Việt Nam cần ứng phó ra sao tại Biển Đông?

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

“Một dân tộc tìm cách né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì dân tộc ấy sẽ lãnh đủ cả hai thứ: cả chiến tranh và sự nhục nhã” -Winston Churchill

Câu hỏi “Trung Quốc định làm gì ở Biển Đông” và “Việt Nam có thể làm gì tại Biển Đông” đã được đặt ra từ sau khủng hoảng Biển Đông “lần thứ nhất” (5/2014) và “lần thứ hai” (7-10/2019). Nay câu hỏi đó lại được đặt ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát HD-8 và nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông, đe dọa gây ra khủng hoảng “lần thứ ba”.

Bối cảnh mới

Năm ngoái, tàu khảo sát HD-8 và các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính và biển Miền Trung (7-10/2019), sử dụng căn cứ hậu cần tại Trường Sa để tiếp liệu. Họ vừa khảo sát vừa ngăn cản Việt Nam và các đối tác thăm dò dầu khí, và chỉ rút sau khi Nhật rút giàn khoan Hakuryu khỏi mỏ Lan Đỏ (lô 06-1).

Hơn sáu tháng qua, tình hình Biển Đông có vẻ yên tĩnh vì Việt Nam và các đối tác ngừng thăm dò dầu khí trước sức ép của Trung Quốc, giống như họ đã ép Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) ngừng khoan dầu khí (7/2017) tại Cá Rồng Đỏ (lô 07-03 và 136-03). Hoạt động dầu khí của Việt Nam đã bị đình trệ, làm nguồn thu từ dầu khí bị giảm sút nghiêm trọng do không có dự án mới, chỉ còn dự án cũ của Vietsovpetro tại Nam Côn Sơn vẫn hoạt động.

Trong khi đó, ExxonMobil (Mỹ) vẫn chưa triển khai dự án khí Cá Voi Xanh (lô 118), có thể do sức ép ngầm của Trung Quốc hoặc do trục trặc về thủ tục triển khai dự án và giá bán khí, làm nổi lên tin đồn ExxonMobil có thể rút khỏi dự án Cá Voi Xanh. Trước mắt, Việt Nam chỉ còn trông đợi vào đối tác Nga và Mỹ làm đối trọng với sức ép của Trung Quốc.

Nay đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi bàn cờ địa chính trị, với những biến chuyển khó lường. Trung Quốc vừa thoát khỏi khủng hoảng sau ba tháng đóng cửa Vũ Hán, thì đến lượt Mỹ và các nước tây Âu đang mắc kẹt vào khủng hoảng Covid-19 với những tổn thất còn nặng nề hơn so với Trung Quốc. Đây chắc là cơ hội tốt mà Trung Quốc mong đợi.

Mấy tháng qua, Trung Quốc đã khai trương hai trạm nghiên cứu mới trên đảo đá Xu-Bi và Chữ Thập (20/3); khai thác 862.400m3 khí từ “băng cháy” (hydrates) tại bắc Biển Đông (17/2-18/3); tập trận tại bắc Biển Đông (vào cuối tháng 3) có tàu sân bay Liêu Ninh tham gia; tàu hải cảnh của họ đã đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở biển Hoàng Sa (ngày 2/4).

Trong khi đó, bốn tàu sân bay của Mỹ phải ngừng hoạt động, làm đảo lộn tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực, có lợi cho Trung Quốc. USS Theodore Rousevelt phải cách ly và bảo trì tại Guam vì hơn 800 thủy thủy bị lây nhiễm Covid-19. USS Ronald Reagan phải cách ly và bảo trì tại Nhật, vì một số thủy thủ cũng bị lây nhiễm. Trong khi đó, USS Carl Vinson và USS Nimitz cũng đang phải cách ly và bảo trì tại căn cứ hải quân ở Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ phải điều tàu sân bay USS Harry Truman từ Trung Đông sang khu vực này để tăng cường cho hạm đội Thái Bình Dương, trong khi Không quân Mỹ phải rút các máy bay ném bom chiến lược tầm xa khỏi Guam vì đại dịch Covid-19. Các lỗ hổng trong cấu trúc chiến lược của Mỹ ở khu vực là cơ hội tốt để xô đẩy Trung Quốc bành trướng.

Trung Quốc định làm gì?

