Tiêu chuẩn mở chứ không phải trừng phạt mới giúp Mỹ đánh bại Huawei

Nguồn: Open standards, not sanctions, are America’s best weapon against Huawei”, The Economist, 08/04/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Công nghệ là sức mạnh. Bất cứ ai kiểm soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu sẽ kiểm soát thế giới. Đó là lý do tại sao Mỹ rất lo lắng về việc Trung Quốc nổi lên như một siêu cường công nghệ. Đó cũng là nguyên nhân Mỹ áp dụng mọi biện phạp, thậm chí cả việc sử dụng chính sách công nghiệp theo phong cách châu Âu, để kiềm chế Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc. Công ty này dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G, thế hệ mạng di động tiếp theo, dự kiến ​​sẽ trở thành hệ thống thần kinh trung ương của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, dù xét trên phương diện nào thì Mỹ cũng đang thua trong cuộc chiến chống lại Huawei, cũng như trong điều mà Tổng thống Donald Trump, vốn chìm đắm trong tư duy “một mất một còn”, gọi là “cuộc đua 5G”. Huawei tiếp tục phát triển; việc triển khai 5G ở Trung Quốc tiếp tục tăng tốc; và hầu hết các đồng minh của Mỹ cho đến nay đã làm ngơ các yêu cầu của Mỹ đòi cấm cửa thiết bị Huawei khỏi mạng 5G quốc gia của họ vì lý do an ninh.

Mặc dù vậy, chính quyền Trump dường như có ý định đặt cược hơn nữa vào chiến lược của mình. Nếu các quan chức hiếu chiến được toại nguyện, bất kỳ nhà sản xuất chip nào sử dụng công nghệ của Mỹ, mà gần như công ty nào cũng vậy, sẽ phải sớm xin phép Washington để được bán sản phẩm của mình cho Huawei.

Vấn đề với chiến lược của Mỹ là họ đang cố gắng giành chiến thắng trong cuộc “chiến tranh lạnh công nghệ” bằng kho vũ khí của quá khứ. Trên thực tế, Mỹ đang cố gắng xây dựng một bức tường không thể xuyên thủng xung quanh Huawei bằng bất kỳ phương tiện khả dĩ nào. Đây là một việc làm vô vọng trong một thế giới siêu kết nối, nơi công nghệ và nhân sự tài năng có thể lưu chuyển tự do. Điều này càng tạo thêm động lực cho Huawei, và Trung Quốc, trở nên tự chủ hơn về mặt công nghệ. Nếu Mỹ muốn giành chiến thắng trong cuộc đua 5G và cuộc chiến giành ưu thế kỹ thuật số nói chung, Mỹ cần một cách tiếp cận mới. May thay, ngành công nghiệp công nghệ của chính nước Mỹ đang chỉ ra một con đường: ngành công nghiệp này đã phát triển mạnh dựa trên sự cởi mở, các phần mềm và sự cân bằng lành mạnh giữa cạnh tranh và hợp tác. Và cách tiếp cận đó cuối cùng đang được áp dụng trong ngành công nghệ viễn thông.

Các mạng di động, từ lâu bị chi phối bởi phần cứng chuyên dụng, đang ngày một được định hình bởi các phần mềm. Vào ngày 8 tháng 4 vừa qua, Rakuten, một gã khổng lồ trực tuyến Nhật Bản, đã khai trương mạng di động ảo hoàn toàn đầu tiên trên thế giới, được xây dựng dựa trên các phần cứng đa năng và rất nhiều phần mềm. Các nhà mạng di động khác sẽ làm theo. Các mạng như vậy sẽ là một bước đột phá giúp đối phó với mối quan ngại của Mỹ về Huawei: rằng việc sử dụng thiết bị của công ty này trên mạng 5G có thể cho phép chính phủ Trung Quốc chặn dữ liệu hoặc phá hoại các nền kinh tế đối thủ.

Mạng ảo hóa không cần phải dựa vào một nhà cung cấp duy nhất mà có thể được xây dựng với nhiều cấu phần linh kiện từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, cho phép các nhà mạng được lựa chọn, và nếu cần, có thể tránh xa các nhà sản xuất Trung Quốc. Công nghệ này cũng tạo ra cơ hội cho các công ty công nghệ Mỹ, những công ty vốn mới đóng một vai trò nhỏ trong các mạng viễn thông di động ngày nay (Nhiều cấu phần trong mạng của Rakuten được chế tạo tại Mỹ). Hơn nữa, những mạng ảo hóa như vậy có chi phí rẻ hơn khi xây dựng, chế tạo và bảo trì so với các mạng truyền thống bởi chúng được xây dựng từ các phần cứng sẵn có và được điều khiển bởi phần mềm – làm suy yếu lập luận của nhiều nhà mạng di động rằng việc cấm Huawei sẽ buộc họ phải mua các bộ thiết bị đắt đỏ hơn từ Ericsson và Nokia, các đối thủ cạnh tranh chính của Huawei.

Phải thừa nhận rằng, các mạng ảo sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề bảo mật, và tiêu chuẩn nền tảng cho các mạng ảo này, được gọi là Openran, vẫn chưa hoàn thiện. Nhưng đây mới chỉ là những ngày đầu cho tất cả các mạng 5G. Sẽ mất nhiều năm nữa mới triển khai được đầy đủ các mạng như vậy và cuộc khủng hoảng covid-19 càng khiến quá trình triển khai bị chậm lại. Vì vậy vẫn còn nhiều thời gian.

Chính quyền Trump và các chính phủ khác nên làm tất cả những gì có thể để đẩy nhanh sự phát triển của các mạng ảo hóa bằng cách trợ cấp cho các nghiên cứu và thậm chí có thể bắt buộc sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép mạng di động được ảo hóa. Tất cả những điều này nghe có vẻ hoang đường vào thời điểm chính phủ Mỹ dường như đang mắc kẹt trong quá khứ và không có khả năng đưa ra một chiến lược rành mạch. Nhưng cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, covid-19 tạo ra không gian cho tư duy mới.

Mỹ sẽ hoặc theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ với kết quả không chắc chắn, hoặc giúp tạo ra một ngành công nghiệp nơi các công ty công nghệ Mỹ am hiểu và thăng hoa – cho phép các công ty Trung Quốc tham gia cuộc chơi chỉ khi họ tuân thủ các quy tắc. Đôi khi để thành công trong việc thiết lập một công nghệ mạnh mẽ, an toàn, người ta phải khuếch tán chứ không phải tập trung sức mạnh vào một chỗ.