Tác giả: Mâu Chung Giám (Trung Quốc) | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Có mấy lý do cần phải nhận thức lại quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.
Thứ nhất, quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx là cơ sở lý luận và tư tưởng chỉ đạo công tác tôn giáo của chúng ta [tức Trung Quốc] hiện nay. Nếu có chỗ nào sai lệch với quan điểm đó thì công tác tôn giáo của chúng ta sẽ không lành mạnh. Bởi thế cần phải luôn luôn học tập và nhận thức quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.
Thứ hai, công tác tôn giáo của Trung Quốc thời gian qua tuy có thành tích lớn song đồng thời cũng đã xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng văn hóa chúng ta từng đòi tiêu diệt tôn giáo, từng mặc ý phá hoại văn hóa tôn giáo – sai lầm đó có liên quan tới nhận thức cực tả về quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx. Cái gì thực tiễn chứng tỏ là đúng thì ta cần tiếp tục; cái gì thực tiễn chứng tỏ là sai thì cần chỉnh đốn.
Thứ ba, tình hình khách quan hiện nay đã thay đổi rất lớn, thời đại mới xuất hiện những vấn đề mới mà thời K. Marx và F. Engels chưa nghĩ tới, chúng ta không thể mời các vị ấy ra giải quyết giúp. Ví dụ vấn đề nhà nước xã hội chủ nghĩa [XHCN] nên xử lý như thế nào mối quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo và giới tôn giáo. Vấn đề này K. Marx và F. Engels chưa nghĩ đến, Lenin có đề cập vấn đề này, nhưng kết quả thực tế thì nhà nước Liên Xô lại giải quyết chưa tốt vấn đề tôn giáo; chúng ta không thể noi theo họ.
Một ví dụ nữa: K. Marx từng cho rằng cùng với sự phát triển khoa học, tôn giáo sẽ dần dần mất địa bàn và đi tới suy tàn. Tình hình thực tế hiện nay là khoa học kỹ thuật phát triển cao nhưng số lượng tín đồ tôn giáo trên thế giới lại tăng lên không ngừng. Thống kê hồi thập niên 1960 cho thấy tín đồ tôn giáo chiếm hơn 60% dân số toàn thế giới; hiện nay tỷ lệ này là hơn 80%. Những người theo chủ nghĩa Marx phải có giải đáp mới về vấn đề này. Ngoài ra, vấn đề tôn giáo dân tộc đang ảnh hưởng ngày càng lớn tới đời sống xã hội, chính trị quốc tế và sự ổn định xã hội – vấn đề này K. Marx cũng chưa từng quan tâm tới. Mặt khác, sự ra đời và phát triển ngày một mạnh mẽ các tôn giáo mới trở thành vấn đề chúng ta cần nghiên cứu.
Thứ tư, từ ngày nước CHND Trung Hoa thành lập, nhất là từ cải cách mở cửa trở đi, trên vấn đề tôn giáo, các nhà lãnh đạo và các học giả Trung Quốc đã có nhiều sáng tạo phát triển về lý luận và thực tiễn, nay cần tổng kết lại để làm phong phú quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.
Hạt nhân quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx
Lâu nay người ta luôn luôn có những quan điểm khác nhau về vấn đề hạt nhân trong quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx là gì. Nhiều người cho rằng đó là “Thuyết Thuốc phiện“: Tôn giáo là thứ thuốc phiện để ru ngủ nhân dân.
Có nhiều người chưa nghiêm chỉnh đọc sách của K. Marx nhưng mỗi khi nói đến tôn giáo thì họ nghĩ ngay tôn giáo là thuốc phiện, và cho rằng đây là luận điểm quan trọng nhất của K. Marx về vấn đề tôn giáo. Cách nghĩ này khá phổ biến.
Thực ra, “Thuyết thuốc phiện” không phải là hạt nhân quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx, bởi lẽ nó không vạch ra được bản chất và nguồn gốc thực sự của tôn giáo.
Cơ sở lý luận quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx là quan điểm duy vật lịch sử, tức coi tôn giáo là một loại kiến trúc tầng trên, một loại hình thái ý thức, là sự phản ánh nền tảng kinh tế xã hội và đời sống xã hội, nhưng là sự phản ánh lắt léo, đảo ngược.