Đó là bối cảnh Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát HD-8 và nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Nình vào Biển Đông (từ giữa tháng 4) như “ngoại giao pháo hạm” (gunboat diplomacy) để bắt nạt các nước có tranh chấp Biển Đông (như Malaysia, Việt Nam, Indonesia). Nói cách khác, Trung Quốc tăng cường tập trận, khảo sát và quấy rối để đe dọa các nước đó.

Một là để ép các nước đó phải dừng thăm dò dầu khí trong vùng biển của mình, biến vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp. Hai là ép các nước này phải hợp tác “cùng khai thác” với Trung Quốc”. Ba là nếu có cơ hội sẽ hạ đặt dàn khoan hoặc cấu trúc nào đó để lấn chiếm thêm một số vị trí (tại bãi Tư Chính, cụm Tri Tôn, cũng như bãi cạn Scaborough).

Theo MarineTraffic (23/4), nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang hoạt động gần bãi cạn Macclesfield, trong khi nhóm tàu HD-8 đang bám theo để quấy rối tàu khoan West Capella của Petronas (Malaysia) đang thăm dò dầu khí trong vùng EEZ của mình, gần vùng chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam, phía nam quần đảo Trường Sa (cách Borneo 336km).

Tuy Trung Quốc biết càng gây sức ép với Việt Nam thì càng đẩy Việt Nam gần với Mỹ hơn, nhưng họ vẫn không dừng. Nay Trung Quốc định bắt nạt Malaysia như họ đã bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính (năm 2019). Chắc họ muốn ép chính phủ mới của ông Muhyiddin Yassin phải từ bỏ ý định muốn “thoát Trung” của chính phủ ông Mahathir Mohamad.

So với các nước ASEAN khác, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng tại Biển Đông và có lập trường ngày càng cứng rắn. Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Nếu khuất phục được Việt Nam, Trung Quốc có thể thao túng ASEAN và gạt Mỹ ra khỏi khu vực để độc chiếm Biển Đông.

Tuy Trung Quốc vừa gượng dậy sau khủng hoảng Covid-19 với nhiều tổn thất và rạn nứt nội bộ, nhưng họ tranh thủ cơ hội Mỹ và đồng minh đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, thế và lực suy yếu, có thể bỏ rơi vai trò của họ ở khu vực. Đây là cơ hội hiếm để Trung Quốc tăng cường bắt nạt các nước ASEAN trong khi Mỹ và đồng minh khó có thể ứng cứu.

Để hợp pháp hóa việc chiếm đóng (trái phép) và khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, năm 2012 Trung Quốc đã lập “thành phố Tam Sa” (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody island) tại Hoàng Sa. Họ di dân đến đó sinh sống và phát triển du lịch để có bộ mặt “dân sự”.  Ngày 18/4, họ lập ra “quận đảo Nam Sa” (Nansha) và “Tây Sa” (Xinsha). Ngày 19/4, họ còn đặt tên bằng tiếng Trung cho 25 đảo, bãi đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông.

Việt Nam có thể làm gì?

Ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi LHQ Công hàm khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, phản bác các lập luận vô lý của Trung Quốc tại biển Đông. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc gửi LHQ Công hàm đáp trả Công hàm của Việt Nam, trong đó có những lời lẽ hàm ý đe dọa sử dụng vũ lực. “Cuộc chiến công hàm” là một phần trong “Tam chủng Chiến Pháp” (Three Warfare Doctrine) của Trung Quốc, gồm tâm lý, pháp lý, tuyên truyền.

Công hàm của Việt Nam gửi LHQ ngày 30/3/2020 nhằm (1) phản biện các yêu sách của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, (2) khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, (3) khẳng định Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất quy định phạm vi vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia về luật biển, Công hàm của Trung Quốc (17/4) có lời lẽ hàm ý đe dọa sử dụng vũ lực. Vì vậy, trong bối cảnh khó lường hiện nay, Việt Nam phải rất cảnh giác đề phòng Trung Quốc có thể nghi binh để dùng vũ lực uy hiếp hoặc chiếm các vị trí của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, hoặc hạ đặt giàn khoan hay một cấu trúc nào đó để lấn chiếm bãi Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn, như họ đã làm tại bãi cạn Scarborough của Philippines (2012).

Theo Greg Poling (AMTI/CSIS) ngày 20/4, các tàu tuần dương USS Bunker Hill, tàu đổ bộ USS America, tàu khu trục USS Barry (của Mỹ) và tàu khu trục HMAS Parramatta (của Úc) tập trận tại vùng biển đang tranh chấp gần nơi tàu khoan West Capella của Petronas (Malaysia) đang hoạt động và tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc đang bám theo.

