấy.

Trong các gia đình cùng trang lứa, có lẽ gia đình ông bà Huyên-Ngọc hạnh phúc trọn vẹn hơn cả. Tuy rằng con cháu họ không có ai trở thành đại gia, tỷ phú, hoặc quyền cao chức trọng, hoặc đều là giáo sư tiến sĩ… nhưng gia đình họ hòa thuận, gắn kết, không có điều tiếng, không con cháu nào ngang trái, không có tan vỡ hôn nhân,… cha mẹ khi nhắm mắt xuôi tay có thể hoàn toàn yên tâm về con cháu. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên là bằng chứng của một gia đình thành công.

Bà Vi Kim Ngọc có đặc điểm rất chịu khó ghi chép, viết lách, lưu giữ tư liệu, kỷ vật. Suốt đời bà ghi nhật ký, đây là một thói quen đáng trọng của những người ưa tự soi xét mình và rút kinh nghiệm. Hiếm thấy người đàn bà nào năng viết thư cho chồng và con cháu như bà. Bằng cách ấy bà đã gửi tới họ tình yêu thương và niềm hy vọng, gắn chặt mọi người với nhau, hình thành một gia đình vững chắc.

Có lẽ bà Ngọc chưa hề nghĩ tới việc sẽ lập một cơ ngơi lưu giữ kỷ vật của gia đình mình, nhưng không có bà thì không thể có bảo tàng này. Suốt đời bà dày công lựa chọn, sưu tầm và lưu giữ, bảo quản các hiện vật tượng trưng cho sự nghiệp của chồng. Bộ trưởng Huyên bận việc nước, luôn đi đây đi đó, sao có thể nghĩ tới chuyện ấy. Thật không hiểu trong những ngày long đong dắt díu đàn con nhỏ chạy giặc ở vùng Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp, bà Ngọc làm thế nào có thể mang theo mình ngần ấy tranh ảnh, giấy tờ, sổ sách, kể cả những bản ghi chép của ông từ thời ông bà chưa biết nhau. Cũng chẳng rõ bà dùng cách nào để bảo quản tốt những giấy tờ ấy trong điều kiện rừng núi Phú Thọ, Tuyên Quang ẩm ướt và lắm mối, gián phá hoại. Tình yêu quý sự nghiệp của chồng đã giúp bà Ngọc lưu giữ được mấy trăm kỷ vật trưng bày trong nhà bảo tàng này.

Cũng cần nhắc tới vai trò của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, trưởng nữ ông bà Huyên-Ngọc. Sau khi nghỉ hưu, bà đã bỏ ra nhiều năm sưu tầm tài liệu và viết cuốn sách “Tiếp bước chân cha – Hồi ký về giáo sư Nguyễn Văn Huyên” dầy hơn 700 trang. Chắc là từ cuốn hồi ký đầy những kỷ niệm cảm động ấy mà các em bà đã phác thảo nên nội dung của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ai đã đọc Tiếp bước chân cha đều ngạc nhiên trước lượng tư liệu phong phú tác giả sưu tầm được để viết nên bộ sử gia đình đồ sộ này.

Tương lai của bảo tàng gia đình

Nghe nói Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên là bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam, vì thế mọi người đều quan tâm loại hình bảo tàng này. Làm bảo tàng gia đình là một công trình khó khăn, phức tạp, tốn kém. Cho dù có đủ điều kiện vật chất, tài chính mà thiếu điều kiện về con người thì cũng khó có thể làm được. Công trình này cần tới một nhà thiết kế có hiểu biết về bảo tàng học. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có một nhà thiết kế tài giỏi là ông Nguyễn Văn Huy, con út ông bà Huyên-Ngọc, nguyên Giám đốc Viện bảo tàng Dân tộc học – bảo tàng thành công nhất, nổi tiếng nhất nước ta hiện nay. Ông Huy đã bỏ nhiều công sức và tài trí để thiết kế Bảo tàng này một cách độc đáo, khoa học, mỹ quan.

Vấn đề tiếp sau là cần làm gì để Bảo tàng thường xuyên có khách đến thăm. Gia đình các con ông bà Huyên-Ngọc đều ở xa Lai Xá; khu nhà bảo tàng không có người trông nom, khách thăm chỉ có thể đến vào thứ Bảy và Chủ nhật; nếu muốn đến ngày thường phải hẹn trước để gia đình cho người tới đây chuẩn bị; việc duy trì và khai thác nhà bảo tàng khá tốn kém, các chủ nhân đã nghĩ tới khả năng có thể bán vé cho khách thăm.