Marx nói: “Nhà nước, xã hội sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan đảo ngược, bởi lẽ bản thân tôn giáo là thế giới đảo ngược”.
Engels cũng có một định nghĩa tương tự về tôn giáo: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua đều là sự phản ảnh trong đầu óc con người các sức mạnh bên ngoài chi phối đời sống hàng ngày của người ta; trong sự phản ánh đó, sức mạnh con người thì sử dụng hình thức sức mạnh siêu việt con người”, cũng tức là nói các vị thánh thần của tôn giáo là sản phẩm của sự áp bức của thiên nhiên và của các lực lượng xã hội đối lập với con người. K. Marx và F. Engels nói như vậy đã vạch rõ bản chất và nguồn gốc của tôn giáo.
Thế thì những người theo chủ nghĩa Marx nên có thái độ như thế nào đối với tôn giáo?
Bởi lẽ nguồn gốc tôn giáo tồn tại trong xã hội có tình trạng bất hợp lý, cho nên nếu muốn căn bản cải tạo xã hội, muốn thực hành cách mạng xã hội, thì phải dẫn dắt mọi người chuyển sự phê phán tôn giáo thành phê phán xã hội, phấn đấu xây dựng thiên đường trên trái đất. Có thiên đường ngay trên trái đất thì người ta sẽ không hướng tới thiên đường trên trời [Thiên quốc, Nước Trời] nữa.
Có thể khái quát quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx thành hai luận thuyết: Thuyết phản ánh duy vật và Thuyết cải tạo xã hội; cả hai thuyết này đều xem xét tôn giáo từ góc độ xã hội.
Trước kia các nhà chủ trương thuyết vô thần đều khảo sát tôn giáo theo cách chỉ hạn chế xem xét trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, hoặc đơn giản hóa phê phán các sai lầm của tôn giáo, coi tôn giáo là cái vòng sai lầm trong nhận thức của loài người. Triết gia Feuerbach quy kết tính thần thánh [tính thiêng liêng của tôn giáo] thành tính người [nhân tính], cho rằng con người sáng tạo ra thần linh chứ không phải thần linh tạo ra con người; nhưng ông coi con người là vật trừu tượng đơn lẻ, không hiểu tính xã hội của con người.
Ngược lại, K. Marx và F. Engels hướng ánh mắt khảo sát tôn giáo vào đời sống xã hội, nhất là đời sống kinh tế, phương thức sản xuất, cơ cấu xã hội; vì thế hai ông đưa ra được lý luận tôn giáo rất sâu sắc, lý luận này được giới xã hội học tôn giáo thế giới đánh giá rất cao.
Tất nhiên lý luận ấy cũng có chỗ chưa hoàn mỹ. K. Marx, F. Engels là những nhà cách mạng, hai ông chủ yếu xem xét tôn giáo từ góc độ cách mạng mà thiếu tính đa dạng về góc nhìn. Tôn giáo là một hệ thống văn hóa xã hội đa tầng, lập thể hóa. Khi xem xét tôn giáo không thể chỉ dừng lại ở lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội mà còn cần có tầm mắt của văn hóa học, có sự phân tích của tâm lý học, thậm chí quan tâm cả tới sinh tử học [khoa học tìm hiểu vấn đề sống và chết]. Có điều, nếu yêu cầu các tác gia kinh điển đều giải quyết xong tất cả mọi vấn đề thì còn cần chúng ta làm gì nữa?
Trong “Lời nói đầu Phê phán triết học Hegel” đúng là K. Marx có nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Nhưng nếu đọc toàn bộ sách này thì sẽ thấy K. Marx không hề có chút ý định nào nói bản thân tôn giáo là thứ xấu xa, như thuốc độc làm hại con người. Ông chỉ nói chế độ xã hội bất hợp lý làm cho nhân dân không được hạnh phúc, vì không thể chịu đựng nổi cảnh khổ đau nên nhân dân đành tìm đến sự an ủi ở tôn giáo. Trong tình trạng đó, “Nỗi khổ đau trong tôn giáo là biểu hiện nỗi khổ đau hiện thực, lại là sự phản kháng tình trạng khổ đau trong thực tế đời sống”, “vì vậy sự phê phán Nước Trời biến ra thành sự phê phán trần thế”.
Có thể thấy K. Marx luôn chĩa mũi dùi vào các chế độ áp bức bóc lột. Ông chưa bao giờ dùng câu nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” làm hạt nhân quan điểm tôn giáo của mình; nhiều nhất chỉ ví von thuốc phiện là một thứ chức năng xã hội của tôn giáo.