Nicole Schwegman (người phát ngôn Bộ Chỉ huy Indo-Pacific) nói: “chúng ta đang phối hợp với các đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, cũng như các nguyên tắc quốc tế về an ninh và thịnh vượng ở Indo-Pacific…Mỹ ủng hộ đồng minh và đối tác vì lợi ích kinh tế của họ”. Thượng nghị sỹ Tom Cotton phát biểu với báo chí (6/4): “Mỹ đứng về phía đồng minh và đối tác của mình tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam…”

Nhưng khoảng trống quyền lực của Mỹ ở khu vực cần được hóa giải bằng tăng cường hợp tác an ninh của “Tứ cường” (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) cộng với các nước khu vực (Hàn Quốc, New Zealand) và các nước ASEAN có tranh chấp tại Biển Đông (Việt Nam, Indonesia, Malaysia). Đây là cơ sở giúp Nhật có chính danh để tăng cường vai trò an ninh ở Biển Đông.

Nếu Trung Quốc phân hóa được ASEAN như tách bó đũa để bẻ từng chiếc (chỉ đàm phán song phương chứ không đa phương) và gạt được Mỹ và đồng minh ra khỏi khu vực, để họ độc chiếm Biển Đông, thì tương lai ASEAN dễ bị “Ban Căng hóa”. Nói cách khác, Việt Nam và các nước ASEAN dễ trở thành chư hầu lệ thuộc vào Trung Quốc.

Theo H.R. McMasters (cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ) tham vọng của Trung Quốc phản ánh sự bất an, và sự tự tin bên ngoài che đậy nỗi lo bên trong. Ông xác định chiến lược của Trung Quốc gồm ba mũi nhọn là “chiếm đoạt, cưỡng chế, ngụy tạo”, và lập luận rằng phải thay thế “tự phụ chiến lược” bằng “thấu cảm chiến lược”. Nhưng “cạnh tranh chiến lược” mà McMasters khuyến nghị là một bước thụt lùi so với “chiến lược ngăn chặn” mà George Kennan đã từng đề xuất.

Thay lời kết

Trong bối cảnh mới, ASEAN muốn trở thành một cộng đồng khu vực, thì phải cải cách thể chế. Một là nguyên tắc “đồng thuận” không nhất thiết phải được cả 10 nước nhất trí mà chỉ cần đa số (2/3). Hai là nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ các nước thành viên” phải có ngoại lệ để đảm bảo an ninh khu vực. Ba là muốn đảm bảo an ninh quốc gia và khu vực, ASEAN phải gắn kết với tầm nhìn Indo-Pacific.

Trung Quốc càng gây sức ép với Việt Nam thì họ càng đẩy Việt Nam gần với Mỹ và phương Tây hơn. Trung Quốc càng tăng cường bắt nạt các nước ASEAN để độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ, thì càng đẩy các nước ASEAN phải liên kết với nhau để đối phó với Trung Quốc, nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích sống còn ở Biển Đông. Trong năm 2020, Việt Nam có thể phát huy vai trò chủ tịch ASEAN để thúc đẩy cải cách thể chế ASEAN.

Việt Nam đã “chống dịch như chống giặc” nên đạt được hai kết quả tốt. Một là cách ly và kiểm soát dịch tốt nên đến nay chỉ có 270 ca lây nhiễm và không có ca tử vong; Hai là có được “đồng thuận quốc gia” làm tiền đề quan trọng để sau đại dịch Việt Nam có thể phục hồi kinh tế, cải cách thể chế, và bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. Đại dịch này là một thảm họa, nhưng cũng là một cơ hội tốt cho nước nào biết vận dụng.

Muốn đối phó với ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN cùng các đối tác chia sẻ tầm nhìn an ninh khu vực, cần tăng cường sức mạnh răn đe. Nhưng để răn đe có hiệu quả, phải dựa trên: (1) nội lực, (2) liên kết quốc tế, (3) ý chí sẵn sàng chiến đấu. Nếu có lực lượng và vũ khí mạnh, nhưng thiếu ý chí sẵn sàng chiến đấu cũng vô nghĩa. Xét cho cùng, nguy cơ chiến tranh và sức mạnh răn đe trước hết là do nhận thức.