Gia đình là tế bào của xã hội. Trưng bày cuộc sống gia đình là trưng bày một phần cuộc sống của xã hội, có tác dụng giúp cho các thế hệ sau biết về các thế hệ trước, biết về sự biến động của lịch sử dân tộc, điều đó rất bổ ích. Hiện nay rất ít nhà có điều kiện tinh thần và vật chất để làm bảo tàng riêng; người ta hay dùng cách xuất bản hồi ký để ghi lại lịch sử gia tộc và gia đình mình. Nhưng ngôn ngữ bảo tàng sinh động hấp dẫn hơn ngôn ngữ trên giấy rất nhiều.

Gia đình ông bà Huyên-Ngọc thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội cũ và tầng lớp cán bộ cấp cao trong xã hội mới. Hai anh em Huyên-Hưởng đi Pháp du học từ thời trẻ, đỗ đạt cao, về nước làm việc cũng hưởng lương cao. Bà Ngọc là con quan Tổng đốc một tỉnh lớn, từ nhỏ đã được gửi về Hà Nội học, cầm kỳ thi họa đều giỏi. Phụ nữ có trình độ giáo dục như vậy hồi ấy rất hiếm. Thời đang yêu chưa cưới, chủ nhật nào ông Huyên cũng lái ô tô từ Hà Nội về Thái Bình thăm bà. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc. Sau cách mạng, họ cũng có mức sống cao hơn nhiều người khác. Tuy thế họ sống rất trong sáng, bình đẳng không làm cao, không xa lánh người thường.

Có ý kiến e rằng làm bảo tàng trưng bày về cuộc sống của tầng lớp thượng lưu quý phái có thể gây phản cảm ở những người bình dân. Sự lo xa ấy không cần thiết vì thời nay chắc chẳng mấy ai có ý nghĩ như vậy. Tầng lớp nào cũng là tồn tại lịch sử. Chẳng ai tránh né được số phận trời cho; nếu sinh ra ở tầng lớp ấy thì bạn hoặc tôi cũng sẽ thế thôi. Tầng lớp thượng lưu đi theo tiếng gọi của cách mạng – sự thực đó càng tô đẹp bức tranh xã hội Việt Nam. Nếu có điều kiện thì tầng lớp nào cũng nên làm bảo tàng gia đình; miễn là phản ánh đúng thực tế. Bảo tàng gia đình dân tộc thiểu số, bảo tàng gia đình bần cố nông… sẽ là những lớp học lịch sử tốt nhất để đời sau biết về xã hội ta thời trước. Chính quyền nên ban hành quy chế riêng để hợp pháp hóa loại bảo tàng này.

Bảo tàng gia đình Nguyễn Văn Huyên mở đầu một trào lưu mới rất thú vị và đầy triển vọng trong lĩnh vực văn hóa xã hội, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của xã hội ta – đóng góp này rất đáng trân trọng, và thực tế đã được mọi người hoan nghênh. Mong rằng sau đây sẽ có thêm nhiều bảo tàng như vậy.

 ——————-

[1] Học vị học hàm ở đây dùng theo sách “Từ Bộ Quốc gia Giáo dục đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (1945-1995)” [Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ : Lịch sử cơ quan Bộ GDĐT 1945-1995]. Trang 13 sách này viết “Tổng Giám đốc Nha Đại học vụ: Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Hội viên hạng nhất, Viện Đông phương Bác cổ EFEO” kèm ghi chú: “Thời Pháp thuộc chưa có một người Việt Nam nào được phong danh hiệu giáo sư Đại học”. Nhưng sách lại viết học hàm của ông Ngụy Như Kon Tum Tổng Giám đốc Nha Trung học vụ là “giáo sư Thạc sĩ hạng nhất” [với ghi chú: học vị này “agrégé” không giống học vị “Thạc sĩ (master)” ta hiện dùng]; học hàm của hai ông : Dương Quảng Hàm Tổng thanh tra Trung học vụ và Nguyễn Hữu Tảo Tổng Giám đốc Nha Tiểu học kiêm Tổng thanh tra Tiểu học vụ lại đều ghi là “giáo sư thượng hạng, hạng nhất bậc tiểu học (ngạch Âu cũ)”. Theo tập quán, thời Pháp thuộc các giáo chức dạy từ Trung học cấp 2 trở lên đều gọi là giáo sư. Xin lưu ý để tránh nhầm lẫn trong thời buổi hiện nay đang trọng học vị học hàm. Theo thiển ý của chúng tôi, học hàm “Hội viên hạng nhất Viện EFEO” của ông Nguyễn Văn Huyên tương đương Viện sĩ ngày nay.

[2] Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d’Extrême-Orient, viết tắt EFEO) thành lập năm 1900, là trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học. Là cơ quan nghiên cứu khoa học cao nhất Đông dương hồi đó, từng có đóng góp lớn về nghiên cứu KHXH Việt Nam, TQ, Nhật… Trụ sở đầu tiên đặt ở Sài Gòn, năm 1902 chuyển ra Hà Nội; năm 1957 dời tới Phnom Penh (Campuchia), năm 1975 chuyển sang Paris.