“Thuyết thuốc phiện” và “Thuyết đấu tranh”
Vậy “Thuyết [tôn giáo là] thuốc phiện” xuất hiện vào khi nào?
Nó xuất hiện vào thời kỳ Lenin; những người theo chủ nghĩa xã hội kiểu Nga, kiểu Liên Xô đã có trục trặc trong việc giải thích quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx.
Lenin có rất nhiều tư tưởng vô cùng đặc sắc. Ông nói: “Sự nhất trí ý kiến của giai cấp bị áp bức trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng thiên đường trên trái đất còn quan trọng hơn sự nhất trí của giai cấp vô sản về vấn đề xây dựng thiên đường đó”, cũng tức là nói sự khác biệt về tín ngưỡng không phải là quan trọng nhất mà lợi ích lâu dài chung của quần chúng nhân dân mới là quan trọng nhất.
Lenin phản đối sự tuyên chiến với tôn giáo, cho rằng đó là hành động ngu xuẩn. Ông còn nói về sự tách rời tôn giáo với chính quyền, tách rời tôn giáo với giáo dục, cố gắng làm cho tôn giáo trở thành việc riêng của từng công dân.
Thế nhưng trong bài “Bàn về thái độ của chính đảng công nhân đối với tôn giáo” ông lại nói một câu có tính khái quát: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, danh ngôn này của K. Marx là hòn đá tảng của toàn bộ thế giới quan Marxist trên vấn đề tôn giáo.”
Ta không thể tìm thấy từ các tác phẩm kinh điển của K. Marx và F. Engels những căn cứ cho sự khái quát ấy của Lenin. Sự khái quát này cũng không vạch ra nguồn gốc và bản chất xã hội của tôn giáo; coi một chức năng xã hội của tôn giáo là hòn đá tảng quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx – làm như thế là [Lenin] đã xa rời quan điểm duy vật lịch sử, hạ thấp trình độ xuống độ cao của thuyết vô thần cũ – như vậy có hợp lý không? Rõ ràng là đi ngược lại chủ nghĩa Marx.
Thế nhưng câu khái quát của Lenin rất ngắn gọn rõ ràng, hình ảnh ví von sinh động, dễ lưu truyền, cộng thêm uy tín và danh vọng của Lenin, câu nói đó dần dần trở thành kinh điển, có ảnh hưởng trên diện quá rộng.
Theo sau “Thuyết thuốc phiện” là đến “Thuyết đấu tranh”. Lenin nói: “Chúng ta phải đấu tranh với tôn giáo, đây là nguyên tắc tối thiểu của chủ nghĩa duy vật, vì vậy nó cũng là nguyên tắc tối thiểu của chủ nghĩa Marx”, “Người Marxist phải là người duy vật, là kẻ địch của tôn giáo”. Như thế đã xác định lập trường chống tôn giáo của những người Bolshevik Nga.
Dĩ nhiên người duy vật không tán thành giáo lý tôn giáo, nhưng vì cớ gì mà họ không thể tôn trọng tôn giáo mà nhất thiết cứ phải đứng trên lập trường chống tôn giáo để đấu tranh với tôn giáo? “Thuyết đấu tranh” của Lenin đi ngược lại chủ nghĩa Marx và ngược lại với chính lời Lenin nói không cần tuyên chiến với tôn giáo.
Vì vậy chủ nghĩa Lenin có mâu thuẫn sâu sắc trên vấn đề tôn giáo. Về sau Stalin lãnh đạo Liên Xô một thời gian dài, trên lý luận và thực tiễn ông đều đề cao lập trường đấu tranh với tôn giáo, hậu quả làm cho mối quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo ở vào tình trạng căng thẳng lâu dài, chỉ trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc mới có giảm nhẹ chút ít.
Tóm lại, giữa những người theo chủ nghĩa xã hội với tôn giáo, với giới tôn giáo, với văn hóa tôn giáo, rốt cuộc nên xây dựng một mối quan hệ như thế nào — vấn đề đó mãi vẫn chưa được giải quyết.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch, nguyên văn tiêu đề: “Nhận thức lại quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Marx”, trích từ “Mạng tôn giáo dân tộc Trung Quốc”.